Nhà nước đầu tư kinh phí dựng vở và bao tiêu đầu ra cho tác phẩm là tín hiệu đáng mừng cho các sân khấu kịch xã hội hóa.
Kịch bản Cây bàng vuông của tác giả trẻ Kim Khôi và Dấu xưa của tác giả Nguyễn Thanh Bình được chọn để khởi động cho dự án này. Đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ nói: “Tôi phụ trách ban đạo diễn của Hội Sân khấu TP HCM, do vậy, đây là cơ hội để quy tụ dàn tác giả, đạo diễn trẻ có tâm huyết với sáng tác, dàn dựng tạo ra những tác phẩm sân khấu giá trị phục vụ công chúng. Vấn đề là định hướng các vở diễn một cách thiết thực để vừa bảo đảm doanh thu vừa mang giá trị thẩm mỹ”. Tin vui này được các đơn vị kịch xã hội hóa phấn khởi, họ mong sao dự án được nhân rộng để có nguồn kinh phí dàn dựng trong thời buổi sân khấu khó khăn. “Sân khấu Kịch Phú Nhuận hiện chỉ diễn 2 suất/tuần. Giá thuê mặt bằng tăng cao, lượng vé bán không khả quan như trước. “Bà đỡ” xuất hiện đúng lúc là tín hiệu đáng mừng cho sân khấu kịch xã hội hóa” – NSND Hồng Vân nói. Lo “cung” không đúng “cầu” Việc nhận tiền đầu tư của nhà nước bắt buộc phải dựng kịch bản mang chủ đề tư tưởng có định hướng đã trở thành áp lực lớn đối với các đơn vị tham gia dự án này. Một vấn đề khác đang đặt ra là nếu không có khán giả đến xem kể cả khi vở diễn được nhà nước bao tiêu 25 suất diễn. Việc tặng vé mời sẽ dẫn đến tình trạng “cung” không đúng “cầu”. Thực trạng khán giả đến xem vở diễn với thói quen “đi vì vé mời” đã từng làm đau đầu không ít các đoàn nghệ thuật quốc doanh từ Bắc vào Nam khi lưu diễn. Lượng vé bán kín rạp theo hình thức các đơn vị kinh tế là người đồng hương mua giúp đoàn nhưng khán giả nhận vé mời đến xem chưa hết nửa vở đã đứng lên ra về. Liệu 25 suất diễn nhà nước bao tiêu có thực sự hiệu quả nếu nguồn vé được phân phát đại trà, không đúng đối tượng đang là vấn đề mà các đơn vị nghệ thuật tham gia dự án lo lắng. Có ý kiến cho rằng nên chăng bán vé giá ưu đãi, thay vì phát vé mời, bởi khán giả xem kịch ở TP HCM có thói quen mua vé vào xem, còn nhận vé mời thì mang tâm lý “kịch chùa, chua lắm”, ngại bỏ thời gian đến rạp. Sân khấu kịch đang cần “cần câu” hay cần “cá”? Đó là vấn đề cần suy nghĩ, tính toán. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách này khó kéo dài nếu cứ cho “cá” chứ không phải “cần câu”.