Phim có chi phí thực hiện 1,1 triệu USD của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khiến khán giả khóc, cười khi kể về mối quan hệ cảm động trong gia đình nhiều thế hệ.
Sau nhiều tháng thực hiện, bộ phim Em là bà nội của anh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh ra rạp vào ngày 11/12. Trước thời điểm này, phim được chiếu vài buổi dành cho báo giới và một số khán giả ở Hà Nội, TP HCM.
Em là bà nội của anh dài 127 phút. Dù có thời lượng dôi ra 37 phút so với một tác phẩm điện ảnh thông thường, bộ phim cuốn hút khán giả từ đầu đến cuối nhờ nội dung dễ xem, cách dàn dựng hóm hỉnh, chuyện phim chứa đựng nhiều ý nghĩa đằng sau các tình tiết hài.
Miu Lê (phải) đóng vai bà nội 70 tuổi trong thân xác cô gái trẻ 20 tuổi còn Nghệ sĩ Ưu tú Minh Đức là bà nội thật sự.
Phim kể về bà Đại (Nghệ sĩ Ưu tú Minh Đức thể hiện) – một người đàn bà góa chồng. Bà ở vậy nuôi con trai nhỏ dại cho đến ngày con trở thành một giáo sư đại học, có vợ và hai con đề huề. Sống dưới một mái nhà, sự cách biệt về tuổi tác, lối sống, cách cư xử khiến ba thế hệ trong gia đình bà Đại xảy ra mâu thuẫn. Trong đó, trầm trọng nhất là mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Sự cầu toàn, tính gia trưởng và áp đặt của bà Đại khiến Vy (diễn viên Hồng Ánh) – con dâu bà – bị trầm cảm nặng, phải nhập viện cấp cứu vì bệnh tim.
Từ mối xung đột dai dẳng, bà Đại rơi vào cảm giác tủi thân của một người già ngoài 70 tuổi, nhận ra sự hiện diện của mình là trở ngại cho con dâu. Một tối nọ, vì sự tình cờ run rủi, bà Đại bước chân vào tiệm chụp ảnh với ý định chụp bức chân dung thật đẹp dành làm ảnh thờ trước khi mình quá già nua, xấu xí. Bước ra khỏi cửa tiệm này, một việc kỳ lạ xảy đến khi bỗng dưng bà trẻ ra, trở về giai đoạn của một cô gái thời 19, đôi mươi đầy sức sống và xinh đẹp.
Bà Đại (lúc này do Miu Lê thể hiện) một lần nữa được đi ngược chuyến tàu thời gian, được làm những điều mà thời tuổi trẻ nghèo khó, vất vả chưa thể thực hiện. Sự pha trộn giữa trí óc của một bà lão ẩn trong thân xác cô gái trẻ măng khiến bà Đại rơi vào nhiều tình huống oái oăm. Qua lăng kính mới mẻ của tuổi thanh xuân, bà nhìn lại các mối quan hệ xung quanh, về đứa cháu trai thân yêu, con dâu, về ông Bé – người tình già luôn chung thủy và tôn thờ bà… Cũng từ “sự mất tích” của bà Đại, những người thân yêu, người quen biết của bà nhận ra giá trị về sự hiện diện của bà nội tuổi 70.
Miu Lê vừa diễn hài hước vừa có những cảnh nội tâm sâu lắng trong phim. Cô cũng phát huy giọng hát qua những bản nhạc Trịnh Công Sơn được phối lại.
Mô-típ “hoán đổi thân xác”, “cải lão hoàn đồng” quen thuộc được đặt vào câu chuyện đương đại giúp phim là một cách nhìn nhận lại vai trò, vị trí của người già trong gia đình, cộng đồng xã hội. Với người trẻ, đó là lời nhắc nhở phải trân trọng từng khoảnh khắc của tuổi thanh xuân. Và tuổi già, ở một góc độ nào đó, chính là món quà dành cho mỗi con người ở chặng cuối cuộc đời, khi bên cạnh họ có tình yêu thương của gia đình, bè bạn.
Bộ phim của Phan Gia Nhật Linh thành công nhờ các yếu tố: dàn diễn đẹp, diễn xuất đồng đều, cảnh quay đẹp, âm nhạc hay. Các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được xử lý tinh tế trong nhiều cảnh phim, mang lại sự hòa trộn về cảm xúc lắng đọng mà vẫn trẻ trung, tươi mới. Khán giả cảm nhận được phong cách retro hay vintage (gợi nhắc về thời quá khứ) được xử lý hài hòa cùng gam màu của đời sống hiện đại.
Phim quy tụ dàn diễn viên ở ba thế hệ. Ở lứa cao niên có Nghệ sĩ Ưu tú Minh Đức, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nam. Tầm trung niên có Hồng Ánh, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Khuê. Thế hệ sau có Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Hứa Vĩ Văn, Hari Won, Thu Trang… Mỗi nhân vật đều có đất diễn riêng, bật lên được cá tính. Hồng Ánh xuất hiện không nhiều nhưng với dáng vẻ mệt mỏi, cam chịu, giọng nói buồn, chị lột tả trọn vẹn hình ảnh người con dâu bị mẹ chồng “đàn áp”. Ngô Kiến Huy hóa thành đứa cháu trai tếu táo. Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nam (ông Bé) và Nghệ sĩ Ưu tú Minh Đức là ông bà “già gân”có nét diễn duyên dáng. Tình yêu chung thủy giữa ông Bé dành cho bà Đại mang đến nhiều nét chấm phá dễ thương cho phim.
Miu Lê để lại dấu ấn trong hình ảnh “bà nội tuổi 20”. Đây là vai diễn lớn đầu tiên của nữ ca sĩ sinh năm 1991 trên màn ảnh rộng. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh xem cô là một bất ngờ cho phim bởi vai bà nội là một vai khó, đòi hỏi phải diễn xuất được cả hình thể lẫn nội tâm. Ở tuổi 24, nữ ca sĩ giỏi hóa thân vào cả hai nhân vật: một bà cụ và một cô gái. Chiếc lưng khòm, những biểu cảm trên nét mặt, giọng nói của cô đều thuyết phục người xem tin vào nhân vật.
Tuy vậy, các tình tiết thể hiện tính cách bà nội của Miu Lê tạo nên cảm nhận trái chiều ở người xem. Có người thích những chỗ “làm quá”, bỗ bã để gây cười của nhân vật này khi cần diễn tả sự lẩm cẩm không hợp thời của một người già. Nhưng cũng có người nhận xét sự bỗ bã đó bị đạo diễn lạm dụng thái quá, khiến hình ảnh nhân vật bị thô và chất bi, nội tâm sâu sắc lại bị áp đảo bởi chất hài quá trớn.
Poster phim “Em là bà nội của anh”.
Em là bà nội của anh là phiên bản Việt hóa của bộ phim Hàn Quốc ăn khách Miss Granny (2014). Phiên bản gốc có tổng kinh phí thực hiện, sản xuất lên đến 5,7 triệu USD, đạt được doanh thu gần 60 triệu USD tại phòng vé ở Hàn Quốc, góp phần đưa nữ diễn viên chính khá mới mẻ của điện ảnh xứ Hàn là Shim Eun Kyung trở nên nổi tiếng.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã tận dụng triệt để lợi thế đứng trên vai “người khổng lồ”, giữ nguyên mọi đường dây, tình tiết kịch bản của phiên bản gốc, từ đó làm ra một bản phim, dù chưa mới vẫn đậm chất Việt Nam. Vốn là một người con của Sài Gòn, anh đưa vào phim hình ảnh rất đẹp, nên thơ về thành phố này. Tình tiết Việt hóa cũng được anh xử lý khá khéo. Ví dụ như ở phiên bản gốc, tiệm chụp ảnh – nơi biến bà ngoại thành cô gái trẻ – trưng bày ảnh của minh tinh Audrey Hepburn thì ở phiên bản Việt, đó là chân dung của Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga. Nhân vật đóng vai nhiếp ảnh gia là diễn viên Hà Linh – con trai của cố nữ nghệ sĩ. Điều này giúp phim có nhiều sự gần gũi với khán giả trong nước.
Dù vậy, do quá bám sát và trung thành với phiên bản gốc về kịch bản, Phan Gia Nhật Linh vẫn chưa mạnh tay đưa vào những sáng tạo riêng của anh về mảng miếng. Chính vì thế, nhiều chỗ trong phim vẫn còn mang sắc thái của phim truyền hình, hài kiểu sitcom.
Bộ phim là dự án hợp tác sản xuất giữa CJ Entertainment và HK Film. Bà Emily Hong – một đại diện đến từ phía đơn vị sản xuất Hàn Quốc – chia sẻ với VnExpress: “Cá nhân tôi dù đã biết trước nội dung, khi xem phiên bản Việt hóa vẫn rất thích thú. Nhiều đồng nghiệp người Hàn của tôi khi xem phim đã nhận xét phiên bản Việt còn hài hước hơn hẳn bản gốc”.
Thoại Hà
Theo VnExpress