Nhạc sĩ Đức Huy.
Anh chàng siêu “học lõm” Nhìn lại hơn 50 năm gắn bó với âm nhạc, dường như ca sĩ – nhạc sĩ Đức Huy có phần khiêm nhường khi cho rằng mình là người may mắn chứ không có tài năng đặc biệt. Cả gia đình anh không ai có năng khiếu âm nhạc và một cậu bé Vũ Đức Huy cũng không bộc lộ năng khiếu gì. Cậu bé luôn chất chứa những nỗi niềm không thể giãi bày khi sống cùng mẹ và dượng vì bố mẹ chia tay khi mới lên 5. Trước khi định cư ở Sài Gòn, cả nhà Đức Huy liên tục thay đổi chỗ ở theo nơi đóng quân của dượng. 6 tháng đến 1 năm lại thay đổi chỗ ở một lần khiến tâm hồn của anh vốn nhạy cảm càng nhạy cảm hơn. Mỗi buổi chiều, cậu thường nhìn về phía trời xa và tự hỏi: “Mình sẽ đi tới đâu nữa?”. Sau 7 năm dịch chuyển, năm 1961 nghe dượng thông báo: “Chúng ta sẽ ở lại Sài Gòn”, Đức Huy sung sướng, chạy ngay đi khoe với nhóm bạn thân. Sống trong căn nhà xinh xắn trên đường Võ Di Nguy (bây giờ là Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP. HCM) quả là địa lợi và nhân hòa giúp anh đến với âm nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ, anh họ của Đức Huy, tác giả Bài thánh ca buồn, là người chỉ cho Đức Huy những nốt nhạc đầu tiên trên cây guitar. Đức Huy mê đàn guitar như thỏi nam châm hút sắt. Anh nhìn đàn anh chơi đàn, học lỏm rồi về nhà tự luyện. Có ngày, anh nghe đĩa nhạc tới 40 lần chỉ để tìm cho ra những hợp âm trong bài hát. Nếu không bận rộn với việc học ở trường, anh thường dành hơn nửa ngày chơi với cây đàn thân yêu. Để có thêm kiến thức, Đức Huy để dành tiền tiết kiệm ra rạp xem phim ca nhạc của các nhạc sĩ tài năng thời đó như Cliff Richard hay nhóm The Shadows. “Tôi xem nhiều đến mức nhớ được cách xử lý của các bậc thiên tài với đoạn cao trào, kịch tính. Tôi ghi nhớ từng giai điệu rồi về nhà tập theo. Tập chưa được, lại chạy ra rạp mua vé xem”, nhạc sĩ mỉm cười nhớ lại. Học guitar muộn nhưng do chăm chỉ tập, Đức Huy nhanh chóng tiến bộ. Dân chơi nhạc Sài Gòn kháo nhau về anh: “Cậu này khá lắm, chỉ học lỏm mà không kém dân trường lớp”. Khả năng học lỏm của Đức Huy nổi tiếng khiến một vài đàn anh e ngại, cứ thấy chàng trai trẻ đến gần liền quay lưng lại giấu tay trái bấm hợp âm giữ nghề. Đức Huy cười giòn, bảo: “Họ nghĩ quay đi là giấu được tôi nhưng không đâu, tai nghe của tôi khá tốt, chỉ cần nghe là đoán được rồi”. Chăm chỉ tập luyện, kỹ năng tiến bộ nhanh chóng nên Đức Huy ứng tuyển vào vị trí khuyết của ban nhạc đình đám Sài Gòn bấy giờ Les Vampires thì được nhận ngay. Trong 6 chàng trai của nhóm nhạc, Đức Huy trẻ nhất – 16 tuổi, học trường Chu Văn An trong khi tất cả đều là dân trường Tây. Đến khi vào Đại học Văn khoa, Đức Huy tham gia vào nhiều ban nhạc nổi tiếng khác như Crazy Boys, Spotlights, Strawberry Four, Revolution… Không chỉ là nhạc công, Đức Huy còn được khán giả yêu thích trong vai trò ca sĩ. Sáng tác đầu tay của anh Cơn mưa phùn (năm 1969) khi trình diễn cùng ca sĩ Thanh Tuyền được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Hình ảnh mộc của cặp song ca, cùng chơi guitar, hát ca khúc nhẹ nhàng về tình yêu in sâu trong tâm trí nhiều khán giả. Từ đây, Đức Huy xác định con đường mình đi là trở thành ca – nhạc sĩ. Bắt đầu lại trên đất Mỹ Tốt nghiệp đại học, biểu diễn khắp các tụ điểm trong thành phố, tưởng rằng cuộc sống của Đức Huy sẽ êm đềm, phẳng lặng nhưng sự dịch chuyển tiếp tục đến với chàng trai có gương mặt thư sinh này. Năm 1975, Đức Huy sang Mỹ nhờ sự giúp đỡ của một phóng viên người Mỹ nhưng đến San Francisco ngày đầu thì ngày thứ hai, anh được gia chủ thông báo: “Anh phải đi làm”. Tất nhiên, mọi thứ quá bỡ ngỡ, chưa thể kiếm được việc làm nên ngày thứ hai anh phải xếp hàng ở nhà thờ nhận cơm từ thiện. Nhạc sĩ của Người tình trăm năm nhớ mãi, đó là bữa cơm anh mắc nghẹn nhiều nhất. Tối về, nằm trên căn gác nhỏ mà nước mắt ướt đẫm gối vì tủi và lo. Hôm sau, anh tiếp tục xếp hàng xin việc và tự nhủ: “Ngày mai rồi sẽ khác”. Bầu trời tương lai của Đức Huy quả thật đã bớt u ám khi anh xin được việc ở một nhà hàng Việt Nam. Anh không chỉ có cơm ăn, chỗ ở mà còn được ông chủ dạy nấu ăn. Cũng như nhiều người sang Mỹ định cư sau 1975, Đức Huy phải trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió. Vì thế, 10 năm sau ngày rời Việt Nam là những sự thay đổi công việc liên tục. Sau khi làm phục vụ trong nhà hàng, anh làm thư ký lưu trữ hồ sơ. Nghe tin một nhà hàng Trung Hoa tuyển nhạc công biết hát tiếng Anh, anh liền đến thử sức. Lúc nhận lương cao gấp 4 lần làm hành chính, có tiền dư dả, anh đầu tư cho chuyên môn bằng việc đăng ký học đàn guitar, sản xuất nhạc. Để được nhận hát trong bar của người Nhật, anh phải lao vào tự học tiếng Nhật, tập hát tiếng Nhật. Vốn giỏi về ngôn ngữ và có năng khiếu tự học nên chỉ sau vài tháng, Đức Huy nói trôi chảy khiến nhiều người tưởng anh đến từ xứ sở hoa anh đào. Công việc tạm ổn nhưng Đức Huy không tránh khỏi cảm giác cô đơn, lẻ loi mỗi khi trở về phòng trọ. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ sân khấu làm anh bần thần nhiều đêm đến mất ngủ. Trong một lần trăn trở như thế, bài hát Và tôi cũng yêu em ra đời. Đức Huy có thói quen chỉnh sửa bài hát nhiều lần trước khi hoàn thiện nhưng riêng bài hát gắn liền với tên tuổi này thì hầu như không thay đổi. Bài hát này được anh chuyển thể sang tiếng Nhật được khán giả tại quán bar vô cùng yêu thích. 5 năm lênh đênh trên biển Ở Việt Nam là thời gian Đức Huy trau dồi kỹ năng đàn thì 5 năm (1984– 1989) lênh đênh trên biển từ Hawaii, Tahiti, Caribbean, Jamaica, Mexico… lại là quãng thời gian đáng nhớ trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ. Trên chiếc tàu du lịch, chở cả nghìn hành khách, cắm cờ Liên Hiệp Quốc của 64 quốc gia, Đức Huy đảm nhận vai trò ca – nhạc sĩ. Hàng ngày đàn và hát tiếng Anh trong các bữa tiệc của người nước ngoài, nhận lương cao, tưởng rằng sẽ khiến anh quên nhạc Việt, quên cả việc sáng tác. Trên thực tế, chính lúc sống những ngày hè nhuộm nắng ấy, lại là nguồn cảm hứng để anh sáng tác hàng loạt ca khúc nổi tiếng: Người tình trăm năm, Một tình yêu, Để quên con tim, Tiếng mưa đêm… Vào những đêm trăng sáng, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, Đức Huy một mình ra sau boong tàu, ngắm vẻ đẹp của biển đêm, trời đêm và cảm tác. Sau này rời tàu, anh tập hợp 10 bài hát làm album Người tình trăm năm thì đến 6 bài tạo hit. Đức Huy thành công trong các sáng tác là nhờ giai điệu nhẹ nhàng, dễ thấm, cấu trúc bài hát chặt chẽ, lời lẽ dung dị, ngắn gọn mà sâu sắc. Viết về tình yêu, anh không sa đà kể khổ hay ca ngợi thái quá mà nhìn với con mắt tươi trẻ, lạc quan, bình thản. Tư tưởng này Đức Huy ảnh hưởng từ triết gia Phạm Công Thiện từ khi học tại Đại học Văn khoa. Năm 1989, Đức Huy gặp Thảo My và hai năm sau thì trở thành vợ chồng. Trong thời gian yêu đương, anh đã sáng tác tặng cô 3 bài: Đừng xa em đêm nay, Những đêm trăng tròn, Còn mãi thương yêu… Đừng xa em đêm nay qua tiếng hát của Thảo My tạo hit ngay sau khi phát hành. Nhờ đó, vợ anh vốn là ca sĩ nghiệp dư đã trở nên đắt sô trong cộng đồng hải ngoại. Tôi và vợ nể trọng nhau Sau khi kết hôn, vợ chồng Đức Huy – Thảo My chuyển hướng sang kinh doanh như mở phòng thu, mở tiệm studio, nhà hàng nhưng kết quả không như mong đợi. Kinh tế khó khăn chính là yếu tố khiến vợ chồng anh ngày càng xa cách. Hậu ly hôn, vợ và ba con sống ở Mỹ, Đức Huy về Việt Nam. Sau thời gian dài cô đơn, nhạc sĩ tìm được tình yêu bên người vợ kém mình hơn 40 tuổi, vốn là fan của anh. Đức Huy thoải mái chia sẻ về tình yêu mới nhưng tuyệt đối không đưa ảnh vợ lên báo. Anh bảo: “Các con không phản đối tôi có người mới nhưng tôi không muốn làm chúng tổn thương”. – Mối tình Đức Huy – Thảo My quá đẹp khiến khán giả không khỏi tiếc nuối khi anh chị chia tay. Vậy sau này, Thảo My có ý kiến gì về việc anh kết hôn và có con với vợ sau kém mình nhiều tuổi? – Chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau như bạn bè. Thảo My chưa bao giờ đề cập chuyện này khi nói với tôi, chỉ có ba đứa con. Ban đầu chúng đòi bố phải giải thích đấy nhưng bây giờ chúng lớn, hiểu hơn nên không thắc mắc nữa. Tôi ở Việt Nam nhưng vào dịp trọng đại của các con, tôi vẫn có mặt. Tôi vừa trở về Mỹ để mừng con gái tốt nghiệp đại học. Tôi và Thảo My vẫn trao đổi thường xuyên về chuyện con cái.
Nhạc sĩ Đức Huy và con trai Vinh Sơn hơn 2 tuổi.
– Anh trải nghiệm nhiều, lại là người sâu sắc, tinh tế thì việc gắn bó với người phụ nữ quá trẻ liệu có tìm được sự đồng cảm? – Sự khác biệt của tuổi tác giữa chúng tôi hơn cả sự khác biệt của họa sĩ Picasso và vợ. Sống với nhau quan trọng là cả hai phải có sự trọng nể nhau. Tôi rất nể vợ vì cô ấy còn trẻ nhưng chín chắn, không đua đòi, tâm trí chỉ dành cho chồng con. Tôi bị suy tĩnh mạch hay con bị ra mồ hôi lưng, cô ấy đều tìm đủ mọi cách chữa trị. Khi cô ấy muốn chăm lo cho ai đó thì không có sự gì mà không hiểu. – Làm cha ở tuổi 66 có khiến anh vất vả vì cảnh cha già con mọn không? – Tôi sống từng ngày, hạnh phúc từng ngày nên không điều gì khiến cuộc sống của tôi nặng nề. Con trai Vinh Sơn hơn 2 tuổi đáng yêu, sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc, rất quấn tôi. Từ ngày có con, tôi ít gặp gỡ bạn bè, nhậu nhẹt. Có con, tôi càng có động lực làm việc nhiều hơn đấy. – Sau bài “Tiếng đàn guitar” năm 2013, đã lâu anh chưa ra mắt ca khúc mới dù sáng tác nhiều. Anh có nghĩ sự cẩn trọng làm mình mất nhiều cơ hội? – Tôi chưa bao giờ xem việc mình có những bài hát khán giả yêu thích là mình “lớn chuyện”. Tôi cũng không muốn bon chen, chạy đua với ai. Khi nào hài lòng về tác phẩm tôi mới công bố. Vừa qua nhạc sĩ Huy Tuấn mời tham gia Bài hát yêu thích mà mãi tôi mới can đảm nhận lời. Tôi ngại thi thố. Có một câu hỏi tôi hay nói với mọi người là lên bao nhiêu mới là cao, xuống bao nhiêu là thấp và thiếu bao nhiêu là thốn. Cuộc sống thì tương đối thôi, cứ tùy duyên mà làm.
Bích Hằng
Theo Thế Giới Văn Hóa