Màn thoái trào chóng vánh của dòng phim thanh xuân Trung Quốc

 Sa vào lối mòn cả cốt truyện lẫn thể thức dàn dựng, dòng phim thanh xuân hoài niệm của Trung Quốc dường như đang cho thấy sự lụi tàn chỉ sau vài năm ngắn ngủi gây sốt.

Năm 2011, thành công của tác phẩm Đài Loan Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi (nguyên tác nhà văn Cửu Bả Đao) đã mở ra “cơn sốt” phim thanh xuân hoài niệm của màn ảnh Hoa Ngữ. Phim thanh lan rộng từ Đài Loan sang các khu vực khác, trở thành trào lưu thịnh hành của màn ảnh châu Á.

Điện ảnh Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc trước sự lên ngôi của phim thanh xuân hoài niệm. Đi tiên phong là Gửi thời thanh xuân mà chúng ta sẽ mất do Triệu Vy đạo diễn, các tác phẩm Tiểu thời đại, Đối tác Trung Quốc, Bạn cùng bàn, Hoá ra anh vẫn ở đây… nối tiếp nhau ra đời.

Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi (2011) là tác phẩm mở đầu cho trào lưu phim thanh xuân của màn ảnh châu Á.

Giai đoạn đầu, loạt phim này luôn đạt doanh thu kỷ lục và chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Song tình hình bắt đầu chững lại kể từ phim Nỗi phiền não của Hạ Lạc khởi chiếu năm 2015.

Đầu năm 2016, Mỹ nhân ngư của Châu Tinh Trì ra mắt và khuynh đảo lịch sử phòng vé Trung Quốc. Năm 2017, phim hài tung hoành trở lại, trong khi phim tuyên truyền chính trị (Chiến lang 2 là ví dụ điển hình) được chú trọng đầu tư. Làn sóng phim thanh xuân chưa lên ngôi được bao lâu đã vội rơi vào bế tắc.

Mắc kẹt trong những câu chuyện tình yêu

Các tác phẩm thuộc dòng phim thanh xuân đều có điểm chung là trường đoạn mở đầu thường tập trung đặc tả một nhân vật mang tính đại diện: có sự nghiệp, có địa vị, có gia sản, nhưng luôn khắc khoải một nỗi vấn vương quá khứ.

Bộ phim sẽ trở thành cỗ máy thời gian, đưa cá nhân đó ngược dòng thời gian tìm lại những hồi ức thanh xuân đẹp đẽ và đôi khi cũng phảng phất đau thương của tuổi trẻ.

Bộ 3 tác phẩm Gửi thời thanh xuân mà chúng ta sẽ mất, Đối tác Trung Quốc và Tiểu thời đại được phần đông khán giả coi là chuẩn mực của dòng phim thanh xuân hoài niệm. Ngoài tuyến truyện tình yêu đóng vai trò chủ đạo, cuộc sống đời thực với nhiều lát cắt rực rỡ hoặc nghiệt ngã đều được chắt lọc đưa vào phim.

Man thoai trao chong vanh cua dong phim thanh xuan Trung Quoc hinh anh 2
Nhiều lát cắt đời sống được tái hiện trong các tác phẩm thanh xuân một cách tương đối chân thực.

Ví dụ, Gửi thời thanh xuân mà chúng ta sẽ mất không chỉ xoay quanh chuyện yêu và hận của Trịnh Vy (Dương Tử San đóng) mà còn đề cập đến thực trạng kỳ thị đồng tính và bạo lực tâm lý trong môi trường đại học. Vấn nạn khiến nữ phụ Tiểu Bắc (Lưu Nhã Sắt đóng) phải từ bỏ giấc mơ học tập, không dám gặp lại bạn bè.

Đối tác Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào chặng đường lập nghiệp cùng tình bạn, tình anh em của ba thanh niên trẻ. Tiểu thời đại với dàn nhân vật lên đến số chục nhưng không bị xa đà vào một mối quan hệ tình cảm hay một cặp đôi nhất định.

Đạo diễn Quách Kính Minh nhận nhiều chỉ trích vì quá khoa trương khi dàn dựng nhân vật và bối cảnh nhưng đã cân bằng tương đối tốt giữa các yếu tố tình yêu – sự nghiệp – tham vọng – tình bạn.  

Những ưu điểm trong các sản phẩm được coi như chuẩn mực trên không còn duy trì được ở các bộ phim sau này. Các tác phẩm được lăng xê mạnh ở giai đoạn sau như Năm tháng vội vã, Bạn cùng bàn, Hoá ra anh vẫn ở đây… hầu như chỉ khai thác duy nhất một chủ đề tình yêu.

Yêu đương rồi chia tay, chia ly rồi hội ngộ, gặp gỡ rồi lại xa nhau là cấu trúc nội dung cơ bản lặp đi lặp lại quanh tuyến nhân vật chính. Ngoại trừ Hoá ra anh vẫn ở đây, thì các phim còn lại đều bỏ quên các tuyến vai phụ.

Man thoai trao chong vanh cua dong phim thanh xuan Trung Quoc hinh anh 3
Tiểu thời đại được coi như một trong những tác phẩm tạo nên chuẩn mực cho dòng phim thanh xuân.

Yếu kém trong khâu kịch bản, dàn dựng và diễn xuất

Thay vì sử dụng hình ảnh để kể chuyện, phim thanh xuân của Trung Quốc hiện giờ đa phần “trôi” đi theo lời thoại tự sự của nhân vật chính. Hình ảnh vội vã trôi tuột đi theo những lời kể.

Kịch bản chạy theo tâm tư và lời thoại của nhân vật chính thường không nhận được sự đánh giá cao về tính sáng tạo. Đôi khi, kiểu xây dựng kịch bản này còn bộc lộ nhiều khuyết điểm khiến tình huống phim bị “trải ra” và hình ảnh minh họa kém sức gợi tả.

Chuyên mục Điện ảnh của Tân Hoa Xã từng đánh giá kịch bản phim Trung Quốc hiện giờ đa số thô vụng, sơ sài. Kịch bản dù đã được dàn dựng thành phim nhưng vẫn thiếu sự dày dạn, lớp lang và tính sâu sắc trong câu chuyện.

Nhiều tác phẩm thanh xuân vấp phải lời phàn nàn về việc “vay mượn” gần như nguyên vẹn lời kể trong truyện, thiếu tính sáng tạo khi chuyển thể. Trường hợp điển hình như Năm tháng vội vã và Hoá ra anh vẫn ở đây, cả hai bộ phim đều được chuyển thể từ tác phẩm văn học có tiếng.

“Cái bóng” quá lớn từ tiểu thuyết gốc có thể khiến những đạo diễn non tay phải loay hoay trong việc tìm cách thoát ly khỏi những chi tiết đã quá quen thuộc với công chúng.

Man thoai trao chong vanh cua dong phim thanh xuan Trung Quoc hinh anh 4
Nhiều bộ phim chuyển thể không thoát khỏi “cái bóng” của tiểu thuyết gốc.

Trường hợp khá đặc biệt là bộ phim Bạn cùng bàn do “Tiểu hoa đán” Châu Đông Vũ và nam diễn viên Lâm Canh Tân thủ vai chính. Đây là bộ phim có kịch bản độc lập, lấy cảm hứng từ bài hát nổi tiếng cùng tên, hoàn toàn không phụ thuộc vào bất kỳ tác phẩm nào khác.

Tuy nhiên, từ chi tiết kịch bản đến lối dàn dựng và chỉnh sửa hậu kỳ của Bạn cùng bàn đều quen thuộc và dễ đoán như hàng chục bộ phim thanh xuân trước đó. Sự lặp đi lặp lại trong từng tiểu tiết trong hơn 100 phút chiều dài tác phẩm khiến khán giả như đang xem lại một bộ phim nào khác đã ra mắt trước đó.

Không chỉ nhận nhiều ý kiến trái chiều về khâu kịch bản, phần lớn màn hóa thân vào nhân vật của dàn diễn viên trong các tác phẩm trên cũng bị chê trách. Bạn cùng bàn không tạo được cao trào trong chi tiết, bị cho là “lãng phí” năng lực diễn xuất của “Tiểu hoa đán” Châu Đông Vũ cũng như “nam thần” thực lực Lam Canh Tân.

Năm tháng vội vã dàn trải và hơi “tham” trong việc xây dựng bối cảnh của nhóm bạn khiến tính cách của mỗi nhân vật đều không được khắc họa rõ ràng.

Nhận nhiều chỉ trích nhiều nhất là tác phẩm chuyển thể đình đám Hoá ra anh vẫn ở đây với cặp đôi ăn khách Lưu Diệc Phi và Ngô Diệc Phàm. Tính cách thiếu chân thực, quá trình rơi vào tình yêu của hai nhân vật vội vã và đầy khiên cưỡng.

Bên cạnh đó, màn nhập vai hời hợt và “đơ cứng”, thiếu cảm xúc của hai diễn viên cũng khiến khán giả không khỏi thất vọng.

Man thoai trao chong vanh cua dong phim thanh xuan Trung Quoc hinh anh 5
Lưu Diệc Phi và Ngô Diệc Phàm nhận nhiều chỉ trích vì màn nhập vai hời hợt trong Hóa ra anh vẫn ở đây.

“Lời nguyền” của dòng phim thanh xuân hoài niệm

Tờ báo Takungpao ví các bộ phim thanh xuân hoài niệm của Trung Quốc ra mắt gần đây giống những đứa con sinh ba, sinh tư từ cùng một mẹ, bởi sự trùng lặp từ lối kể chuyện đến tình tiết.

Câu chuyện trong các phim này đều xoay quanh một nhóm bạn chơi thân từ thời trung học, sau nhiều năm xa cách tề tựu lại đám cưới của một thành viên. Ở giai đoạn trong quá khứ, mọi chuyện thường bắt đầu khi nữ chính từ một môi trường khác chuyển địa điểm chính của tác phẩm và đụng độ với nam chính học giỏi, đẹp trai nhưng tính cách trẻ con, hiếu thắng.

Tình tiết quen thuộc là nam chính thường dạy nữ chính học bài, hoặc cùng nàng làm đôi bạn cùng tiến. Đổi lại, nữ chính sẽ trở thành “điểm mấu chốt” kiểm soát bản tính còn nhiều sốc nổi của chàng.

Takungpao gọi đó là “lời nguyền” khi chỉ ra một số điểm lặp lại nhàm chán giữa các phim như máy quay đi lướt qua các dãy bàn trong phòng học, hình ảnh lưng áo trắng, chuyện mang bầu và phá thai, tai nạn xe…

Ví dụ rõ ràng và dễ nhớ tới nhất là chi tiết nam chính dùng bút chọc vào lưng nữ chính trong Hóa ra anh vẫn ở đây gần như lặp lại y hệt so với Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi.

Man thoai trao chong vanh cua dong phim thanh xuan Trung Quoc hinh anh 6
Các bộ phim về chủ đề thanh xuân của Trung Quốc ngày càng đi vào một lối mòn thiếu sáng tạo.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng dĩ nhiên, phần nhiều các phim đều trung thành với nguyên tác tiểu thuyết, song cách thức dàn dựng giống hệt nhau chỉ cho thấy sự lười nhác trong tư duy sáng tạo.

Tính hoài cổ thời nào cũng có, vậy nên những cuốn phim nhuốm màu hồi tưởng luôn thu hút được sự chú ý của công luận. Nhưng điều đó không có nghĩa chỉ cần tìm một nhóm diễn viên trẻ trung, nổi tiếng, mặc đồng phục là tạo ra cỗ máy ngược dòng thời gian.

Theo Sina, sức hút và sự sống của một tác phẩm còn phụ thuộc nhiều vào câu chuyện, bối cảnh, dàn dựng… Các nhà làm phim cần cải thiện và nâng cao kỹ năng cũng như tính sáng tạo để dòng phim thanh xuân khơi dậy những cảm xúc nức lòng khán giả mới có thể “sinh tồn” trong vòng xoáy ngành giải trí.

Yeung Yeun

Theo Zing