“Mỹ nhân ngư” kể câu chuyện tình yêu nhưng trên hết phim truyền tải thông điệp về tội ác của con người với đại dương.
Đầu năm 2016, phim về Nàng tiên cá của Châu Tinh Trì “càn quét” phòng vé ở châu Á và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, lập nên nhiều kỷ lục về doanh thu. Đây trở thành sản phẩm điện ảnh ăn khách nhất phòng vé Trung Quốc mọi thời. Phim mang hai nội dung – tình yêu và bảo vệ môi trường – thông qua hình thức thể hiện hài hước.
Câu chuyện kể về doanh nhân Lưu Hiên (Đặng Siêu đóng) mua một eo biển, sau đó chi tiền sử dụng máy móc tối tân để xua đuổi sinh vật biển, bao gồm cá heo. Doanh nhân này không biết rằng eo biển còn có loài sinh vật quý hiếm là người cá sinh sống. Do tác động của công ty mà Lưu Hiên làm chủ, người cá chết dần chết mòn và có nguy cơ tuyệt chủng. Bầy người cá bèn bàn cách cử cô gái xinh đẹp nhất giả làm người để lên mặt đất, giết kẻ vì lợi ích kinh doanh mà gây ra thảm cảnh cho sinh vật biển. Nhưng người cá và chàng Lưu Hiên lại nảy sinh tình yêu.
Lâm Doãn (trái) và La Chí Tường đóng vai sinh vật biển trong “Mỹ nhân ngư”.
Thông qua chuyện tình, phim nêu bật tội ác của con người với biển. Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời Châu Tinh Trì: “Đạo diễn nói bộ phim không nhằm kể chuyện tình yêu mà nói về chuyện con người hủy hoại thiên nhiên thế nào”.
Câu chuyện cùng thông điệp của Mỹ nhân ngư được Châu Tinh Trì ấp ủ từ lâu. Đầu năm 2015, trả lời phỏng vấn Chinanews bên lề Hội nghị Hiệp thương chính trị tỉnh Quảng Đông, Châu Tinh Trì nói vấn đề ông quan tâm là bảo vệ môi trường. “Đây không phải việc của riêng địa phương nào. Nếu không đảm bảo có nước sạch, không khí sạch thì mọi thứ chẳng còn gì để nói”.
Câu nói này trở thành thông điệp xuyên suốt Mỹ nhân ngư. Trong trailer tác phẩm, nhân vật nàng tiên cá San San nói: “Nếu anh chỉ còn được sống một phút trên đời, nếu trên địa cầu không còn một giọt nước sạch, một luồng không khí trong lành, anh muốn làm gì nhất?”.
Câu nói này được nhắc lại trong phim: “Khi thế giới này chẳng còn đến một giọt nước sạch, một luồng không khí trong lành thì tiền còn nghĩa lý gì?”.
Phim hài của Châu Tinh Trì trước đây mang đậm yếu tố văn hóa Hong Kong, Trung Quốc đại lục nên có thể khiến người phương Tây không hiểu hết ý nghĩa. Nhưng theo Mtime, khán giả khắp nơi trên thế giới đều hiểu được Mỹ nhân ngư nói gì. Từ giây đầu tiên, tác phẩm đã nói với khán giả đây là bộ phim về đại dương và vấn đề bảo vệ đại dương. Đạo diễn muốn thông qua con mắt của người cá nhìn nhận thế giới con người cùng tác động của họ tới môi trường.
Tổ chức phi chính phủ WildAid (Cứu trợ hoang dã) ở Trung Quốc khen ngợi thông điệp từ Mỹ nhân ngư: “Trước đây, phim hài của Trung Quốc đại lục chỉ có mục đích chọc cười, còn tác phẩm này truyền đi thông điệp bảo vệ thế giới tự nhiên… Bộ phim hài về đề tài bảo vệ môi trường của Châu Tinh Trì làm cảm động nhiều khán giả, đó là điều đáng mừng”, một đại diện tổ chức nói trên AFP.
Không chỉ truyền tải thông điệp trên phim, ngoài đời Châu Tinh Trì cũng thể hiện tinh thần bảo vệ môi trường bằng việc đi xe đạp, hạn chế sử dụng bao bì nilon… Ngoài ra, ông còn nổi tiếng là ngôi sao sống tiết kiệm
Trong phim, Lưu Hiên đứng trước hai lựa chọn: một là lợi ích kinh tế, hai là nàng tiên cá – báu vật của biển. Sau khi tận mắt chứng kiến việc mình làm gây đau đớn cho sinh vật biển thế nào, anh chọn vế thứ hai. Đây cũng là ý nguyện của Châu Tinh Trì về sự thỏa hiệp của con người với tự nhiên.
Một bé gái 12 tuổi viết cảm nghĩ sau khi xem Mỹ nhân ngư: “Trái đất đã thương tích đầy mình. Cuối cùng, tự nhiên sẽ hoàn trả cho con người tất cả tội ác mà loài người gây ra cho Trái đất… Tôi tin trên đời có mỹ nhân ngư. Có thể rất lâu trước đây, họ được tự do tự tại sống trong lòng biển bao la nhưng sau này bị tuyệt chủng vì sự tàn sát của con người”.
Nhiều bậc phụ huynh cũng nói họ sẽ cho con xem Mỹ nhân ngư để nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường sống. Bỏ qua những nhược điểm của Mỹ nhân ngư như kỹ xảo đôi chỗ còn gượng ép, phim của Châu Tinh Trì thành công khi nêu vấn đề xung đột lợi ích giữa con người và sinh vật biển, mà theo QQ, nói rộng ra là lợi ích của kẻ giàu – người nghèo. Từ đó, phim truyền tải thông điệp “nếu môi trường tự nhiên không đảm bảo, tiền bạc còn có ý nghĩa gì?”.