Tên tuổi Lục Tiểu Linh Đồng gắn liền với vai Mỹ Hầu Vương, trong khi Châu Tinh Trì tạo dấu ấn bởi sự khác biệt khi thể hiện nhân vật này.
Hình tượng chú khỉ trong tiểu thuyết kinh điển của Ngô Thừa Ân nhiều lần được đưa lên màn ảnh, trong đó, gây tiếng vang nhất là phiên bản Lục Tiểu Linh Đồng năm 1986. Tiếp đến, nhiều tên tuổi nổi tiếng thử sức với nhân vật này. Dưới đây là tạo hình Tôn Ngộ Không nổi bật qua các thời kỳ.
Vượt qua hoàn cảnh thời kỳ làm phim thiếu thốn, kỹ thuật hóa trang thô sơ, đội ngũ làm phim “Tây Du Ký” 1986 xây dựng thành công hình ảnh Tôn Ngộ Không. Qua thể hiện của Lục Tiểu Linh Đồng, Ngộ Không trở thành người bạn tuổi thơ của không ít thế hệ khán giả. |
Châu Tinh Trì đóng Chí Tôn Bảo, hậu thân của Tôn Ngộ Không (cũng do Tinh Trì đảm nhiệm) trong “Đại thoại Tây Du”. Nhờ có được bảo vật, Chí Tôn Bảo quay về quá khứ và biết được kiếp trước mình là Tôn Ngộ Không, bị Quan Âm trừng phạt vì bội nghĩa với Đường Tăng. Phim gây tiếng vang khi ra mắt năm 1995, nhận được đánh giá tích cực từ khán giả và giới phê bình. |
Trương Vệ Kiện hóa thân thành Mỹ Hầu Vương trong “Tề Thiên Đại Thánh” (hay “Tây Du Ký”) của TVB năm 1996. Phim có nhiều chi tiết miêu tả tình yêu của Tôn Ngộ Không, trong đó có đoạn yêu tinh nhện nói “Ngộ Không, em yêu chàng”. |
Trần Hạo Dân đảm nhiệm Tôn Ngộ Không trong “Tây Du Ký” phần hai của TVB (1998). Ngoài sự nhanh nhẹn, trung thành, Ngộ Không phiên bản này còn có thêm tính hài hước, mang lại cho tác phẩm tính giải trí cao. |
Năm 2006, đài Fuji (Nhật Bản) chiếu phim truyền hình “Tây Du Ký”, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc. Vai Tôn Ngộ Không do tài tử Shingo Katori đảm nhận. Điểm nổi bật trong tạo hình Ngộ Không của Shingo là mái tóc vàng khá hiện đại. Phim cải biên nhiều so với cốt truyện, nhân vật Đường Tăng do một nữ diễn viên đảm nhiệm. Dù vậy, phiên bản “Tây Du Ký” Nhật Bản 2006 vẫn tạo được hiệu ứng khi ra mắt. Ngoài tác phẩm này, Nhật Bản còn có ít nhất ba phim chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển này. |
Lý Liên Kiệt trong “Vua Kung Fu” ra mắt năm 2008. So với các Ngộ Không khác, tạo hình của anh giữ nhiều đặc điểm con người. Tài tử tiết lộ ban đầu, đạo diễn muốn hóa trang nhiều hơn song anh đề nghị giảm bớt để tránh vướng víu khi đánh đấm. Đạo diễn đồng ý rút ngắn thời gian hóa trang từ năm tiếng xuống còn ba tiếng. |
Tài tử Ngô Việt được nhớ đến nhiều với hình tượng chú khỉ trong “Tây Du Ký “do Trương Kỷ Trung đạo diễn, ra mắt năm 2011. Hình tượng Ngộ Không hiện lên sinh động do có sự hỗ trợ của kỹ xảo tiên tiến. |
Tôn Ngộ Không (Hoàng Bột đóng) trong “Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện” là nhân vật gây nhiều tranh cãi vì Ngộ Không được khắc họa với hình ảnh xấu xí, hung tợn. Nhiều khán giả tỏ ra khó chịu với tạo hình này. Dù vậy, phim vẫn trở thành sản phẩm Hoa ngữ ăn khách nhất năm 2013 nhờ danh tiếng của đạo diễn Châu Tinh Trì. |
Chân Tử Đan đóng Mỹ Hầu Vương trong “Tây Du Ký: Đại náo thiên cung”. Anh kiêm luôn vai trò chỉ đạo hành động. Chân Tử Đan cho biết anh nghiên cứu rất kỹ các diễn viên đàn anh từng đóng Tôn Ngộ Không và cho rằng phiên bản của Lục Tiểu Linh Đồng và Châu Tinh Trì là hai “tượng đài” lớn. Anh chọn đi theo hướng gần nguyên tác của Lục Tiểu Linh Đồng và sáng tạo thêm để nhân vật của mình có tính đột phá. Phim “khuynh đảo” phòng vé Trung Quốc khi ra mắt năm 2014. |
Tôn Ngộ Không mới nhất do Quách Phú Thành thủ vai, trong “Tây Du Ký: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”. Đoàn phim mời chuyên viên hóa trang Hollywood hỗ trợ, sao cho lông gắn trên người tài tử tự nhiên, giúp diễn viên tiện lợi hơn trong quá trình đánh đấm. |
Như Anh
Theo VnExpress