“Chương trình nhất quyết không thương mại hóa và cũng không chạy theo giá trị giải trí đơn thuần, vì đó không phải là mục đích của chúng tôi” – đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Liên quan đến việc Trung Quốc cấm phát sóng chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế? nhằm hạn chế việc các em bé bị khai thác hình ảnh quá đà cho mục đích thương mại, đạo diễn Đỗ Thanh Hải – Giám đốc Sản xuất, đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam gửi đến Zing.vn bài viết chia sẻ về bản sắc và mục đích riêng biệt của phiên bản Việt Bố ơi, mình đi đâu thế.
Đạo diễn – N ƯT Đỗ Thanh Hải. |
“Bố trưởng thành hơn nhờ con”
Mặc dù VFC không phải là một đơn vị chuyên về truyền hình thực tế nhưng khi tôi sang Hàn Quốc công tác và xem được Bố ơi, mình đi đâu thế, tôi đã quyết định mua ngay bản quyền để mang về Việt Nam vì tôi cảm nhận rõ tính nhân văn mà chương trình mang lại cho người xem.
Người lớn luôn có suy nghĩ rằng chúng ta là người trưởng thành với suy nghĩ chín chắn, do vậy có quyền đưa ra những quyết định đầy tính áp đặt dành cho con trẻ, thậm chí bắt những đứa con của mình phải làm theo mà quên mất rằng chúng cũng có những suy nghĩ, quyết định, lựa chọn của riêng mình.
Bố ơi, mình đi đâu thế là trải nghiệm vô cùng đáng quý để khắc phục tình trạng trên. Trong chương trình, người lớn được hòa nhập trong không khí của trẻ nhỏ, hơn cả, được học lại cách làm bố mà trước đây vô tình quên lãng. Học mà không ai dạy vì chính họ tự nhận ra và biết mình cần phải điều chỉnh những gì.
Bản thân tôi với tư cách một người làm bố cũng là một thành viên trong ekip sản xuất chương trình, tôi dám mạnh dạn nói rằng, tôi học được rất nhiều điều từ các em nhỏ. Và có lẽ không chỉ tôi mà những ông bố khác trong chương trình cũng vậy, trưởng thành hơn nhờ chính thời gian sinh hoạt bắt buộc với con mình.
“Bố ơi, mình đi đâu thế” khác biệt vì không dàn dựng
Bố ơi, mình đi đâu thế khác biệt vì chúng tôi không dàn dựng kịch bản như một số chương trình truyền hình thực tế khác. Chúng tôi tôn trọng sự tự nhiên và đề cao cảm xúc thật của tất cả người chơi, từ những ông bố cho đến con trẻ. Dù đôi khi các cô, cậu bé bộc lộ cả những biểu hiện xấu bên cạnh những biểu hiện tốt nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng trẻ em vẫn luôn luôn trong sáng và chỉ cần người lớn hiểu điều đó, chắc chắn sẽ đưa được những biểu hiện xấu đó thành tốt. Thay vì nói những câu như “con phải thế này”, “con phải thế kia” thì các ông bố trong chương trình đã giảng giải cho các con đúng sai để con tự nhận ra và tự sửa.
Không chỉ trẻ con mà chính những ông bố cũng khắc phục được những sai lầm của mình. Tôi nhớ Phan Anh từng mất kiểm soát và có những hành động không thích hợp trong một tập của mùa đầu tiên. Sau đó, Phan Anh có yêu cầu không phát sóng tập đó nhưng tôi đã thuyết phục anh. Nam MC luôn muốn con gái bộc lộ hơn hẳn người khác, đó là một sai lầm và Phan Anh đã nhận ra và sửa sai lầm đó.
Nhờ chương trình, các ông bố có thêm thời gian dành cho con và trở nên hiểu những đứa con của mình hơn. Hơn cả, chính họ nhận thấy trước đây mình đã mất đi một giấc mơ rất đẹp về tình cha con và nhờ có chương trình, giấc mơ đó được hồi sinh. Tôi còn nhớ kết thúc mùa thi Phan Anh, Hoàng Bách khóc hồn nhiên như một đứa trẻ có thể vì lưu luyến, có thể vì những kỷ niệm nhưng cũng có thể vì nhận ra một giá trị nào đó mà bây lâu nay họ quên mất, tôi cho là vậy!
Đỗ Minh cho rằng chương trình góp phần làm nên câu chuyện cổ tích về hai bố con. |
Doanh nhân Đỗ Minh, sau quá trình tham gia Bố ơi, mình đi đâu thế mùa 2 đã thổ lộ với mọi người rằng “Đời không phải là không có cổ tích chỉ là chúng ta có biết cơ hội để làm nên những câu chuyện cổ tích hay không”. Những ngày đầu khi tham gia chương trình, Đỗ Minh quan niệm không cần phải nói với con, con cần tự hiểu. Nhưng đến tập cuối, suy nghĩ đó đã thay đổi và không ai nghĩ rằng một ông chủ doanh nghiệp, một người được cho là đại gia lại ngồi cạnh bên con để viết cho con một lá thư và dặn con về những trải nghiệm của mình sau chương trình.
Bình thường lý trí của mỗi chúng ta luôn nhắc nhở bản thân phải dành thời gian cho con nhưng thực tế do công việc bận bịu và những việc không tên khác mà những ông bố, bà mẹ quên đi điều mà lý trí đã nhắc nhở. Do vậy, bị đặt vào một tình huống có thể coi là ép buộc trong Bố ơi mình đi đâu thế, với hoàn cảnh không có internet, không có điện thoại, những ông bố bắt buộc phải dành thời gian cho con. Và câu chuyện cứ như thế tự nhiên tiếp diễn.
Chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế được làm bởi chính các ông bố. Chúng tôi không chỉ đạo và hướng dẫn điều gì. Sản phẩm thu hình rất tự nhiên do vậy nhiều khi ngồi trước màn hình để cắt cho phù hợp với thời lượng phát sóng, tôi rất tiếc. Đó là lý do khiến số kết mùa 2, lần đầu tiên tôi đề nghị với lãnh đạo đài cho kéo dài chương trình thành 90 phút vì cảm thấy rất phí nếu phải cắt đi những cảnh ấn tượng cuối cùng của mùa. Chúng tôi quyết định phá khung giờ vì muốn khán giả cảm nhận rõ nhất có thể.
“Tôi muốn một làn gió nhẹ thay vì scandal”
Trước khi thực hiện chương trình, chúng tôi đã khảo sát và tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm lý. Chúng tôi nhận thấy người Việt mình rất nặng tình, do vậy mà bất cứ nhiệm vụ nào của chương trình cũng đều nhằm mục đích khơi dậy tình cảm của hai bố con. Có những tình huống có thể bị cho là tàn nhẫn như hoán đổi các cặp bố con cho nhau, nhưng chính vì tình huống đó, mọi người mới hiểu tình cảm mà đứa con dành cho bố.
Không chỉ trẻ con bị thử thách mà ngay cả người lớn cũng bị đặt vào những tình huống buộc phải nói thật. Mùa 2 chúng tôi có đưa tình huống liên quan đến máy nói dối, lúc đầu là các ông bố sử dụng với mục đích cho những đứa trẻ học cách nói thật. Nhưng phần kết của mùa 3, chính các con mới là người đặt yêu cầu nói thật cho các ông bố. Với những câu hỏi như “bố đã bao giờ nói dối mẹ chưa, nói dối con chưa” – những câu hỏi tưởng ngô nghê nhưng lại khiến các ông bố rất bất ngờ, nhiều ông bố ôm chầm lấy con.
MC Phan Anh và con gái từng gây ấn tượng khi tham gia “Bố ơi, mình đi đâu thế” mùa 1. |
Chúng tôi không muốn chương trình gặp phải bão scandal, chúng tôi chỉ hy vọng chương trình như một làn gió nhẹ để người xem cảm nhận sự yêu thương, gắn kết cha con và sau là hòa cùng chính cảm nhận của những người chơi. Giá trị cốt lõi mà Bố ơi, mình đi đâu thế hướng đến là cảm xúc, tuyệt nhiên không nhằm mục đích gây ra yếu tố thương mại. Hơn ai hết, tôi hiểu thương mại với một chương trình nhân vân, khán giả chắc chắn sẽ quay lưng. Chương trình được phát sóng vào 12h trưa chứ không phải giờ vàng nhưng lượng rating rất tốt, đó là điều không phải chương trình nào cũng làm được.
Trong cuộc đời làm nghề, tôi nhận thấy không phải lúc nào giá trị kinh tế cũng quan trọng vì cơ hội để làm những chương trình nhân văn không nhiều. Tôi muốn chia sẻ rằng tất cả ekip đều cảm thấy tình yêu như đang được lan tỏa, tình yêu đó bắt nguồn từ chính đứa trẻ. Một số người quay phim còn tự quay một số hình về làm kỷ niệm dù đạo diễn không yêu cầu. Họ bảo chơi với những đứa trẻ, họ cảm thấy thoái mải và yêu đời.
Tôi tin dù chương trình truyền hình thực tế có bùng nổ hơn nữa thì cuối cùng khán giả vẫn dành sự mến mộ và tình cảm cho những chương trình nhân văn, chân thật. Do vậy chúng tôi nhất quyết không thương mại hóa và cũng không chạy theo giá trị giải trí đơn thuần, vì đó không phải là mục đích mà chúng tôi đã đặt ra khi mang chương trình này về Việt Nam.
Ngày 18/4 vừa qua, Trung Quốc ra lệnh cấm sản xuất chương trình truyền hình thực tế Bố ơi mình đi đâu thế?. Trung Quốc cho rằng, chương trình này đang lạm dụng sức lao động của trẻ em.
Bố ơi, mình đi đâu thế? là chương trình truyền hình thực tế của Hàn Quốc vốn được nhiều đài truyền hình khắp châu Á mua bản quyền, trong đó có Việt Nam.
Trước chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế? Trung Quốc cũng ra lệnh cấm phát sóng bộ phim truyền hình Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc vì cho rằng, bộ phim đang có sức ảnh hưởng không tích cực đến khán giả trẻ Trung Quốc.
Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc đang có nhiều động thái siết chặt quản lý.