Giới Underground chiếm lĩnh thị trường nhạc Việt năm 2018

– Trong năm 2018, thị trường Vpop chuyển mình đầy màu sắc với nhiều thay đổi liên tục trên các bảng xếp hạng. Bên cạnh những cái tên đình đám như Sơn Tùng, Hương Tràm hay Tóc Tiên, làng nhạc Việt chào đón thêm nhiều gương mặt mới như Ngọc Doly, Osad, Đạt G, hay gần đây là Nguyễn Trọng Tài…

Nhạc của giới Underground lên ngôi

Underground (dòng nhạc không chính thống) là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong vài năm trở lại đây. Đây là thể loại nhạc không chính thống, có sự khác biệt với những thể loại âm nhạc đương đại và mang giai điệu mới lạ. Xu hướng Underground thường chú trọng đến tính chân thực, gần gũi và đề cao chất sáng tạo – là điểm khác biệt với những bài hát mang tính thương mại và chứa đựng cái tôi, tính cá nhân của người nghệ sĩ nhiều hơn. Những ca sĩ đang theo đuổi dòng nhạc này thường hoạt động tự do, sản phẩm lưu hành trên internet và không phát hành album.

Thế giới nhạc Underground hội tụ những người đam mê ca hát, thích tự do, mê sáng tạo và không muốn gò bó vào một hình ảnh nhất định như những ca sĩ nổi tiếng.

Những ca khúc kèm tên người sáng tác như: “Người lạ ơi” (Karik, Orange), “Người âm phủ” (Osad), “Mình cưới nhau đi” (Pjnboys và Huỳnh James)… lần lượt thi nhau đứng vị trí đầu bảng từ các trang nhạc trực tuyến đến YouTube. Không cần truyền thông quảng bá rầm rộ hay chi tiền khủng đầu tư cho MV, nhưng những ca khúc vẫn có lượt nghe đầy ấn tượng với những ca từ chân thực, đời thường, dễ thuộc và giai điệu dễ nghe.

Cơn sốt Underground đã phủ sóng trong năm 2018?

Đầu năm 2018, cơn sốt mang tên “Người lạ ơi” (Karik, Orange) phủ sóng khắp nơi được nhiều khán giả đón nhận; là ca khúc ấn tượng với thành tích 20 triệu lượt xem chỉ sau 5 ngày ra mắt, đến ngày thứ 18 lên con số 50 triệu và nhanh chóng đạt 100 triệu lượt xem chỉ với 39 ngày, soán cả ngôi vị của Sơn Tùng với “Nơi này có anh” khi phải mất tới 59 ngày mới chạm được con số 100 triệu lượt xem. Dĩ nhiên “Người lạ ơi” cũng trở thành ca khúc có lượt xem cán mốc 100 triệu nhanh nhất Vpop.

Thành công của ca khúc “Người lạ ơi” phải kể đến phần lời với những câu hát trở thành trào lưu, đặt biệt là cụm từ “Người lạ ơi” được lặp đi lặp lại. “Người lạ ơi, xin cho tôi mượn bờ vai, tựa đầu gục ngã, vì mỏi mệt quá” là câu hát được giới trẻ sử dụng rộng rãi.

Với ca khúc “Cô gái m52” của Huy, Tùng Viu lại gây chú ý với giới trẻ bởi giai điệu vui tươi, ca từ dễ thương cùng nội dung gần gũi về một chàng trai dành lời yêu thương cho người yêu với chiều cao m52. “Người âm phủ” của giọng ca trẻ Osad – một bài rap “thả thính”, với phần lời như một lời tỏ tình của chàng trai với người “thầm thương trộm nhớ” trên phần nhạc đệm piano, một bài rap mang nhiều hình ảnh đáng yêu.

Hiện nay giới trẻ tiếp xúc với âm nhạc và truyền tải đến khán giả không còn phức tạp như trước đây, đơn cử như ca khúc “Hongkong1” của Nguyễn Trọng Tài. Dân mạng tỏ ra thích thú và truy lùng chàng trai trong đoạn video ngẫu hứng trong cơn say và bất ngờ tạo ra trào lưu cover trong khi chưa ra bản hoàn chỉnh. Lời bài hát đều do Nguyễn Trọng Tài và một người bạn cùng nhau tạo ra, nó xuất phát từ những cảm xúc, những trải nghiệm của chính bản thân tác giả.

16
“Mình cưới nhau đi” của Pjnboys và Huỳnh James để lại ấn tượng đối với khán giả.
14

“Người âm phủ” được Osad đầu tư hẳn một MV kết hợp với hot girl Khánh Vy nói 7 thứ tiếng.

15
“Người lạ ơi xin cho tôi mượn nụ hôn, mượn rồi tôi trả đừng vội, đừng vội vàng quá”, được dân mạng chế thành…

Nỗi sợ mang tên ca sĩ nổi lên chỉ một hit

Dù là ca sĩ chuyên hay không chuyên, nếu đã thành công với một ca khúc nào đó thì họ sẽ phải tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm tiếp theo để giữ chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với những tài năng trẻ, bởi khó giữ vững được phong độ như lúc đầu. Không phải ai cũng “bốc lửa” như “Buồn không em” của Đạt G, hay “Mình cưới nhau đi” của Pjnboys và Huỳnh James sau khi đã có bài hát thành công.

Trong khi đó, ca khúc “Hongkong1” sau khi “gây bão” suốt một thời gian, là ca khúc được nhiều người cover nhất mặc dù tác giả vẫn chưa phát hành bản hoàn chỉnh. Vì kỳ vọng quá nhiều, chờ đợi quá lâu, đến khi ca khúc trình làng thì bị chê “tơi tả”: Không hay bằng phiên bản sáng tác khi đang say…

Những thành công của giới Underground là đáng trân trọng vì họ không phải ca sĩ chuyên nghiệp, họ viết nhạc với những ca từ đơn giản, gần gũi, mọi thứ đều xuất phát từ tình yêu âm nhạc. Chính họ là những người mang thêm làn gió mới vào thị trường âm nhạc Việt hiện nay.

Lê Lê/Nguoitieudung