– Được đứng dưới ánh đèn sân khấu, được nổi tiếng và giàu có – đó là ước mơ của rất nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc. Thế nhưng, con đường để trở thành một thần tượng K-Pop lại đầy mồ hôi và nước mắt.
Em Lee Jae-gi (khẩu trang trắng, áo ghi), 16 tuổi, tập luyện tại trung tâm Def Dance. Video: CNN.
Vào lúc 9 rưỡi tối, khoảng 50 học sinh tại trung tâm nghệ thuật Def Dance (Seoul, Hàn Quốc) vẫn miệt mài với việc luyện tập nhảy. Tất cả đều là thiếu niên, dành 2 tiếng liên tục để tập luyện đúng 1 điệu nhảy.
Chỉ riêng tại Seoul (Hàn Quốc), đã có hàng chục trung tâm nghệ thuật hoạt động để giúp các thiếu niên chuẩn bị cho việc thử giọng. Các trung tâm này có thể tính phí lên tới 1.000USD/kỳ học. |
“Em dành khoảng 3 tiếng mỗi ngày tại đây sau khi kết thúc giờ học”, em Lee Jae-gi, 16 tuổi, tâm sự với CNN. “Luyện đi luyện lại 1 động tác có thể rất mệt, nhưng em giờ đang khá lên rất nhiều. Đó là thứ duy nhất em quan tâm lúc này”.
Theo CNN, toàn bộ các em tại Def Dance đều có một mục tiêu duy nhất: trở thành thần tượng K-Pop – đồng nghĩa với việc nổi tiếng, thành công và kiếm được nhiều tiền.
Tuy nhiên, học thêm tại các trung tâm mới chỉ là bước khởi đầu. Để trở thành một thần tượng đúng nghĩa, các thiếu niên như Lee sẽ phải trải qua buổi thử giọng vốn có tính cạnh tranh khốc liệt của các hãng sản xuất. Sau đó, nếu được chọn, họ sẽ trở thành “học viên” (trainee) của các công ty lớn. Trải qua vài năm huấn luyện tại các học viện K-Pop hàng đầu, nếu đủ tài năng, học viên sẽ được trao cơ hội gia nhập làng giải trí khắc nghiệt bậc nhất thế giới.
Cạnh tranh khắc nghiệt
Hiện tại ở Hàn Quốc, 3 công ty giải trí đang thống trị ngành công nghiệp K-Pop là SM Entertainment, JYP Entertainment và YG Entertainment. Đây đều là những công ty hình thành vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mà ngành công nghiệp K-Pop bắt đầu nở rộ. Với danh tiếng của mình, các công ty này có vòng tuyển chọn học viên cực kỳ khốc liệt.
“Chúng tôi tổ chức 500.000 cuộc thử giọng mỗi năm”, ông Choi Jinyoung – người đang thành lập một học viện mới cho công ty SM Entertainment giải thích. “Thế nhưng, chỉ có chưa tới 10 người được chọn để trở thành học viên”.
Tổ hợp khổng lồ SM Town nằm giữa trung tâm Seoul là nơi chuyên dành cho K-Pop. Tại đây có 1 cửa hàng lưu niệm, 1 bảo tàng và 1 rạp hạt chiếu hình ảnh đa chiều các bài diễn của nhiều nhóm nhạc K-Pop khác nhau. Ảnh: CNN.
Theo CNN, tính cách và “nhân cách tốt”, hay nói cách khác là tính chịu khó và kỷ luật, là những nhân tố chủ chốt mà các nhà tuyển dụng hướng tới. Tuy nhiên, cố gắng chưa chắc đã dẫn tới thành công cuối cùng.
Theo CNN, các công ty sẽ mất khoảng 100.000USD/năm để đào tạo ra 1 thần tượng. |
“Biết nhảy, biết hát không quá quan trọng”, Patty Ahn – chuyên gia về văn hóa đương đại Hàn Quốc tại trường Đại học California (San Diego, Mỹ) cho biết. “Những thứ đó có thể dạy được”.
Ngoại hình – yếu tố chính tạo nên sự hấp dẫn của thế giới K-Pop – cũng có thể đạt được qua công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ. Do đó, có lẽ thứ mà các học viên cần cũng là một chút may mắn để có thể trở thành thần tượng trong môi trường nghệ thuật cạnh tranh cao.
Được biết, các học viên của công ty thường ở độ tuổi từ 10-14 tuổi. Các em sẽ dành 2-3 năm theo đuổi chương trình luyện tập toàn thời gian cực kỳ mệt mỏi tại các “học viện thần tượng”.
Cuộc sống đầy nước mắt
Học viện thần tượng Global K. Ảnh: CNN.
Nằm gần biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc, Global K là 1 học viện chuyên đào tạo học viên âm nhạc. Đây là nơi mà khoảng 800 thiếu niên sinh sống, luyện tập để có thể trở thành thần tượng K-Pop trong tương lai.
“Các học viên dành 1 năm ở đây”, Penny Park – giám đốc marketing của học viện nói với CNN. “Các em sẽ học hát, học nhảy, học trang điểm, tạo dáng trước ống kính và phát ngôn công chúng. Học viên chỉ được phép về thăm nhà 3 tháng 1 lần”.
Yang Fang Chi (17 tuổi), đến từ Đài Loan (Trung Quốc), luyện tập hát trước giờ lên lớp tại Global K. Theo CNN, dù đã cố gắng, em và toàn bộ các học viên Đài Loan khác đã không qua nổi vòng thử giọng trước các giám đốc giải trí. Ảnh: CNN.
Theo CNN, cuộc sống hằng ngày của 1 học viên không hề dễ dàng chút nào. Không hề có sự riêng tư, liên lạc với thế giới bên ngoài bị cắt, các em chỉ biết đến luyện tập và luyện tập. Trong thế giới giải trí cạnh tranh khốc liệt, bất kỳ sự lơ đãng nào cũng có thể phải trả giá.
“Trong vòng vài tháng đầu, tối nào tôi cũng thấy các học viên khóc” bà Aurore Barniaud – người giám sát sự tiến triển của các học viên tại Global K kể lại.
“Các em gái đều được đo cân nặng mỗi ngày. Mọi thứ các em ăn vào đều được giám sát”, bà Barniaud giải thích thêm. “Vào những ngày được lên TV, các em sẽ chỉ được ăn một bữa bởi máy quay luôn làm các em trông có vẻ béo hơn”.
Nghề “được ăn cả, ngã về không”
Vào tháng 9 vừa rồi, công ty Cube Entertainment đã sa thải hai ngôi sao Hyuna (giữa) và E’Dawn (phải). Cả 2 đều thuộc nhóm nhạc Triple H và đã bị phát hiện hẹn hò với nhau. Ảnh: CNN.
Sau khi trải qua luyện tập khắc nghiệt, các học viên may mắn còn sót lại sẽ được phân chia, tạo thành các nhóm thần tượng 4-12 người. Các em sẽ được xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên thông qua các chương trình âm nhạc, được trình diễn và giới thiệu về bản thân.
Mỗi năm, ngành công nghiệp K-Pop lại xuất hiện thêm khoảng 20 nhóm nhạc mới.
Vào năm 2016, ngành công nghiệp K-Pop sinh ra lợi nhuận tới 4,7 tỷ USD. |
Theo CNN, sau khi ra mắt – gia nhập thế giới K-Pop, hầu hết các ngôi sao mới nổi sẽ phải ký vào cái gọi là “hợp đồng nô lệ”. Các hợp đồng này có thể kéo dài vài năm và thần tượng sẽ chỉ nhận được một phần nhỏ lợi nhuận từ việc bán album và trình diễn. Chỉ khi trả hết phí đào tạo cho công ty, các ngôi sao mới có thể bắt đầu kiếm tiền cho bản thân mình.
Tuy nhiên, thần tượng cũng không phải một công việc “dễ thở”. Trở thành người của công chúng đồng nghĩa với việc mọi sinh hoạt đời sống đều bị “dõi theo” sát sao, phải hi sinh nhiều thứ như chuyện yêu đương, sự tự do, sự riêng tư của bản thân.
Thế nhưng, dù biết là vậy, các thiếu niên Hàn Quốc vẫn sẵn sàng chấp nhận tất cả. Lý do là bởi sao K-Pop là một công việc “được ăn cả, ngã về không”.
“Đây là một trong những vấn đề lớn nhất của ngành công nghiệp này”, giám đốc Park nhận định. “Khi theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, các em thường dừng công việc học tập lại. Nếu không thành công và trở nên nổi tiếng, các em sẽ chẳng còn gì cả. Không còn lựa chọn nào khác”.
Nhóm thần tượng Hàn Quốc Momoland trong phiên bản tiếng Nhật của bài hát “BAAM” nổi tiếng. Video: MLD Entertainment. K-Pop đang trở thành một hiện tượng văn hóa lan tỏa khắp trên thế giới. Để duy trì tính phổ cập, nhiều nhóm nhạc đã theo đuổi việc dịch các bài hát tiếng Hàn của mình sang tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Anh để tiếp cận với nhiều khán giả quốc tế hơn. |
Theo Dân Việt