Hoa khôi Báo chí ngày càng xinh đẹp, học hai bằng thạc sĩ ở nước ngoài

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi tại ĐH Westminster (Anh), Đoàn Mỹ Anh – hoa khôi mùa 3 “Tài sắc nữ sinh Báo chí” – tiếp tục theo đuổi tấm bằng sau đại học thứ 2 ở Mỹ.

Tuổi 18 của Đoàn Mỹ Anh (sinh năm 1993, Hà Nội) được đánh dấu bằng cột mốc đáng nhớ khi đội chiếc vương miện dành cho cô gái xinh đẹp, tài năng nhất Press Beauty 2012 – cuộc thi tôn vinh tài sắc nữ sinh Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Lúc ấy, qua lời kể của bạn bè, Mỹ Anh đúng chuẩn “con nhà người ta” khi đảm nhận chức bí thư lớp Truyền hình K31A1 kiêm phó bí thư liên chi Đoàn khoa Phát thanh – Truyền hình, phó chủ nhiệm CLB Truyền hình sinh viên, phó chủ nhiệm CLB MC Học viện Báo chí.

Trước đó, cô là học sinh xuất sắc 12 năm học phổ thông, giành giải nhất MC trường THPT Kim Liên (Hà Nội) và giải ba cuộc thi MC Connect.

6 năm kể từ đó, Mỹ Anh có thêm nhiều dấu mốc đáng nhớ hơn để lần đầu ngồi lại chia sẻ với Zing.vn.

Độ ‘điên’ vẫn như xưa nhưng không còn nghĩ cuộc sống màu hồng

– Nhiều năm trước, bạn được biết đến với danh hiệu hoa khôi Học viện Báo chí. Giờ nếu được ai đó nhận ra và reo lên: “Miss Press Beauty Mỹ Anh kìa!” thì cảm giác của bạn thế nào?

– Cũng 6 năm kể từ ngày mình đăng quang rồi. Mình nghĩ chắc ít ai nhớ đến mình lắm, còn phải nhường chỗ cho các hoa khôi mới chứ (cười).

Nhưng mỗi khi có ai vô tình nhắc tới, mình cũng thấy bồi hồi lắm. Kỷ niệm cả một thời tuổi trẻ mà. Mình đăng quang ngay khi là sinh viên năm nhất nên có lẽ cũng nhiều cảm xúc và khiến mình nhớ lâu hơn.

Hoa khôi Báo chí 2012 Đoàn Mỹ Anh hiện học thạc sĩ ở nước ngoài.

– Hoa khôi Mỹ Anh ngày đó và Mỹ Anh của hiện tại thay đổi như thế nào?

– Bề ngoài chắc chắn là già hơn (cười). Hồi đó, mình là cô sinh viên năm nhất vô tư, hết mình, dám nghĩ dám làm, có một chút “điên” nữa. Giờ chắc vẫn “điên” như vậy, nhưng thận trọng hơn, biết cân nhắc nhiều chiều của một vấn đề. Suy nghĩ của mình về cuộc sống cũng không phải lúc nào cũng màu hồng như ngày xưa nữa.

Có một điều không thay đổi là mình đã đam mê và có trách nhiệm với điều gì thì sẽ theo đến cùng và cố gắng 100% sức lực với nó.

– Bước ngoặt cuộc sống lớn nhất trong 6 năm qua của bạn thì sao?

– Thay đổi nhiều nhất là mình đang sinh sống và học tập tại nước ngoài. Ngày xưa, mình không bao giờ nghĩ sẽ xa cha mẹ, ở một nơi nào đó khác Việt Nam.

Đi du học là quyết định mình không bao giờ hối hận. Bởi chính cuộc sống xa nhà đã dạy mình biết tự lập, khám phá giới hạn bản thân, mở ra nhiều cơ hội mà trước đây mình chưa từng nghĩ có thể làm được.

– Trước khi ra nước ngoài, Mỹ Anh thực tập tại VTV3. Tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi ngành Truyền hình của Học viện Báo chí có lẽ không khó để bạn ứng tuyển vào đó làm việc chính thức. Vì sao bạn không chọn ổn định ở tuổi 22?

–  Mình thực tập chính thức tại VTV3 khoảng 3 tháng, sau đó ở lại làm cộng tác viên thêm một năm. Lúc đó, mình rất yêu công việc BTV, phóng viên truyền hình mà mình luôn mơ ước từ nhỏ. Nhưng sau một khoảng thời gian làm việc, mình cảm thấy bản thân đang dậm chân tại chỗ.

Trước khi gắn bó với một công việc lâu dài, mình nghĩ mình cần thời gian để hiểu và khám phá bản thân. Mình muốn thoát ra khỏi “vòng tròn an toàn” tự dựng lên bấy lâu, cũng như dành một khoảng nghỉ, chậm lại và tĩnh tâm hơn cho bản thân.

Mình biết môi trường học tập tại nước ngoài sẽ là nơi mình có thể làm được việc này. Đó không hẳn là bước đệm cho sự nghiệp tương lai.

Tên Mỹ Anh nên số phận sắp đặt phải tới hai nước này học

– Bạn sang Anh học thạc sĩ theo diện học bổng hay tự túc? 

– Mình nhận được offer của 3 trường tại Anh, trong đó 2 trường cho học bổng nhưng mình không chọn. ĐH Westminster đã hết hạn apply học bổng, song mình vẫn quyết định chọn sau một thời gian nghiên cứu về chất lượng giảng dạy cũng như môi trường học. Tại đây, mình học ngành Diversity and the Media (tạm dịch: Ứng dụng truyền thông và sự đa dạng).

Hoa khoi Bao chi ngay cang xinh dep, hoc hai bang thac si o nuoc ngoai hinh anh 5
Đoàn Mỹ Anh tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi tại ĐH Westminster, Anh và đang học cao học tại Mỹ.

– Trường ở Anh có đặt ra tiêu chuẩn khắt khe khi tuyển sinh cao học không? 

– Với mình, quy trình tuyển sinh cao học tại Anh không quá khắt khe, nhưng mọi thứ phải theo đúng quy chuẩn. Những điều kiện xét tuyển chắc chắn phải có là điểm GPA từ 6.5 trở lên, điểm thi IELTS từ 6.0-7.0, bài tự giới thiệu bản thân (personal statement), thư giới thiệu của giáo sư tại trường học và đồng nghiệp cấp quản lý nơi làm việc.

Ngoài ra, còn nhiều giấy tờ liên quan đến việc xin visa. Điều mình đã chuẩn bị kỹ càng nhất là tâm lý vững vàng cho chặng đường mới phía trước.

– Vì sao Mỹ Anh chọn học thạc sĩ hai ngành khác nhau ở hai quốc gia, thay vì chuyên tâm học lên tiến sĩ?

– Một năm học tại Anh quá ngắn ngủi và mình vẫn thấy bản thân còn thiếu quá nhiều thứ để có thể tự tin làm việc, sinh sống tại nước ngoài. Mình chọn Mỹ là điểm đến tiếp theo, bởi nơi đây có một số mô hình rất thành công liên quan đến dự án về “inner beauty” dành cho phụ nữ mà mình đang ấp ủ.

Mình hay đùa vui mọi người rằng tên mình là Mỹ Anh nên số phận sắp đặt phải tới hai nước này (cười).

– Hai ngành bạn chọn học có gì thú vị?

– Mình tốt nghiệp thạc sĩ bằng merit (giỏi) tại ĐH Westminster, Anh. Ngành học của mình – Diversity and the Media – liên quan đến việc ứng dụng truyền thông vào giải quyết các vấn đề xã hội. Những kiến thức này rất cần thiết với người làm tại cơ quan báo chí, tổ chức phi chính phủ hay hoạt động xã hội.

Ngành Project Management (tạm dịch: Quản lý dự án) mình đang theo học tại ĐH Northeastern (Mỹ) thì cho mình kiến thức chung về quản lý như lập kế hoạch, điều hành và duy trì các dự án, có thể ứng dụng vào nhiều ngành nghề. Mình hy vọng có thể mở công ty riêng trong tương lai.

– Sau khi tốt nghiệp, Mỹ Anh dự định nhanh chóng kiếm công việc ổn định hay tiếp tục theo đuổi con đường học thuật? Bạn sẽ về Việt Nam chứ?

– Trường mình đang theo học tại Mỹ có rất nhiều chương trình định hướng cho sinh viên đi làm cho các tổ chức phi chính phủ, tập đoàn lớn hay các công ty start-up. Mình sẽ cố gắng thử sức với những cơ hội việc làm mà khóa học mang tới, cũng như trau dồi kinh nghiệm trước khi quyết định quay về Việt Nam. Hướng đi cụ thể như thế nào có lẽ phụ thuộc một phần vào may mắn nữa.

Con gái học nhiều không liên quan đến việc lấy chồng dễ hay khó

– Mỹ Anh nghĩ thế nào về quan điểm con gái học nhiều quá sẽ khó kiếm người yêu và lấy chồng? Điều này có đang xảy ra với bạn?

– Theo mình, chuyện yêu đương phụ thuộc vào tình cảm và tính cách. Học thức nói riêng không phải thứ tất yếu. Môi trường học tập có thể quyết định tính cách rồi hình thành con người của mình trong tình yêu, nhưng không trực tiếp ảnh hưởng.

Nam hay nữ, học cao nhưng không tự cao, mà biết khiêm tốn, lắng nghe thì vẫn được yêu quý. Thực ra càng học cao mới càng dễ trân trọng nhau hơn khi yêu. Bởi mình luôn biết rằng tri thức của mình có giới hạn và ai cũng có điểm mạnh hơn mình, dù ở lĩnh vực nào.

– Vậy Mỹ Anh có bạn trai chưa? Hình mẫu bạn trai lý tưởng của bạn có phải tương xứng về học vị với bạn không hay thế nào?

– Chuyện liên quan đến tình cảm mình xin phép được giữ cho riêng mình. Còn tương xứng với học vị cao hay không thì theo mình, người có học vị cao đến mấy nhưng mình không có tình cảm thì tình yêu làm sao lâu dài được.

Có chăng việc tương xứng chính là sự kính trọng và ngưỡng mộ nhất định dành cho người mình yêu khi họ là người có học. Nhưng nó không phải tất cả.

– Mỹ Anh sẽ phản ứng thế nào nếu được nghe lời khen: “Người vừa xinh, vừa giỏi như Mỹ Anh hiếm lắm”?

– Theo mình, giỏi chỉ mang tính tương đối, còn đẹp hay không là do mắt người nhìn. Mình nghe câu này nhiều nhất chắc chỉ từ những người thân yêu của mình thôi. Mình tin rằng cô gái nào cũng được nghe câu nói như thế từ cha mẹ và những người yêu thương.

Với mình, tình cảm đằng sau câu nói đáng trân trọng hơn là từng câu chữ, nên mình sẽ rất hạnh phúc nếu như đó là câu nói xuất phát từ sự chân thành.

– Có thành tích cao trong cuộc thi sắc đẹp, có học vị, lại xây dựng được hình ảnh đẹp trên mạng xã hội, Mỹ Anh có nghĩ mình là cô gái thành công?

– Mình luôn nghĩ mình là người thành công, nhưng không phải do những điều kể trên, mà bởi xung quanh mình luôn có những người ở bên, yêu thương, sát cánh và ủng hộ mình dù có điều gì xảy ra. Mình không thể đạt được những thứ gọi là “thành tích, học vị hay hình ảnh đẹp” đó nếu như không có họ.

– Mỹ Anh có thường xuyên theo dõi Press Beauty những năm gần đây không? Bạn đánh giá thế nào về các gương mặt kế nhiệm mình?

– Sau khi ra trường, mình vẫn âm thầm ủng hộ và dõi theo cuộc thi. Các gương mặt kế nhiệm mình không những xinh đẹp mà còn thể hiện được năng lực của mình qua các phần thi phụ và phần trả lời ứng xử.

Với mình, tên cuộc thi đã nói lên được tiêu chí quan trọng nhất: “Tài sắc nữ sinh Báo chí”. Các bạn đăng quang đã thể hiện rất tốt điều đó. Mình mong rằng các bạn sẽ còn thành công hơn trong tương lai.

Thu Thảo

Ảnh: NVCC

Theo Zing