Dustin Nguyễn nói về chữ ‘trinh’ khi về Việt Nam làm phim

Đạo diễn – diễn viên Việt kiều Dustin Nguyễn tâm sự về những khó khăn, bối rối khi làm phim tại Việt Nam bởi anh chưa thấu hiểu rõ văn hóa của người dân vùng đất quê hương

Dustin Nguyễn đã có buổi trò chuyện thẳng thắn với phóng viên Zing.vn về những trải nghiệm cá nhân của anh khi làm phim tại Việt Nam sau quãng thời gian nỗ lực tạo dựng tên tuổi trên đất Mỹ.

“Bất thường khi con gái Việt muốn giữ trinh đến ngày cưới”

– Đa phần mọi người khen ngợi phần hình ảnh của ‘Bao giờ có yêu nhau’ là nhờ có ê-kíp nước ngoài. Tuy nhiên, có nhận xét lại cho rằng phim hơi khó hiểu, chứa đựng một số chi tiết không còn phù hợp với văn hóa Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn như lúc đôi nam nữ yêu nhau thắm thiết trên giường, cô gái bảo muốn giữ đến đêm tân hôn. Anh là người sinh trưởng ở nước ngoài, lẽ phải có cái nhìn thoáng hơn. Anh giải thích thế nào?

– Phân đoạn đó từng được tôi, nhà sản xuất và diễn viên mang ra bàn luận rất nhiều. Nhiều người nói rằng văn hóa Việt Nam là người con gái phải giữ gìn trinh tiết cho tới tận ngày cưới. Tôi không hề nghĩ đến điều đó và cảm thấy bất thường bởi mình vốn sống ở nước ngoài từ nhỏ.

Ban đầu, tôi có một phân đoạn: lúc Huy và Linh mới tới Mũi Né, Huy giật mình thức giấc vì cơn ác mộng. Lúc đó, Huy nằm kế bên Linh rồi đi ra ngoài ban công hút thuốc.

Nhưng ở phiên bản cuối cùng, cảnh đó không còn nữa. Chỉ còn cảnh Huy thức giấc, một cú cận mặt nhân vật, rồi cậu ấy đã ở ngoài ban công. Mãi sau đó mới có cảnh Linh nói với Huy rằng cô muốn để dành “chuyện ấy” cho ngày cưới.

Nhiều người khuyên tôi phải như vậy, vì nếu để như ban đầu, nó quá “Tây”, không có mấy cô gái đi xa rồi ngủ với đàn ông trước ngày cưới. Tôi phải làm rõ rằng Huy và Linh chưa ngủ với nhau.

Dustin Nguyen noi ve chu 'trinh' khi ve Viet Nam lam phim hinh anh 1
Dustin Nguyễn bên cạnh bà xã Bebe Phạm – nhà sản xuất, và Minh Hằng cùng Quý Bình – hai diễn viên chính của Bao giờ có yêu nhau.

– Tôi nghĩ với tính cách của anh, anh sẽ đi theo trường phái phá cách, không chọn lối đi an toàn. Như với ‘Trúng số’, người ta từng khuyên anh từ bỏ vì phim sẽ không ăn khách. Tại sao anh không giữ lấy sự quyết đoán của mình?

– Bởi có một vài chi tiết về văn hóa của người Việt mà tôi cần phải hết sức thận trọng. Tôi chưa nắm được hết văn hoá của người Việt. Không ít lần, tôi từng hỏi bạn rằng: “Tại sao thời buổi này vẫn còn như vậy?”, thì họ bảo “Không, nó phải như vậy”.

Người dựng phim cho tôi là một anh chàng mới 25 tuổi, trợ lý dựng phim cũng là một người đàn ông trẻ. Không ai ý kiến gì về phân đoạn đó. Chỉ đến khi những người phụ nữ bên sản xuất, phát hành và marketing liên lục nhấn về chi tiết đó, tôi mới thấy bối rối. Tôi không muốn mắc sai lầm về văn hóa và đời sống, chứ không phải không dám mạo hiểm.

Cú sốc văn hóa của các đạo diễn Việt kiều

– Một đạo diễn Việt kiều về nước dễ gặp khó khăn về yếu tố văn hóa. Anh có từng gặp chuyện nào tương tự trong quá khứ không?

– Tôi nghĩ phần lớn là cách biểu lộ cảm xúc giữa đàn ông và phụ nữ, giữa các đôi tình nhân, giữa cha mẹ với con cái. Các nhà làm phim Việt kiều hay mắc lỗi về cách diễn tả, bộc lộ cảm xúc của người Việt trong gia đình, hoặc là giữa những người yêu nhau. Người phương Tây vốn cởi mở hơn khi biểu lộ tình cảm.

Tiếp theo là thoại phim. Chỉ 4-5 năm trước thôi, cảm nhận của tôi còn rất khác. Nhưng giờ mình đã “thấm” dần cách mà người Việt nói chuyện với nhau mỗi ngày, bất kể là người lao động hay dân văn phòng. Ai cũng muốn thoại phim của mình tự nhiên và đó là thử thách dành cho mỗi nhà làm phim.

– Một số phim thành công của các đạo diễn Việt kiều có thể kể tới ‘Mùi đu đủ xanh’ của Trần Anh Hùng hay ‘Mùa len trâu’ của Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Họ đầu tư rất nhiều thời gian để tìm hiểu văn hóa địa phương trước khi bấm máy. Trong khi đó, anh từng bị chê khi lần đầu làm đạo diễn. Nhiều người cho rằng “Lửa Phật” giống phim cao bồi Viễn Tây hơn là phim Việt. Anh nói sao về tính văn hóa của nó?

– Bởi đó chính xác là điều tôi muốn. Cái hồn của bộ phim là Việt Nam, bởi diễn viên trong phim là người Việt, sử dụng tiếng Việt, lấy bối cảnh Việt. Nhưng tất cả được đặt trong bối cảnh giả tưởng. Do đó, những lời phê bình mà tôi nhận được khi ấy thực sự không công bằng cho lắm. Có lẽ họ không hiểu rằng tôi cố ý làm phim giả tưởng, chứ không có nghĩa vụ giải thích văn hóa hay lịch sử Việt Nam.

Ngược lại, với Cánh đồng bất tận hay Trúng số, tôi cần phải rất thận trọng bởi chúng xoay quanh đời sống văn hóa hiện đại của người Việt, từ lối đi đứng, phục trang, cho tới cách ăn nói. Như trước khi đóng Cánh đồng bất tận, tôi đã phải nghiên cứu và để ý rất nhiều người đàn ông ở miền Tây, cách họ xã giao, hút thuốc…

Cá nhân tôi thấy Mùi đu đủ xanh không mang mấy chất Việt Nam, mà nó rất Pháp. Đó giống như một nhóm làm phim nước ngoài cố gắng thực hiện một bộ phim về Việt Nam. Họ không tìm hiểu nhiều, mà chỉ diễn đạt những suy nghĩ của họ về Việt Nam. Bối cảnh phim rất đẹp, nhưng giả. Tôi chưa từng thấy con hẻm nào của Việt Nam giống trong phim, bởi nó quá sạch và lãng mạn. Nhưng đó có thể là ý đồ của người đạo diễn.

Dustin Nguyen noi ve chu 'trinh' khi ve Viet Nam lam phim hinh anh 2
Sau nhiều năm trở về quê hương tham gia đóng phim và làm phim, Dustin Nguyễn cho rằng anh hiện đã “thấm” hơn văn hóa của người Việt.

“Trở về Việt Nam không phải vì không có vai ở Hollywood”

– Tại Hollywood, cơ hội dành cho diễn viên da vàng không nhiều. Thậm chí, người da trắng còn được dùng để diễn vai người châu Á hay Angelina Jolie từng suýt nhận vai Cleopatra. Chuyện đó có thể khiến chất văn hóa trong các bộ phim mất đi. Là một nghệ sĩ hoạt động tại hai thị trường, anh nghĩ gì?

– Đây là vấn đề lớn của Hollywood từ trước đến nay. Hồi đầu năm, người da đen từng “nổi loạn” trước thềm Oscar khi không có diễn viên da màu nào được nhận đề cử. Thế nên, chưa bàn đến da vàng vội, mà ngay cả các diễn viên da đen từng hoạt động ở đây nhiều năm vẫn phải chịu cảnh bị chèn ép, không có nhiều cơ hội để tỏa sáng.

Tôi đã sống hơn 20 năm tại Mỹ, nên hoàn toàn hiểu được những hạn chế và từng phải chiến đấu rất nhiều để giữ chất Á Đông nói chung và người Việt nói riêng trên màn ảnh. Trong số các bộ phim tham gia lúc ở nước ngoài, tôi đã có lần sắm vai người Việt trong Vanishing Son. Nhưng cũng có lúc tôi còn vào cả vai người Trung, người Hàn…

Những nhà sản xuất tại đó không thể hiểu được hết văn hóa của người châu Á, nhiều lúc nhét cho những câu thoại thê thảm, buồn cười đến khó nghe. Rồi tôi phải giải thích cho họ hết nước hết cái, rằng như thế là vô lý. Khi hiểu thấu thì họ cũng sẵn lòng thay đổi cho chính xác. Rõ ràng là Hollywood đã có những sự tiến bộ, nhưng vấn đề mà bạn đặt ra không thể biến mất trong ngày một, ngày hai.

– Một tạp chí Mỹ từng viết: “Đừng đòi hỏi sự công bằng nơi phim trường, bởi họ luôn trả tiền cao hơn cho nam giới và người da trắng. Còn người da đen, da vàng hay nữ giới thường phải chịu bất công”. Bản thân anh đã bao giờ phải chịu sự bất công và nó có tác động gì đến việc anh trở về Việt Nam?

– Cuối thập niên 1980, khi tham gia series ăn khách 21 Jump Street, tôi đóng một trong bốn vai chính. Tôi không thể phàn nàn về số tiền mình nhận được, bởi nếu so sánh với các diễn viên da trắng thì sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Mà thử nghĩ lại, những năm 1980, nhận được 45-50.000 USD cho một tập phim quay trong vòng sáu ngày, có gì đáng để phàn nàn chứ?

Đó là suy nghĩ của tôi. Người khác có thể thấy khác. Tôi chỉ muốn khẳng định đó không phải là lý do tôi trở về Việt Nam, hay không hoạt động ở Hollywood nữa. Nguyên nhân chính là sự hạn chế về mặt sáng tạo, kể cả khi đã tham gia rất nhiều dự án thành công.

Nếu muốn tiếp tục vươn lên thì buộc phải trở về, bằng không nhiệt huyết với nghề sẽ cứ dần mai một. Tôi luôn đòi hỏi ở mình nhiều hơn, đã là diễn viên thì phải trở thành đạo diễn, nhà sản xuất, kể cho khán giả những câu chuyện mà mình muốn kể. Đó là điều tôi khó lòng có thể đạt được tại Hollywood.

Dustin Nguyen noi ve chu 'trinh' khi ve Viet Nam lam phim hinh anh 3
Dustin Nguyễn cảm thấy trở về quê hương còn hạnh phúc hơn lúc ở Hollywood, bởi nay anh được thỏa sức sáng tạo nghệ thuật.

– Anh dường như may mắn hơn nhiều đồng nghiệp Việt kiều như Johnny Trí Nguyễn, Kathy Uyên Nguyễn. Bản thân Kathy từng nói rằng cô ấy về Việt Nam vì chỉ được sắm vai phụ khi ở nước ngoài. Theo anh, để một diễn viên Việt Nam tạo dựng thương hiệu tại nước ngoài, chúng ta phải làm gì?

Giả sử một nghệ sĩ da trắng muốn hoạt động ở Việt Nam, Trung Quốc hay châu Á, khả năng thành công cũng không cao. Có thể họ sẽ nhận được vai phụ, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Nó giống như chuyện người da vàng ở Hollywood thôi. Góc nhìn của người da trắng tại châu Á sẽ rất một chiều, không có chiều sâu. Thế nên, ở chiều ngược lại, khả năng diễn viên Việt Nam đạt được đỉnh cao trên đấu trường quốc là rất khó để có thể xảy ra.

“Lê Văn Kiệt đen đủi thật”

– Trở về Việt Nam và tham gia sản xuất nhiều bộ phim, đến giờ anh cảm thấy mình được gì?

– Tôi cảm thấy lý do mình có thể hoạt động tại đây là bởi ai cũng có sự tự do làm phim, dĩ nhiên là có ràng buộc về mặt kinh tế. Kinh phí làm phim ở đây không lớn như bên nước ngoài.

Tôi có lần chia sẻ các đạo diễn Việt kiều trở về Việt Nam là bởi họ không có cơ hội, không được làm gì ở Hollywood. Nếu không, họ về đây làm gì? Nhưng về Việt Nam không phải là điều gì đáng xấu hổ. Nghệ thuật là nghệ thuật, và nó cần phải có đất sáng tạo. Không thể nói Hollywood tốt hơn, hay Việt Nam tốt hơn qua chuyện đó. Song, tôi không thấy nuối tiếc khi rời bỏ xứ người. Giờ tôi thậm chí còn cảm thấy hạnh phúc hơn lúc quá khứ.

– Những nghệ sĩ từ Hollywood trở về Việt Nam rất được coi trọng. Nhưng không phải ai cũng gặt hái thành công, như trường hợp Lê Văn Kiệt khi các bộ phim của anh ấy liên tục bị cấm chiếu. Anh nghĩ thế nào về việc các nghệ sĩ khi về Việt Nam cũng cần xác định tư tưởng và có những bộ phim phù hợp với văn hóa Việt?

– Lê Văn Kiệt là một người bạn thân từng cộng tác với tôi. Phải nói rằng số anh ấy cũng đen đủi thật. Tôi nói điều này ra có thể làm phật lòng ai đó, nhưng mình chỉ cần làm đúng theo quy định của Cục Điện ảnh là được.

Họ có một điều khoản rằng nếu phim mang yếu tố nước ngoài, thì kịch bản cần phải duyệt trước khi bấm máy. Duyệt kịch bản trước cũng là điều hay, bởi thà mình biết kịch bản có vấn đề rồi sửa chữa, điều chỉnh trước, còn hơn là ào ào bấm máy rồi làm xong mới biết là cần thay đổi.

Tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn mảnh đất Việt Nam đã cho mình sự rộng rãi để sáng tạo. Điện ảnh Việt Nam còn nhỏ nên chưa có hệ thống lớn mạnh như Hollywood. Tại đây, hiện ai muốn làm phim cũng được, ai thích làm đạo diễn thì thành đạo diễn, thậm chí ca sĩ cũng có thể trở thành đạo diễn, chưa bàn đến chuyện chất lượng tác phẩm ra sao.

Nếu ai muốn hỏi cụ thể rộng rãi ở đâu, khi phim còn bị kiểm duyệt nọ kia, xin trả lời rằng tôi không thấy như vậy. Dù ở đâu thì một bộ phim cũng bị kiểm duyệt. Tôi đã làm nhiều phim tại Việt Nam, nhưng chưa bao giờ gặp khó khăn. Cũng có thể bởi tôi không có nhu cầu làm phim nhạy cảm về chính trị, hay bạo lực.

Ngọc Trần

Ảnh: Ngọc Thu

Theo Zing