Gia đình, người thân nghẹn ngào trong tang lễ Giáo sư Trần Văn Khê

Lễ nhập liệm Giáo sư Khê diễn ra 10h sáng 26/6. Gia đình và bạn bè, học trò, đồng nghiệp… của ông tề tựu, nén buồn đau lo hậu sự cho ông chu đáo. Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê qua đời vào 2h55 phút sáng 24/6 tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP HCM. Sáng 26/6, ông được mang từ bệnh viện về ngôi nhà số 32, Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh để thực hiện nghi thức tang lễ.

MG-8474-3933-1435295035.jpg

Di ảnh Giáo sư Trần Văn Khê tại tang lễ.

Khi nghe tiếng xe mang thi hài Giáo sư Khê về lại tư gia, những cảm xúc được dồn nén trong lòng người thân của ông như vỡ òa. Các người cháu nội, ngoại của Giáo sư gục lên vai nhau nức nở. Trong khi đó, nhiều mái đầu bạc phơ như nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nghệ sĩ Kim Cương… khẽ run run cố nén tiếng nấc.

Các con, cháu của Giáo sư Khê ở nước ngoài về tề tựu khá đông đủ. Giáo sư Trần Quang Hải, con trai trưởng của Giáo sư Khê, đang gấp rút bay từ Pháp về Việt Nam. Từ khi nghe tin cha mất, ông làm việc liên tục qua email để liên lạc với ban tang lễ ở nhà, thu xếp mọi việc. Trước đó, Giáo sư Hải đã về với cha hơn mười ngày. Ông chỉ vừa bay sang một hội nghị ở Italy vào ngày 21/6 để lo công việc. Thay mặt Giáo sư Hải ở Việt Nam có con gái ông là bà Minh Tâm và vợ ông là nữ danh ca Bạch Yến.

IMG-8436-1993-1435295035.jpg

Danh ca Bạch Yến (trái) bên những bà con của Giáo sư Khê vừa ở xã Vĩnh Kim, Tiền Giang lên TP HCM dự tang lễ ông.

Danh ca Bạch Yến chia sẻ: “Cha thương tôi lắm. Ông đi, tôi đau xót quá nhưng cố không khóc để ông ra đi được nhẹ nhàng”. Con trai thứ hai của Giáo sư Khê, kiến trúc sư Trần Quang Minh, nén xúc động cùng người thân đón thi hài cha về nằm lại lần cuối trong gian phòng nhỏ của ông. Trong biệt thự 32 Huỳnh Đình Hai của Giáo sư, căn phòng này gần như là không gian riêng tư duy nhất của ông, là nơi ông vừa làm việc vừa nghỉ ngơi suốt mười năm qua khi từ Pháp về định cư hẳn ở TP HCM. Những không gian còn lại trong nhà được dùng làm thư viện – nơi tiếp khách, nơi chứa tư liệu – và một phòng khách rộng dùng làm nơi thuyết trình, giao lưu, trình diễn nghệ thuật dân tộc theo chuyên đề do Giáo sư và các đồng môn, môn sinh thực hiện.

Đúng 10h, lễ nhập liệm bắt đầu. Khi ông được mang ra khỏi gian phòng riêng để đưa vào phòng chính làm lễ, không khí xung quanh chùng xuống. Nghệ sĩ Nhân Dân Kim Cương nấc lên tiếng: “Anh Hai ơi…” khi nhìn mặt ông lần cuối cùng. Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng –  người học trò thân thiết của Giáo sư Khê –  đứng lặng lẽ một góc trong gian phòng, chắp tay niệm Phật. Gian phòng ngày xưa luôn rộn ràng tiếng đàn hát, tiếng diễn thuyết về âm nhạc dân tộc đầy hào sảng, cuốn hút của Giáo sư nay trầm mặc với tiếng kinh cầu, tiếng nhạc đờn tài tử nhẹ nhàng tiễn đưa ông.

MG-8399-9968-1435295036.jpg

Chị Na (trái) – người chăm sóc riêng của Giáo sư Khê suốt mười năm qua – nghẹn ngào bên Nghệ sĩ Nhân Dân Kim Cương.

Trước đó từ sáng sớm, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã có mặt ở ngôi nhà này để sắp xếp mọi việc thật chu đáo. Những đồ vật trang trí quen thuộc trong phòng khách được chụp hình lại để sau tang lễ, chúng được xếp lại đúng như ban đầu. Giáo sư Khê ước mong khi ông qua đời, ngôi nhà này trở thành ngôi nhà tưởng niệm, mở cửa cho mọi người đến tìm hiểu, nghiên cứu về âm nhạc và nghệ thuật dân tộc thông qua những tư liệu, sách vở ông góp nhặt hơn nửa thế kỷ làm việc ở nước ngoài.

Trong lời ngỏ, ban tổ chức tang lễ bày tỏ mong muốn miễn nhận vòng hoa, vì theo di nguyện của Giáo sư, ông mong dùng tiền phúng điếu lập quỹ học bổng cho những ai theo đuổi con đường học hỏi, nghiên cứu âm nhạc truyền thống. Những người viếng tang lễ được dặn dò chỉ nán lại bên linh cữu trong khoảng thời gian không quá hai phút để nhường cho người sau.

Lễ truy điệu và lễ động quan sẽ diễn ra vào 6h ngày 29/6. Linh cữu Giáo sư Khê được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Không khí trang nghiêm tại tang lễ Giáo sư Khê

Từ sáng sớm 26/6, rất đông người tề tựu trước gian phòng nhỏ của Giáo sư Khê để đón thi hài ông từ bệnh viện về nhà.

Từ sáng sớm 26/6, rất đông người tề tựu trước gian phòng nhỏ của Giáo sư Khê để đón thi hài ông từ bệnh viện về nhà.

Con cháu Giáo sư không giấu được nghẹn ngào, đau đớn.

Con, cháu Giáo sư không giấu được nghẹn ngào, đau đớn.

Nhiều người thân đứng lặng lẽ một góc, cố nén tiếng khóc.

Nhiều người thân đứng lặng lẽ một góc, cố nén tiếng khóc.

Ông Trần Quang Minh thay mặt anh trai Trần Quang Hải chưa về kịp để tiếp quan khách, người đến dự tang.

Ông Trần Quang Minh thay mặt anh trai Trần Quang Hải chưa về kịp để tiếp quan khách, người đến dự tang.

Mọi người nấc nghẹn trong khoảnh khắc làm lễ nhập liệm và nhìn mặt Giáo sư Khê lần cuối.

Mọi người nấc nghẹn trong khoảnh khắc làm lễ nhập liệm và nhìn mặt Giáo sư Khê lần cuối.

Người thân tề tựu bên linh cữu Giáo sư Khê. Ảnh: Đức Huy

Người thân tề tựu bên linh cữu Giáo sư Khê.

Ban nhạc đờn tài tử có mặt tại lễ tang để tấu những khúc nhạc truyền thống.

Ban nhạc đờn tài tử có mặt tại lễ tang để tấu những khúc nhạc truyền thống.

Từ trái qua: Nguyên phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM - bà Thế Thanh,

Từ trái qua: Nguyên phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin TP HCM – bà Thế Thanh, phu nhân Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Nghệ sĩ Nhân Dân Kim Cương và anh Hồ Nhựt Quang – một môn sinh thân thiết của Giáo sư Khê. Đây là vài trong số nhiều thành viên túc trực cùng gia đình ông suốt gần một tháng qua từ lúc Giáo sư nhập viện đến lúc mất.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã làm bài thơ khóc Giáo sư Khê.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã làm bài thơ khóc Giáo sư Khê.

Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng chắp tay tiễn biệt người thầy chị yêu kính.

Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng chắp tay tiễn biệt người thầy chị yêu kính.

Ảnh: Thất Sơn, Đức Huy

Thoại Hà

Theo Vnexpress