Khởi đầu của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Sài Gòn

  • Sẽ có những buổi hòa nhạc gần gũi trước cửa Nhà hát Thành phố vào sáng Chủ nhật, sẽ có những buổi hòa nhạc trong Nhà hát, trên sân khấu Nhạc viện hoặc sân khấu Soul Live Project với phong cách nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Và sẽ có một nơi để các sinh viên Nhạc viện, các nghệ sĩ tương lai thể hiện sức trẻ của mình, trau dồi con đường nghệ thuật mỗi ngày… Khán giả Sài Gòn chào đón Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Sài Gòn!

Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Sài Gòn (SPYO) gồm các thành viên độ tuổi 18-25 vừa ra mắt tại TP.HCM ngày 13.1.2019, với sự dẫn dắt của Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Bảo Anh, sự hỗ trợ của Thanh Bùi– nhà sáng lập Amberstone Media, PGS-TS. Tạ Quang Đông – Giám đốc Nhạc viện TP.HCM. Trong từng buổi biểu diễn của mình, SPYO sẽ mang đến hơi thở mới, trẻ trung, hiện đại hơn dành cho dòng nhạc vốn bị gắn mác là kén người nghe.

Nguyễn Bảo Anh tốt nghiệp cao học Nhạc viện Hoàng gia London, sau đó anh làm việc tại Dàn nhạc giao hưởng thành phố Daejeon – Hàn Quốc và rồi trở thành giám đốc Trung tâm âm nhạc Bauhinia Musik Haus, giảng viên Học viện nghệ thuật biểu diễn Hongkong. Cuối năm 2016, Nguyễn Bảo Anh thỉnh thoảng trở về Việt Nam để hỗ trợ Nhạc viện TP.HCM, theo lời mời của giám đốc Nhạc viện là PGS-TS. Tạ Quang Đông để bổ sung vào sự thiếu vắng của nghệ thuật biểu diễn trong giáo trình đào tạo âm nhạc tại Việt Nam.

“Sau một thời gian làm việc thường xuyên ở TP.HCM, tôi tự hỏi trong thành phố hơn 8 triệu dân này, các nhạc công được đào tạo đang ở đâu, làm gì. Khi tôi hỏi, mọi người cũng chia sẻ, bạn thì đang chơi nhạc ở sảnh khách sạn, bạn thì chơi nhạc ở đám tiệc. Tôi cảm thấy tiếc cho thời gian các bạn, đã bỏ ra tận 16 năm tại nhạc viện nhưng lại làm những việc chỉ cần đào tạo 3 năm là làm được. Có một ví dụ buồn, một người tôi từng hướng dẫn để có được học bổng toàn phần về âm nhạc đã quyết định đi theo một tổ chức xuất khẩu lao động để làm việc và định cư tại Mỹ. Khi tôi hỏi lý do, bạn trả lời rằng bạn thấy không có tương lai cho nghệ thuật tại Việt Nam, mặc dù bạn đã có hợp đồng làm việc tại Nhạc viện

Khởi đầu của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Sài Gòn - Hình 1

Những trăn trở của tôi cũng chỉ dừng lại ở đó, nếu không có một cơ duyên là tôi được gặp Thanh Bùi. Khi chia sẻ câu chuyện này, chúng tôi đã đồng cảm rất nhiều. Thanh và nội lực của mình với Amberstone Media, SMPAA và SLP Series đã quyết định sẽ là chỗ dựa đầu tiên để thành lập SPYO. Từ đây, SPYO sẽ là một giấc mơ, nuôi dưỡng, tạo dựng, chắp cánh cho các em theo đuổi đam mê của mình, tạo tiền đề cho tương lai” – Nguyễn Bảo Anh chia sẻ về cơ duyên ra đời SPYO.

Từ cái bắt tay của Nhạc viện TP.HCM, Nguyễn Bảo Anh và Thanh Bùi, mọi việc diễn ra nhanh chóng với cảm hứng, sự tự nguyện. Ngay cả những nghệ sĩ khách mời quốc tế khi đến Việt Nam giúp đỡ, trình diễn cùng SPYO cũng xuất phát từ mối quan hệ bạn bè với Nguyễn Bảo Anh và hoàn toàn miễn phí. Mọi người cùng góp sức, với suy nghĩ đơn giản, nếu mình không làm từ bây giờ thì ai sẽ làm, và biết đến khi nào.

Chia sẻ về lý do là người cùng thành lập và hỗ trợ cho SPYO, Thanh Bùi nói: “Anh Bảo Anh có một cuộc sống nghề nghiệp tốt ở Hồng Kông. Bảo Anh vừa trình diễn vừa giảng dạy tại nơi phát triển về nghệ thuật, người dân tôn trọng và tôn vinh âm nhạc giao hưởng. Vậy mà anh vẫn dành thời gian để về Việt Nam cho các bạn trẻ, cho tương lai của nghệ thuật thành phố. Vậy thì tôi ngồi ở đây, tại sao lại không hợp tác cùng làm? Ngày nay, hầu như ở các nước tiên tiến, các thành phố lớn của họ đều có hai – ba dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp.

Ở TP.HCM thì khác, đi nghe nhạc giao hưởng vẫn còn là điều xa lạ. Mọi người sẵn sàng bỏ ra 80 – 90 ngàn đồng để uống một ly trà sữa nhưng không sẵn sàng mua một cái vé 200 ngàn đồng. Tôi và anh Bảo Anh cùng tạo ra sân chơi SPYO với tâm huyết, sự tự nguyện và mong muốn hằng tháng, mọi người có thể đi nghe hòa nhạc với sự thoải mái, nhẹ nhàng, chứ không quá cổ lỗ sĩ, quá trịnh trọng. Tôi hoàn toàn tin vào việc mình làm dù trước mắt mọi chuyện không hề dễ dàng. Bạn thấy không, lễ hội âm nhạc Countdown cuối năm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, một nghệ sĩ hiphop như Đen đã được trình diễn, được cấp phép, dù trước đây, nhạc indie mấy ai biết đến. Tôi và Bảo Anh sẽ hỗ trợ những bước đầu để các bạn trẻ phát triển một cách chuyên nghiệp, tiếp cận với khán giả, trình diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, gặp gỡ các nghệ sĩ quốc tế.

Tôi muốn góp sức trong việc xây dựng một dàn nhạc giao hưởng trẻ tại thành phố có bề dày văn hóa và luôn sẵn sàng tiếp nhận những làn sóng mới là TP.HCM. Lúc đó, tôi tin, chất lượng nhạc giao hưởng của SPYO sẽ tăng. Tôi mong về sau, những người bạn nước ngoài, kể cả những người từ các vùng miền khác trên cả nước khi đến với thành phố chúng ta đều xem, nghe nhạc giao hưởng là một đặc trưng văn hóa của thành phố mình. Tôi tin, nếu được hỗ trợ và có con đường đúng, Việt Nam sẽ có những người như Lang Lang, sẽ được biểu diễn ở những sân khấu lớn trên thế giới. Người Việt Nam sẽ tự hào về nghệ thuật Việt Nam như tự hào với đội bóng của AFF Cup”.

Thành viên của SPYO hiện nay đều là các bạn trẻ từ 18 đến 25, được tuyển chọn từ những sinh viên xuất sắc được đào tạo lâu năm tại Nhạc viện. Các bạn chính là những người đồng hành đầu tiên cùng Bảo Anh, Thanh Bùi để xây dựng nền móng cho một tương lai. Các khoản phí cho những buổi biểu diễn đầu tiên chỉ mang tính tượng trưng, vì Thanh Bùi và cộng sự sẽ tiếp tục tìm kiếm những doanh nhân, những nhà hảo tâm tiếp sức. “Tôi chỉ là người hỗ trợ đầu tiên cho SPYO và tiếp tục tìm kiếm các doanh nhân sẵn sàng đồng hành cùng nghệ thuật. Ở nước ngoài, có những doanh nhân mua hẳn một số lượng ghế cho mỗi đêm diễn, như là cách cam kết ủng hộ nghệ thuật. Tôi nghĩ, với doanh nhân, sự sang trọng không hẳn là đeo một chiếc Rolex mà quan trọng là tiền của họ đầu tư vào đâu. Tôi đang tìm kiếm những người sẵn sàng xem đầu tư cho nghệ thuật là một niềm tự hào”, Thanh Bùi chia sẻ.

Khởi đầu của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Sài Gòn - Hình 2

Từ trái: Nguyễn Bảo Anh (Giám đốc nghệ thuật), Thanh Bùi (nhà sáng lập Amberstone Media)

Trong tương lai gần, SPYO không chỉ có những buổi trình diễn khép kín trong các không gian nhà hát/sân khấu, mà các bạn sẽ tự do trình diễn trong những không gian mở như phía trước Nhà hát Thành phố. Các buổi trình diễn sẽ chọn các chủ đề âm nhạc gần gũi hơn, ví dụ như tháng 2 sẽ có chủ đề gia đình, tháng 4 tôn vinh ca khúc Việt Nam; sân khấu trình diễn sẽ được “pop” hóa chút ít với hiệu ứng hình ảnh, video art… Các buổi biểu diễn tại Soul Live Project cũng đang được lên kế hoạch với những chủ đề hấp dẫn như những bản nhạc phim thân thuộc, những buổi concert mang phong cách trẻ trung. Các nhóm nhạc trên thế giới cũng sẽ đến trình diễn giao lưu với SPYO từ lời mời của Bảo Anh, Thanh Bùi…

PGS-TS. Tạ Quang Đông – Giám đốc Nhạc viện TP.HCM chia sẻ: “Rất nhiều người đã bày tỏ sự lo lắng khi chúng tôi lên kế hoạch thành lập dự án và đưa nhóm SPYO vào hoạt động. Các em trẻ quá, liệu có đảm đương được những tác phẩm cần nhiều kỹ thuật trình diễn hay không? Về mặt chuyên môn, với tư cách giám đốc Nhạc viện TP.HCM, cơ sở trực tiếp đào tạo các em, tôi có thể đảm bảo tính chuyên nghiệp và chất lượng âm nhạc của SPYO sẽ càng nâng cao sau mỗi buổi công diễn. Chúng tôi muốn SPYO được hướng dẫn trong một môi trường biểu diễn chuyên nghiệp. Qua từng đêm nhạc các em sẽ được làm quen với các kỹ năng chơi trong dàn nhạc, kỹ năng làm việc cùng nhau, kỹ năng biểu diễn – những kỹ năng không thể học qua trường lớp mà phải liên tục được thực hành và bồi dưỡng. Chúng tôi đồng hành cùng nghệ sĩ Bảo Anh và Amberstone Media tìm tòi các cơ hội, tạo nên các chương trình biểu diễn mà qua đó SPYO được độc lập thể hiện khả năng của mình, hoàn thiện hơn các kỹ năng cần thiết để trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp”.

Theo người đô thị