Cây hài Đăng Lưu. Ảnh: Lữ Đắc Long
Khi còn là sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Đăng Lưu là học trò của Minh Nhí, còn Hữu Nghĩa phụ trách lớp khác. Nhưng sau vài lần gặp gỡ, quan sát, anh tìm thấy sự duyên dáng, thông minh cần có ở một diễn viên nên quyết định mời Đăng Lưu về nhóm hài của mình. Trong mắt Hữu Nghĩa, Đăng Lưu là người cần mẫn, yêu nghề, sáng tạo và không ngần ngại tiếp thu những lời góp ý của anh em khi có chỗ diễn chưa tới, chưa đạt. “Đây chính là những tiêu chí hàng đầu để phát triển nghề diễn. Vậy mà Lưu lại ra đi quá sớm…”, anh thở dài.
Nghệ sĩ Hữu Nghĩa là người có mặt bên cạnh Đăng Lưu khi anh trút hơi thở cuối cùng. Ảnh: Lê Tuấn Những ngày trên ghế nhà trường, Hữu Nghĩa xưng hô với Đăng Lưu bằng thầy – trò. Nhưng sau này, thân thiết, gắn bó hơn, họ coi nhau như anh em một nhà. Nam diễn viên Nước mắt học trò vẫn nhớ những lúc cây hài bạc mệnh tới tập kịch mà giọng khản đặc, nói không ra hơi. Bị anh hỏi, Đăng Lưu cứ vò đầu và thú nhận đã tiệc tùng hơi lâu cùng bạn bè đêm hôm trước. Tuổi trẻ ham vui là thế, nhưng Đăng Lưu là người kỹ tính trong công việc. Vậy nên anh được giao thêm nhiệm vụ thư ký sân khấu, giúp các diễn viên khác nhớ lời thoại. Nhờ anh, các vở diễn suôn sẻ khiến anh em trong đoàn yên tâm hơn. Trước sự ra đi đột ngột của Đăng Lưu, không chỉ nhóm hài Hữu Nghĩa và sân khấu kịch Sài Gòn mà nhiều anh em trong nghề cũng xót xa, thương cảm. Quốc Thuận – một bạn thân của Đăng Lưu – chia sẻ đã nhiều lần hứa hẹn với người nghệ sĩ xấu số nhưng rồi bận việc nên quên mất. Thế nhưng, anh chưa bao giờ bị bạn hờn dỗi. Trong mắt anh, Đăng Lưu là “người ít giận, yêu nghề và hiếm khi nói lời từ chối”.
Quốc Thuận thắp nhang, tiễn đưa người bạn xấu số. Ảnh: Lê Tuấn
Quốc Thuận không quên những ngày mình và Đăng Lưu chỉ đóng vai trò cầm cờ trong những đêm diễn hoành tráng: “Đám tụi mình nhỏ xíu, lương ít ỏi thế mà vui. Rồi tỏa ra, mạnh ai nấy sống, đi kiếm tiền, đi tìm cơ hội”. Ai cũng có nhiều sự đổi thay theo thời gian, nhưng Đăng Lưu thì vẫn vậy, “khó thì có bạn; ai kêu, bạn cũng tới liền”. Vị đạo diễn nghẹn ngào: “Giờ thì sao, có kêu, có gọi cũng chỉ là nhắc đến tên người hôm qua dễ mến, vui cười vừa đi mãi. Xin một lần được nói câu vĩnh biệt đến người bạn đồng nghiệp vừa nằm xuống. Bạn vừa đi mất khỏi chốn trần gian nhưng được rất nhiều: cái tình nhân gian, cái tình đồng nghiệp và cả sự thương mến của khán giả gần xa. Được nhiều lắm Lưu ơi, ra đi mà ấm lòng người nghệ sĩ nhé”. Lễ động quan nghệ sĩ Đăng Lưu diễn ra lúc 13h ngày 8/4. Nam diễn viên được an táng tại Nghĩa trang gia tộc họ Đặng (ấp Lâm Vồ, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).