Xem đến cuối và đứng dậy vỗ tay là truyền thống ở Cannes cho những bộ phim hay. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, phim chiếu ở Cannes bị khán giả lo ó và bỏ về giữa chừng nhưng nó không đồng nghĩa với việc đó là phim dở.
Theo dõi Cannes là theo dõi: sự phù hoa, nghệ thuật điện ảnh, giới làm phim từ khắp nơi trên thế giới và đặc biệt phản ứng của khán giả.
Có những bộ phim, khán giả đứng dậy vỗ tay đến cả chục phút vì tài năng của đạo diễn trong việc tạo ra một sản phẩm điện ảnh khiến người ta ngỡ ngàng. Nhưng cũng có những bộ phim, khán giả tỏ rõ thái độ thất vọng bằng những tràng la ó.
Như phim The last face năm 2017 của cặp đôi ngôi sao hạng A Hollywood Charlize Theron và Sean Penn, hay thậm chí bộ phim kinh điển thuộc trường phái Tân Hiện Thực Ý L’Avventura của đạo diễn Michelangelo Antonioni đều nhận nhiều chỉ trích.
Năm nay cũng không ngoại lệ, dù mới được nửa chặng đường, nhưng ở Cannes đã xuất hiện những phim được tung hô và bị la ó.
Bộ phim BlacKkKlansman của đạo diễn Spike Lee về một thanh tra ngầm người Mỹ gốc Phi đã nhận được 6 phút vỗ tay khen ngợi bộ phim.
Trong khi đó, The house that Jack built của Lars von Trier đã chứng kiến hơn 100 người bỏ về giữa chừng. Cannes là vậy, và đây cũng là một thứ văn hoá rất riêng của Cannes.
Cựu chủ tịch liên hoan phim Cannes Gilles Jacob từng nói “La ló là môn thể thao quốc gia ở Cannes”. Nó thể hiện rằng, khán giả ở Cannes thực sự yêu điện ảnh và thể hiện chính kiến của mình rõ ràng cho những gì mà mình mong đợi.
Việc đứng dậy vỗ tay hay la ó không xa lạ gì với các bộ môn nghệ thuật khác như kịch hay những buổi trình diễn Opera. Ở Cannes, nó được mang vào điện ảnh. Nó thể hiện một tác phẩm đã đạt được hai thái cực: yêu thích và ghét.
Nhưng không phải cứ dở là ghét. Đôi khi nó là cú sốc nhất thời, nó phản ánh những hoài nghi dành cho tác phẩm, và nó thể hiện phẩm chất nghệ thuật tuyệt vời của tác phẩm: gây tranh cãi và khiến người ta nói mãi.
Những bộ phim bị la ó vì dở thật
Crash của đạo diễn David Cronenberg luôn nằm trong danh sách những phim “dở hơi” được tôn vinh ở Cannes.
Chẳng ai hiểu tại sao ban giám khảo lại chọn bộ phim dùng yếu tố tình dục với những hình ảnh rất táo bạo liên quan đến tai nạn xe hơi để thể hiện cơn bệnh nghiện tình dục kì lạ.
Câu chuyện kì cục, và vô nghĩa của bộ phim được Cannes tôn vinh là táo bạo và sáng tạo đã khiến khán giả thấy ghê tởm và tức giận.
Cũng đôi khi sự la ó dành cho đạo diễn vốn làm người ta kì vọng quá nhiều nhưng lại làm ra bộ phim dở quá. Ví như The sea of trees của đạo diễn từng giành Cành Cọ Vàng Gus Van Saint, hay Only god forgives của đạo diễn Nicolas Winding Refn.
Bản thân đạo diễn Lars von Trier cũng từng bị ném đá với bộ phim kinh dị Antichrist (2009). Antichrist có những cảnh quay khiến khán giả sợ hãi vì yếu tố bạo lực và tình dục.
Nhiều người cho rằng đây là tác phẩm rùng hợn rẻ tiền chứ không phải là một phim nghệ thuật. Tuy nhiên, về sau, Antichrist được cho là một bộ phim có những tín đồ riêng của mình, nó là một bộ phim “phải xem” dành cho giới mê điện ảnh.
Những bộ phim kinh điển từng bị chê
Những trường hợp sau đây cho thấy khán giả và cả giới phê bình đã quá cảm tính cho lần đầu tiên xem phim của mình.
Họ chê phim trong lần đầu tiên xem để rồi sau đó, qua thời gian, những giá trị của phim mới lộ diện và người ta mới nhận ra mình sai. Những đánh giá lại dành cho bộ phim đã nâng tác phẩm điện ảnh lên vị trí hoàn toàn mới.
Điển hình nhất có lẽ là tác phẩm Taxi Driver của đạo diễn Martin Scorsese. Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc của điện ảnh hiện đại. Nhưng ở thời điểm những năm 70, khán giả liên hoan phim Cannes không nghĩ như vậy.
Bộ phim quá bạo lực trong tình hình xã hội có phần bất ổn vào thời điểm đó. Chính vì vậy, nó liên tục bị phản đối không chỉ trong buổi chiếu phim mà cả trong buổi lẽ trao giải.
Tuy nhiên, ban giám khảo vẫn quyết định trao Cành Cọ Vàng cho bộ phim. Qua thời gian, sự thay đổi quan điểm của khán giả đã chứng minh Cannes làm đúng.
Không chỉ Taxi Driver, rất nhiều bộ phim khác cũng ở trong tình trạng tương tự như hai bộ phim của David Lynch Wild at heart và Twin peaks: Fire walk with me, The tree of life của Terrence Malick,Sweetie của Jane Campion.
Không giống như giải Oscar khi các phim đoạt giải thường khá sạch sẽ với sự đồng thuận của nhiều nhà phê bình, Cannes không quan tâm lắm đến giới phê bình, họ chỉ quan tâm đến hội đồng giám khảo nghĩ gì, mối liên hệ giữa sáng tạo và cách tân trong điện ảnh và cách phô bày những vấn đề xã hội đang mắc phải.
Nên đừng ngạc nhiên nếu phim bị chê như The house that Jack built được chào đón. Hoặc đừng ngạc nhiên nếu một bộ phim chẳng ai nghĩ tới, bị chê tơi tả lại giành được những giải thưởng lớn.
Nếu Cannes không có cá tính riêng như vậy, không tạo ra scandal và tranh cãi, thì có lẽ Cannes đã không còn là Cannes nữa rồi.
Theo Tuổi Trẻ