Đình Bảo: ‘Tôi không nuối tiếc quá khứ của AC&M’

Cựu thành viên nhóm nam đình đám một thời chọn cách sống, làm việc tự lập ở Mỹ. Sau sáu năm xa quê, anh thấy trưởng thành hơn trong suy nghĩ và nghề nghiệp.

– Trong sáu năm gây dựng sự nghiệp ở Mỹ, vì sao anh rất ít quay về Việt Nam?

– Tôi ít về nước vì phải dành thời gian gây dựng công việc, ổn định cuộc sống ở Mỹ. Để hòa nhập được vào nhịp sống xứ người là điều không đơn giản. Thời gian đầu, ngoài việc chống chọi với nỗi nhớ nhà, nhớ không khí rộn rịp náo nức thường ngày của Sài Gòn, tôi phải ra sức học tiếng Anh, rồi đi dạy ở trường nhạc Evergreen Valley College cùng giảng viên bản xứ để cải thiện thu nhập.

– Thời gian qua, anh mưu sinh thế nào?

– Cuộc sống của tôi sáu năm qua như một chuyến tàu tốc hành, dù muốn hay không nó phải lao nhanh để mau chóng đạt được điều nó muốn. Hai năm qua, tôi ký hợp đồng trở thành ca sĩ độc quyền cho một trung tâm ca nhạc lớn của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Trung tâm cũng giúp tôi ra mắt album Cánh gió và được khán giả đón nhận. Tôi cũng tự mình gây dựng một trường dạy nhạc nhỏ và một phòng thu riêng chứ không phải đi làm thuê.

Khi ổn định hơn, tôi dành thời gian để quay về. Ba năm trước, tôi về một tuần để giúp Nam Khánh xây dựng phòng thu. Vừa rồi, tôi cũng về một tuần để hỗ trợ hai ca sĩ trẻ Mai Tiến Dũng và Tóc Tiên thực hiện phần quay CD trong nước. Tôi là người hòa âm, thu âm và là giám đốc âm nhạc cho hai CD này tại phòng thu của mình ở Mỹ nên tôi muốn về nước cùng cả hai để theo sát công việc hơn.

Ca sĩ Đình Bảo.

Ca sĩ Đình Bảo.

– Xa môi trường âm nhạc trong nước khá lâu, mỗi khi trở về cảm giác của anh ra sao?

– Đời sống âm nhạc và giải trí trong nước ngày càng đa dạng, màu sắc. Tôi về đúng dịp Hoàng Bách vừa ra sản phẩm âm nhạc mới nên cảm nhận được không khí làm việc của các thành viên AC&M xưa, cũng như các ca sĩ, nghệ sĩ nói chung. Những sự sôi nổi ấy không làm tôi cảm thấy lạc lõng. Ngược lại, tôi thấy bản thân khác xưa rất nhiều, thấy mình có bước tiến rất dài không phải chỉ trong chuyện ca hát mà trong kiến thức và tư duy âm nhạc, để thích ứng kịp thời với những thay đổi theo chiều hướng tích cực.

– Anh nuối tiếc gì về thời vàng son của AC&M?

– Tôi không nuối tiếc gì mà xem khoảng thời gian hoạt động cùng nhóm là khoảng thời gian đẹp nhất của thời tuổi trẻ. Ngày xưa, tôi, Nam Khánh, Hoàng Bách, Thụy Vũ gắn kết với nhau từ một quá trình lâu dài cùng nhau đi học ở trường nhạc, cùng nhau hát bè trong các phòng thu. Tôi còn nhớ, giai đoạn 2000 – 2004, các đĩa CD của những ca sĩ ở Sài Gòn đều có phần thu âm bè của AC&M. Chúng tôi có thể hiểu nhau về cá tính và gu âm nhạc, cách hát và chất giọng để làm nên một nhóm nhạc ăn ý. Dù điều ấy không tồn tại lâu, chúng tôi vẫn luôn đồng hành trong cuộc sống.

– Vì sao anh quyết định sang Mỹ sống và làm việc khi con đường ca hát trong nước đang rất thuận lợi?

– Những ngày đầu sang Mỹ, cũng có lúc tôi hoang mang vì sợ mình chọn hướng đi chưa đúng. Nhưng đến bây giờ, có thể nói đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. 10 năm học ở Nhạc viện TP HCM, học thêm ở các thầy cô trong nước giúp tôi hiểu sự học đóng vai trò quan trọng như thế nào với đời người. Ở Mỹ, tôi như “cá gặp nước” khi được tiếp thu hệ thống giáo dục cởi mở, hiện đại và hiệu quả. Tôi có thời gian và điều kiện tốt nhất để đào sâu chuyên môn liên quan đến âm nhạc. Tôi đi học ngành kỹ sư âm thanh, học về sáng tác nhạc, học về luật bản quyền nghệ thuật và thiết kế tiếng động cho phim ảnh… những điều mà nếu ở trong nước chắc tôi ít nghĩ đến việc dành thời gian theo đuổi. Càng học, tôi càng thấy mình ngộ ra, “vỡ” ra nhiều điều để giúp nghề nghiệp của mình.

Sở trường của nam ca sĩ là dòng nhạc thính phòng, bán cổ điển và những khúc ballad ngọt ngào.

Sở trường của nam ca sĩ là dòng nhạc thính phòng, bán cổ điển và những khúc ballad ngọt ngào.

– Anh gặp khó khăn và áp lực gì khi hoạt động trong môi trường âm nhạc ở cộng đồng người Việt tại Mỹ?

– Thời gian đầu, tôi ở với bố mẹ tại San Jose nhưng về sau tôi tự lập. Khi ký hợp đồng độc quyền với trung tâm ca nhạc, tôi chuyển về miền Nam California để sinh sống. Đi hát bên đó không sôi nổi như bên này. Mỗi tuần ở Mỹ tôi chỉ có vài sô. Cộng đồng người Việt cũng rải rác nên mỗi khi đi sô phải di chuyển bằng máy bay đến điểm diễn. Để có thu nhập vững chắc, ngoài đi hát cuối tuần, tôi tự mình gây dựng nên một trường nhạc quy mô nhỏ để duy trì công việc dạy học.

Khó khăn và áp lực thì ở nơi nào cũng có. Nhưng giới nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại cũng hỗ trợ nhau trong công việc nên tôi chưa thấy có chuyện kèn cựa gì quá đáng. Đương nhiên, sự cạnh tranh là luôn tồn tại nhưng chuyện chơi xấu nhau thì tôi chưa thấy.

– Cuộc sống hàng ngày hiện tại của anh ở Mỹ như thế nào?

– Tôi đi hát cuối tuần, các ngày trong tuần thì đi dạy học tại trường nhạc. Buổi tối, tôi dành thời gian để làm hòa âm và thu âm cho các ca sĩ. Cuộc sống và công việc nói chung là ổn. Tôi đi khắp nơi rồi mà chưa thấy chỗ nào thiên nhiên, con người đẹp hiền hòa như ở tiểu bang California.

– Anh gắn bó với nghệ sĩ Việt nào nhất khi sống ở Mỹ?

– Ở Mỹ, tôi thuê nhà ở chung cùng ca sĩ Tóc Tiên và Mai Tiến Dũng. Đây là hai đứa em thân thiết trong nghề của tôi. Mấy anh em ở với nhau rất vui, chỉ có điều ở chung hai năm mà thỉnh thoảng mới nấu ăn tại nhà vì đứa nào cũng bận. Một lần duy nhất tôi được Tóc Tiên nấu cho món tôm kho thịt và canh giò heo, nhớ lại cũng thấy buồn cười. Tóc Tiên bề ngoài có vẻ nổi loạn nhưng thực ra lại là cô gái hiền lành, ngoan ngoãn. Còn Mai Tiến Dũng là em trai của bạn gái cũ của tôi nên hai anh em cũng gắn bó với nhau.

Khi làm việc, tôi được hoạt động cùng chị Thu Phương ở trung tâm ca nhạc. Hai chị em hợp tác với nhau cũng khá ăn ý và vui vẻ.

Từ trái qua: Hoàng Bách, Đình Bảo

Từ trái qua: Hoàng Bách, Đình Bảo, Nam Khánh và Thụy Vũ trong nhóm AC&M một thời hoạt động sôi nổi.

– Vì sao bao lâu nay anh chỉ hát dòng nhạc bán cổ điển mà không chịu thay đổi?

– Cũng có người nói tôi có ngoại hình, có chất giọng sao không chọn dòng nhạc dance, nhạc trẻ để dễ đến với nhiều khán giả hơn. Nhưng tôi quan niệm, nghệ thuật nói chung luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải sống thật. Nếu giả tạo hay gượng ép bản thân để chiều lòng mọi người thì khó tồn tại lâu. Nổi tiếng hơn thì ai mà không thích nhưng tôi không thể nào tạo cho mình vẻ sexy, gợi cảm hay nổi loạn khác với bản tính thật. Tôi chỉ muốn hát những bản ballad, thính phòng hay dòng nhạc cổ điển phù hợp sở trường.

– Hướng phát triển sắp tới của anh là gì?

– Tôi cứ canh cánh nỗi lo là mình đi lâu khán giả trong nước không còn nhớ tới. Sắp tới, tôi muốn có thêm cơ hội về nước để “hâm nóng” lại tình cảm với các fan cũ, làm các đêm nhạc đoàn tụ với thành viên nhóm AC&M một thời chẳng hạn.

Nhu cầu về thực hiện sản phẩm âm nhạc với kỹ thuật chất lượng cao của ca sĩ trong nước là rất lớn. Hiện nay, các ca sĩ hay đoàn phim trong nước, khi có điều kiện, đều mang sản phẩm của mình ra nước ngoài thực hiện các khâu kỹ thuật hoặc làm hậu kỳ. Vì thế, tôi rất muốn áp dụng sở trường học của mình về chuyên ngành kỹ sư âm thanh và thiết kế tiếng động để góp phần vào môi trường hoạt động của lĩnh vực này trong nước.

Nhóm nhạc AC&M thành lập năm 2001, gồm bốn thành viên đều xuất thân từ Nhạc viện TP HCM. Phong cách chủ đạo của nhóm là Acapella. Nhóm gồm: ca sĩ Nam Khánh, hai anh em ruột Thụy Vũ, Đình Bảo và ca sĩ Hoàng Bách.

Ngay từ những ngày đầu, nhóm được sự dẫn dắt của NSND Trần Hiếu. Đây là một trong số ít boyband được đánh giá cao, có khả năng hát Acapella độc đáo. Ngoài thành công ở trình diễn, thành viên Hoàng Bách còn có khả năng sáng tác riêng với một số tác phẩm âm nhạc thành công.

Tuy theo mô hình hát nhóm, AC&M vẫn có cách làm việc “mở” khi mỗi thành viên đều có thể trình diễn solo khi có lời mời, hoặc phát hành album riêng theo ý thích. Bốn chàng trai của nhóm nhạc được yêu thích này từng vào vai chính trong bộ phim truyền hình “Acappella” dài 24 tập. Từ năm 2009, nhóm bắt đầu tan rã khi mỗi thành viên đi theo hướng phát triển sự nghiệp âm nhạc riêng.

Thoại Hà

Theo VnExpress