‘Đêm nhạc thu tới 200 triệu tiền tác quyền, chúng tôi lấy ở đâu?’

  • “Thử hỏi một chương trình quy mô vừa mà tiền tác quyền bên VCPMC tính lên tới cả 200 triệu đồng, chúng tôi lấy tiền đâu ra”, đại diện công ty Cổ phần Giải trí HP Quốc tế – đơn vị tổ chức chuỗi Đêm tình nhân bị nêu tên trong danh sách chưa nộp tiền tác quyền từ năm 2016 tới nay – cho hay.

Ngày 9/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2018/NĐ-CP và Điều 6 nghị định quy định: Bãi bỏ thành phần hồ sơ “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thoả thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả” tại thủ tục cấp Giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và Giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Theo Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tình trạng vi phạm tràn lan về quyền tác giả hiện nay là thực tế không thể phủ nhận, người sử dụng tác phẩm âm nhạc chưa thực sự tự nguyện, tự giác thực hiện nghĩa vụ.

Do đó việc bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại hồ sơ đề nghị cấp phép biểu diễn nghệ thuật và phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay là sự bất cập và vô cùng bất lợi đối với tác giả, gây tổn hại về mặt tài sản và tổn thương về mặt tinh thần cho tác giả – những người đã và đang sáng tạo để đóng góp, cống hiến tài sản trí tuệ cho sự phát triển chung của cộng đồng.

Ông Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, bức xúc nói ca sĩ hát một bài kiếm 300 – 500 triệu mà khi tác giả đòi tiền tác quyền thì chửi um sùm.

'Đêm nhạc thu tới 200 triệu tiền tác quyền, chúng tôi lấy ở đâu?'
Đàm Vĩnh Hưng – Lệ Quyên trong chương trình Bởi vì yêu.

Trong danh sách VCPMC gửi tới báo chí, có tới 78 chương trình biểu diễn nghệ thuật chưa thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả âm nhạc. Danh sách này có những tên tuổi khá lớn tổ chức chương trình âm nhạc thường xuyên như: Liveshow Đàm Vĩnh Hưng – Lệ Quyên (diễn ra ngày 3/8/2018 tại Nhà hát Âu Cơ); Liveshow Đàm Vĩnh Hưng (diễn ra ngày 9/3/ 2018 tại Hải Phòng); Đêm tình nhân 3,4,5,….

Điều đáng nói, trong danh sách 78 show này không có show nào ca sĩ tự đứng ra tổ chức. Do vậy theo luật, đơn vị tổ chức phải là người chịu trách nhiệm về bản quyền âm nhạc với các tác giả thì mới được cấp phép. Thế nhưng, có đơn vị tổ chức như Công ty Cổ phần Bờ biển vàng (công ty này tổ chức rất nhiều đêm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên) bị nêu tên tới 19 show diễn cho tới giờ này vẫn chưa nộp tiền tác quyền âm nhạc nhưng vẫn được cấp phép tổ chức sự kiện.

Liên hệ với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, anh cho biết, mọi người nên hiểu một cách rạch ròi rằng, luật đã quy định nhiều năm nay một cách rõ ràng – không đóng tác quyền thì không cấp giấy phép biểu diễn,. Với những chương trình bị nêu tên, Đàm Vĩnh Hưng không phải là người chịu trách nhiệm bởi anh không trực tiếp đứng ra xin phép mà đơn vị tổ chức làm điều này.

“Đó là sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý văn hoá. Đơn vị nào thiếu thì cứ nêu tên đơn vị đó ra thật rõ ràng. Chương trình Tiếng hát Việt của tôi không nợ ai một đồng nào về tác quyền. Nên đừng ai lôi tên tôi ra để làm câu chuyện được chú ý. Giữa đơn vị tác quyền và Tiếng hát Việt luôn có mối quan hệ thân thiết nên không muốn bị đẩy đi xa sang một chiều hướng khác”, Đàm Vĩnh Hưng cho hay.

'Đêm nhạc thu tới 200 triệu tiền tác quyền, chúng tôi lấy ở đâu?'
Bằng Kiều – Minh Tuyết trong Đêm tình nhân 3.

Đại diện công ty Cổ phần Giải trí HP Quốc tế – đơn vị tổ chức chuỗi Đêm tình nhân bị nêu tên trong danh sách chưa nộp tiền tác quyền từ năm 2016 tới nay cho hay không phải họ không muốn nộp mà nộp thế nào cho hợp lý.

“Chúng tôi đang làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng phải có cuộc họp cụ thể để những đơn vị tổ chức sự kiện như chúng tôi không gặp khó khăn. Tôi đồng ý việc đóng tác quyền âm nhạc nhưng đóng như thế nào là việc phải bàn.

Ở Mỹ, cứ mỗi bài hát được tính 0,08 USD tiền tác quyền, không kể bài hát đó hot hay không hot. Ví dụ chương trình có 10 bài hát, lượng vé bán ra 3000 thì họ sẽ tính đêm nhạc đó phải trả tiền tác quyền âm nhạc là: 0,08x10x3000, tức khoảng gần 60 triệu đồng.

Nhưng ở Việt Nam lại khác, chưa có mức giá nào quy định rõ ràng. Đơn vị thu bản quyền vì thế cứ tính theo quy mô chương trình rồi nhân với 70% số ghế. Thế nhỡ đơn vị chúng tôi không bán được vé thì làm sao”, đại diện công ty Cổ phần Giải trí HP Quốc tế nói.

Vị đại diện này cũng cho biết có chương trình họ làm tiền tác quyền lên tới 200 triệu đồng. “Thử hỏi một chương trình quy mô vừa mà tiền tác quyền bên VCPMC tính lên tới cả 200 triệu đồng, chúng tôi lấy tiền đâu ra? Lại tính vào chi phí sản xuất, lại đẩy giá vé lên cao chăng? Cao quá thì không có khán giả tới mua vé, phải hiểu cho những đơn vị tổ chức như chúng tôi chứ. Nếu làm quá, sẽ chẳng ai dám đứng ra tổ chức, sẽ chẳng có nhiều đêm nhạc, nghệ thuật sẽ đi về đâu”, vị đại diện bức xúc.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho hay: “Nghị định 142 ra đời không phải bãi bỏ quyền của người sáng tác mà chúng tôi chỉ giảm thủ tục hành chính phiền hà. Có nghĩa chúng tôi cho đơn vị tổ chức cam kết thực hiện quyền tác giả. Nếu như Bộ tài chính quy định mức thu cụ thể thì đơn giản quá, cứ luật mà làm. Nhưng cái khó ở đây đôi khi lại là sự thoả thuận. Mà thoả thuận nhiều lúc không rõ ràng ảnh hưởng tới thời gian diễn ra show”.

Nhưng có một thực tế rằng, nếu để các đơn vị tổ chức cam kết thực hiện quyền tác giả thì đôi khi họ chỉ cam kết vậy thôi, xong chương trình họ lại không nộp, và có khi còn ‘xoá sổ’ công ty.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Quang Vinh nói: “Khi yêu cầu đơn vị tổ chức, ca sĩ cam kết thực hiện quyền tác giả, họ ký vào có nghĩa họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề pháp lý nếu họ vị phạm. Nhạc sĩ hay đơn vị thu tác quyền hoàn toàn có thể kiện họ ra toà. Theo tôi nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động”.

Tình Lê/Vietnamnet