Tình cờ giữa những ngày mưa gió ở Hà Nội, tôi được gặp ca sĩ Chế Linh, tình yêu lớn trong tôi. Ngồi với ông vỏn vẹn gần 2 tiếng đồng hồ trong căn phòng nhỏ, tôi đã may mắn sở hữu cho riêng mình một kỷ niệm ngọt ngào.
Tác giả và danh ca Chế Linh
“Hà Nội mưa dầm nhưng đáng yêu quá” Trong lớp ca sĩ hải ngoại cũ, tôi mến mộ tất cả: Chế Linh, Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Sơn Tuyền, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Hoàng Oanh, Ngọc Lan… nhiều lắm. Trong số này có nhiều người không còn nữa. Với tôi, Chế Linh là ca sĩ có giọng hát đặc biệt và thứ nhạc ông hát như thấm trong máu tôi. Phải nói ông là thần tượng, là người tôi yêu mến nhất trong số các ca sĩ hải ngoại. Nhiều lần tôi nhủ thầm, nếu gặp Chế Linh, tôi sẽ phải phỏng vấn ông vài điều, chủ yếu là những câu hỏi cho riêng tôi. Rất bất ngờ đêm nay (10/3), được một người bạn mời tới ngồi dự bữa tiệc nhỏ cùng ca sĩ Chế Linh, ngồi cạnh trò chuyện cùng ông, thực sự là điều hân hạnh vô cùng. Sinh năm 1942, Chế Linh năm nay ngoài 70 tuổi. Nhưng ông vẫn giữ phong độ tốt. Với tôi, ông đáng là bậc cha chú, nhưng Chế Linh xưng “anh” với chúng tôi, để thấy rằng người nghệ sĩ không bao giờ mong muốn có khoảng cách nào với người hâm mộ. Ông xưng “anh” rất thoải mái, và trong cả cuộc trò chuyện, chúng tôi cũng gọi ông bằng Anh. Chế Linh nói Hà Nội tuy đang mưa dầm dề nhưng ông thấy đẹp quá, buổi tối dưới mưa tất cả trở nên lung linh, rất đẹp. Ông yêu Hà Nội trong mọi thời tiết, kể cả lúc Hà Nội “đáng ghét” nhất, như mấy hôm này. Chuyện đời, chuyện người Tôi ngồi sát bên Chế Linh, để thấy “đôi tay rắn phong trần năm xưa” vẫn còn thật rắn chắc. Da ông nâu sậm, màu da khỏe mạnh đặc trưng của người dân tộc Chăm. Những nếp nhăn hằn trên vầng trán suy tư, như tự muốn kể về cuộc đời của người “nhiều khi muốn bỏ đi thật xa”. Mắt Chế Linh sáng và ướt, đôi mắt bao lần long lanh hỏi đời “Ai cho tôi tình yêu của ngày thơ ngày mộng?”. Ông nói chuyện rất thu hút người nghe, hay vì tôi yêu mến quá nên có cảm giác đó! Tôi từng đi xem show Chế Linh, nghe ông hát trực tiếp, từng theo họp fan Chế Linh, nghe ông kể về chuyện đời, chuyện người… Nhưng chưa bao giờ tôi được ngồi cạnh ông, nói chuyện văn nghệ, thậm chí hát theo ông. Nhưng đêm nay điều đó thành hiện thực, tôi và thần tượng ngồi với nhau bên ly rượu qua tiếng nhạc mơ hồ. Ca sĩ nổi tiếng từng nhận mình “trọn nghiệp đàn ca thế thôi cho nhân gian mượn tìm vui”, giờ ngồi cạnh tôi chia sẻ những câu chuyện vui buồn với người hâm mộ. Tôi khẽ đọc những ca từ mà ông thường hay hát, như để minh họa cho buổi tối của chúng tôi. Chế Linh cười rất vui, ông nhận ra ngay những câu hát mà người hâm mộ, yêu thích Chế Linh đều thuộc lòng. Ông trải lòng nhiều về cuộc sống xứ người, về cảm giác lâng lâng của ông lần đầu quay về Việt Nam, kể về tình cảm của người hâm mộ dành cho ông, nó lớn quá… “Anh về trong bình yên, tới lúc anh qua Canada, người hâm mộ cũng bịn rịn lưu luyến tiễn chân trong bình yên, Anh thấy mình thật hạnh phúc”, Chế Linh xúc động. Ông kể về tình bằng hữu giữa mình và ca sĩ Khánh Ly, nhạc sĩ Lam Phương.. Tác giả “Thành phố buồn” gần đây sức khỏe tốt lên. Ông say sưa nói tới những ca khúc của nhạc sĩ Trúc Phương, có những hình ảnh cũ không phù hợp, ông thay thế bằng hình ảnh khác mang nhiều ý nghĩa hơn. Chế Linh kể về hoàn cảnh ra đời của những ca khúc đặc biệt do chính ông sáng tác, mà nếu như không nghe ông nói, tôi không bao giờ hiểu hết được ý nghĩa của nó… Giọng ca đặc biệt Rồi cũng tới lúc tất cả đề nghị Chế Linh hát. Giọng ông chậm rãi vang lên mộc mạc, tiếng khô và dầy. Không có tiếng đàn nào, không có bàn mix hậu kỳ nào. Ông hát như tất cả những người bình thường hát. Chỉ ngân giọng lên thôi… “Một mai qua cơn mê, qua cuộc đời bềnh bồng, anh lại về bên em Ngày gió mưa không còn, nên đường dài thật dài. Ta mặc tình rong chơi”… Giọng hát đã quá quen thuộc mà sao vẫn đầy mới lạ, những chỗ ngân nga luyến láy đặc trưng không thể trộn lẫn với ai khác. Giọng ca tôi vẫn nghe hàng ngày qua CD, giờ được thưởng thức trực tiếp… Giã biệt Chế Linh, “lời nào người nói đi rồi chia đôi”. Những cái xiết tay thật chặt. Trời bên ngoài vẫn mưa. “Ngoài kia lá rủ cây sầu”, nhưng trong căn phòng nhỏ thì ấm áp, đầy cảm xúc. Tôi thảng thốt, 2 tiếng đồng hồ trôi qua nhanh quá. Cũng may tôi đã kịp lưu lại cho mình một kỷ niệm đẹp.
Bảo Trung
Theo Dân Trí