Hồng Ngọc: ‘Tôi đau xót vì không được nắm tay bố lúc ông mất’

Bận rộn chăm con nhỏ ở Mỹ, nữ ca sĩ dằn vặt bản thân khi không ở bên bố trong những ngày cuối đời.

Chị nhận tin bố qua đời khi đang ở Mỹ, trước đó chị thường dành thời gian trò chuyện, liên lạc với bố thế nào?

– Bố tôi bị bệnh phổi kéo dài gần sáu năm rồi. Thời gian bố nằm trên giường bệnh, chúng tôi chia sẻ với nhau khá nhiều điều dù tôi ở cách ông nửa vòng trái đất.

Trước đó, tôi cũng tranh thủ về Việt Nam một tháng một lần để thăm và mong bố vượt qua căn bệnh. Gần đây tôi ít về nhà, do con cái còn nhỏ nên không phải muốn về là về như trước đây. Đó cũng là điều tôi thấy có lỗi và suy nghĩ nhiều nhất. Dù xác định sớm hay muộn bố cũng phải ra đi, nhưng khi biết tin tôi không tránh được cảm giác bàng hoàng, đau đớn.

Tôi hiện vẫn chưa chấp nhận được sự thật vì bố chính là bức tường vững chãi, là điểm tựa lớn cho tôi cả khi tôi đã có gia đình. Buồn nhất là lúc bố nhắm mắt, tôi vẫn phải lên sân khấu hát vì đang tham gia chạy show bên Mỹ. Tôi tạm gác nỗi buồn để hoàn thành phần biểu diễn, không làm ảnh hưởng đến ê-kíp, ban tổ chức.

hong-ngoc-toi-dau-vi-khong-duoc-nam-tay-bo-truoc-khi-ong-qua-doi

Ca sĩ Hồng Ngọc, bố mẹ và hai con.

Chị sắp xếp công việc, con nhỏ thế nào để về nhà?

Nhận được tin buồn từ gia đình, tôi và chồng đặt chuyến bay sớm nhất về Việt Nam. Con trai thứ ba của tôi mới được 6 tháng tuổi, những bé còn lại đang đi học nên hai vợ chồng để con ở lại cho ông bà nội chăm và thu xếp bay gấp. Về tới nhà tôi bật khóc, chạy vào nhìn mặt bố.

Lời hứa nào với bố hay di nguyện nào của ông chị chưa làm tròn?

Tôi và bố không trao nhau lời hứa nào cả. Bởi tôi biết trong tâm, ông thấy mãn nguyện về cuộc sống gia đình của tôi hiện tại. Bố tôi cũng ra đi nhẹ nhàng. Tôi nghĩ điều bố mong mỏi là con cháu quây quần bên nhau lúc ông trút hơi thở cuối cùng. Tôi tiếc và đau nhất là không có mặt để nắm tay bố lúc ông ra đi. Đó là sự xót xa, nỗi buồn mà phải một thời gian lâu nữa tôi mới vượt qua.

Bố ảnh hưởng đến cuộc sống, sự nghiệp của chị thế nào?

Tôi chịu ảnh hưởng từ bố máu văn nghệ và sự chịu đựng của một nghệ sĩ. Bố là người động viên và sát cánh bên tôi nhiều nhất trên con đường ca hát. Do hoàn cảnh đưa đẩy tôi phải xa nhà, tôi cũng xót xa lắm. Khi cuộc sống của tôi không được trọn vẹn, bố luôn đưa ra những lời động viên, an ủi. Khi tôi vấp ngã trong những ngày đầu đi hát, ông là người vực dậy tinh thần của tôi. Chỉ có ông mới chứng kiến tôi khóc lúc gặp chuyện buồn.

Tôi không chỉ yêu thương ông như một người con thông thường, tôi ngưỡng mộ bố mình. Bố tôi là một người tử tế với mọi người và thủy chung với nghề nghiệp.

Bố tôi là đàn ông nên không quá chăm chút tỉ mỉ mọi thứ. Ông chỉ quan tâm về giày dép, quần áo mỗi khi tôi lên sân khấu. Nếu hôm nay đôi giày tôi bị sứt gót thì sáng hôm sau đã nguyên vẹn trở lại rồi. Sự chăm sóc đó của bố khiến tôi không bao giờ quên.

hong-ngoc-toi-dau-vi-khong-duoc-nam-tay-bo-truoc-khi-ong-qua-doi-1

Ca sĩ Hồng Ngọc về Việt Nam để tang bố vào trưa 11/5.

Mỗi lần nghĩ về bố, chị nhớ về những kỷ niệm nào?

– Bố thường chở tôi đi hát bằng chiếc xe máy màu đỏ. Mỗi khi trời mưa lâm thâm là tôi hay buồn ngủ, bố nắm tay tôi kéo lại, ôm vào bụng. Cứ thế tôi dựa vào vai bố mà ngủ gục. Hai bố con gắn bó với nhau trên từng cây số. Thời đó, tôi hát phòng trà nhiều lắm, một đêm có thể chạy 6 show. Có những chương trình ở Bình Dương, bố vẫn chở tôi đến điểm diễn trong đêm. Đến nơi, lông mi giả của tôi bị gió thổi bay mất. Ông bẻ cành vú sữa lấy nhựa dán lại mi mắt cho tôi. Rồi một lần tôi đi diễn ở miền Tây, khi đi qua một cái mương, ông đẩy tôi qua còn bản thân ông té xuống, người ướt mèm.

Năm 2000, tôi diễn trên sân khấu lớn hình tròn nằm ngay trên đường Nguyễn Huệ với số lượng mười mấy nghìn khán giả. Khi bố và tôi chạy gần đến sân khấu, ông la lớn nhờ bảo vệ bê tôi lên, còn ông phụ đẩy. Khán giả chen lấn, đè bẹp bố tôi cùng chiếc xe. Tôi sợ quá liền la lên “cứu bố tôi với”. Lúc đó mọi người mới cùng nhau kéo ông ra khỏi đám đông. Giờ nghĩ lại về sự hy sinh của ông dành cho con cái, tôi lại rơi nước mắt.

Tâm Giao

Theo VnExpress