Gameshow trẻ em: Lại đến mùa đáng báo động!

Việc các chương trình gameshow dành cho thiếu nhi xuất hiện ngày càng nhiều cũng mang lại nhiều rủi ro .

Gameshow dành cho trẻ em hiện tại quá nhiều

Bên cạnh các sân chơi dành cho người lớn thì hiện nay, rất nhiều cuộc thi để các em nhỏ thể hiện tài năng của mình mọc lên như nấm sau mưa, từ ca hát, nhảy múa đến nấu ăn, diễn xuất…

Gameshow trẻ em: Lại đến mùa đáng báo động! - Ảnh 1.

Nhật Minh đăng quang “Giọng hát Việt nhí 2016”

Chỉ cần nhắc đến từ “nhí” thôi là đã ra một loạt các chương trình như: “Giọng hát Việt nhí”,  “Thần tượng âm nhạc nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Vua đầu bếp nhí”… Hay những sân chơi khác như “Biệt tài tí hon”, “Thần tượng tương lai”, “Thử tài siêu nhí”… Sau một thời gian “tạm nghỉ”, nhường sân cho các show hài, gameshow giải trí nhẹ nhàng thì dường như hiện tại, các nhà sản xuất lại tiếp tục bước vào khai thác tài năng của các cô bé, cậu bé tuổi ăn tuổi học. Hết những tài năng ca hát, nhảy múa… người ta lại đi săn lùng các biệt tài lạ hơn như diễn thuyết, ăn nói, diễn xuất, tấu hài, nấu ăn, thậm chí còn cho trẻ con đi huấn luyện ngược lại người lớn!

Không thể phủ nhận những sân chơi này vừa đem lại cho các bạn nhỏ những phút giây thư giãn mà còn giúp các em khám phá được thêm khả năng của bản thân.

Tuy nhiên, khi bước vào các gameshow thì có vẻ như các em đã trở thành một “chiến binh” trong một trận chiến “khốc liệt” mang tính thắng – thua… Trong một bài phỏng vấn, phụ huynh bé Minh Khang, được biết đến với biệt danh “thánh nói”, “giáo sư biết tuốt” trong chương trình “Biệt tài tí hon”, cho biết con mình mất nhiều hơn được sau cuộc tranh tài này, từ thời gian ghi hình trễ, những lần bị kích thích nói nhiều trên sân khấu cho tới lúc nhận giải ba đầy sự phân biệt đối xử. Anh không nghĩ sẽ cho bé tham gia gameshow nào nữa vì quá cực nhọc và bé đã trải nghiệm đủ.

Gameshow trẻ em: Lại đến mùa đáng báo động! - Ảnh 2.
Gameshow trẻ em: Lại đến mùa đáng báo động! - Ảnh 3.

Câu chuyện của bé Minh Khang tại “Biệt tài tí hon” một lần nữa lật lại tình trạng “lạm dụng” những chương trình về trẻ em

Trước những chia sẻ của phụ huynh bé Minh Khang, nhiều người bất chợt giật mình trước thực trạng của các gameshow dành cho thiếu nhi hiện nay.

Mặt trái của các gameshow dành cho trẻ em đã được phát hiện từ lâu

Thời gian ghi hình chiếm một khoảng rất lớn: Như những chương trình của người lớn, các gameshow dành cho thiếu nhi thường chiếm một khoảng thời gian khá lớn để ghi hình nên nếu trùng thời gian đi học mà vẫn muốn tham gia, các bé và gia đình bắt buộc phải xin bảo lưu kết quả ở trường. Điều này gây ảnh hưởng đến quá trình học tập của các bé. Chưa kể, vì thời gian tập luyện lẫn ghi hình khá sít sao nên việc ngủ không đủ giấc hay ăn ít, thậm chí bỏ bữa ăn là chuyện hoàn toàn bình thường nhưng không hề tốt cho sức khỏe của các bé đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Ngoài ra, vì các bé còn quá nhỏ nên không thể tự đi thi một mình nên phụ huynh của các bé cũng bắt buộc phải thu xếp lại công việc để đưa con mình đi tham gia các sân chơi này.

Chịu “chín ép”, gồng mình để thể hiện khả năng: Không thể phủ nhận, các em nhỏ bây giờ thường bộc lộ tài năng rất sớm, nhiều bé khiến người xem trầm trồ bởi tài giỏi không thua gì người lớn. Có nhiều bé được gia đình quan tâm, cho phát triển khả năng bằng những bộ môn năng khiếu từ nhỏ nhưng cũng có những bé có khả năng “thiên bẩm” mà không cần qua trường lớp đào tạo gì.

Tuy nhiên, chính vì vậy mà các em phải luôn cố gắng để không phụ lòng của tất cả khán giả. Như ở các chương trình âm nhạc như “The Voice Kids” hay “Vietnam Idol Kids”, các thí sinh nhí phải “gồng mình” vào các bài hát thuộc hàng Diva lão làng hay các ca khúc tiếng Anh khó nhằn mà chưa chắc các thí sinh người lớn có thể làm được.

Ở chương trình “Biệt tài tí hon” cũng có những bé khiến khán giá ngạc nhiên khi chỉ mới 4, 5 tuổi nhưng đã có thể nói chuyện “già dặn” y như người lớn. Hay như Phương Mỹ Chi tại “Gương mặt thân quen nhí 2015” phải mặc những bộ trang phục không phù hợp lứa tuổi để hóa thân vào các hình tượng mà chương trình đề ra.

Gameshow trẻ em: Lại đến mùa đáng báo động! - Ảnh 4.

Cô bé 4 tuổi Quế Anh trong tạo hình “Trác Thúy Miêu nhí” ở “Biệt tài tí hon”

Gameshow trẻ em: Lại đến mùa đáng báo động! - Ảnh 5.

Khi tham gia “Gương mặt thân quen nhí”, Phương Mỹ Chi phải mặc những bộ trang phục không phù hợp lứa tuổi như thế này

Chương trình nào cũng đều có yếu tố ganh đua, thắng thua: Tất nhiên, chương trình nào cũng phải có “kẻ thắng, người thua”. Bố bé Minh Khang chia sẻ rằng có những phụ huynh muốn con mình đi theo hướng nghệ thuật nên đưa các bé đi thi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác bất kể kết quả như thế nào.

Các thí sinh nhí bắt buộc phải trong tình trạng sẵn sàng bước vào một “cuộc chiến mới” mà mỗi em là những chiến binh cùng tranh đấu để tìm ra người chiến thắng cuối cùng. Điều này vô tình tạo nên một áp lực không hề nhỏ với các bé khi luôn luôn phải cố gắng hết mức có thể nếu không muốn trở thành người thua cuộc.

Gameshow trẻ em: Lại đến mùa đáng báo động! - Ảnh 6.

Phải chịu áp lực từ dư luận từ sớm: Bên cạnh việc thể hiện và phát triển khả năng thì các em cũng phải học cách chống chọi với dư luận luôn sẵn sàng chĩa mũi dùi vào mình ở độ tuổi còn rất bé.

Ở chương trình, “The Voice Kids 2016”, thí sinh Kim Anh team Đông Nhi – Ông Cao Thắng tỏ ra dạn dĩ, tự tin khi đứng trên sân khấu và đối đáp với các huấn luyện viên. Tuy nhiên chính điều này đã tạo nên nhiều tranh cãi cho khán giả xem truyền hình khi họ cho rằng cô bé tự tin quá đà, thiếu đi sự hồn nhiên ở đúng độ tuổi hiện tại. Và hình ảnh vị HLV Đông Nhi khóc trên ghế nóng, phần nào thể hiện được sự bảo vệ, yêu thương của cô dành cho học trò nhỏ, nhưng cũng đã thể hiện được sự khó khăn trong hành trình chinh phục khán giả của các tài năng nhí.

Gameshow trẻ em: Lại đến mùa đáng báo động! - Ảnh 7.
Gameshow trẻ em: Lại đến mùa đáng báo động! - Ảnh 8.

Hay bộ ba giám khảo “Vietnam Idol Kids 2016” là Isaac – Văn Mai Hương và Tóc Tiên phải lên tiếng bảo vệ cậu bé dân ca Hồ Văn Cường khi em cư dân mạng ném đá là “đem hoàn cảnh để lấy tình thương hay chỉ biết hát được một thể loại nhạc”.

Gameshow trẻ em: Lại đến mùa đáng báo động! - Ảnh 9.

Isaac từng bất bình lên tiếng để bảo vệ Hồ Văn Cường

Kết: Vẫn biết việc tạo ra các sân chơi dành cho trẻ em là điều vô cùng cần thiết nhưng với thực trạng các gameshow thiếu nhi mọc lên nhiều như nấm khiến các bậc phụ huynh muốn con mình thi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác.

“Trẻ em như búp trên cành”, thiết nghĩ ở độ tuổi của các em thì vẫn nên ưu tiên việc học văn hóa lên hàng đầu, còn những cuộc thi thì chỉ nên tham gia cho vui như một dấu ấn lưu lại trên chặng đường tuổi thơ.

Angus

Theo Trí Thức Trẻ