Gameshow Việt: Kiến thức thì ít, giải trí thì nhiều

Trong những năm gần đây, gameshow phát triển thực sự rầm rộ, thành công về mặt giải trí, về lợi nhuận nhưng lại đặt ra một câu hỏi lớn về chất lượng nội dung. Khi âm nhạc trở thành “đặc sản” truyền hình Phần lớn các gameshow xuất hiện trên sóng truyền hình trong các khung giờ vàng hiện nay đều có gốc gác từ nước ngoài và chiếm hơn 2/3 số đó là các chương trình âm nhạc. Nếu như thời gian đầu chỉ có Vietnam Idol với sứ mệnh tìm ra thế hệ trẻ cho làng nhạc Vpop thì nay trọng trách đó được san sẻ cho Giọng Hát Việt, Tôi Là Người Chiến Thắng, Nhân Tố Bí Ẩn, Ngôi sao Việt… Các nhà sản xuất chương trình còn ví von họ như người đang đãi cát để tìm vàng nhưng cuối cùng cái khán giả nhận được là một dàn “siêu sao” ca nhạc vàng thau lẫn lộn.

Thời kì bùng nổ gameshow Việt thừa lượng thiếu chất

Những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát chiếm trọn sóng truyền hình

Dù cho còn nhiều “sạn”, còn những nghi án dàn xếp kết quả, những scandal của cả ban giám khảo lẫn thí sinh thì các chương trình format ngoại vẫn ăn khách và lấn át hoàn toàn các chương trình thuần Việt mang tính tương tự như Sao Mai Điểm Hẹn, Tiếng Hát Truyền Hình…

Thời kì bùng nổ gameshow Việt thừa lượng thiếu chất

Trò chơi âm nhạc những phiên bản đầu tiên rất thành công

Không chỉ “bại trận” trước chương trình truyền hình thực tế mà ngay cả các khía cạnh game show thi tài thì “hàng nội” cũng bị hàng ngoại lấn lướt. Đơn cử như gameshow “Trò chơi âm nhạc” của VTV thời gian đầu nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả. Những vòng thi tài đoán hình ca sĩ qua các mảnh ghép, đoán tên ca khúc trong thời gian định sẵn, câu hỏi trắc nghiệm… đã làm nên thương hiệu gameshow âm nhạc thuần Việt không thể nhầm lẫn. Từng thành công là vậy nhưng giờ đây “Trò chơi âm nhạc” chỉ giữ lại được cái tên còn nội dung nhập khẩu hoàn toàn từ chương trình “Dont’ forget the lyrics” của Mỹ. Thời của các chương trình dành cho “thượng đế” nhí Khi đối tượng khán giả lớn tuổi không còn nhiều khía cạnh để khai thác thì trẻ con đang có nhiều cơ hội để xuất hiện trên màn ảnh nhỏ thông qua các gameshow, chương trình truyền hình thực tế đua nhau “nở rộ”. Chỉ trong một vài tuần nghỉ hè hiếm hoi của các bé thì nhiều đơn vị sản xuất đã tranh thú bố trí một loạt chương trình, gameshow lớn nhỏ đủ mọi thể loại từ ca hát, nhảy múa, đố vui dành cho các thiên thần nhí: Bước nhảy hoàn vũ nhí, Giọng hát Việt nhí, Đồ rê mí, Chung sức nhí, Gương mặt thân quen nhí, Vũ điệu tuổi xanh,… Thậm chí những chú ve ngừng kêu từ lúc nào thì trên truyền hình vẫn ra rả nhạc hiệu của các chương trình dành cho trẻ em.

Thời kì bùng nổ gameshow Việt thừa lượng thiếu chất

 Chưa bao giờ trẻ con được lên truyền hình nhiều đến thế

Dĩ nhiên, đối tượng người tham gia là trẻ em thì việc nguồn lợi từ quảng cáo sẽ được mở rộng cùng với nguồn thu từ nhắn tin bình chọn của khán giả là món lợi khổng lồ mà bất kì nhà sản xuất nào cũng không thể từ chối. Đó là chưa kể đến khi tâm lý thắng – thua trở thành mục tiêu của thí sinh cũng như phụ huynh vô tình làm mất đi tính hồn nhiên, vô tư vốn có của trẻ. Thiếu hụt những chương trình kiến thức, khoa giáo Sự lên ngôi của các show âm nhạc cũng là lúc khán giả cảm thấy thiếu hụt các chương trình mang tính chất khoa giáo và kiến thức dành riêng cho người Việt. Sự “độc hành” của Đường Lên Đỉnh Olympia – chương trình kiến thức dành cho học sinh phổ thông, là một minh chứng cụ thể. Ở một khía cạnh khác, Đấu Trường 100, Ai Thông Minh Hơn Học Sinh Lớp 5, Trẻ Em Luôn Đúng, Ai Là Triệu Phú, Cuộc Đua Kỳ Thú… vẫn mang lại cho người xem, người chơi những kiến thức về cuộc sống. Tuy nhiên, có không ít câu hỏi được đưa ra nhằm đánh đố khán giả hơn là ứng dụng thực tế khiến người xem khó tiếp thu một cách trọn vẹn nội dung chương trình.

Thời kì bùng nổ gameshow Việt thừa lượng thiếu chất

Những chương trình thuần Việt dần bị “khai tử”

Nhìn lại chặng đường phát triển của VTV thì Hành trình văn hóa có lẽ vẫn là một gameshow đáng nhớ. Chương trình có nội dung tìm hiểu văn hóa Việt Nam và thế giới trên truyền hình, được phát sóng trên kênh VTV3 vào 20 giờ thứ năm hàng tuần. Kiến thức từ trong chương trình “Hành trình văn hóa” đa dạng và sinh động, giúp khán giả du lịch qua màn ảnh nhỏ từ những vùng miền đất Việt đến nhiều đất nước trên thế giới. Hay SV96 lại là một đại diện khác trong danh sách các chương trình Việt dành cho sinh viên. Chương trình được xây dựng vào năm 1996 và phát sóng lần cuối vào năm 2000 đã hình thành một thế hệ sinh viên năng động, thông thái của xã hội bấy giờ. Chương trình này đã khiến cho rất nhiều học sinh thời điểm đó nuôi dưỡng ước mơ, khao khát được trở thành sinh viên, bước vào cổng trường Đại học và được một lần tham dự SV 96. Có được một lượng người xem nhất định nhưng cuối cùng cả Hành trình văn hóa và SV cũng đều bị “khai tử” một vài năm sau đó. Thôi thì “thế thời phải thế”, khán giả đành tạm giải trí với “hàng ngoại” trong khi mong ngóng sự hồi sinh của những chương trình truyền hình thuần Việt, mà chắc cũng còn lâu lắm!

Hiếu Nam

Theo Đất Việt