Gương mặt thân quen nhí mùa đầu tiên khởi động đúng vào thời điểm các chương trình truyền hình thực tế phiên bản nhí đang đứng trước mối băn khoăn về tác động tới tâm lý trẻ em.
Sự khẳng định chương trình “nặng biểu diễn, nhẹ thi thố” có giải tỏa sự lo âu của dư luận? Ảnh: TL. |
Bên cạnh đó, theo tiết lộ từ BTC, các thí sinh nhí hầu hết được tuyển chọn từ các nhà văn hóa thiếu nhi, sân khấu kịch tại TPHCM. Như vậy, GMTQN được dự đoán là sẽ không “sa lầy” vào việc khai thác hoàn cảnh éo le của thí sinh – một trong những chiêu trò đang bội thực hiện nay. Tuy nhiên, cách lựa chọn thí sinh vốn đã được đào tạo cơ bản từ trước, theo tiêu chí biết hát, nhảy, múa, có khả năng giao lưu trên sân khấu và có cá tính rõ rệt… có thể sẽ làm nên sự hấp dẫn của chương trình nhưng vô tình lại mất đi tính phát hiện tài năng vốn là “đặc sản” của các chương trình truyền hình thực tế. Ra mắt đúng thời điểm được cho là bất lợi, GMTQN còn vướng phải sự phản ứng của dư luận với quy định của BTC về việc thí sinh nhí nam khi biểu diễn sẽ không được hóa thân thành nữ. Giải thích về điều này, BTC cho rằng chương trình không muốn gây ảnh hưởng đến tâm lý của các em nhỏ khiến các em bị bạn bè chọc ghẹo. Nhiều ý kiến cho rằng đây là lời giải thích chưa thỏa đáng, thiếu cơ sở, nhất là khi BTC lại đồng ý cho bé gái giả trai. Chưa kể, tuy BTC hứa sắp xếp lịch tập và ghi hình linh động để tránh giờ học của thí sinh nhưng GMTQN được phát sóng vào đúng dịp năm học mới cộng với việc các thí sinh khác nhau về lứa tuổi, trường lớp, lịch học… thì vấn đề cân đối để không làm ảnh hưởng đến học tập là điều rất khó. Làm sao tẩy chay những “bàn tay nhào nặn”? Phải thừa nhận rằng, ưu điểm lớn mang lại qua các chương trình truyền hình thực thế phiên bản nhí chính là cơ hội để bộc lộ, nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật vì ở thời nào thì tài cũng không đợi tuổi. Nhưng không biết bắt đầu từ bao giờ, các chương trình này vô tình trở thành gánh nặng với những tâm hồn non nớt của trẻ nhỏ. Trong các chương trình dành cho trẻ em được phát sóng gần đây, khá nhiều lời nhận xét của ban giám khảo khiến thí sinh thích thú, còn người lớn “chối tai” kiểu như: “Con có giọng hát quá xuất sắc”, hay “Ông trời đã định đoạt để con sinh ra phải trở thành một ngôi sao sáng”… Sự công nhận tài năng là cần thiết nhưng nếu không khéo léo thì dễ tạo cho trẻ nhỏ sự ngộ nhận, kiêu hãnh quá mức. Việc khai thác đời tư của thí sinh cũng đã trở thành nỗi ám ảnh với cả thí sinh lẫn khán giả truyền hình. Ðơn cử như trường hợp của quán quân Quang Anh trong chương trình Giọng hát Việt nhí 2013 đã hứng “búa rìu” dư luận khi xuất hiện sự nghi ngờ là lợi dụng khai thác hoàn cảnh khó khăn để tranh thủ tình thương của công chúng. Hay “hiện tượng” Phương Mỹ Chi cũng không thoát khỏi những bình luận ác ý dính đến những nghi án hét giá cát-sê cao, bê trễ học hành, bị cho là “chảnh”, “vô ơn” với huấn luyện viên… Tuổi thơ hồn nhiên của trẻ đã bị “nhào nặn” bởi những bàn tay của người lớn. Trong số đó, ngoài sự tác động của sức ép chương trình, cũng không loại trừ khả năng một số trẻ đã bị “già hóa” từ trước khi tham gia do nhiều tác động từ đời sống, giáo dục… Trao đổi cùng chúng tôi, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho biết: “Không chỉ trong nước mà thế giới bây giờ, những format thi thố rồi truyền hình thực tế rất nhiều. Bản thân chuyện thi cử, tranh đấu… ở đâu cũng áp lực nữa là lên truyền hình. Tất cả xuất phát từ sự kỳ vọng của người thân, khát khao được công nhận, được nổi tiếng… Tôi nghĩ rằng, với các chương trình dành cho trẻ em, nếu có sự tham gia cố vấn của các chuyên gia tâm lý, giáo dục thì hy vọng sẽ an toàn hơn cho trẻ, không đẩy trẻ vào những cú sốc tâm lý. Nhưng quan trọng nhất, các bậc phụ huynh phải tìm hiểu kỹ để quyết định cho con tham gia hay không, lường trước được khả năng chịu áp lực của trẻ, xác định mục đích tham gia và nếu quyết cho con đi thi thì phải có sự chuẩn bị, theo sát con”.
Lữ Mai
Theo Gia Đình và Xã Hội