Tiếc là cái sự “khác người” đó của Trường Giang, lại chẳng phải là một cái tôi bản lĩnh hay một sắc màu tính cách thú vị, mà là một sự thiếu đứng đắn với đồng nghiệp và công chúng – người đã góp phần lớn làm nên tên tuổi cho anh.
Đây không phải lần đầu tiên, “sự nói” của Trường Giang gây bất bình, thậm chí phẫn nộ cho khán giả, sau cái màn “cầu hôn” mà có thể xếp vào hàng “quái dị” ở Việt Nam: cướp luôn sóng truyền hình trong một chương trình tôn vinh nghệ sĩ của một tờ báo lớn – mà anh đang xuất hiện ở đó với tư cách người được tôn vinh, chỉ để giải quyết những chuyện cá nhân anh.
Khoan bàn về việc Trường Giang nói gì, có đáng tin hay không, vì dẫu sao đó là cảm xúc cá nhân – mà nghệ sĩ cũng là một con người bình thường, nhưng cái thời điểm nói, và chọn môi trường để nói của Trường Giang, vượt quá phạm vi của một người trưởng thành, của một nghệ sĩ đứng đắn.
Nhân bàn về cái sự nói, lẽ ra, Trường Giang phải là người nên trau chuốt từng câu từng chữ, vì chính cái “sự nói” đã làm nên tên tuổi anh. Cái giọng Quảng Nam là lạ của Mười Khó đã sinh ra một sắc màu mới cho một cây hài, không trộn lẫn vào đâu giữa nhà nhà thi nhau chọc cười, người người thi nhau diễn hài – giống như các vai diễn bà già trước đây sinh ra Thuý Nga vậy.
Như một lẽ thường – người ta được sinh ra từ đâu thì phải biết trân trọng điều đó – nhưng Trường Giang thì hình như ngược lại. Anh đã “ngược đãi” cái “sự nói” đã sinh ra chính anh hơi nhiều, bằng việc, thứ nhất là quá lạm dụng điều đó trên sân khấu, đôi khi trở thành phản cảm, thành “giễu nại” chính giọng nói của mình. Anh cũng đã “ngược đãi” chính sự nói của mình, bằng cách nói những điều không mấy hay ho với đồng nghiệp ngay trong các game show hoặc chương trình lớn, mà điển hình là “lý sự cùn” với Thanh Hằng, đồng thời nói để muốn làm bẽ mặt Thanh Hằng khi siêu mẫu đang bấm điện thoại.
Lạm dụng phương ngữ, xách mé đồng nghiệp và giờ đây, đem chuyện riêng tư lên truyền hình trực tiếp để giải quyết thì đúng là… hết thuốc chữa với cái “sự nói” của cây hài này. Những bình phẩm, đánh giá về điều đó, những ngày qua cư dân mạng, trong đó có những đồng nghiệp của anh đã làm. Tôi chỉ nói thêm rằng, có lẽ Ban tổ chức và nhà tài trợ của Giải Mai vàng hơi dễ tính, khi không đòi hỏi trách nhiệm của anh trong việc phá hỏng, thậm chí làm ảnh hưởng xấu đến chương trình ấy.
Người ta gọi Trường Giang ích kỷ, tôi chẳng nghĩ thế. Vì chẳng có sự ích kỷ nào ghê gớm đến mức chọn hoàn cảnh này để gào thét chuyện cá nhân. Mà đó là sự thiếu đứng đắn trong một hoàn cảnh lẽ ra cần phải đứng đắn. Một lời cầu hôn, hoặc nhỏ hơn, một lời xin lỗi riêng tư không phải là cái để nói trước đám đông. Như trường hợp này, người bị tổn thương nhiều nhất có lẽ là cô bạn gái của anh, chuyện riêng tư đột nhiên bị phơi bày giữa chợ đời một cách công khai và thiếu hợp lý.
Người ta bảo Trường Giang thiếu kiềm chế, giống như cách mà không ít các fan cuồng bênh hành động này của anh, tôi cũng chẳng nghĩ thế. Nếu thiếu kiềm chế thì cùng lắm là cướp sóng chỉ để nói một lời xin lỗi. Chẳng ai lại đi gào toáng lên là “nhà của em, xe của em và đời anh của em”. Mà đó là sự muốn thể hiện một cách quá lố của một người “không chịu trưởng thành”
Chuyện riêng tư là thứ cần giữ trong phạm vi riêng tư đúng nghĩa – nhất là với đàn ông – thì Trường Giang gần như đi ngược lại với cách hành xử của một người đàn ông bình thường. Anh đã nói, đã gào thét giữa cái lúc, cái ngữ cảnh lẽ ra anh cần phải im lặng.
Gây sóng gió khiến khán giả chưng hửng xong, là những chuỗi ngày Trường Giang im lặng. Một sự im lặng không cần thiết – nếu không muốn nói là rất đáng ghét – giống như tất cả những lần im lặng trước đây của chính anh, dù hơi khác màu. Đó là lần tham gia một game show với các đồng nghiệp, khi cần nói thì anh lại im lặng một cách kênh kiệu coi thường đồng nghiệp gây sóng gió cách đây chừng 1 năm, trong khi trước mặt anh là khán giả và họ cần anh đến đó là để nói.
Và ngay trong chương trình “dậy sóng” hôm qua, gần như anh cũng chưa nói lời cảm ơn những người đã ủng hộ mình để đến đỉnh vinh quang. Mà thay vào đó, là… lảm nhảm những chuyện riêng tư, gây hậu quả đến rất nhiều thứ.
Anh cần phải nói, nói một cách chân thành như một nghệ sĩ được công chúng từng tin và từng yêu, như một người trưởng thành đã bước qua tuổi 35 – đó chính là nói lời xin lỗi, ngay sau mọi chuyện xảy ra!
Hành động cướp sóng truyền hình để giải quyết những uẩn ức cá nhân, trước hết, ở tư cách một nghệ sĩ, Trường Giang phải lên tiếng xin lỗi công chúng, mà cụ thể là những khán giả xem truyền hình.
Hành động “cướp sóng” gây tổn hại đến một chương trình có thâm niên như Mai Vàng, lẽ ra, Trường Giang cần phải lên tiếng trực tiếp trên phương tiện truyền thông, xin lỗi Ban tổ chức chương trình, xin lỗi báo Người lao động và bạn đọc của báo Người lao động, những người đã bình chọn, đã tôn vinh anh ba lần liên tiếp trong ba mùa giải.
Hành động “phá hỏng” chương trình tôn vinh anh và các đồng nghiệp nghệ sĩ, điều cần thiết, anh phải xin lỗi những đồng nghiệp có mặt cùng anh trong chương trình ngày hôm đó. Họ đến để tôn vinh đồng nghiệp và được tôn vinh, chứ không phải đến xem một kẻ ngộ tình trưng trổ những chuyện cá nhân bất đắc dĩ như thế.
Và cuối cùng, người anh cần lên tiếng xin lỗi công khai trên các phương tiện truyền thông, đó chính là cô bạn gái của anh, một người chỉ vì cái sự nói của anh, đã gần như không còn được sống bình yên, ít nhất là cho đến lúc này. Cô ấy không hề có lỗi khi chuyện riêng tư trở thành một trò tiêu khiển chốn đông người bởi chính người mà cô ấy từng yêu. Tại sao phải xin lỗi công khai? Vì anh gây ra chuyện, cũng một cách công khai cho hàng triệu người biết cơ mà?
Hãy nói lời xin lỗi, nếu anh còn tư cách nghệ sĩ, Trường Giang ạ!
Tôi hiểu, khi người ta có những ẩn ức trong quá khứ, rất dễ họ dẫn đến việc thể hiện cái tôi một cách cực đoan khi họ chạm đến thành công. Trường Giang từng trải qua gia cảnh nghèo khó – khó đến mức phải bị đuổi học vì không đủ tiền đóng học phí, cũng là một nỗi ẩn ức trong một chặng đời.
Trong trường hợp đó, lẽ ra anh phải trân trọng thành công ngày hôm nay của anh, chứ không phải có những hành động kiêu căng phách lối không giống ai, coi thường đồng nghiệp và khán giả đến như vậy. Hãy nhớ rằng, cái tôi là của anh, anh nên để nó sang một bên để phục vụ khán giả, chứ không phải anh đặt nó lên trên họ.
Đến cả sóng truyền hình cũng bị cướp để giải quyết chuyện cá nhân, thì cái sự khiếm khuyết trong văn hoá ứng xử của Trường Giang đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Đến cả sóng truyền hình cũng bị sử dụng để thể hiện “cái mặt không chơi được” trong một game show dậy sóng trước đây, cũng đủ hiểu cách thể hiện một thái độ cho có văn hoá của Trường Giang đã thiếu đến mức nào.
Và ngay cả cái văn hoá tối thiểu trong tình yêu là tôn trọng bạn gái của mình, gần như cũng vụt bay khỏi suy nghĩ và nhận thức của anh, thì chúng ta đủ hiểu, những khiếm khuyết văn hoá ứng xử của Trường Giang ở góc độ một người bình thường, chứ chưa nói là một nghệ sĩ nổi tiếng, đã mang tính hệ thống và lặp đi lặp lại.
Bất cứ nghệ sĩ nào, muốn có màu sắc riêng thì cần cái tôi. Nhưng cái tôi đó phải là bản lĩnh, là nghị lực, là sự dám làm những điều khác biệt, chứ không phải liều lĩnh, sỗ sàng và làm những điều dị biệt. Với một nghệ sĩ, liều lĩnh, sỗ sàng và làm những điều dị biệt, chỉ là khiếm khuyết văn hoá mà thôi.
Tôi nghĩ rằng, giờ đây, anh chỉ còn hai lựa chọn, một là lời xin lỗi chân thành để bước tiếp con đường nghệ thuật, hai là cứ im lặng và im cho đến mãi mãi, im trên tất cả các sân khấu. Tôi muốn mượn lời nhà thơ Thế Lữ từng nhắc các nghệ sĩ sân khâú để nhắc anh: “Sân khấu là thánh đường, một nghệ sĩ đúng nghĩa trước khi bước chân lên đó, hãy rửa chân cho sạch”
Dù sao, tôi vẫn muốn anh bước tiếp lên cái thánh đường ấy, vì trong tôi, anh là một nghệ sĩ tài năng!
HOÀNG NGUYÊN VŨ
THEO TRÍ THỨC TRẺ