Nhớ lại khoảng thời gian gặp nhiều khó khăn, giọng ca “Người lạ ơi” vẫn tin rằng con đường âm nhạc mà anh theo đuổi là đúng đắn. Điều duy nhất anh hối tiếc là từng khiến mẹ khóc.
Ngay từ những ngày đầu hoạt động nghệ thuật, Karik luôn tâm niệm mang nhạc Rap phổ biến rộng rãi hơn với công chúng. Vì mong muốn này, anh đã vấp phải nhiều áp lực từ chính cái nôi đầu tiên giúp hình thành đam mê với Rap/ Hip hop.
Trải qua nhiều khó khăn trong quãng thời gian 5 năm làm nghề, ca sĩ Người lạ ơi tự tin khẳng định hiện không điều gì có thể cản bước anh trên con đường nghệ thuật.
Nhìn lại những gì đã qua, anh chỉ cảm thấy thấy hối tiếc duy nhất một điều. Đó là : “Đã làm mẹ khóc vào thời điểm bị lừa gạt đó. Còn về chuyện tôi bị lừa, tôi nghĩ đó là chuyện phải xảy ra để tôi biết được người ta có thể cư xử với nhau như thế nào”.
– Anh suy nghĩ gì về việc góp mặt trong Top 5 đề cử hạng mục ca khúc Rap/Hip hop được yêu thích của ZMA 2017?
– Năm 2017 với tôi là một năm không thuận lợi. Là một người cầu toàn, tôi tự nhận thấy năm qua hiệu suất làm việc của mình không được xuất sắc. Được đề cử ở Top 5 trong hạng mục Rap/Hiphop là do khán giả yêu mến và bình chọn nhưng chính bản thân tôi vẫn chưa hài lòng với chính mình.
– Trong các đề cử giải thưởng tại ZMA 2017, nhiều ca khúc của các nhóm nghệ sĩ Indie/Underground được đánh giá rất cao. Anh cảm thấy thế nào về việc dòng chảy ngầm của nhạc Việt đang có xu hướng bật lên so với giai đoạn trước?
– Tôi nghĩ đó là điều đáng mừng. Khi còn hoạt động trong giới Underground, tôi đã đoán được sẽ có một ngày mảng âm nhạc này bật lên và được công nhận trong đời sống nhạc Việt nói chung.
Giới Indie/Underground có rất nhiều người tài. Chỉ có điều họ chưa có nhiều cơ hội và phương tiện để truyền tải âm nhạc của họ đến với đại chúng. Thế nhưng hiện nay các trang mạng xã hội đã rất phổ biến, ai cũng có thể dùng và chia sẻ mọi điều. Vì vậy nhạc Indie/Underground đã dễ dàng đến tiếp cận người nghe hơn, đó là điều làm tôi rất vui.
– Trong số các nghệ sĩ trẻ thuộc dòng Indie/Underground hiện nay anh đánh giá ai cao nhất?
– Thật ra trong tư duy của tôi những người có thể đứng trên #zingchart và luôn góp mặt trên các bảng xếp hạng nhạc số thì khó có thể gọi là Underground nữa.
Bản thân những người đứng được trên bảng xếp hạng đã và đang mang được tố chất của dòng nhạc mainstream (chính thống). Quan trọng là họ giữ mình ở Underground được trong bao lâu.
Những người mang được âm nhạc Underground đến với rộng rãi công chúng đã có yếu tố của nghệ sĩ mainstream. Tôi nghĩ chúng ta đang có cái nhìn hơi khắt khe về việc phân biệt này. Nếu họ làm được những điều vượt qua nghệ sĩ biểu diễn chính thống thì họ cũng là mainstream.
– Anh cũng là một nghệ sĩ xuất thân từ giới Underground, trong giai đoạn chuyển hướng hoạt động anh đã gặp phải những khó khăn gì?
– Khi bắt đầu chuyển hướng từ Underground sang hoạt động bề nổi tôi không có bất cứ mối quen biết nào, không biết phải nhờ ai nhận lịch diễn, không có bất kỳ liên hệ nào để làm truyền thông cho mình.
Tôi lúc ấy cũng chưa hiểu được gu nghe nhạc của đại chúng, không biết làm cách nào để bắt kịp thị hiếu âm nhạc, rồi chuyện phục trang, cách biểu diễn trên sân khấu…
Ngoài những khó khăn đó, tôi cũng gặp phải áp lực từ phía cộng đồng Underground. Họ luôn muốn “sở hữu” tôi, muốn tôi viết nhạc phục vụ cho họ. Những người thuộc cộng đồng ấy cho rằng nếu bước chân ra thị trường chung thì tôi sẽ trở thành một rapper mất chất.
Dường như họ muốn tôi chỉ mãi ở trong một “miếng bánh” như thế. Việc chỉ quan tâm đến làm sao cho ra âm nhạc “chất” và cung phụng thị hiếu của giới Underground tạo cho tôi cảm giác không có con đường để phát triển bản thân. Có lẽ không ai quan tâm cuộc sống của tôi. Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để duy trì được cuộc sống và duy trì đam mê của mình.
Với những áp lực ấy, nhiều khi tôi cô đơn và tủi thân mà không chia sẻ được với ai. Quãng thời gian đó tôi chỉ im lặng làm việc và tin rằng những sản phẩm âm nhạc sẽ là minh chứng cho việc tôi xứng đáng bước lên một nấc thang mới hay phải dậm chân tại chỗ.
Đến thời điểm này tôi cho rằng quyết định khi đó là đúng đắn. Tôi thấy có những bạn rapper khi xưa luôn được khen vì nhạc “chất” và có tài năng nhưng các bạn luôn sống trong ảo tưởng cá nhân. Đến bây giờ họ đã dần bị lãng quên vì không chịu phát triển bản thân.
– Nguyên nhân anh quyết tâm rời bỏ dù vấp phải sự phản đối từ cộng đồng Underground?
– Tôi đã làm nhiều điều cho cộng đồng Underground, đã sáng tác và giúp giải mã cảm xúc cho rất nhiều người trong số họ. Cho đến một lúc tôi nhận thấy chỉ có thể giải trí chứ không thể duy trì mãi ở môi trường đó. Tôi cho rằng đã đến lúc mình phải phát triển thêm.
Họ luôn muốn giữ và đưa những điều đặc sệt chất rap của Underground lên sân khấu. Nhưng thực tế âm nhạc kiểu đó không phải ai cũng ưa thích. Tôi cảm thấy muốn thay đổi thị phần âm nhạc và muốn nhạc rap phát triển thì đó không phải là con đường đúng đắn. Và từ đó tôi quyết tâm đưa nhạc rap phổ biến hơn.
Ước mơ của tôi là mang nhạc rap đến với đại chúng. Cộng đồng ấy từng không chấp nhận điều này. Họ ruồng rẫy và gọi tôi là kẻ phản bội. Điều này làm tôi buồn. Tại sao họ không hiểu tôi? Tôi muốn phát triển và đi trên những con đường khác.
Tôi mong có thể chứng minh cho công chúng thấy rằng nhạc rap không chỉ là những lời lẽ cộc cằn mạnh bạo nghe như đang cãi cọ mà còn là những ca từ có thể đi vào lòng người. Đó là điều khiến tôi quyết định ra khỏi giới Underground.
– Phải chăng do vấn đề kinh tế nên anh mới chuyển hướng hoạt động?
– Không hẳn là về kinh tế, mà chủ yếu do tôi muốn phát triển kỹ năng bản thân. Tôi đến với rap như một sở thích, qua thời gian đã chuyển thành đam mê. Mà đã đam mê thì tôi phải theo đuổi tới cùng.
Và để theo đuổi được đam mê phải có cái “nuôi” cuộc sống bản thân trước. Khi ấy tôi mới có thể “nuôi” lại được đam mê để sản sinh ra được con chữ và giai điệu.
Tôi quyết định thử sức, dù điều này có phần mạo hiểm vì ở thời điểm đó chưa có một rapper nào ở Việt Nam thật sự thành công và gắn bó lâu dài với nghiệp rap.
Nhiều người đã nghỉ giữa đường, nhiều cá nhân giờ đã làm nghề khác. Nhạc rap vốn là dòng nhạc khó đi vào lòng đa số công chúng. Tới nay, chứng kiến dòng âm nhạc Rap/Hiphop dần được công nhận tôi cảm thấy rất vui.
– Rời khỏi Underground có khiến anh mất “chất”?
– Cái “chất” là nằm ở trong mỗi con người. Và khi đã nằm trong con người thì không thể mất đi được, chỉ là khi nào chúng ta muốn khơi dậy thôi. Bản thân tôi không nghĩ mình là rapper “chất” hay không. Tôi chỉ là người dùng nhạc rap để giải mã và giãy bài cảm xúc của những người xung quanh.
Tôi đã ở độ tuổi không còn quan tâm đến việc “chất” hay không nữa. Tôi chỉ quan tâm một việc rằng âm nhạc của tôi có giúp công chúng nhẹ lòng hơn, cảm thấy như có người an ủi kế bên khi lắng nghe hay không.
– Cuộc sống của anh có những thay đổi gì khi chuyển hướng sang hoạt động như một nghệ sĩ biểu diễn chính thống?
– Ban đầu tôi rất vui vì nhận được những giải thưởng, những lời công nhận từ khán giả. Nhưng sau đó mọi chuyện dần đi theo hướng tiêu cực hơn khi chứng kiến dư luận của giới Underground tác động quá mạnh lên mình.
Tôi từng phải đấu tranh tâm lý mỗi ngày rằng tại sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy, tôi đã làm gì sai. Tất cả những gì tôi muốn là đưa dòng nhạc rap đến với những người lớn tuổi hơn, những người nghe khó tính hơn.
Tôi là người dễ đặt mình vào những cảm xúc người khác. Khi bắt đầu sáng tác để đến gần thị hiếu của công chúng hơn, tôi bắt đầu gắn mình vào những suy nghĩ của mọi người xung quanh. Khi ôm quá nhiều cảm xúc vào lòng một lúc trong một thời gian dài mà không có cách để bộc lộ ra ngoài và không ai thấu hiểu, lâu dần sẽ dẫn đến trầm cảm.
Tôi từng trải qua trạng thái đó. Tôi chỉ nằm co ro một mình trong phòng, chán nản và đôi khi suy nghĩ đến cái chết. Tôi đã nghĩ rằng dường như mọi người đang quay lưng lại với mình và cảm thấy như ông trời muốn tôi dừng lại tại đây.
– Quan điểm làm nghề của anh là gì?
– Tôi từng cho rằng hãy cứ chiều theo ý thích của khán giả rồi tôi sẽ làm được điều gì đó cho sự nghiệp của mình. Nhưng tôi nhận ra chuyện đó hoàn toàn sai. Sau cùng tôi hiểu một điều đó là bản thân phải tỉnh táo, khôn khéo suy nghĩ kỹ để đưa ra quyết định đúng đắn cho sự nghiệp và âm nhạc của mình.
– Anh đánh giá thế nào về một số gương mặt trẻ không nổi bật về tài năng nhưng với sự hậu thuẫn lớn từ ê-kíp và từ công chúng muốn lấn sân vào thị trường âm nhạc?
– Tôi nghĩ một người trẻ có đủ tự tin để bắt đầu công việc mình yêu thích là một điều tốt. Nhưng họ cũng phải hiểu họ đang có cơ hội và họ cần nắm bắt lấy cơ hội đó để liên tục trau dồi bản thân.
Nếu đã nắm trong tay cơ hội được đứng trên sân khấu mà không nỗ lực tiến lên và để bị đẩy lùi về phía sau thì lúc đó họ không trách được ai cả. Họ càng không thể đổ lỗi cho khán giả hay cho những người xung quanh.
Tôi cũng cảm thấy đồng tình với ý kiến những ca sĩ không nổi trội về giọng hát cũng có thể dùng các phương diện khác như vũ đạo, năng lực biểu diễn, khả năng làm chủ sân khấu… để bổ trợ.
Ví dụ trường hợp của Chi Pu. Tôi nghĩ cô ấy là người thông minh và có những chiến lược riêng. Các sản phẩm của cô ấy, càng về sau tôi càng thấy chỉn chu hơn và giọng hát càng cải thiện hơn.
Tôi cảm thấy Chi Pu không phải là một người hát dở. Tôi nhìn cô ấy và tôi cảm nhận đây là một người hát được. Tôi nghĩ Chi Pu có đủ các khía cạnh tài năng để bổ trợ cho giọng hát. Và hơn hết thảy, cô ấy biết cách hướng dư luận về phía mình.
– Suy nghĩ của anh về những người dùng scandal để PR tên tuổi nhằm nổi tiếng hơn?
– Tôi cho rằng có thể chia thành 2 loại scandal: “sạch” và “bẩn”. Những người sử dụng scandal “sạch”, ví dụ như tạo vài tin tranh cãi nhỏ để tăng hiệu ứng cho sản phẩm, nhưng sản phẩm của họ thực sự hay và có sức lan toả thì không sao. Vì khán giả sẽ là người công tâm nhất, sẽ tự đánh giá được sản phẩm nghệ thuật và người nghệ sĩ có xứng đáng được quan tâm hay không.
Về những scandal tranh cãi phản cảm, chửi bới người này người kia để đánh bóng tên tuổi hay những việc không minh bạch thì tôi cảm thấy họ nên xem lại bản thân.
Họ muốn nổi tiếng theo cách đó cũng không sao, nhưng chắc chắn khán giả sẽ mau chóng quên lãng. Nếu có đủ tài năng thì họ cũng chỉ là những thông tin giải trí tạm thời, sẽ không trụ được lâu.
– Anh có từng nghĩ đến chuyện dùng scandal để thu hút sự chú ý?
– Mẹ tôi từng nói dù tôi làm bất cứ nghề gì cũng phải nhớ rằng “không thành danh cũng phải thành nhân”. Cho dù bạn không nổi tiếng được bằng những cách chính chuyên thì cũng đừng nổi tiếng bằng cách dơ bẩn. Đó là điều tôi luôn ghi nhớ để cố gắng bằng chính thực lực của mình.
Với những người bất chấp để dùng scandal, tôi cho rằng họ sẽ nổi tiếng nhưng chỉ trong thời điểm đó thôi. Về lâu dài, mọi người sẽ không thừa nhận tài năng của họ.
– Anh nghĩ mình có đủ tài năng để đi một con đường dài lâu?
– Tôi không nghĩ bản thân quá tài năng, nhưng tôi tin mình đủ kiên định để đi hết một con đường dài. Trong 5 năm vừa qua, những gì khó khăn nhất khi làm nghề tôi đều đã trải qua. Tôi vẫn tồn tại đến giờ này khi bắt đầu mà không có quá nhiều sự giúp đỡ thì tôi nghĩ bây giờ không có khó khăn gì có thể cản bước tôi được.
– Anh đã trải qua những khó khăn gì để có thể tự tin khẳng định điều đó?
– Chuyện tôi nhớ nhất là câu chuyện xảy ra khi tôi đạt được giải thưởng do MTV trao tặng. Đó là giải thưởng lớn đầu tiên trong đời, một bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành của tôi.
Khi đó tôi làm việc với một người quản lý. Người ấy đã lừa gạt hết số tiền thưởng là 300 triệu của tôi. Đó là một con số rất lớn với tôi. Người đó không những lừa hết tiền của tôi mà còn lấy cả tiền của mẹ khi gia đình tôi đang gặp khó khăn.
Lúc ấy tôi đã trải qua cảm giác trong người không còn một đồng tiền nào. Tôi thậm chí không biết phải làm như thế nào làm sao để vượt qua khó khăn. Nhưng tôi nghĩ lại, tôi còn chất xám, còn cái đầu để suy nghĩ và sáng tạo thì hãy cố gắng hết sức viết nhạc.
May mắn cho tôi dần dần mọi người cũng đón nhận và được gọi đi biểu diễn. Mới đầu chỉ 1-2 chương trình, rồi sau đó dần nhiều thêm và có như ngày hôm nay.
Mặc dù bị gạt tiền nhưng tôi không thể nói gì hết. Đứng trên phương diện người bị lừa, tôi cũng không có bất kì giấy tờ gì để chứng minh sự việc. Vì vậy tôi đành im lặng và cho qua. Đây là chuyện khó khăn nhất trong suốt quãng đường lập nghiệp của tôi. Tôi không bao giờ quên được người đó và sự việc đó.
Về những khó khăn và áp lực gặp phải khi quyết định rời khỏi giới Underground, tôi từng luôn buồn phiền về chuyện đó. Nhưng sau này tôi nhận ra, không ai sống cuộc sống thay cho mình cả. Tôi cần sống cho bản thân nhiều hơn. Vì vậy tôi đã vượt qua những cảm xúc tiêu cực để hướng về cái đích mới.
– Nhìn lại chặng đường đã qua, đâu là điều anh cảm thấy hối tiếc nhất?
– Điều tôi hối tiếc nhất là đã làm mẹ khóc vào thời điểm bị lừa gạt đó. Còn về chuyện tôi bị lừa, tôi nghĩ đó là chuyện phải xảy ra để tôi biết được người ta có thể cư xử với nhau như thế nào.
Nghiêm Ngọc
Ảnh: Bá Ngọc
Đồ họa: Nhân Lê
Theo Zing