‘Ngẫu hứng’ Trần Tiến: Trần Hiếu, anh tôi

Anh Hiếu nhà tôi giỏi bốn năm ngoại ngữ, học võ, học vẽ, học văn như điên. Thi vào Đại học toàn đỗ thủ khoa, vậy mà bỏ đi theo nghề mẹ mắng là “xướng ca vô loài”.

Nhạc sĩ Trần Tiến vừa ra mắt cuốn sách mang tên Ngẫu hứng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn – First News ấn hành). Sách không phải tự truyện mà là tập hợp những cảm xúc, kỷ niệm Trần Tiến đã trải nghiệm. Từng trang tản mạn được ông viết theo lối văn bay bổng, giàu cảm xúc, hóm hỉnh và pha chút ngông của nghệ sĩ. Ngay cả khi ông không viết về bản thân mà về gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…, chân dung một Trần Tiến vẫn hiện rõ.

Nhân dịp sách ra mắt, chúng tôi trích đăng vài phần trong tác phẩm.

Phần 1: Trần Hiếu, anh tôi

Khán giả hâm mộ hay nhầm lẫn giữa tôi và anh tôi. Càng tuổi xế chiều hai anh em càng giống nhau. Thực ra nếu anh ấy không hứng lên để râu chơi giống em cho vui thì đâu đến nỗi. Suốt ngày chúng tôi phải trả lời ai là Trần Tiến, ai là Trần Hiếu. Tôi nhỏ hơn cả giáp, mà họ vẫn lẫn lộn. Hóa ra mình già thế ư, vừa cay cú vừa mệt lại buồn cười.

Nhớ ngày cách đây cũng đến 40 năm, tôi đang diễn ở rạp Đống Đa Hà Nội, một đêm diễn nhớ đời vì mình mới vào nghề, ra sân khấu hát có hai bài mà phải đi ra, đi vào sáu lần trong tiếng vỗ tay “bis bis” cổ vũ, dưới khán giả có người lên sân khấu nói vào micro, mời anh Trần Tiến xuống phân giải giùm cuộc đánh lộn của hai cậu bé bơm xe.

Tôi xuống thì một cậu bé mếu máo hỏi: “Anh là Trần Hiếu hay Trần Tiến?” – “Anh là Tiến, thì sao?” – “Thế là em mất một ngày bơm xe rồi!” – “Thôi anh bù cho, đừng khóc nữa. Bận sau đừng dại cá cược nhé, Trần gì thì kệ cha nó, em bơm xe, cứ nhớ mặc quần là được rồi”.

Nghệ sĩ Trần Tiến (phải) bên anh trai - NSND Trần Hiếu.

Nghệ sĩ Trần Tiến (phải) bên anh trai – NSND Trần Hiếu thời trẻ.

Ngày nhỏ, anh Hiếu là thần tượng của tôi. Anh chống sào nhảy qua những hố cát lớn ngoài bến sông Hồng như Tặc-giăng (Tarzan), tôi cũng bắt chước, một lần bị trẹo chân, về nhà anh bị bố dần cho một trận. Anh nhảy xuống bơi qua sông, tôi cũng nhảy theo. Sức yếu nên tôi bị sóng cuốn xuống gầm bè nứa dài ngoẵng, may có một đụn cỏ đáy sông cứu thoát. Anh khoái làm cái việc dị hóa ngoài đồng, hương lúa thơm ngào ngạt. Tôi cũng sung sướng làm theo, có lẽ đó là một khám phá lãng mạn nhất thuở ấu thơ anh tặng tôi.

Vậy mà khi anh theo nghề hát, nổi tiếng khắp miền Bắc, bảo tôi đừng học sáng tác, theo anh đi hát dễ nổi tiếng hơn. Thì tôi lại không theo anh. Đó là lần đầu tiên tôi chống lại anh, ngọn núi sừng sững chắn ngang con đường đời của tôi.

Anh và chị Thúy Huyền, vợ mới cưới của anh, sống mơ mộng như cặp tình nhân thường thấy trên phim Liên Xô ngày đó. Về nhà, cứ lên cầu thang là ô ố luyện thanh rất hồn nhiên. Hàng xóm phàn nàn, mẹ mắng; thế là anh chị bỏ vào sống trong khu tập thể trường nhạc.

Anh Trần Hiếu, chị Thúy Huyền và anh Quý Dương là những người thầy dạy hát đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, ngày ấy gọi là trường nhạc Ô Chợ Dừa. Nơi đây là cái nôi của bao nhiêu ca nhạc sĩ tài danh lúc bấy giờ, mà hiện tại ít người vượt qua được giá trị nghệ thuật của họ. Nói chính xác hơn, thế hệ chúng tôi ngưỡng mộ họ một cách thành kính, hơn bây giờ fan hâm mộ ca sĩ thời thượng nhiều. Giọng anh Hiếu không dễ chấp nhận bằng giọng anh Quý Dương. Trời cho anh Dương một vẻ đàn ông quý tộc sang trọng và một giọng hát ngọt ngào quyến rũ bao nhiêu, thì lại cho anh tôi một chất giọng trầm thô (mà chỉ người trong nghề mới biết là quý hiếm) và một vẻ ngoài giống võ sĩ hơn là ca sĩ.

Thế mà hai anh ấy thay nhau cháy sáng sân khấu ngày đó, mỗi người một vẻ và hình như họ thân nhau lắm. Tôi nhớ không lầm thì lứa ca sĩ mang hơi thở nền thanh nhạc hiện đại ở Việt Nam hồi đó, ngoài bậc thầy lớn tuổi đời và tuổi nghề như Quốc Hương, Mai Khanh là đến hai chàng ca sĩ học trong nước, trẻ trung, sáng tạo và đầy tâm hồn: Quý Dương – Trần Hiếu. Tiếp theo là một loạt ca sĩ học từ các nước trở về ồ ạt, gây náo động nhà hát và làn sóng phát thanh ngày đó, như: Trung Kiên, Quang Hưng, Lô Thanh, Gia Khánh… đều là những giọng ca đáng nể, bọn trẻ chúng tôi thi nhau tìm kiếm nơi các anh hát, mắt sáng lên hóng hớt, sung sướng nuốt từng câu hát.

Từ phải qua: Nghệ sĩ Trần Tiến, ca sĩ Trần Thu Hà và NSND Trần Hiếu trong đêm nhạc Chuyện phố bên sông

Từ phải qua: Nghệ sĩ Trần Tiến, ca sĩ Trần Thu Hà và NSND Trần Hiếu trong đêm nhạc “Chuyện phố bên sông” vào năm 2015 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Các anh ấy đều là bậc trí thức trong âm nhạc, ngoài việc được chuyên gia nước ngoài đào tạo bài bản, còn là sự cố gắng tự học ghê gớm để áp dụng phương pháp hát opera vào ca khúc Việt, mày mò từng bước khi âm nhạc xứ ta còn quá thô sơ, lạc hậu. Họ là những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng thanh nhạc chính thống Việt Nam. Trần Hiếu, Quý Dương, Ngọc Dậu là những ca sĩ đóng vai chính trong những vở opera đầu tiên của Việt Nam: Evgheni Oneghin, Cô Sao… Cho đến nay cũng chẳng còn vở nào để chúng ta được biết đến.

Anh Hiếu nhà tôi giỏi bốn năm ngoại ngữ, học võ, học vẽ, học văn như điên. Thi vào Đại học toàn đỗ thủ khoa, vậy mà bỏ đi theo nghề mẹ mắng là “xướng ca vô loài”. Sau này anh nổi tiếng, có chút tiền góp vào đỡ đần mẹ nuôi các em nhỏ, trong đó có tôi. Mẹ đỡ hờn giận hơn, nhưng chẳng bao giờ cười.

Mẹ lấy bố tôi vì bố tôi hát hay, nhảy claquette (nhảy thiết hài) giỏi, nhưng trước hết là một nhà giáo đáng kính, một quý ông trường Tây, vì mẹ là tiểu thư con nhà giàu có tiếng Hà Thành. Cái thời ấy nó vậy.

Lần đi biểu diễn mấy tháng trời ở châu Mỹ về, các em xúm đông xúm đỏ nghe anh trai kể chuyện, anh hứng lên hát mấy bài diễn thành công bên đó. Bài Con voi làm mẹ cười rung bụng. Lần đầu tiên thằng con “xướng ca vô loài” giải được lời nguyền của mẹ, lấy làm sướng lắm, máu lên chơi luôn bài “Cuba kes linda”. Các em gái trố mắt thán phục vì ông anh được Mỹ nuôi, bụng béo, mông cong, nhảy “samba” cực chuẩn và hát tiếng Latin thì thôi rồi, đúng nghề của chàng.

Mẹ chỉ buột miệng “cha nào con nấy” rồi ngồi khóc, các chị phải xúm vào an ủi dỗ dành, ba mươi năm bố mất, là ba mươi năm mẹ ngồi khóc một mình.

Còn tiếp…

Theo VnExpress