Giật mình với phim 18+ lên sóng VTV

Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng vì khó kiểm soát con em mình trong việc tránh xem những bộ phim gắn mác 18+ (có nội dung tình dục) nhạy cảm này.

Thông tin Sex and the city – loạt phim ăn khách về đề tài tình yêu, tình dục – sẽ mở màn cho chuỗi giờ phim dành riêng cho người lớn của VTV2, kênh truyền hình khoa giáo của Đài Truyền hình Việt Nam, được đăng tải trên các báo khiến dư luận giật mình. Bởi lẽ, những nội dung liên quan tới tình dục, được coi là “nhạy cảm” với văn hóa Việt, lâu nay được kiểm duyệt khắt khe trên các rạp chiếu phim, nhất là trên sóng truyền hình. Hay nhưng phải hợp Sex and the city do đạo diễn Daren thực hiện gồm 6 phần, 94 tập, từng ra mắt trên kênh HBO vào năm 2008 và được tạp chí Time đánh giá là bộ phim truyền hình hay nhất mọi thời đại. Bộ phim được xem là “bom tấn” với hàng loạt giải thưởng uy tín: Emmy (giải dành cho truyền hình), giải Quả cầu vàng dành cho phim truyền hình được yêu thích nhất tại Mỹ… Sex and the city phản ánh cuộc sống của những phụ nữ tuổi 30 độc thân và thành đạt ở New York – Mỹ với tính cách khác nhau. Đúng như tên gọi, bộ phim kể về đời sống tình cảm cùng quan niệm rất thực tế trong vấn đề yêu đương của 4 phụ nữ thành đạt đối diện với những dằn vặt, ưu tư, đau khổ trong cuộc sống của mình. Đó là sự chán ngấy, mất niềm tin vào đời sống hôn nhân khi chồng ngoại tình; là sự háo hức, chờ đợi mỏi mòn đến ngày cưới để rồi tuyệt vọng khi bị bỏ rơi ngay trước giờ làm lễ; là tâm trạng bức bối khi người yêu mải lo công việc mà bỏ bê vấn đề ân ái, phải nhờ đến việc ăn uống để cưỡng lại sự thu hút của người đàn ông khác…

Áp phích phim Sex and the city
Áp phích phim Sex and the city

Sex and the city sử dụng sắc đẹp và sự giàu có làm phông nền nhưng ẩn sau vẻ hào nhoáng bề ngoài ấy, bộ phim muốn đề cập một cách cởi mở và mạnh bạo về những chủ đề “nhỏ to tâm sự” của cánh phụ nữ. Vì khai thác đề tài có liên quan đến sex (tình dục) nên phim không thiếu cảnh quan hệ nam nữ. Thậm chí, các diễn viên cứ tự nhiên phô bày cơ thể lên màn ảnh. Đây là điều không được khuyến khích trên màn ảnh Việt và càng không phù hợp với khán giả màn ảnh nhỏ – nơi không ai có thể giới hạn, kiểm soát đối tượng người xem theo mác 18+. Đặc biệt, những tình tiết, cảnh nóng trong phim, thậm chí là những đoạn hội thoại trần trụi, chắc chắn là “vấn đề nhạy cảm” đối với văn hóa Việt. Tại sao phải lên sóng truyền hình quốc gia? Đây là câu hỏi mà dư luận đang đặt ra, nhất là khi kênh truyền hình khoa giáo của quốc gia lại hình thành giờ phim có nội dung “nhạy cảm” đối với văn hóa Việt như vậy. Ông Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập VTV, giải thích trên một tờ báo: “VTV2 là kênh khoa học giáo dục nên việc giáo dục giới tính cũng là điều quan trọng, được khán giả quan tâm. Mặt khác, giờ phát sóng khá khuya nên chúng tôi đã dán nhãn cho đối tượng xem để người xem truyền hình cân nhắc. Đối với truyền hình thế giới thì việc dán nhãn hết sức phổ biến nhưng với VTV, đây là lần đầu tiên. Xu hướng hiện nay là truyền hình không phục vụ đa số khán giả nữa mà mỗi kênh, mỗi khung giờ sẽ phục vụ cho những đối tượng khán giả khác nhau”. Ông Hà Nam trấn an thêm: “Vì phim đã dán nhãn 18+ và chiếu giờ muộn nên có những vấn đề về giới tính, chúng tôi vẫn giữ lại. Tuy nhiên, những vấn đề về khác biệt văn hóa, chúng tôi sẽ biên tập chặt chẽ. Vấn đề nào không phù hợp sẽ bỏ. Có tập chúng tôi bỏ hoàn toàn…”. Trong khi đó, ê-kíp sản xuất chương trình vẫn khẳng định: “Phim sẽ không bị cắt quá nhiều bởi nếu cắt hết, đâu thể có chuỗi giờ phim gắn mác 18+ dành riêng cho người lớn – 23 giờ mỗi ngày trên sóng VTV2?”. Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng vì khó kiểm soát con em mình trong việc tránh xem những bộ phim gắn mác 18+ này. Sex and the city muốn được lên sóng ít nhiều sẽ bị cắt như trước nay vẫn thế. Song, nếu cắt đi thì liệu có còn là phim “bom tấn” Sex and the city? Trước đây, khi bản điện ảnh Sex and the city – Chuyện ấy là chuyện nhỏ được công chiếu rộng rãi trên các rạp phim toàn quốc, dù được đóng mác “phim 16+” nhưng công chúng vẫn không hài lòng do các cảnh nóng và hội thoại nhạy cảm bị cắt gần hết khiến mạch phim không liền lạc. Bộ phim Tiểu thời đại, một phiên bản Sex and the city của Trung Quốc, dù đã có những cải biên cho phù hợp với ngoại cảnh nhưng vẫn bị người xem chê tơi tả vì không còn những cảnh sex táo bạo, chỉ còn sự khoe của hợm hĩnh. Thực tế đã chứng minh ngay cả ở những nước được cho là rất thoáng về tình dục như Anh, Mỹ thì cảnh sex vẫn luôn bị chỉ trích nặng nề, nhất là khi đưa lên sóng truyền hình.

Cảnh báo nguy hại Tại những nước phát triển mạnh về phim truyền hình, bên cạnh cơ quan kiểm duyệt cấp quốc gia luôn có các tổ chức của phụ huynh hoặc giáo viên sẵn sàng lên tiếng về những bộ phim hay chương trình truyền hình nhạy cảm có thể gây hại cho trẻ em. Ở Mỹ, những tổ chức như Parents Television Council (Hội đồng Phụ huynh truyền hình Mỹ-PTC) hay American Decency Association ngày càng có tiếng nói lớn hơn, hoạt động hiệu quả hơn trong việc gây áp lực để loại bỏ các phim truyền hình hoặc chương trình giải trí có chứa những cảnh gây hại cho sự phát triển của trẻ em. Ở Anh, Hiệp hội Quốc gia các hiệu trưởng (National Association of Head Teachers) hồi tháng 5 cũng từng lên tiếng cảnh báo một số chương trình truyền hình giải trí, bộ phim tài liệu Benefits Street và loạt phim dài tập Emmerdale chứa nội dung tình dục, bạo lực và ngôn ngữ thô tục nhưng lại được phát sóng trước 21 giờ. Các vị hiệu trưởng thuộc hiệp hội này cho rằng trẻ em xem những cảnh phim/chương trình không phù hợp có thể tổn hại tâm sinh lý, đồng thời kêu gọi một hệ thống quy định và cảnh báo chi tiết hơn đi kèm với những mức phạt nghiêm khắc đối với các kênh vi phạm.

K.Khánh

Thùy Trang
Theo Người Lao Động