Kiệt của phim “Gạo nếp, gạo tẻ” cho rằng anh đang tận hưởng cuộc sống độc thân vui vẻ và tự do. Tình yêu với anh chỉ là thứ yếu, sau công việc.
Gạo nếp, gạo tẻ phát sóng trên HTV2, trở thành một trong những bộ phim truyền hình thu hút sự quan tâm của khán giả thời gian qua. Nếu vai Hân của Thúy Ngân, bà Mai của NSND Hồng Vân bị ghét cay ghét đắng thì vai Kiệt của Trung Dũng lại làm khán giả thương cảm, xót xa.
Trong buổi trò chuyện, Trung Dũng trải lòng về vai diễn định mệnh của mình và cuộc sống độc thân ở tuổi 45.
Trung Dũng nhận được nhiều lời khen cho vai Kiệt. Ảnh: Bá Ngọc. |
Sức diễn của diễn viên kỳ cựu hơn trăm lần sao trẻ
– Vẻ ngoài, cá tính của anh đều khác biệt với Kiệt trong “Gạo nếp gạo tẻ”. Nhiều ý kiến cho rằng vai diễn này không phù hợp với anh?
– Vai Kiệt lúc đầu không phải của tôi mà của Quốc Thái. Lúc đó Thái đã quay được 4-5 tập. Tôi và Quốc Thái lần đó có đi cà phê chung thì Thái kể về vai Kiệt. Trên đường về tôi nghĩ vai này hợp với mình chứ đâu phải hợp với Thái. Cảm nhận của người diễn viên lâu năm mách bảo tôi thế.
Mấy tháng sau, nhà sản xuất mời tôi đóng phim và lại chính là vai Kiệt. Nghề này tôi tin vào duyên nợ. Nếu vai đó là của mình thì cuối cùng rồi sẽ thuốc về tôi. Nếu tôi có trốn đi đâu thì họ cũng sẽ lôi ra, mời cho bằng được.
Nhận vai này, tôi nghĩ dễ nuốt lắm vì tính cách bình thường, nội dung phim cũng bình thường. Khi đọc kịch bản, tính cách Kiệt bị ép buộc hơi quá đáng nhưng tôi nghĩ khi quay sẽ bàn bạc với đạo diễn để thay đổi.
Bước vào làm việc, đạo diễn nữ mà bản lĩnh ghê gớm lắm. Cô ấy muốn gì là diễn viên phải thực hiện bằng được. Có đoạn tôi và đạo diễn tranh cãi lúc 2h sáng và phải off đoàn. Tôi không chấp nhận cách diễn mà một người đàn ông phải chịu đựng cô vợ khủng khiếp đến vô lý như thế.
Nói chung, tính cách chịu đựng của Kiệt làm tôi ức chế đến nỗi không diễn được. Có lúc tôi phải thốt lên: “Vai gì đâu mà không chấp nhận được. Tâm lý gì mà như một thằng điên”. Đạo diễn Thanh Thảo bảo nếu anh không làm được thì off đoàn. Tôi đồng ý ngay. Bao nhiêu năm nay đi đóng phim chưa bao giờ xảy ra tranh luận với đạo diễn như vậy.
Quan điểm của tôi khi vào phim là đạo diễn yêu cầu 1 thì mình làm tới 10 chứ không phải 2-3, để người ta không có gì phải chê hay đòi hỏi hơn. Ở phim này thì hơn cả sự chịu đựng. Tôi hiểu vì sao khán giả đòi đập ti vi. Tôi đóng mà còn không chấp nhận được nhân vật mà. Tôi và đạo diễn căng thẳng, diễn xong mà không thèm nhìn mặt nhau. Trong đoàn cả chị Hồng Vân, anh Mai Huỳnh cũng ức chế như tôi.
– Làm việc trong hoàn cảnh ức chế như thế, anh dung hòa thế nào để có thể nhập tâm vào vai diễn?
– Không chỉ diễn xuất theo yêu cầu của đạo diễn, phim này diễn viên còn phải thu tiếng trực tiếp nên rất mệt. Đạo diễn tinh ý đến mức chỉ cần biểu hiện nhỏ của tôi mà không phù hợp với vai diễn sẽ nhắc nhở liền. Ví dụ, thấy tâm trạng tôi không vui, cô ấy nhắc khéo thư giãn đi anh, anh ra ngoài uống nước.
Có hôm, cô lại nói anh đẹp trai, da hồng hào quá, phải hóa trang cho xấu đúng như Kiệt. Con người tôi giàu năng lượng quá nên gò mình chịu đựng với vai Kiệt quả là khó khăn. Nhưng rõ ràng, tôi nhìn thấy sự cầu toàn và mong muốn có vai diễn và bộ phim tốt từ đạo diễn. Vì vậy tôi dần chấp nhận sự khác biệt đó để hoàn thành vai diễn.
Trung Dũng coi vai Kiệt như duyên nợ với mình. Ảnh: Bá Ngọc. |
– Diễn viên qua 40 tuổi thường bị đánh giá già, không được săn đón như diễn viên trẻ. Anh đối diện với câu chuyện tuổi tác trong nghề này thế nào?
– Ở Trung Quốc, Mỹ sự xuất hiện của diễn viên gạo cội luôn bảo chứng cho giá trị của bộ phim. Nhan sắc của họ không đẹp nhưng khán giả trân trọng vì họ là những người có đẳng cấp. Trong khi đó ở Việt Nam cách nhìn và đối xử với diễn viên kỳ cựu rất thiếu công bằng.
Tôi đã từng được nghe nhà sản xuất phim nói Trung Dũng già, hết thời rồi. Họ dùng những từ đó để nói về diễn viên đang chín muồi về diễn xuất. Tôi nghe chỉ biết im lặng nhưng cũng đau lòng lắm.
Bạn bè không muốn tôi phải đối diện với hoàn cảnh như thế nên đã rủ tôi mở nhà hàng để lo tương lai. Nhiều người còn rủ tôi sang nước ngoài sống và mở nhà hàng.
Nghề này tôi lỡ đam mê, không đóng phim thì khả năng sẽ bị mai một. Vì vậy tôi vẫn sẽ đóng phim đến khi nào hết duyên mới chuyển hướng. May mắn đến Gạo nếp gạo tẻ – bộ phim giúp cho những người diễn viên chuyên nghiệp thể hiện sức và khả năng của mình. Trong phim có ai già, ai hết thời không và chính họ đã làm nên bộ phim hấp dẫn. Mọi người thấy sức diễn của diễn viên kỳ cựu chúng tôi gấp trăm lần diễn viên trẻ.
– Dù vậy anh sẽ theo nghề tới cùng hay cũng phải chuẩn bị nghề tay trái như bạn bè khuyên nhủ?
– Chuyện tương lai chưa thể nói chắc chắn nhưng tôi cũng nghĩ đến việc mở nhà hàng ở nước ngoài. Ở Việt Nam có diễn viên nào sống đến già được với nghề đâu. Trước mắt, tôi sẽ thực hiện một show ẩm thực, dạy nấu những món ăn địa phương trên khắp mọi miền đất nước vào thời gian tới.
Ngoài phim ảnh, Trung Dũng còn đam mê nấu ăn. Ảnh: Bá Ngọc. |
Tôi không sợ tuổi già, chưa muốn có con
– Ở tuổi 45 nhưng anh Trung Dũng vẫn sống một mình, không kết hôn, không con cái. Vì sao thế?
– Chưa bao giờ tôi thấy vui và hài lòng như hiện tại. Làm nghề này rất khó tìm được sự hòa hợp với ai đó. Tình yêu với tôi bây giờ cũng có nhưng chỉ là vui chơi qua đường, thoang thoảng thôi. Tôi cũng chẳng thấy sốt ruột, lo sợ tuổi già. Cuộc sống của tôi nhẹ nhàng lắm, đi làm về thì tập gym, nấu ăn. Bấy nhiêu cũng thấy vui và hạnh phúc rồi.
Trung Dũng đã có con riêng nhưng anh không muốn nhắc tới chuyện riêng tư. Ảnh: Bá Ngọc. |
– Anh chưa nghĩ đến việc kết hôn vì khó tìm được người tâm đầu ý hợp hay do tính tình anh khó tính, cầu toàn và nóng nảy?
– Kết hôn hay không là chuyện của tương lai nhưng thật sự bây giờ tôi chưa nghĩ tới. Khi yêu, vui vẻ được tới đâu thì hay tới đó. Tôi sợ chuyện yêu mà kiểm soát, làm mất tự do, thoải mái của nhau. Yêu nghệ sĩ mà muốn đi về đúng giờ giấc thì không được. Còn không, thì khó có người phụ nữ nào chấp nhận việc người yêu đi sớm về khuya.
Tôi từng gặp nhiều người phụ nữ, yêu mình đấy nhưng lại muốn kiểm soát và ghen tuông thái quá. Với những trường hợp đó, tôi không nói gì, không giải thích mà chỉ yêu cầu kết thúc ngay.
Tôi đi quay phim mà nhắn tin ở đâu, làm gì, gửi địa điểm cho coi. Đang diễn, học thoại mà ức chế như thế sao làm được việc. Chuyện tình cảm ảnh hưởng lớn tới tâm lý, công việc. Bởi vậy, tôi cảm thấy mệt mỏi với yêu đương. Chuyện con cái cũng khiến mình mệt nên đến giờ tôi chưa thiết tha với cả hai việc đó.
– Thực tế anh đã trải qua không ít các mối tình, cũng có con riêng. Ký ức đó ảnh hưởng thế nào đến quyết định hiện tại của anh?
– Chuyện tôi và mẹ của con trai cũng đơn giản là chuyện hai người yêu nhau, tự nguyện đến với nhau, không có gì ràng buộc. Khi họ yêu mình, muốn có con thì có con. Sau khi sinh con, còn thương thì cưới, không thì thôi. Người cũ của tôi độc lập kinh tế, thích làm những gì họ mong muốn nên giữa chúng tôi cũng không có bất cứ ràng buộc nào về kinh tế hay con cái.
Thỉnh thoảng tôi cũng có gặp con nhưng cả người cũ và tôi đều muốn con sống thoải mái nên không thích xuất hiện trên báo chí.
Trung Dũng chưa vội nghĩ đến chuyện kết hôn, có con. Ảnh: Bá Ngọc. |
– Nói như thế anh không sợ bị đánh giá yêu phóng khoáng, tự do và thiếu trách nhiệm với con cái?
– Tôi ngộ ra ghen tuông, níu kéo làm gì nếu không còn tình thương. Người phụ nữ thường níu kéo đàn ông là vì kinh tế hoặc xấu hổ với bà con. Tình yêu mà có sự cưỡng cầu cũng không đem đến điều gì tốt đẹp.
Quan trọng là tối nằm trên giường cảm thấy thật sự thoải mái, ngủ ngon không. Nếu có người yêu nằm kế bên cạnh thì quá hạnh phúc. Nhưng nếu phải nằm ở bên một người mà vì lý do gì đó thì thật khủng khiếp. Đi làm, trên phim trường đã phải đối diện với nhiều mệt mỏi rồi.
Tôi hạnh phúc là do tôi chủ động mọi thứ trong cuộc sống của mình. Nếu được, tôi khuyên mọi người sống vì cảm xúc của mình, chứ đừng vì lý do gì đó mà chịu đựng khổ sở. Sống vì con ư? Không nên. Cũng đừng nên có tư tưởng nuôi con để sau này nhờ vả con. Con cái ngoan ngoãn hay có trách nhiệm với cha mẹ hay không là phước phần của mỗi người.
Tôi mê con nít nhưng nuôi dạy con là cả một vấn đề trong thời buổi này. Tôi đi nhiều, thấy nhiều nên nghĩ sống hết kiếp này cho xong. Đừng phải cố làm điều gì cho vướng bận. Mỗi người có sự lựa chọn, con đường riêng, không vì định kiến mà phải làm khác điều mình nghĩ.
Theo Zing