‘Công chúng đang chờ Hà Hồ lên tiếng’

Trong mọi cơn bão của truyền thông, điều mà đám đông luôn muốn nghe nhất là từ nhân vật chính của câu chuyện.

Ông Phan Lê Khôi – Phó tổng giám đốc một công ty truyền thông đã phân tích về cách ứng xử của người nổi tiếng với các bê bối.

Gần đây showbiz lại sôi sục với vụ Hà Hồ. Câu chuyện tưởng như không có gì đặc biệt bởi cô là bà hoàng của giải trí Việt thì đương nhiên bị săm soi. Nhưng từ khi xuất hiện phong trào tẩy chay thì sự việc không còn đơn giản, đặc biệt khi có tin một số nhãn hàng gỡ bỏ hình ảnh của cô ra khỏi kênh quảng cáo.

Hà Hồ có cần lên tiếng sau những bê bối?

Ông Phan Lê Khôi – Phó tổng giám đốc một công ty truyền thông.

Từ lùm xùm mang tính cá nhân…

Xét mức độ thiệt hại, liệu nó có thể gây ra cho cộng đồng hay một nhóm có quyền lợi nào hay không. Về góc độ này thì vụ lùm xùm của Hà Hồ hoàn toàn mang tính chất cá nhân. Cô có quyền im lặng và không cần giải thích bởi vụ lùm xùm của cô có xấu thì cũng chỉ cô chịu, không liên quan đến ai.

Cách đây nửa năm khi sự việc mới xảy ra và trong thời gian sau đó người ta vẫn thấy Hà Hồ tươi cười. Cô không hề lên tiếng, ngược lại vẫn liên tục mang đến những tình huống vừa thỏa chí tò mò vừa làm mồi cho sự giận dữ của công chúng.

Tuy nhiên khi cộng đồng cho rằng vụ lùm xùm đó động chạm đến những giá trị tốt đẹp, làm tổn thương cảm xúc của nhiều người, thì rõ ràng câu chuyện không còn là của riêng cô nữa.

Nhìn từ góc độ truyền thông, việc lùm xùm của một cá nhân có ảnh hưởng đến công chúng như Hà Hồ hoàn toàn có thể trở thành to chuyện và khi đó cá nhân sẽ rất khó khăn khi lựa chọn im lặng hay không. Bởi dù im lặng thì sự việc cũng đã được thổi bùng lên.

Một quy tắc truyền thông trong khủng hoảng là phải biết lên tiếng để giữ chủ động về thông tin trước khi sự việc đi quá xa.

Lấy ví dụ câu chuyện của Tiger Wood năm 2009. Ngày 25/11/2009 khi những lời đồn đại về nghi án ngoại tình của tay golf huyền thoại bắt đầu râm ran, truyền thông vào cuộc khiến ngay lập tức nó trở thành vụ bê bối không thể chấp nhận được với người Mỹ. Ngày 11/12/2009, chỉ 2 tuần sau khi tin đồn lan ra, Tiger Wood đã lên tiếng thú nhận sự thật. Đây là thành công về truyền thông của Tiger Wood vào thời điểm đó khi nhân vật chính lên tiếng kịp thời và ngay lập tức nhận được sự cảm thông của một bộ phận công chúng.

Lên tiếng hay không lên tiếng

Những nhân vật chính của các cuộc khủng hoảng truyền thông trước sau đều sẽ phải lên tiếng, chỉ khác nhau về thời điểm và thông điệp phát ra.

'Công chúng đang chờ Hà Hồ lên tiếng'

Công chúng đang chờ đợi Hồ Ngọc Hà lên tiếng.

Trong trường hợp của Hà Hồ, giờ đây nhân vật “chính thứ” đã lên tiếng bảo vệ cô. Đó có thể là lựa chọn của hai người nhưng dù gì đi nữa thì việc này lại càng thôi thúc đám đông thổi lửa bởi cô mới là nhân vật trung tâm chứ không phải nhân vật “chính thứ” kia.

Hà Hồ sẽ phải lên tiếng nhưng có lẽ cô sẽ xuất hiện vào thời điểm khi mà cơn giận dữ đã nguội đi, như những ngọn lửa lùm xùm showbiz Việt từ xưa nay vốn thế. Lựa chọn thời điểm lên tiếng một cách khéo léo là điều cân thiết để giữ cho hình ảnh cô không bị vùi dập quá đà.

Tiêu chí nào để lựa chọn hình ảnh thương hiệu

Trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị, việc sử dụng người nổi tiếng làm hình ảnh đại diện và tham gia trực tiếp vào các chiến dịch quảng cáo luôn là một thách thức đối với các nhãn hàng. Tiêu chí lựa chọn nhân vật làm hình ảnh đại diện chỉ gói gọn trong 2 yếu tố là mức độ nổi tiếng và mức độ tin cậy, trong đó vế thứ hai luôn mơ hồ và nhiều rủi ro nhất.

Trong các hợp đồng đại diện thương hiệu, các hãng luôn đưa điều khoản hủy hợp đồng nếu như nhân vật đại diện chỉ cần có dấu hiệu “bị suy giảm uy tín và đạo đức”. Tùy thuộc vào truyền thống xã hội, môi trường truyền thông và văn hóa của công chúng, các thách thức và rủi ro cũng khác nhau. Bởi vậy cho nên chữ “sạch” tuy luôn được đưa ra làm chuẩn khi tìm kiếm gương mặt đại diện nhưng trên thực tế khó có gì đảm bảo cho tiêu chuẩn này được trọn vẹn.

Tiger Wood được coi là thành công khi kịp thời thú nhận, qua đó làm dịu đi cơn bão chỉ trích. Nhưng một loạt các thương hiệu tài trợ cho Tiger Wood đã cắt hợp đồng, chỉ duy nhất Nike tuyên bố vẫn đồng hành và chấp nhận tài trợ tiếp tục cho anh nhưng với trị giá hợp đồng bị cắt đi một nửa.

Lý do Nike không bỏ Tiger Wood là ở chỗ Nike nhìn vào hành vi của tay golf hơn là hình ảnh của anh ta. Lúc đó hình ảnh của Tiger Wood tuy đã rất xấu nhưng dù sao đó vẫn là Tiger Wood. Nike tin rằng nếu Tiger Wood căn chỉnh được hành vi và có những phương thức truyền thông tốt thì trong một khoảng thời gian sẽ dần hồi phục lại về hình ảnh.

Tại Việt Nam, các quan niệm và tình cảm của công chúng chưa được gắn kết mạnh mẽ với các giá trị bền vững mà đa phần đi theo thời điểm và chịu sự tác động của những nhóm opinion leader – người có ảnh hưởng về quan điểm trong công chúng.

Khác với xã hội Mỹ của Tiger Wood là nơi có những giá trị rõ rệt về gia đình, ở Việt Nam mặc dù truyền thông luôn đề cao những giá trị đó nhưng hành vi của xã hội thì không mang tính gây dựng. Những chuyện tương tự như Hà Hồ không hoàn toàn được nhìn nhận từ góc độ đạo đức mà ở góc độ trách nhiệm. Do vậy việc các hãng bỏ rơi Tiger Wood chưa hẳn sẽ xảy ra với Hà Hồ ở Việt Nam, trừ khi bản thân sự việc đi quá xa và cô có những hành động hoặc lời nói vượt qua các chuẩn mực ranh giới về đạo đức.

Những nhân vật khi đã nổi tiếng, họ không còn thuộc về bản thân nữa. Họ là của công chúng và của các nhà tài trợ. Do đó việc bảo vệ mình là điều cần thiết bởi đó cũng là trách nhiệm ràng buộc trong các mối quan hệ có tính ảnh hưởng sâu rộng như vậy.

Có thể Hà Hồ chưa muốn lên tiếng vì cần chọn thời điểm nhưng chắc chắn cô cần phải lên tiếng bởi  trong mọi cơn bão của truyền thông, điều mà đám đông luôn muốn nghe nhất là từ nhân vật chính của câu chuyện. Bất cứ sự im lặng kéo dài nào cũng chỉ khiến cho đám đông thêm giận dữ. Lúc này Hà Hồ cần biết bảo vệ những người thân của mình đang bị dính líu và những thương hiệu đã đồng hành cùng cô.

Các nhãn hàng sẽ ứng xử với Hà Hồ thế nào?

Thông tin một số nhãn hàng gỡ bỏ hình ảnh của cô ra khỏi các phương tiện và kênh quảng cáo sau vụ lùm xùm không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng điều đó không có nghĩa vì Hà Hồ các hãng hủy hợp đồng mà đơn giản vì họ muốn tạm thời tránh động chạm gián tiếp với công chúng vào thời điểm này. Dù gì đi nữa Hà Hồ vẫn còn nguyên hình ảnh của một bà hoàng trong giới âm nhạc showbiz.

Giữ được hợp đồng tài trợ luôn là yêu cầu đặt ra cho những gương mặt showbiz. Đó là nguồn lợi rất lớn không chỉ mang lại tài chính mà còn là bệ phóng cho tiếng tăm bởi danh tiếng luôn cần được xây dựng trên cả 2 yếu tố nghệ thuật và thương mại. Hai yếu tố này luôn đồng hành và nâng đỡ cho nhau.

Nghệ sĩ trước hết cần phải hiểu các đặc điểm mà nhãn hàng mình đại diện như thế nào: trẻ trung, lịch lãm, năng động, đẳng cấp, bình dân hay hướng tới đối tượng công chúng nào, thương hiệu đó tôn vinh những giá trị gì. Hiểu được những điều đó sẽ giúp cho người đại diện thương hiệu biết hành động phù hợp khi những sự cố xảy ra, đồng thời cũng giúp cho nhân vật đại diện biết cách đồng hành cùng với thương hiệu trong cơn bão truyền thông.

Cũng bởi sự rủi ro này mà trên thế giới hiện nay, các thương hiệu có xu hướng mở rộng thêm lựa chọn khi tìm đến những con người bình thường nhưng có thành tựu hoặc 1 tài năng đặc biệt cho những chiến dịch quảng cáo hoặc branding của mình.

Trường hợp như Nick Vujicic là ví dụ điển hình. Khi lựa chọn những nhân vật này, nhãn hàng có thể sẽ phải đầu tư thêm cho truyền thông để “thổi” hình ảnh nhân vật đó lên cho tương xứng với tầm vóc của thương hiệu nhưng đổi lại đó là sự an toàn, “sạch” và ít bị công chúng hoặc truyền thông săm soi hoặc bị nhìn từ những góc độ khác. Đây là những yếu tố mà một nhân vật nổi tiếng khó có thể cạnh tranh.

****

Phan Lê Khôi – Phó TGĐ IB Group Việt Nam. Chuyên ngành marketing communication, Wharton Business School thuộc ĐH Pennsylvania. Ông tham gia vào các chiến dịch truyền thông cho nhiều nhãn hàng lớn tại Việt Nam.

Phan Lê Khôi

Theo Zing