Karik: ‘Thời gian đầu hoạt động mainstream, tôi phải chịu đựng áp lực lớn từ cộng đồng Underground’

Karik chia sẻ những cảm xúc xoay quanh thành công ngoài sức tưởng tượng của “Người lạ ơi” và hành trình đi từ “thế giới ngầm” của Underground để mở lòng hơn khi bước ra hoạt động Mainstream.

Karik được biết đến là rapper quen thuộc đối với cộng đồng mạng trong khoảng thời gian vài năm gần đây. Âm nhạc của anh trẻ trung và cá tính nhưng không kém phần chín chắn, trưởng thành. Ca từ được viết trong bài hát của Karik là cách anh tự gửi gắm những suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn nhận của mình trong cuộc sống hay tình yêu như “Cạn cả nước mắt”, “Thương”, “Từng là tất cả”,..

Những ngày đầu năm 2018, Karik nhận được sự chú ý đặc biệt từ phía cộng đồng mạng khi màn ra về của anh với cô gái trẻ Huyền Thương trong chương trình “Vì yêu mà đến” còn chưa hạ nhiệt thì sản phẩm âm nhạc kết hợp với bộ đôi nhà sản xuất Superbrothers và tân binh Orange mang tên “Người lạ ơi” bất ngờ trở thành “hiện tượng Vpop” cùng lượng tương tác cao kỉ lục. Cùng trò chuyện với Karik để hiểu rõ hơn về cảm xúc của anh xoay quanh thành công ngoài sức tưởng tượng của “Người lạ ơi” và hành trình đi từ “thế giới ngầm” của Underground để mở lòng hơn khi bước ra hoạt động Mainstream.

Thành công của “Người lạ ơi” vừa qua mang lại cho anh điều gì khác so với những bản hit từ trước tới giờ?

Nó đánh dấu một sự trưởng thành nhiều hơn trong âm nhạc. Những bản hit trước ví dụ như “Anh không đòi quà”, mặc dù cũng thành một bản “hit quốc dân” nhưng trong lời viết của tôi, nó còn trẻ con, cảm giác như mình chưa thực sự nghiêm túc với nó. Nhưng ở “Người lạ ơi”, người ta sẽ cảm nhận được con người tôi thay đổi qua thời gian như thế nào, từ câu chữ cho đến âm nhạc.

Sự thay đổi đó đến từ những khó khăn lúc tôi bước vào showbiz, những lúc phải một mình gồng gánh hết mọi thứ và không có một điểm tựa. Khi đưa ra chủ đề cho ca khúc này, tôi dùng chính suy nghĩ và trải nghiệm thực tế của mình để đưa được chất tự sự, cái cảm xúc, tâm sự vào bài hát để đánh trúng tâm lý của người nghe.

Karik: Thời gian đầu hoạt động mainstream, tôi phải chịu đựng những áp lực lớn từ cộng đồng Underground - Ảnh 2.

Những khó khăn mà anh phải tự mình gồng gánh khi bắt đầu bước vào showbiz, đó là gì?

Có một chuyện buồn mà tôi còn nhớ mãi, đó là khi đạt được một giải thưởng âm nhạc lớn trong sự nghiệp, tôi rất vui vì bên cạnh được ghi nhận sức lao động, tôi còn được một số tiền rất lớn. Với số tiền đó, tôi dự định sẽ làm một dự án gì đó và đã thuê một người quản lý để làm việc cùng. Nhưng sau đó thì họ lại lừa gạt mình và lấy hết số tiền 300 triệu đó. Không còn một đồng nào trong người, tôi không biết mình phải làm gì, đi về đâu. Mình bị áp lực và mình không biết phải làm sao. Có những lúc thực sự không muốn theo nghề nữa, vì mới vào nghề mà đã mất hết tất cả.

Sau chuyện đó, tôi thấy showbiz không phải là màu hồng, trước mặt mình là thế này nhưng sau lưng mình họ lại khác. Tôi cũng rất muốn có bạn nhưng từ sau vấn đề kia, tôi luôn đề phòng với mọi thứ. Điều đó làm tâm trạng tôi ngày càng nặng nề hơn, không muốn dính đến showbiz quá nhiều, không dám kết thân với ai hết.

Càng buồn hơn nữa là khi nhận giải thưởng đó xong, tôi phải chịu đựng những áp lực rất lớn từ cộng đồng Underground. Có thể là bản thân họ muốn mình là một phần của cộng đồng họ, phải làm nhạc như thế này thế kia chứ không được qua mainstream. Nhưng nếu muốn phát triển thì con đường tôi đi không thể như vậy hoài được. Ở ngoài kia, có rất nhiều người trân trọng mình, vậy tại sao mình không mở rộng tư duy ra, cập nhật âm nhạc mới để đưa tới khán giả nhiều cái hay ho hơn, làm âm nhạc cho nhiều người hơn? Còn underground họ nói gì cũng được bởi vì họ ghét thì là họ ghét, còn họ thích thì họ vẫn sẽ thích nên mình cũng không nghĩ gì nhiều nữa.

Karik: Thời gian đầu hoạt động mainstream, tôi phải chịu đựng những áp lực lớn từ cộng đồng Underground - Ảnh 3.

Đối mặt với áp lực của cộng đồng Underground khi anh bước chân vào mainstream là điều không dễ dàng. Lúc đó suy nghĩ anh thế nào?

Underground là nơi tôi gắn bó đã lâu, nhưng khi dứt ra để làm thể loại nhạc mang hơi hướng tích cực hơn một tí, không đặt nặng cái tôi cá nhân vào nữa thì các bạn sẽ quay sang nói này kia rất nhiều.Tôi chỉ nghĩ, mình làm nhạc, đã bỏ ra chất xám rồi và mình có nhận lại gì từ các bạn đâu mà phải bị nói những lời vậy. Tôi cảm thấy rất tổn thương và tủi thân.

Có những bạn ở Underground có tư duy, có tài năng nhưng bạn không thể phát triển được vì bạn đã sống trong cái thế giới ảo đó quá lâu rồi. Bạn không biết rõ là mình có khả năng gì. Tôi thấy nhiều người rất tài, không chỉ rap được mà còn sản xuất nhạc, sáng tác được nhưng họ bị sống ảo trong những lời khen của thế giới ngầm đó, không định hướng được mình có thể đi được đến đâu. Dù sao thì thế giới ngầm đó chỉ có vậy thôi, còn thế giới âm nhạc bên ngoại lại rất rộng lớn. Nếu bạn cứ sống trong đó thì không khác gì ếch ngồi đáy giếng. Đó là lý do để tôi lấy hết tinh thần của mình để bước ra ngoài thế giới.

Mối quan hệ của anh với những người trong giới underground hiện ra sao?

Thật ra tôi không chơi với ai cả. Từ lúc bắt đầu viết rap, không ai dạy tôi một cái gì và tôi cũng không tham gia forum nào cả. Bởi vì tôi cảm thấy không có sự an toàn trong đó. Tôi thấy mọi người luôn đến rồi gạt mình, không có ai thật lòng với mình cả, trong khi tôi lại là người rất quan trọng sự chân thành trong một mối quan hệ.

Còn ai nói mình thay đổi hay chảnh, nó thuộc về khía cạnh dư luận rồi, đã chấp nhận đi con đường khác thì mình phải chịu. Có những người họ không thực sự tiếp xúc với mình nhưng nghe người này người kia nói, nó lại thành một câu chuyện khác, cho nên Rik không để tâm quá nhiều về vấn đề đó.

Karik: Thời gian đầu hoạt động mainstream, tôi phải chịu đựng những áp lực lớn từ cộng đồng Underground - Ảnh 4.

Công việc, cuộc sống anh khác gì so với thời còn hoạt động underground?

Trước đây, đã từng có lúc tôi thu một bài nhạc mà không có tiền trả, dù chi phí khi đó chỉ có 300 nghìn đồng. Cái khoảng thời gian đó khó khăn thật sự, mình phải để dành tiền và chia ra để chi tiêu, rồi mạng xã hội thì sống ảo, phức tạp làm mình mệt mỏi. Nhiều lần cũng nghĩ cực quá thôi từ bỏ nghề hát, Nhưng lại nghĩ, nếu mình không có âm nhạc thì mình làm được gì? Bởi ước mơ được rap, được đứng trên sân khấu đã ăn sâu vào máu thịt từ bé.

Hiện tại, cuộc sống tôi ổn định hơn, có điều kiện nhờ đi diễn để đầu tư vào âm nhạc chỉn chu hơn. Bên cạnh đó, khi là một người hoạt động mainstream thì tôi phải giao tiếp nhiều, nên sau tính cách tôi cũng cởi mở hơn rất nhiều. Ngày xưa, tôi rất thụ động, ít giao tiếp nên nhiều khi người ta nghĩ tôi là đứa chảnh, mới vào nghề mà đã lên mặt, nhưng thực ra là tôi không biết nói gì. Sống trong nội tâm nhiều quá nên đề phòng mọi thứ. Sau này khi cảm nhận được còn có những người đến với mình chân thành, tôi bắt đầu cởi mở hơn, sống đúng với bản thân mình trước, còn ai sống sai với mình thì tính sau.

Karik: Thời gian đầu hoạt động mainstream, tôi phải chịu đựng những áp lực lớn từ cộng đồng Underground - Ảnh 5.

Nhận định của anh thế nào về sự phát triển của âm nhạc Underground hiện nay, điển hình là hàng loạt ca khúc chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng âm nhạc?

Tôi thấy đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Bởi underground là những người giỏi, trước đây, họ chỉ là chưa có phương tiện truyền thông mạnh mẽ để đưa họ đến gần hơn với người nghe. Bây giờ thì mọi thứ phát triển rất mạnh. Các bạn có nhiều người hỗ trợ về truyền thông hơn và có kênh Youtube để cập nhật âm nhạc, nắm được gu âm nhậc hiện đại và định hướng đúng đắn hơn. Thậm chí chính người nghe cũng mở lòng, không còn phân biệt quá nhiều giữa indie, underground hay mainstream.

Có một thực trạng khác khi người ta nhắc về Underground đó là có những người viết rap với từ ngữ không đẹp để công kích nhau, anh nghĩ sao về điều này?

Những người khác thế nào tôi không biết nhưng tôi chưa viết một bài nhạc nào để chửi ai cả. Bởì tôi cho rằng không nên bỏ chất xám của bản thân ra để viết những lời chửi qua chửi lại. Còn thực trạng các rapper viết rap để “diss” nhau đúng là đã làm cho khán giả có cái nhìn xấu về cộng đồng Underground. Những từ ngữ không đúng đắn đã khiến cho khán giả hiểu đây là một loại nhạc vô học nhưng thực sự không phải như vậy.

Thực ra rap diss nó là một thể loại quen thuộc trên thế giới, quan trọng là người truyền tải muốn gửi đi điều gì, nó nằm ở tư duy của người làm nhạc. Tôi muốn chứng minh cho họ hiểu là rap không chỉ có chửi, hay châm biếm người khác mà nó cũng là thứ chất liệu có thể đi vào lòng người. Nếu là một ca khúc bình thường thì phần lời có thể sẽ lặp đi lặp lại ở những ca từ hoa mỹ, còn rap thì nó mộc mạc, không lặp đi lặp lại và nó có câu chuyện đi sâu vào lòng người hơn. Đó là điều tôi muốn truyền tải đến mọi người.

Karik: "Thời gian đầu hoạt động mainstream, tôi phải chịu đựng áp lực lớn từ cộng đồng Underground" - Ảnh 6.

Karik: "Thời gian đầu hoạt động mainstream, tôi phải chịu đựng áp lực lớn từ cộng đồng Underground" - Ảnh 6.

Karik: "Thời gian đầu hoạt động mainstream, tôi phải chịu đựng áp lực lớn từ cộng đồng Underground" - Ảnh 6.

Karik: "Thời gian đầu hoạt động mainstream, tôi phải chịu đựng áp lực lớn từ cộng đồng Underground" - Ảnh 6.

Karik: "Thời gian đầu hoạt động mainstream, tôi phải chịu đựng áp lực lớn từ cộng đồng Underground" - Ảnh 6.

Ở Việt Nam, người ta chưa chuộng rap nhiều lắm. Như bài “Người lạ ơi” số đông vẫn tập trung vào phần giai điệu nhiều hơn là rap. Anh có bị tổn thương khi công sức mình bỏ ra chưa được khán giả quan tâm không?

Thành công của “Người lạ ơi” là công sức của chung. Tôi đã chuẩn bị tâm lý từ đầu và quen với điều đó rồi, vì đây không phải là một đất nước chuộng về rap nhưng dù sao thì mọi người cũng đã nghe được và có sự đón nhận tác phẩm, thế là mình vui rồi. Còn lại thì tôi nghĩ mình cần phấn đấu hơn, làm những cái sản phẩm âm nhạc gần gũi hơn với mọi người.

Sau “Người lạ ơi”, anh có cảm thấy mình lên được một cái bậc mới trong sự nghiệp của mình hay không?

Tôi không dám nhận mình có lên được một cái bậc mới hay không. Nhưng tôi cảm thấy cái sự tôn trọng mà mọi người dành cho Rik nhiều hơn sau cái bài hát này, nhất là các anh chị trong nghề. Họ nhận xét dạo này tôi viết lời hết linh tinh rồi. Còn có lên một bậc mới hay không là do công chúng nhận định.

Anh nói mình thường đưa câu chuyện của chính bản thân mình vào viết nhạc. Vậy anh có sợ nếu cứ dùng chất liệu từ chính chuyện của mình như thế thì đến một ngày mình sẽ không có gì để viết nhạc nữa không?

Tôi không bao giờ dùng quá nhiều câu chuyện của bản thân đâu, mà còn có những câu chuyện lấy từ bên ngoài. Đó là những chất liệu rất phong phú nên tôi không sợ, chỉ sợ là một ngày nào đó không có sức khỏe để làm, vào phòng thu không có cảm hứng để làm tốt nữa thôi.

Karik: Thời gian đầu hoạt động mainstream, tôi phải chịu đựng những áp lực lớn từ cộng đồng Underground - Ảnh 7.

NHẬT DUY – ẢNH: KIM ĐIỀN

THEO TRÍ THỨC TRẺ