-
Sau những kỉ niệm về quãng đời lưu lạc, bôn ba của mình thời thanh xuân, Khánh Ly tiếp tục chia sẻ thêm về cuộc sống hiện tại bên Mỹ.
Tôi không đi sòng bạc, chỉ ở nhà dọn dẹp, nấu cơm, giặt quần áo, rửa chén…
Chị có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống hiện tại của mình bên Mỹ được không?
Tôi rất ít gặp mọi người, kể cả bạn bè, đồng nghiệp. Tôi có thể ở trong nhà, không ra ngoài đường, không xuống phố từ tháng này qua tháng khác.
Tôi không có nhu cầu ra ngoài, ngoại trừ những lúc bắt buộc như đi hát, đi chợ, đi ra sân bay, thì mới phải đi. Tôi không có nhu cầu đi chơi, đi du lịch. Tôi không đi sòng bạc, không ra bãi biển, không ngắm cảnh.
Tôi là người chỉ muốn ở trong cái nhà của mình thôi. Đời ca sĩ phải đi nhiều, hát nhiều, nên thời gian còn lại, điều sung sướng nhất là được ở trong nhà mình. Dù nhà mình nghèo, nhỏ, xấu cũng là nhà mình, là nơi chốn mình đi về.
Hiện tại, tôi ở nhà dọn dep, nấu cơm nước chờ các con đi về. Tôi ở với một người con. Các con tôi lớn, có gia đình nên đều ở riêng hết. Tôi cũng không ở với cháu, vì chúng ở với bố mẹ.
Tôi dọn dẹp, nấu cơm, rửa chén, chơi với hai con chó, làm vườn, tưới cây, giặt quần áo. Tôi làm tất cả việc nhà, làm như một osin vậy.
Tôi muốn làm. Tôi không muốn con tôi đi làm cực nhọc ở ngoài về rồi vẫn phải làm việc tiếp. Nếu không muốn con làm thì mình phải làm. Những điều đó khiến tôi vui, vì mình mưu cầu hạnh phúc cho con mình mà. Bây giờ, tôi sống vì con.
Tôi ít sống với cha mẹ. Tôi sống với chồng, làm tất cả mọi việc cho chồng. Giờ chồng không còn nữa thì tôi sống với con.
Đối với tôi, như vậy là đủ rồi. Khi đi hát, tôi chỉ biết có khán giả, sân khấu và những bài hát của tôi thôi. Còn ngoài đi hát, tôi chỉ sống với gia đình thôi.
Chị vừa nói ít được sống với cha mẹ. Liệu đã có hoàn cảnh đặc biệt nào dẫn tới điều này?
Tôi đi lấy chồng sớm, đâu có thời gian ở với cha mẹ nhiều. Gia đình tôi đông con cái, anh chị em.
Bởi vậy, nếu chỉ muốn bố mẹ dành tình thương cho một mình mình thì khó quá. Tình thương đó cũng phải chia ra cho các anh chị em của mình. Từ năm 10 tuổi, tôi đã phải vào Nam.
Chị vào Nam từ khi còn nhỏ, rồi ra nước ngoài, đi khắp nơi trên thế giới, nhưng tới tận bây giờ vẫn nói giọng Hà Nội chuẩn. Chị có ý thức về việc giữ gìn giọng nói này không?
Thường thì khi còn nhỏ mà phải xa rời nơi mình ở đến một nơi xa lạ thì dễ bị nhập vô lắm. Giống như trẻ con mà cho ra nước ngoài sớm cũng khó nói thạo tiếng Việt.
Nhưng không hiểu vì sao, tôi vẫn giữ được cho mình giọng Hà Nội, mà là Hà Nội xưa, chứ không phải Hà Nội bây giờ. Tôi giữ nó một cách tự nhiên, không phải ý thức hay gượng ép.
Đó cũng là cái may mắn của tôi. Đời sống của tôi không thay đổi thì giọng nói của tôi cũng không thay đổi. Cách hát của tôi ngày xưa như nào thì bây giờ vẫn thế.
Tôi không cần cố để giữ một thứ gì cả, hát cũng vậy. Trời sinh sao thì mình để vậy.
Có thể nhiều người bây giờ không thích cách hát của tôi, họ thích cái mới. Nhưng tùy theo mỗi người thôi. Với một số người, tôi là xưa quá, cũ quá rồi. Nhưng cái cũ cũng có giá trị của nó. Nhiều người vẫn thích cái cũ, chơi đồ cổ.
Hát Bolero không có gì xấu và không phải cứ hát Bolero thì là sến
Chị đã từng hát Bolero chưa?
Tất nhiên là tôi hát rồi, hát từ rất lâu. Bolero là một thể loại âm nhạc, tại sao lại cứ phải phân biệt rồi đặt nó ra riêng. Điều đó không đúng. Hát Bolero không có gì xấu và không phải cứ hát Bolero thì là sến. Cứ có nhạc hay và bài tôi thích là tôi hát, tôi không phân biệt gì cả.
Ngày nay có một thực trạng là nhiều ca sĩ trẻ đổ xô hát Bolero, nhưng kiến thức và kinh nghiệm về dòng nhạc này lại rất hạn chế. Chị có ý kiến gì về thực trạng này?
Tôi không có ý kiến gì cả. Quan điểm của tôi là thích thì cứ hát, còn hát có được người ta thích hay không lại là chuyện khác. Giống như mỗi con chim nó hót, làm sao cấm được.
Mỗi con chim có một giọng hót khác nhau. Có người thích loại chim này hót, có người lại thích loại chim kia hót, không ai bắt ai được. Không khí này mọi người cùng thở, không gian này mọi người cùng sống, đâu của riêng ai. Đất nước này cũng của mọi người, không thuộc về cá nhân ai cả.
Trong những tỉnh thành mà chị từng lưu diễn, chị có nhiều tình cảm với nơi nào nhất?
Nơi nào người ta cho mình đến hát, mình đều phải cám ơn và khắc ghi trong trái tim mình. Đó đều là những nơi đáng yêu, đáng yêu vì tôi được tới tận nơi, được chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống.
Sài Gòn tôi từng hát nhiều lần trong thời gian gần đây rồi. Khán giả đến đa số vì yêu nhạc Trịnh Công Sơn và nghe tôi hát. Tôi là một kỉ niệm của họ, giống như tình yêu đầu tiên vậy.
Sau này, người ta dẫu có đến 5, 7 kỉ niệm nữa, họ cũng không thể quên được tình yêu đầu tiên. Mọi người nghe nhiều ca sĩ khác hát, nhưng vẫn không quên tôi. Bởi vậy, khi tôi trở về, tôi luôn được đón nhận.
Nói như vậy tức là chị phủ nhận khán giả đến vì giọng hát Khánh Ly?
Tôi không dám nói rằng, mọi người đến xem tôi hát chỉ vì yêu mình tôi. Tôi hát được 40 năm rồi, làm sao còn hát được như thời 20, 30 tuổi. Tôi cũng phải già đi, phải thay đổi, mặt cũng nhăn đi. Làm sao tôi bắt mọi người nghĩ minh trẻ mãi như thời 20, 30 được.
Nhưng nhạc thì không bao giờ già cả. Đó là lí do vì sao tôi nói mọi người yêu nhạc Trịnh nên đến nghe tôi một lần. Sau 40 năm tôi trở lại, mọi người vẫn đến nghe tôi cho biết.
Nếu nghe lần một mà họ cảm thấy chấp nhận được, thì họ sẽ nghe lần thứ hai, thứ ba.
Tôi sợ lắm, đôi giày cao khiến tôi đứng không vững
Về nhạc Trịnh, chị có ấn tượng với giọng ca nào cùng thời hoặc sau thế hệ của mình không?
Nhiều người hát nhạc Trịnh Công Sơn hay lắm. Tôi không được nghe nhiều nên không biết nhiều người. Tôi chỉ được nghe cô Trịnh Vĩnh Trinh, cô Cẩm Vân, cô Hồng Nhung, Thanh Hải (bạn ông Trịnh Công Sơn) và Quang Dũng, Bảo Yến.
Tôi thấy những người này đều hát nhạc Trịnh rất hay. Tôi không phải người hát nhạc Trịnh hay nhất đâu. Còn việc mọi người nói tôi hát nhạc Trịnh hay nhất, tôi cũng không hiểu.
Có lẽ cũng giống như điều tôi vừa nói. Khi mọi người bắt đầu thích nhạc Trịnh Công Sơn thì họ nghe tôi. Bởi vậy, tôi dần trở thành kỉ niệm. Nếu mọi người không thích thay đổi thì họ sẽ thích những thứ ban đầu.
Tôi có được xem một đoạn băng ghi hình Khánh Ly mặc áo dài trắng, quần đen, hát tại hội chợ Osaka năm 1970. Điều đó cho thấy, từ rất sớm, chị đã được ra nước ngoài biểu diễn. Tâm thế của chị lúc đó như thế nào?
Sợ lắm chứ. Lần đầu tiên biểu diễn cùng ông Trịnh Công Sơn, tôi sợ tới mức phải bỏ cả giày ra, chứ làm gì có nhạc sĩ nào đề nghị mình bỏ giày đâu.
Thực sự lúc đó tôi run lắm, chứ không phải vì tạo dáng hay làm điệu đâu. Tôi sợ lắm, đôi giày cao khiến tôi đứng không vững.
Đến tận bây giờ, tôi còn sợ mỗi khi lên sân khấu. Nhưng nếu hát được bài đầu xong thì tôi đỡ run hơn. Nếu được khán giả đón nhận, tôi đỡ sợ hơn. Tôi nhớ năm 1970 ấy, khi tôi hát xong bài đầu, khán giả Nhật đã đón nhận tôi.
Tôi không dám nói là hãnh diện cho người Việt Nam
Người Nhật vốn rất khó tính, nhưng lại thích nhạc Trịnh và tiếng hát Khánh Ly. Chị có thể lí giải điều này?
Cái này tôi chịu. Tôi không dám tự nhận mình hát hay. Nhiều khi họ đón nhận mình vì lịch sự cũng có. Tôi không đủ sức để lí giải điều này.
Có thể những nhà phân tích âm nhạc tìm ra điểm tương đồng giữa nhạc Nhật và nhạc Trịnh. Họ có thể cắt nghĩa được, chứ tôi chịu thua. Tôi không biết vì sao cả. Tôi chỉ biết, người Nhật rất mê nhạc Trịnh.
Thời điểm đó, chị có quen với một ca sĩ người Nhật là bà Utsukushi Mukashi. Chị có còn giữ liên lạc với bà ấy?
Tất nhiên, chúng tôi vẫn giữ liêc lạc với nhau, dù không thường xuyên. Bà ấy thích nhạc Trịnh lắm, nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên không chia sẻ được nhiều.
Đến giờ, tôi cũng không nhớ vì sao lại làm bạn được với bà ấy. Tôi chỉ nhớ, năm tám mấy, hãng đĩa mời tôi sang Nhật hát và chính bà ấy đã tự đi tìm tôi. Chắc báo chí đăng nên bà biết tôi. Khi ấy, bà đang là một ca sĩ nổi tiếng bên đó.
Thời gian đó, Khánh Ly còn được lên hẳn truyền hình của Nhật. Chị là một trong số ít ca sĩ Việt làm được điều này. Chắc hẳn chị cảm thấy rất tự hào?
Tôi vui sướng lắm, nhưng tự hào thì không. Tôi luôn nghĩ ngoài trời có trời, cây cao này có cây cao khác cao hơn. Mình đã là cái gì đâu, chỉ dám sung sướng một cách âm thầm đâu.
Tôi cũng không dám nói là hãnh diện cho người Việt Nam, tôi chỉ nghĩ cho riêng tôi thôi. Còn ai muốn chúc mừng hay cảm nhận điều gì đó tốt hơn thì là ý muốn của họ, chứ sao tôi dám đại diện cho người khác được.
Bây giờ, tôi thấy các bạn trẻ như Sơn Tùng cũng nổi tiếng ở nước ngoài, đi diễn nước ngoài nhiều đấy chứ.
Nhà tôi bên Mỹ nhỏ lắm, giá trị chỉ bằng 1/3 căn nhà của ca sĩ nổi tiếng bên này
Chị có thấy được sự vênh nhau giữa thế hệ ca sĩ ngày trước và bây giờ không?
Tôi thấy ca sĩ bây giờ sướng nhiều. Họ được học hỏi, giàu có. Lớp ca sĩ của tôi ngày xưa không ai giàu có như bây giờ. Nếu chỉ bằng số tiền kiếm được từ cát xê thì chỉ đủ ăn và lo lắng trong gia đình thôi, không thể ở nhà 2, 3 triệu đô được. Ca sĩ bây giờ sướng hơn nhiều
Nhà tôi bên Mỹ nhỏ lắm, giá trị chỉ bằng 1/3 căn nhà của ca sĩ nổi tiếng bên này thôi. Nhưng đó là nhà của mình.
Chị có thấy chạnh lòng vì điều này không?
Không. Cái nhà chỉ là một cái nhà thôi, làm sao chạnh lòng vì một cái nhà được. Không thể so sánh vật chất được vì ở thời của tôi, mọi thứ chỉ có vậy thôi. Sau nửa thế kỉ, mọi thứ đều thay đổi cả.
Tuy nhiên, nếu bây giờ mọi người hạnh phúc với cuộc sống của họ thì tôi cũng hài lòng với cuộc sống ở thời của tôi. Tôi rất sung sướng và không có gì phải luyến tiếc.
Tôi có những cái mà bây giờ không ai có. Đó là đời sống của tôi. Những người bây giờ chưa chắc đã có, và họ cũng có những cái tôi không có.
Theo Trí Thức Trẻ