Kpop và Thế vận hội Mùa đông: Khi nhạc trẻ không phải trò đùa

“Không một quốc gia nào coi trọng nhạc pop của giới trẻ như Hàn Quốc”, trang Vox tổng kết sau khi chứng kiến sự lên ngôi của Kpop tại Olympic Mùa đông 2018.

Tại Thế vận hội Mùa đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc năm nay, các giai điệu quen thuộc của những tên tuổi hàng đầu Kpop như Big Bang, BTS, Psy, TWICE, Red Velvet… vang lên tại lễ khai mạc.

Trên sàn trượt băng nghệ thuật, cũng không ít vận động viên chọn ca khúc Kpop làm nhạc nền. Còn nhóm EXO và nữ ca sĩ CL đang ráo riết chuẩn bị cho tiết mục tại lễ bế mạc 25/2.

Đó chỉ là một trong vô vàn biểu hiện cho thấy Kpop đã lấn sân những phiên diện khác của đất nước Hàn Quốc chứ không còn là một lĩnh vực giải trí đơn thuần.

BTS: Những nghệ sĩ trẻ hát về áp lực thời đại

Giữa tháng 2, BTS, nhóm nhạc Kpop nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, xuất hiện trên trang bìa của tạp chí âm nhạc Mỹ Billboard cùng một bài phỏng vấn dài. Đây không chỉ là minh chứng cho thành công của riêng BTS, mà nhóm nhạc nam 7 thành viên còn được coi là siêu sao đại diện cho một thế hệ mới của Kpop.

BTS cũng vượt ra ngoài những chủ đề yêu đương thông thường của Kpop trước đây bằng cách nói nhiều hơn về xã hội và áp lực của thế hệ mới. Họ thể hiện thông điệp này qua các ca khúc 2 Kool 4 Skool, No More Dream, N.O…

BTS lên bìa tạp chí Billboard tháng 2/2018.

Thành viên RM, hay còn gọi là Rap Monters, nói với Billboard: “Từ góc nhìn của chúng tôi, mỗi ngày đều áp lực hơn. Khó tìm việc làm, khó vào đại học hơn những thế hệ trước. Người lớn và những tầng lớp ưu tú của xã hội nên thay đổi cách nghĩ, tạo ra những chính sách thúc đẩy sự thay đổi”.

Thành viên Suga nói thêm: “Không chỉ Hàn Quốc, mà cả thế giới cũng vậy. Đó là lý do âm nhạc của chúng tôi kết nối được với khán giả toàn thế giới, những người ở độ tuổi thiếu niên, 20 và 30 vì chúng tôi chia sẻ cùng họ các áp lực đó”.

Suga cũng là thành viên mạnh miệng nhất trong BTS khi được hỏi về các vấn đề xã hội và chính trị. Về việc người dân Hàn Quốc biểu tình kêu gọi phế truất nữ Tổng thống Park Geun Hye năm 2017, Suga nhận định: “Vượt lên đúng và sai, sự thật và dối trá, việc người dân xích lại gần nhau và cất tiếng nói là thứ tôi cực kỳ ủng hộ”.

Kpop va The van hoi Mua dong: Khi nhac tre khong phai tro dua hinh anh 2
BTS thường hát về những áp lực với người trẻ như học tập, việc làm, các vấn đề xã hội… Ảnh: Billboard.

Khi Jonghyun, giọng ca chính của nhóm nhạc SHINee, tự tử cuối năm ngoái, dư luận cũng nhận ra rằng nhạc pop – dù bị coi là giải trí – cũng không nằm ngoài dòng chảy của xã hội. Như Suga nói, nghệ sĩ cũng có rất nhiều lúc buồn, cô đơn và cảm thấy không nơi nương tựa.

Với một đại diện dẫn đầu như vậy, Kpop có thể tự tin hơn về lứa nghệ sĩ hiện tại và tương lai. Họ sẽ có ý thức cao hơn về xã hội và vai trò của bản thân, hơn là chỉ nhảy múa theo công thức có sẵn.

Hàn Quốc gián tiếp tuyên bố Kpop là sản phẩm toàn cầu

Theo Vox, Làn sóng Hàn (Hallyu) – được hình thành với ý tưởng “điên rồ” là trở thành kẻ lèo lái vĩ đại của văn hóa thế giới – đang tiến băng băng đến đích với sự dẫn đầu của Kpop.

Từ góc nhìn quốc tế, Kpop là “một đoàn diễu hành dài bất tận” gồm những ca sĩ, nhóm nhạc từ ít đến đông thành viên. Tất cả đều có vẻ ngoài bắt mắt, dành hàng năm trời của thời niên thiếu để học hát, học nhảy và nhiều kỹ năng giải trí đợi ngày ra mắt công chúng.

Kpop va The van hoi Mua dong: Khi nhac tre khong phai tro dua hinh anh 3
Hình ảnh Kpop những năm gần đây cũng gia tăng giá trị trong mắt dư luận quốc tế. Ảnh: Allkpop.

Quá trình này đã tạo nên bộ mặt Kpop hôm nay: những giai điệu gây nghiện thời thượng, những vũ đạo đẹp mắt và dễ bắt chước cũng các sản phẩm công phu về khâu sản xuất. Chính những yếu tố đó đã giúp Kpop trở thành hiện tượng toàn cầu.

Trong khi Làn sóng Hàn được xây dựng trong hàng thập kỷ qua với đối tượng tiên phong là phim truyền hình, Kpop chỉ thực sự trở thành mũi nhọn trong 10 năm qua. Đó là với những người theo dõi Kpop lâu năm. Còn với truyền thông phương Tây, đó là 10 năm Kpop dần dần “lộ diện” và thu hút sự quan tâm của họ.

Thế vận hội Mùa đông tại Hàn Quốc năm nay có thể là “đỉnh cao” mới của Kpop, dù đây rõ ràng không phải sân khấu dành riêng cho âm nhạc. Hàn Quốc đã sắp xếp khéo léo để các ngôi sao Kpop của nước nhà cũng được nâng tầm bởi đại hội thể thao thế giới.

Kpop va The van hoi Mua dong: Khi nhac tre khong phai tro dua hinh anh 4
Vận động viên diễu hành trên nền nhạc Kpop trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông. Ảnh: AFP/Getty Images.

Tại lễ khai mạc hôm 9/2, các vận động viên từ hàng trăm quốc gia đã diễu hành trên nền nhạc gồm nhiều hit lớn của Kpop từ trước đến nay. Trong đó có: DNA của BTS, Gangnam Style của Psy, Likey của TWICE, Fantastic Baby của Big Bang, Red Flavor của Red Velvet…

Việc tự tin và nghiêm túc đưa các Kpop này vào danh sách nhạc diễu hành cho thấy Hàn Quốc đang muốn khẳng định họ là quốc gia góp công xây nên một phần của nền văn hóa toàn cầu. Nói cách khác, Kpop đã là sản phẩm văn hóa toàn cầu chứ không của riêng Hàn Quốc.

Nếu như cách đây vài năm, toàn bộ hiểu biết về Kpop của công chúng phương Tây chỉ là ca khúc 3 tỷ view Gangnam Style thì nay đã khác, chính Fantastic Baby hay Likey cũng là những giai điệu mà người phương Tây thuộc làu.

Kpop tiếp tục chiếm sân khấu tại lễ bế mạc Thế vận hội Mùa đông

Theo Allkpop, ngoài nhóm nhạc EXO và nữ ca sĩ CL sẽ được mời biểu diễn chính trong lễ bế mạc được tường thuật trực tiếp trên toàn thế giới, còn có những tên tuổi như 2PM, BTOB, G-Friend…

Trong số rất nhiều nghệ sĩ được mời làm đại sứ danh dự cho Thế vận hội năm nay cũng có ngôi sao Kpop Taeyang, thành viên nhóm Big Bang, bên cạnh giọng nữ cao Jo Soo Mi và các diễn viên Kim Woo Bin, Lee Min Ho.

Mi Ly

Theo Zing