Khi Trâm Anh lên truyền hình quốc gia với chiếc áo hở sâu, trên mạng, nhiều tài khoản Facebook (hầu hết là nam giới) chia sẻ ảnh cô nhưng cắt gần hết, “zoom” thẳng vào bộ ngực.
Những người chia sẻ bức ảnh nghĩ họ đang tôn vinh vẻ đẹp (vật lý) của một cô gái. Nhà đài cũng cho rằng họ tôn vinh phụ nữ với việc đưa phụ nữ (đẹp) vào vị trí trang trọng trong một chương trình phát sóng quan trọng.
Trong những cuộc tranh luận, nhóm người phản đối thường bị xếp vào nhóm “thủ cựu”. “Giải trí, rửa mắt thôi mà” là một trong những cách lý giải phổ biến nhất.
Nhưng nếu World Cup năm nay đã khởi đầu thiếu máu lửa với nhiều tranh cãi về bản quyền và “quyền được xem ở quán cafe”, thì những chuyện ngoài lề như vậy càng kéo World Cup xa khỏi cốt lõi, và cũng là vẻ đẹp gốc của nó là: Bóng đá.
Coi thường phụ nữ đội lốt tôn vinh?
Trường hợp Trâm Anh nên được chọn là điển hình vì hiện tại, mọi lời đề cập về cô trên mạng đều tập trung vào vòng 1. Với Cao Diệp Anh, cô gái bình luận trận Brazil với câu nói gây cười về Pele, cũng bị phàn nàn trên mạng vì mặc áo khoác quá kín đáo, kém “mát mắt” (tất nhiên là đối với khán giả nam giới).
Trên mạng, hình ảnh các cô gái được đăng tải nhiều lần, với những ví von khiếm nhã như “hai quả bóng” hay so sánh các cô với những phụ nữ hành nghề mại dâm. Dường như họ bình luận mà không mảy may suy nghĩ nếu đó là em gái hay con gái họ thì sẽ như thế nào?
Bức ảnh cô gái tên Trâm Anh được chia sẻ nhiều sau trận Iran – Morocco . Ảnh: Chụp màn hình. |
Đó chính xác là quấy rối tình dục chứ không phải là bình phẩm thông thường. Nhưng từ lâu, thói xấu này đã được bình thường hóa bởi một cộng đồng mạng có thói quen buông tuồng, cợt nhả về thân thể phụ nữ.
“Đưa phụ nữ đẹp lên sóng nhưng chỉ để cười và trưng bày hay đưa ra vài câu trả lời ngô nghê, thiếu kiến thức bóng đá như VTV đang làm thì phái nữ đang bị xúc phạm”, khán giả Trang Chi bày tỏ trên mạng xã hội.
“Nói là tôn vinh phụ nữ, nhưng chỉ phụ nữ đẹp mới được lên sóng bất kể họ chẳng có kiến thức gì về bóng đá, còn phụ nữ nhan sắc bình thường nhưng hiểu biết về bóng đá cũng chẳng ai mời, thế phải gọi là coi thường phụ nữ mới đúng”, khán giả Phạm Ngọc An bày tỏ.
Và như khán giả Nguyễn Hương Giang nhận định: “Chương trình này rất đáng báo động về nhận thức giới”.
Hình ảnh các cô gái được đăng tải trên mạng xã hội với nhiều bình luận thiếu lịch sự. Ảnh: FBNV. |
Việc đưa các cô gái này lên bình luận bóng đá đã mắc phải một lỗi rất phổ biến về giới: “women’s objectification” (coi phụ nữ như công cụ, thường là công cụ về tình dục). Ở đây, các cô gái bị biến thành “vật trưng bày” để ngắm nghía, thành công cụ thu hút khán giả (và cả những chỉ trích). Điều đó cũng giúp chương trình trở nên lan tỏa hơn trên mạng xã hội, một cách thiên về tiêu cực.
“Women’s objectification” là vấn nạn của truyền thông đại chúng từ hàng chục năm nay nên cũng không có gì là cởi mở như nhiều người nghĩ. Hình ảnh phụ nữ hở hang, khỏa thân được sử dụng để quảng cáo sữa cho trẻ con, quảng cáo xe hơi hay bất cứ sản phẩm thương mại nào dù ít hoặc không liên quan.
Trên thế giới, điều này đã vấp phải chỉ trích từ rất lâu nhưng vẫn còn phổ biến. Còn ở Việt Nam, nhận thức về việc này còn rất yếu.
Xu hướng “gái đẹp hóa” mọi thứ?
Mấy năm trước, nhân thông tin Yahoo sắp bị bán, người ta cũng truyền tay nhau những bài báo về nhan sắc hơn người của Marissa Mayer, cựu CEO nổi tiếng của công ty này. Lúc đó, một giáo sư người Việt đang giảng dạy tại Mỹ đã gọi đây là xu hướng “gái đẹp hóa” mọi thứ của một xã hội coi trọng vẻ ngoài. Và ông đang nói Mỹ, không chỉ Việt Nam.
Năm 2013, Marissa Meyer tiếp tục xuất hiện trên Vogue, tạp chí thời trang nổi tiếng nhất thế giới, với một bộ ảnh như các ngôi sao Hollywood, đi kèm bài báo dài 3.000 chữ về các vấn đề kinh doanh, công nghệ và sự nghiệp của một phụ nữ thông minh. Nhưng bài báo dường như nhạt nhòa trước bộ ảnh quyến rũ. Và bộ ảnh cũng gây tranh cãi trên truyền thông Mỹ.
Marissa Mayer trong bức ảnh gây tranh cãi trên Vogue. |
Người ta tranh cãi rằng: liệu một doanh nhân tài năng của giới công nghệ Mỹ và thế giới có nhất thiết phải “nằm ườn ra trong bộ váy tôn đường cong, mắt môi được trang điểm kỹ lưỡng và mái tóc suôn thẳng như suối”?
Theo CNN, thực tế là khi một phụ nữ tỏ ra có cả hai thứ – sắc đẹp và trí tuệ – thì sự quan tâm của công chúng phổ thông vẫn dồn về phía sắc đẹp. Và người phụ nữ đó vẫn cần nằm ngửa (nghĩa đen) trên tạp chí Vogue để bàn về sự nghiệp của mình, khi độc giả đã sao nhãng khá nhiều.
Cũng có nhiều ý kiến từ chính các doanh nhân khác, bênh vực Mayer rằng cô có quyền thể hiện bản thân theo cách cô thích, kể cả có gợi cảm hơn chăng nữa. Nhưng vẫn còn đó câu hỏi: một CEO nam giới có buộc phải mở khuy áo sơ mi gợi tình bên cạnh một bài báo về sự nghiệp của anh ta trên các tạp chí đàn ông như GQ hay Esquire?
Hay nói cách khác, việc khoe nhan sắc và thân thể trong những hoàn cảnh ít liên quan phổ biến với nữ giới với là đàn ông.
Các hotgirl xuất hiện trên VTV trong phần bình luận World Cup 2018cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Họ trang điểm thật đậm, ăn mặc gợi cảm trong một hoàn cảnh không đòi hỏi quá nhiều về việc đó, ít nhất là từ phía khán giả.
Với danh nghĩa “người hâm mộ”, họ cũng không được giới mộ điệu túc cầu thừa nhận vì đã nếu vậy thì ít nhất cũng phải có những hiểu biết sơ đẳng về đội bóng của mình.
“Giải trí, rửa mắt thôi mà”, đó là vai trò duy nhất để những người phụ nữ này xuất hiện trên sóng quốc gia?
Người đẹp và thể thao: Dễ rơi vào gợi dục?
Không mới khi việc gắn người đẹp với các môn thể thao, hình ảnh thể thao để mang lại sự gợi cảm cho những bộ môn vốn bị coi là khô khốc. Tờ tạp chí thể thao lớn Sports Illustrated là một trong những nơi dẫn đầu xu hướng này khi ra mắt ấn bản hàng năm Sports Illustrated Swimsuit từ năm 1964.
Nổi tiếng với hình ảnh người mẫu mặc đồ tắm trên trang bìa, Sports Illustrated Swimsuit rất thành công khi mang lại danh tiếng cho những người mẫu như Bar Refaeli, Heidi Klum, Irina Shayk, Kate Upton, Nina Agdal, Lily Aldridge, Chrissy Teigen… và cũng từng chụp các ngôi sao thể thao như Anna Kournikova, Maria Sharapova, Ana Ivanovic…
Ảnh bìa có Hannah Davis khiến Sports Illustrated Swimsuit bị ném đá dữ dội. |
Nhưng ấn bản này cũng từng bị gọi là “Sports Illustrated Playboy” vì những hình ảnh táo bạo quá đà, vượt qua tính chất thể thao. Ấn bản vấp phải sự phản đối từ người hâm mộ thể thao cho rằng chẳng có gì liên quan giữa thể thao và những người mẫu mặc áo tắm hai mảnh hoặc bán khỏa thân, uốn éo.
Đỉnh điểm là năm 2015 với bức ảnh bìa chụp người mẫu Hannah Davis kéo cạp quần bơi xuống cực thấp bị 72% người xem của US Weekly đánh giá là “ảnh khiêu dâm”.
Khi Sports Illustrated Swimsuit cố gắng tham gia vào phong trào #MeToo bằng cách chụp ảnh các người mẫu khỏa thân với thông điệp cổ vũ nữ quyền viết lên người họ, tờ tạp chí bị chỉ trích đạo đức giả, vì “đã hơn 50 năm họ làm giàu bằng việc phô bày thân thể phụ nữ”.
Vì bản chất của phong trào #MeToo không chỉ là tố cáo hay thú nhận hành vi quấy rối tình dục đã xảy ra, đó còn là nâng cao nhận thức về giới. Khi phụ nữ vẫn bị sử dụng làm vật trưng bày, và đàn ông bàn tán về những cô gái xinh đẹp xa lạ như thể họ là gái mại dâm, thì nhận thức đó chẳng thể gọi là cao.
Mi Ly
Theo Zing