Hát dân ca là so sánh với Phương Mỹ Chi: Nên chăng?

Việc thường xuyên bị đặt lên bàn cân với Phương Mỹ Chi khiến các nhân tố mới của dòng nhạc này không khỏi áp lực, mệt mỏi.

Khoảng 4 năm trở lại đây, các show thực tế về ca hát dành cho trẻ em liên tiếp ra đời. Không ít cậu nhóc, cô bé cũng nhanh chóng trở thành “hiện tượng” chỉ sau một cuộc thi hay thậm chí là ngay lần đầu tiên chào sân trên sóng truyền hình.

Điều này càng dễ thấy hơn ở những em chọn theo đuổi dòng nhạc mang âm hưởng dân ca và sở hữu chất giọng chạm đến trái tim người nghe. Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân, Nguyễn Công Quốc, Hồ Văn Cường, Vũ Đàm Thùy Dung,… là những trường hợp như thế.

Tố chất trời cho sinh ra để hát dòng nhạc quê hương cùng câu chuyện cảm động về niềm đam mê hoặc gia cảnh nghèo khó, cơ cực đã giúp các bé tỏa sáng, đồng thời nhận được đông đảo tình cảm yêu mến từ công chúng.

Tuy nhiên, rất nhanh sau đấy, loạt tài năng nhí này lại phải đối mặt với hàng tá lời so sánh, “cân đo đong đếm” của dư luận cũng như truyền thông.

phuongmychi1
Ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi.

Ở chương trình The Voice Kids phiên bản Việt mùa đầu tiên, với tiết mục Quê em mùa nước lũ, Phương Mỹ Chi “hớp hồn” hàng triệu khán giả truyền hình bằng giọng hát ngọt như mía lùi, đong đầy cảm xúc.

Suốt chặng đường tiếp theo đó, “chị Bảy” càng củng cố sức nóng của bản thân qua nhiều phần thi gồm: Áo mới Cà Mau, Bài ca đất phương Nam, liên khúc Sa mưa giông Nhớ mẹ lý mồ côi, hay Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang,…

Dẫu vậy, bên cạnh lượng người hâm mộ khủng luôn đồng hành và ủng hộ hết mình, cô học trò nhỏ của trường Tây Úc cũng thường xuyên “đau đầu” bởi không ít nhận xét kiểu như “Một màu, chỉ biết hát dân ca”, “Chẳng bằng một góc Quang Anh! Em ấy đa năng hơn”.

Song, sau đêm chung kết hồi tháng 9/2013 đến nay, Phương Mỹ Chi khiến phần lớn những người vốn có thành kiến hay không thích mình phải nhìn lại sự đánh giá đấy bằng kết quả học tập tốt, thái độ ứng xử đúng mực, luôn đắt show.

Cô bé đã tìm được chỗ đứng riêng cho mình tại làng nhạc Việt – vượt trội hơn cả gương mặt về nhất ở mùa giải năm đó là Nguyễn Quang Anh. Với chuỗi điểm sáng trên, những tưởng giọng ca Nhật ký cho ba sẽ bớt đi phần nào “rắc rối”.

Thế nhưng, tên tuổi của cô bé hết lần này đến lần khác bị lôi lên mặt báo, bị so sánh hơn thua mỗi khi xuất hiện gương mặt nhí nào đó hát dân ca. Hoặc, thí sinh A hay thí sinh B thể hiện lại một ca khúc bất kỳ mà “chị Bảy” từng biểu diễn.

Từ Thiện Nhân, Thiên Nhâm (nghệ danh: Thiên Vũ), Thu Hiền (nghệ danh: Phạm Tuyết Nhung), Nguyễn Công Quốc, đến hai nhân tố tài năng gần đây là Hồ Văn Cường, Vũ Đàm Thùy Dung đều bị mang ra so sánh với “người đi trước” Phương Mỹ Chi.

Hat dan ca la so sanh voi Phuong My Chi: Nen chang? hinh anh 2
Thiện Nhân, Nguyễn Công Quốc, Hồ Văn Cường, Vũ Đàm Thùy Dung – Những giọng hát dân ca nhí ở các show thực tế trong hai năm trở lại đây đều bị so sánh với Phương Mỹ Chi.

Nhìn chung, khán giả yêu nhạc có quyền so sánh. Nhưng xét ở một góc độ khác, sự so sánh trên rõ ràng khá khiên cưỡng – nhất là đặt trong trường hợp các giọng ca chỉ mới 9-10 tuổi hay 11-12 tuổi. Hơn nữa tương tự cái đẹp, câu chuyện về hay hoặc dở hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá chủ quan, cảm tính của từng người.

Nếu dành thời gian lướt qua một lượt chuỗi clip ghi lại phần thi của các bé, người xem sẽ không khó bắt gặp những bình luận: “Phương Mỹ Chi đã đưa tôi đến đây”, “Nghe cũng được nhưng chẳng thể bằng Phương Mỹ Chi”, “Bản sao Phương Mỹ Chi đây rồi”,…

Hat dan ca la so sanh voi Phuong My Chi: Nen chang? hinh anh 3
3 trong số rất nhiều bình luận so sánh Vũ Đàm Thùy Dung với Phương Mỹ Chi sau khi xem phần thi Dạ cổ Hoài Lang của thành viên đội Ông Cao Thắng – Đông Nhi ở vòng Giấu mặt Giọng hát Việt nhí 2016.

Những so sánh đấy vô hình trung đã và đang phủ nhận mọi nỗ lực, cố gắng từ lứa tài năng mới, đồng thời ít nhiều ảnh hưởng tới tình yêu, niềm đam mê nơi các bé.

Chắc hẳn, Phương Mỹ Chi lẫn các cậu nhóc, cô bé vừa điểm tên bên trên cũng phải ngại ngùng, có khoảng cách nhất định mỗi lúc chạm mặt nhau tại sự kiện, show diễn.

Trao đổi xoay quanh vấn đề trên, ca sĩ Ông Cao Thắng – giám khảo điển trai của chương trình Giọng hát Việt nhí 2016 cho biết việc loạt nhân tố mới bị đặt lên bàn cân với Phương Mỹ Chi là một điều may mắn, song nó cũng tạo ra áp lực lớn cho thí sinh và cả huấn luyện viên.

“Làm thế nào để vượt qua cái bóng Phương Mỹ Chi, làm thế nào giúp các em có được những sáng tạo mới mẻ ở thể loại ca dân nhằm chiếm được tình cảm yêu mến nơi khán giả,… quả thực là bài toán rất khó với chúng tôi” – ông xã tương lai của Đông Nhi chia sẻ thêm.

Riêng Thiện Nhân – quán quân The Voice Kids mùa thứ 2, trong bài trả lời phỏng vấn gần đây, em tâm sự rằng bản thân sợ nhất là bị so sánh với Phương Mỹ Chi.

Cô bé Đu Đủ bày tỏ: “Em sợ khi bị so sánh với em Phương Mỹ Chi. Em nghĩ ai cũng có giọng hát riêng nên rất khó để so sánh. Nếu mọi người phải tranh cãi xem em với Chi, ai hơn ai sẽ rất thiệt thòi và khiến cả hai chúng em xa cách nhau”.

Công bằng và khách quan mà nói, Thiện Nhân, Công Quốc, Hồ Văn Cường hay Vũ Đàm Thùy Dung,… đều có tố chất, tài năng thực sự. Giọng hát của các em chạm được đến trái tim khán giả, khiến họ xúc động bùi ngùi.

Nhưng xét trên phương diện chuyên môn hay đơn giản là cảm nhận đều có thể nhận ra sự khác biệt trong cách thể hiện và phong cách của mỗi giọng ca nhí.

Đáng trân trọng hơn là những viên ngọc sáng này đều chung một tình yêu, sự kiên trì theo đuổi dòng nhạc dân ca – thể loại có thời điểm khá kén người nghe.

Chính các em đã giúp dòng nhạc trên hồi sinh mạnh mẽ, đưa nó trở lại vị trí vốn có giữa Vpop đang chịu tác động bởi bao thể loại mới và sản phẩm từ quốc tế.

Lâm Vĩnh Thái

Theo Zing