Hành trình tìm lại thính lực cho con của diễn viên Hạnh Thúy

32 tháng, con gọi tiếng đầu tiên là ‘Ba’ và hai vợ chồng chị ôm nhau khóc.

Xí Muội đọc bài văn viết về người mẹ của mình, diễn viên Hạnh Thúy.

Tham gia một cuộc thi viết tiếng Anh, bài văn của cô bé Phan Thúy Anh (Xí Muội), con gái diễn viên Hạnh Thúy, đã giành giải thưởng Bài viết được yêu thích nhất. Đó cũng là lần đầu tiên nữ diễn viên chia sẻ điều bí mật mà chị đã giữ kín suốt 15 năm qua về cuộc hành trình giúp con lấy lại thính lực với đủ mọi cung bậc cảm xúc: buồn – vui – hạnh phúc.

Trong lần mang thai con gái đầu lòng, Hạnh Thúy bị nhiễm Rubella và bé Thúy Anh chào đời với khiếm khuyết chức năng nghe bẩm sinh. Tai phải của bé bị điếc độ 4 và bên trái bị điếc sâu. Với cô, đó là “nỗi đau lớn nhất”, lớn đến nỗi cô từng có ý nghĩ “ôm con nhảy lầu tự tử”. Nhưng khi nhìn đứa con xinh xắn, thơ ngây, bản năng của một người mẹ thôi thúc cô phải “quyết chiến đấu cùng con để giành lại âm thanh, tiếng nói dù bác sĩ đã cảnh báo: Chỉ có thể đặt ốc tai, chứ con bị nặng như vậy sẽ không có khả năng tiếp nhận máy trợ thính và lại càng không thể nghe hay nói”.

Để chấp nhận việc con bị điếc là một điều rất khó, Hạnh Thúy cũng nghĩ đến nhiều khó khăn đang chờ hai mẹ con chị ở phía trước. Nhưng ngày đó, chị đã thề với con rằng: “Nếu con không thể nghe, nói, sinh hoạt như một đứa trẻ bình thường thì cả cuộc đời này, mẹ sẽ không sinh thêm bất cứ đứa con nào, mẹ sẽ chỉ tập trung mọi thứ, sống và bên cạnh con suốt đời” và bắt đầu từng bước với “cuộc chiến” giành lại âm thanh.

hanh-trinh-tim-lai-thinh-luc-cho-con-cua-dien-vien-hanh-thuy

Hơn 10 năm trước, bỏ ra số tiền gần 200 triệu đồng mua máy trợ thính cho con là cả một gia tài với vợ chồng Hạnh Thúy.

Ngày đầu tiên Xí Muội đeo máy trợ thính, khi đó bé đã 18 tháng tuổi, là một ngày trọng đại với cả gia đình chị Hạnh Thúy. Chồng của chị đặt con ngồi giữa phòng, mở một bản nhạc giao hưởng cho con nghe. “Con mở mắt to đón nhận âm thanh – có lẽ đầu tiên trong đời – rồi mỉm cười, và khóc khi ba tắt nhạc, con ngồi nghe nhạc đến 30 phút mới chịu thôi”, đó là những phản ứng của con khiến trái tim người mẹ rộn lên một niềm hy vọng và tin rằng mình sẽ thành công.

Hạnh Thúy so sánh việc tìm lại âm thanh cho con giống như leo từng bậc thang mà mỗi bậc là một chữ con học được. Nếu nhanh thì vài ba tháng con học được một chữ, nhưng cũng có chữ con phải học tới hàng năm mới nói chính xác. Sự nỗ lực của con và sự kiên trì của bố mẹ là chìa khóa quan trọng nhất. Đến bây giờ, chị vẫn xúc động khi kể về lần con nói tiếng đầu tiên – tiếng gọi “Ba”.

“Hôm ấy, Thúy đang lấy đồ ở tủ để chuẩn bị đi tắm, ba của Xí Muội đi từ ngoài vào và hỏi: ‘Đang làm gì đấy?’. Xí Muội quay ra gọi: ‘Ba’. Thúy không tin và hỏi lại: ‘Con nói gì đấy?’. Tới khi con nói lại là ‘Ba’ thì hai vợ chồng ôm nhau khóc”, Hạnh Thúy chia sẻ.

Hạnh Thúy ý thức được việc con đã bị thiếu hụt âm thanh suốt 18 tháng đầu đời nên từ khi bé đeo máy trợ thính, chị tập cho con nghe từ tiếng nước chảy, tiếng con tè, tiếng nhạc, tiếng đàn… Trong suy nghĩ của mình, chị không coi con là một đứa trẻ khiếm khuyết, chị muốn con bị điếc – đó là thực tế, nhưng con cần hành xử như một người bình thường. Chị bắt con thực hiện đầy đủ mọi chức năng, thậm chí mang tiếng ác vì quan điểm “con muốn gì phải nói, không nói thì nhịn luôn”. Chị không vì thương con mà làm hết hộ con, khiến con không có cơ hội và nhu cầu nói. Cách dạy con của chị là “vừa rất khắc nghiệt nhưng vừa rất yêu thương để hiểu khi nào con cần mình và bớt đi ‘kỷ luật sắt’ đó”.

32 tháng, Xí Muội mới nói thêm được từ mới nhưng tới 5 tuổi, số từ của con vẫn chỉ là 4-5 từ và cũng không tròn trịa. Con bắt đầu đi học, Hạnh Thúy tiếp tục cùng con đương đầu với khó khăn mới. Trong khi cả thày cô và gia đình đều khuyên chị cho con học trường chuyên biệt nhưng chị “thà con học 2 năm một lớp chứ không để con mất cơ hội thử thách mình với một trường học bình thường”. Quãng thời gian này, mẹ con chị may mắn gặp được những cô giáo yêu thương con, hỗ trợ con rất nhiều. Khả năng nghe của Xí Muội phát triển tốt đến mức “mọi người đều kinh ngạc” dù chỉ có thiết bị hỗ trợ duy nhất là chiếc máy trợ thính. Con bắt đầu học tiếng Anh, thi TOEIC, học tiếng Nhật, học đàn organ, violin, tập trượt tuyết, leo núi, bơi lội, cầu lông, nấu ăn, làm bánh… mà không gặp chút khó khăn nào. “Con cũng trở thành mục tiêu phấn đấu cho nhiều ba mẹ, em bé khác” và là niềm hãnh diện của mẹ Hạnh Thúy.

Không chỉ dành nhiều thời gian, tâm huyết vào việc dạy con tập nói, chị Hạnh Thúy còn chú trọng xây dựng cho con tính cách tự lập. Năm Xí Muội học cấp 2, chị cho con tiền để đi chơi công viên một mình. Chị bắt con phải tự xoay xở với việc nói làm sao để cô bán cho vé vào cửa, vé trò chơi… còn chị đứng ở một góc xa bí mật dõi theo con. Xí Muội học lớp 6 cũng đã bắt đầu đi làm thêm bằng công việc phụ bàn ở những quán quen của Hạnh Thúy. Từ đó, bé học được quản lý đồng tiền kiếm được, không tiêu xài hoang phí.

Nhìn lại cả một chặng đường đã qua, bà mẹ hai con luôn tự nhủ một điều rằng: “Cố gắng đừng tuyệt vọng, đừng bao giờ bỏ qua bất cứ cơ hội nào để con khám phá, thử thách, thể hiện mình. Đừng bao giờ coi con mình là người khiếm khuyết mà phải coi nó như kỳ quan cần chế độ chăm sóc, bảo trì đặc biệt, yêu con và bên cạnh con nhiều nhất có thể”.

Song Giang

Theo Ngôi Sao