Hướng đi của ngành công nghiệp Kpop đang vô tình ‘triệt hạ’ đường phát triển của các giọng ca baritone tài năng?

  • Dù bạn có phải là một chuyên gia âm nhạc hay không, cũng không khó để chúng ta nhận ra sự áp đảo của những thần tượng với chất giọng cao tại Kpop hiện nay, đặc biệt là ở vị trí main vocal. Trong khi đó, một số giọng ca trung trầm dường như lại đang bị đánh giá thấp hơn so với thực lực của họ, chỉ vì họ chưa được trao cơ hội phù hợp.

Dù bị xem là ngành công nghiệp giải trí chỉ chú trọng hình tượng, nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng Kpop vẫn có rất nhiều thần tượng tài năng, thậm chí thường xuyên gây bất ngờ cho khán giả với quãng giọng đáng kinh ngạc. Không ít thần tượng nam thậm chí còn có thể thoải mái hát những bài hát của các ca sĩ nữ với tông giọng gốc!

Trong rất nhiều trường hợp, những ca khúc dành cho các nhóm nhạc nam thường được sáng tác ở các nốt khá cao, đặc biệt là so với hầu hết những bài hát của các nghệ sĩ nam phương Tây. Đây cũng là điều khá dễ hiểu khi mà hầu hết vocalist trong các boygroup Kpop đều là giọng nam cao (tenor), những người có khả năng hát ca khúc ở tông giọng cao hơn. Tất nhiên, đây không phải là quy tắc chung khái quát toàn bộ ngành công nghiệp âm nhạc Kpop, vì vẫn có những ngoại lệ nằm ngoài quy tắc này. Nhưng trên thực tế, main vocal của hầu hết các nhóm nhạc thần tượng hiện nay đều sở hữu chất giọng cao. Và vì ở phần lớn trường hợp, họ là những người được chia line nhiều nhất trong bài hát, vì vậy các công ty quản lý thường có xu hướng lựa chọn những ca khúc với tông giọng cao để các main vocal có thể hát thoải mái trong quãng giọng của mình.

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn rằng, chuyện gì sẽ xảy ra với các thần tượng có giọng nam trung (baritone). Điều gì sẽ xảy ra với các thành viên có tông giọng thấp hơn trong một nhóm nhạc và hát thoải mái ở những nốt trầm hơn? Đáng buồn thay, không có quá nhiều baritone đang hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc Kpop hiện nay, đặc biệt là những người giữ vị trí main/lead vocal trong nhóm. Một trong những lý do chính dẫn đến thực tế này có vẻ là vì họ có tông giọng thấp hơn so với các thành viên có giọng nam cao trong nhóm, khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc thể hiện các ca khúc vốn được sáng tác ở các nốt khá cao.

Tất nhiên, quy tắc nào cũng có ngoại lệ, và Kpop không phải không có những main/lead vocal là giọng nam trung. Những trường hợp tiêu biểu có thể kể đến như Youngjae (B.A.P), Hyunsik (BTOB), Seungyoon (WINNER), Junhoe (iKON), Jaehyun (NCT),…. Dù vậy, những ví dụ hiếm hoi này cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng Kpop đã, đang và có lẽ vẫn sẽ ưa chuộng các giọng ca nam cao hơn trong những vị trí quan trọng nhất về giọng hát của một nhóm nhạc thần tượng.

Có một điều không phải ai cũng biết rằng, lý do chính khiến các ca khúc Kpop phải được sáng tác ở quãng giọng cao, ngay cả đối với các nhóm nam, chủ yếu là do đối tượng khán giả mà họ hướng đến. Đối với hầu hết các boygroup Kpop, mục tiêu của họ sẽ là những cô gái tuổi teen, hoặc thậm chí là những nữ sinh cấp 1 chưa bước qua độ tuổi thiếu niên. Họ được quảng bá rộng rãi để thu hút sự chú ý của các fan nữ trong nhóm tuổi từ 11 đến 18. Vì lẽ đó, việc lựa chọn các bài hát cao chính là cách để người hâm mộ của họ có thể dễ dàng hát theo giai điệu ca khúc.

Tại Kpop, có những thứ mà bạn không bao giờ có thể nhìn thấy trong ngành công nghiệp âm nhạc phương Tây, và một trong số đó chính là văn hóa của người hâm mộ. Fanchant là cách các fan gọi tên các thành viên cùng với việc hát theo một vài phần nhất định trong mỗi bài hát. Vì vậy, các boygroup bắt buộc phải lựa chọn những bài hát tông cao để fangirl – đối tượng mục tiêu chính của họ, có thể dễ dàng hát theo và tham gia vào các hoạt động này. Ngoài ra, bằng cách lựa chọn bài hát nằm trong quãng giọng của đối tượng khán giả mà mình hướng đến, ca khúc sẽ dễ dàng được ghi nhớ và trở nên hấp dẫn hơn đối với người hâm mộ, vì họ có thể thoải mái hát nó từ tông giọng gốc của bài hát. Điều này cũng giải thích tại sao không có nhiều giọng nam trung trong ngành công nghiệp Kpop, vì chắc chắn rằng họ sẽ gặp khó khăn trong việc theo kịp các ca khúc của nhóm mà vốn dĩ được sáng tác ở quãng giọng cao hơn họ khá nhiều.

Một lý do khác dẫn đến thực tế này là vì trách nhiệm nặng nề của các giọng ca chính trong nhóm. Họ không chỉ là người thường xuyên phải hát nhiều nhất, mà còn phải xử lý cả những phần ad-lib và đặc biệt là highnote của bài hát. Đối với Kpop, ad-lib thường là những phần ngân nga ở các nốt cao hơn rất nhiều so với tông gốc của bài hát, trở nên nổi bật hơn trên phần nhạc nền. Vì lẽ đó, sẽ rất khó cho một baritone để có thể lên được highnote và thực hiện ad-lib mà không sử dụng giọng giả thanh (falsetto) hoặc buộc phải căng giọng (strain), lâu dần dễ dẫn đến tổn thương dây thanh quản. Có một thực tế rất không công bằng là, trong khi người ta thường chú ý và dành nhiều lời khen ngợi cho những giọng ca lên được highnote, dường như không một ai buồn quan tâm đến những người xử lý tốt các nốt thấp. Thật đáng buồn khi khán giả đang quá coi thường sự hiện diện của các nốt trầm, và hầu như không có sự công nhận xứng đáng nào dành cho những giọng ca nam chuyên thực hiện nốt thấp trong ca khúc của nhóm.

Một câu hỏi lớn khác được đặt ra là, có giọng nam trung nào tại Kpop hiện nay thực sự xứng đáng được công nhận nhiều hơn, cần được chia nhiều phần hơn trong các bài hát của nhóm họ hay không? Câu trả lời chắc chắn là có, nếu không muốn nói là rất nhiều. Như đã đề cập ở trên, có khá nhiều baritone tài năng trong ngành công nghiệp Kpop hiện nay. Thậm chí, vài người trong số họ còn hội tụ đủ khả năng thanh nhạc để trở thành main hoặc lead vocal, nhưng thật đáng buồn là họ lại không được chú ý nhiều, hoặc không được công nhận đúng với khả năng thực sự của họ. Và trên thực tế, có rất nhiều baritone bị gò ép vào vị trí rapper chỉ vì tông giọng thấp của họ được xem là lý tưởng để thực hiện các câu rap trong bài hát.

Ví dụ đầu tiên phải kể đến V của BTS. Nhiều người hẳn sẽ bị thu hút bởi giọng hát độc đáo của V ngay từ lần đầu nghe thấy anh cất giọng trong các ca khúc của BTS. V có chất giọng đẹp, trầm khàn và ấm áp, điều khiến anh trở nên khác biệt so với những vocal còn lại trong nhóm. Trên thực tế, anh là người được đánh giá có kỹ thuật thanh nhạc tốt nhất của BTS, và cũng tương đối ổn định khi trình diễn live. Tất nhiên, việc khen ngợi V không phải để nói rằng Jungkook/Jimin không xứng đáng làm main/lead vocal, nhưng rõ ràng giọng hát của V cần phải được chú ý nhiều hơn. V có chất giọng trầm và sâu rất hiếm gặp tại Kpop. Và mặc dù là một baritone, nhưng anh vẫn dễ dàng thực hiện thoải mái các nốt trung bình hoặc cao trong những bài hát của BTS vì quãng giọng của anh cũng khá rộng. Về cơ bản, V chính là một ví dụ cho thấy rằng baritone cũng có khả năng trở thành main vocal nếu được đào tạo bài bản hơn, và rõ ràng khán giả nên chú ý nhiều hơn đến khả năng thực sự của họ.

Một ví dụ khác cần phải đề cập đến là Chanyeol của EXO. Như chúng ta đã biết, EXO là một nhóm nhạc với khả năng thanh nhạc rất tốt, và nhiều thành viên của họ thường xuyên được khen ngợi về giọng hát. Chen được công nhận là một trong những vocal hàng đầu của Kpop hiện nay, và Baekhyun cũng được đánh giá cao về khả năng lên highnote tuyệt vời của mình. Người hâm mộ cũng yêu thích màu giọng của D.O. và cả ba chắc chắn đều hội tụ đủ điều kiện để trở thành main vocal của EXO. Nhưng đối với nhiều người không phải fan, ít ai ngờ rằng Chanyeol cũng có thể hát rất hay khi mà anh hiếm khi thoát khỏi vai trò rapper trong các ca khúc của nhóm. Tuy nhiên, nếu bạn nghe bản OST “Stay With Me” (nhạc phim “Globin“) mà Chanyeol thể hiện cùng nữ ca sĩ Punch, hoặc bản cover “All Of Me” của John Legend, bạn chắc chắn sẽ bất ngờ khi biết rằng Chanyeol có thể làm tốt hơn rất nhiều so với vai trò mà anh đang bị đóng khung trong EXO.

Chanyeol có chất giọng trầm rất đặc biệt và khả năng kiểm soát giọng hát tuyệt vời, có thể khiến người nghe rung động với từng nốt mà anh chạm vào. Vậy thì câu hỏi được đặt ra là, tại sao Chanyeol gần như rất ít khi được trao cơ hội để thể hiện giọng hát trong EXO? Nếu xem xét kỹ hơn, bạn sẽ nhận ra rằng bản OST và ca khúc cover mà Chanyeol thể hiện có tông giọng thấp hơn nhiều so với những bài hát thông thường của EXO. Đối với một baritone như Chanyeol, sẽ rất khó khăn để anh thực hiện các nốt cao như những gì mà Chen, Baekhyun hay D.O. đã làm. Điều này còn đi kèm với một thực tế là hầu hết các thần tượng sẽ phải hát đến khoảng 20 bài hát mỗi đêm trong một buổi hòa nhạc. Và mặc dù rất tiếc khi tài năng của Chanyeol bị lãng phí, nhưng nếu anh phải hát ở những tông mà mình cảm thấy không thoải mái, nó chắc chắn sẽ gây nên tác động tiêu cực đến dây thanh quản của anh.

Wonwoo của SEVENTEEN cũng là một trường hợp khá đáng tiếc khi không có cơ hội thể hiện khả năng thực sự. Wonwoo giữ vai trò lead rapper của nhóm và được xếp vào unit hip-hop. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ban đầu anh tham gia thử giọng với vai trò vocal, nhưng lại được đề nghị chuyển sang rap. Giống như Chanyeol, có lẽ công ty quản lý cho rằng chất giọng trầm của Wonwoo phù hợp với các line rap của ca khúc hơn. Dù vậy, không ít người hâm mộ của Wonwoo vẫn cảm thấy tiếc nuối vì họ cho rằng anh hoàn toàn có thể thực hiện tốt vai trò của một vocal. Và thực tế việc một baritone như Wonwoo không có cơ hội tỏa sáng gần như đã phản ánh một định kiến vốn đã ăn sâu vào Kpop hiện nay, rằng những thần tượng giọng nam trung chỉ có thể giữ vị trí rapper trong nhóm mà thôi.

Bàn rộng hơn, dường như Kpop thực sự không ưa chuộng các chất giọng trung trầm nói chung, dù là nam hay nữ. Trên thực tế, Kpop không thiếu các chất giọng nữ trầm, mang đến cảm giác đặc biệt và độc đáo. Tuy nhiên, gần như tất cả những trường hợp này đều bị ép giọng để trở nên cute, tươi sáng hơn, hoặc rơi vào tình cảnh bị công chúng và công ty quản lý ngó lơ, không tạo điều kiện để họ phát triển tài năng. Một ví dụ điển hình chính là YoonA của SNSD. Chính cô từng kể rằng nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi lần đầu nghe chất giọng thật của cô, vì nó trầm hơn rất nhiều so với những gì cô thể hiện trong các ca khúc của SNSD. Một vài lần hiếm hoi YoonA cũng có dịp thể hiện các nốt trầm ấn tượng, khiến nhiều người ngỡ ngàng nhận ra SM đã ép YoonA phải đổi giọng để phù hợp với các ca khúc của SNSD và hình tượng tươi sáng của cô.

Thực tế là, hiện tại không có nhiều cơ hội cho các giọng nam/nữ trung tỏa sáng trong ngành công nghiệp Kpop, mặc dù đâu đó vẫn có một vài ngoại lệ. Điều này dẫn đến một thực trạng khó thay đổi rằng, nhiều baritone bị đóng khung vào việc đảm nhận vị trí của một rapper thần tượng trong các boygroup, mặc dù họ là những ca sĩ tuyệt vời và không có kinh nghiệm rap trước đó. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng trong tương lai gần, các công ty quản lý sẽ lựa chọn bài hát có tông thấp hơn dù chỉ một chút, cho phép các baritone phô diễn giọng hát của họ. Và cũng hy vọng rằng một ngày không xa, khán giả sẽ dành nhiều lời khen ngợi, công nhận xứng đáng hơn cho các giọng ca trung vì họ là những người giúp cho các nốt thấp trong bài hát trở nên hoàn hảo hơn.

Theo 2sao