“Có rất nhiều người nợ tôi tiền nhưng khi tôi gọi đòi mà hôm đấy người ta không bắt máy thì tôi buồn cả ngày. Sau đấy, tôi nghĩ rằng, thôi tốt nhất là quên đi”, Đạo diễn Lưu Trọng Ninh trải lòng. Không ít lần nhận phần thiệt về mình nhưng với ông: “Sự thanh thản lớn hơn nhiều”.
Tại Cánh diều vàng, bộ phim “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh vừa được trao 4 giải: Cánh diều vàng phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc (Lưu Trọng Ninh và Thọ Thịnh), Quay phim xuất sắc (Hoàng Tích Thiện), Nam diễn viên phụ xuất sắc (Jimmy Khánh).
Nhưng với đạo diễn Lưu Trọng Ninh, hào quang của giải thưởng giờ đây không còn là một điều gì đó quá quan trọng nữa. Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, với ông: “Một bộ phim tốt người ta tán dương, tưởng rằng đấy là hạnh phúc lớn nhưng chưa chắc.
Có khi một vạt cỏ xanh rờn mình chăm, một luống rau đương lên, cảm xúc gần gũi thú vị hơn, trong sạch hơn. Thành công hay danh vọng, nói cho cùng rất cần thiết nhưng không đẹp bằng thành quả của lao động”.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (thứ 2 từ trái sang) nhận giải Cánh diều vàng.
“Cuộc sống của tôi “du canh du cư”, ai đi theo một ngày chắc không thể chịu nổi”
Thưa đạo diễn Lưu Trọng Ninh, sức khoẻ của ông hiện tại thế nào từ sau ca phẫu thuật tim?
Sức khỏe của tôi đã tốt hơn so với cách đây 3-4 năm. Trước đây, tôi đi lại khó, đứng cũng khó, nhưng bây giờ tôi có thể lái xe 300 cây số một ngày.
Tôi vừa lấy một cái xe mà trong khoảng tầm 5 tháng, tôi đi khoảng 5 vạn cây số. Tôi nghĩ mình có thể chiến thắng bệnh tật. Tôi thường dậy vào lúc 4 rưỡi-5 giờ sáng để tập thiền, tập khí công khoảng 2 tiếng mỗi ngày.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định, sức khoẻ là thứ có thể chiến đấu để có được, chỉ cần sự kiên trì, bền bỉ.
Nghe nói, ông ở trên xe nhiều hơn ở nhà?
Tôi có thể ở trên xe rất lâu mà không buồn ngủ. Có những nơi dù đã đi qua hàng trăm lần, tôi vẫn say sưa ngắm cảnh và cảm thấy thú vị. Người ta nói, ngồi trên xe mà cảm nhận được không gian lướt qua thì đó là thiền. Nếu 2 ngày không đi đâu tôi sẽ rất buồn, không chịu được.
Cuộc sống của tôi là cuộc sống dịch chuyển, “du canh du cư”. Chính điều đó cũng giúp tôi có nhiều trải nghiệm hơn. Khi chúng ta sống một chỗ chúng ta sẽ nghĩ mãi một thứ. Khi chúng ta đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, những số phận khác nhau trên bước đường mình đi, cuộc sống cũng phong phú hơn.
Con người khi trải qua những bước thăng trầm thường có thiên hướng sống tĩnh tâm hơn và sống chậm lại, đạo diễn có thấy điều này đúng với mình không?
Tôi cũng từng tưởng vậy, có những khi tôi rất bình thản trước tất cả mọi thứ nhưng rồi lại bùng lên, xôn xao. Bạn bè đều hỏi sao tôi nhiều năng lượng thế.
Nếu ai đi theo tôi trong một ngày thì chắc không thể chịu nổi, kể cả người trẻ. Tôi bước xuống xe đã băng đi, rồi lại nghĩ việc này việc kia. Nếu làm phim, tôi từng làm 18 tiếng/ngày, còn bình thường thì cũng từ 6-8 tiếng, trừ khi đi trên xe.
“Nếu 2 ngày không đi đâu tôi sẽ rất buồn, không chịu được. Cuộc sống của tôi là cuộc sống dịch chuyển, “du canh du cư”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh kể.
“Cứ nói đến tiền là tự nhiên tôi lại sợ”
Việc đầu tiên ông thường làm khi về nhà là gì?
Tôi sẽ nghĩ “Ăn gì bây giờ nhỉ”. Tôi không chuẩn bị gì cả, tôi cũng không muốn ra quán ăn, thường thì tôi sẽ có một rổ khoai hay một giỏ trứng. Tôi ăn uống đơn giản.
Trước đây, tôi ăn một cách rất thoải mái, uống rượu, hút thuốc. Tôi điều chỉnh chế độ ăn 2, 3 năm nay. Có một thời gian, tôi ăn chay trường nhưng cảm thấy không đủ năng lượng nên chuyển sang ăn thực dưỡng, tránh ăn thịt đỏ và thấy rất tốt.
Nếu nói nói về cảm giác khó khăn nhất mà đạo diễn từng trải qua, đó là điều gì?
Đó là cảm giác về tiền. Cứ nói đến tiền là tự nhiên tôi lại sợ. Có rất nhiều người nợ tôi tiền nhưng khi tôi gọi đòi mà hôm đấy người ta không bắt máy thì tôi buồn cả ngày.
Sau đấy, tôi nghĩ rằng, thôi tốt nhất là quên đi, cứ gọi người ta không trả lời thì gọi làm gì. Nếu thực sự muốn trả thì họ đã nghe máy. Thay vì đòi nợ, mình quay lưng đi làm việc khác kiếm tiền còn hơn.
“Có thể lúc họ vay mình, họ chân thành muốn trả nhưng sau đó gặp khó khăn, họ không thể trả được hoặc tiền để lâu trong túi rồi họ không muốn mất đi nữa”, Đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói.
Nhưng nói như vậy, ông sẽ lại nhận phần thiệt về mình?
Tôi nghĩ chưa chắc đã thiệt vì sự thanh thản lớn hơn nhiều. Tôi cũng chuẩn bị tâm lý là không phải mình cho họ mà mình giúp họ. Khi tôi cho vay tiền, tôi cũng không bắt họ viết giấy cam kết hay tính lãi suất gì cả. Có thể lúc họ vay mình, họ chân thành muốn trả nhưng sau đó gặp khó khăn, họ không thể trả được hoặc tiền để lâu trong túi rồi họ không muốn mất đi nữa. Tôi tự nói thôi mình quên đi.
Tôi là người rất may mắn khi cái gì sắp hết, lập tức có một sự kiện nào đó giúp tôi có thể bổ sung cho mình đủ sống, nói chung không bị bế tắc bao giờ.
Còn nói về khoảnh khắc khiến ông cảm giác hạnh phúc nhất thì sao?
Đáng ra khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khoảnh khắc được hưởng những thành quả của mình nhưng giờ đây, với tôi, được hưởng thành quả cũng không còn quan trọng nữa.
Một bộ phim tốt người ta tán dương, tưởng rằng đấy là hạnh phúc lớn nhưng chưa chắc. Có khi một vạt cỏ xanh rờn mình chăm, một luống rau đương lên, cảm xúc gần gũi thú vị hơn, trong sạch hơn.
Thành công hay danh vọng, nói cho cùng rất cần thiết nhưng không đẹp bằng thành quả của lao động.
“Tôi chính xác là con ngựa bất kham”
Hình như trước đây đạo diễn từng ví mình như một “con ngựa hoang”?
Tôi không ví đâu mà người ta gọi tôi như vậy. Tôi nhớ năm 1996, lúc đó vợ chồng tôi chia tay, trên trang nhất một tờ báo lớn có đăng “con ngựa hoang lấy vợ muộn chia tay sớm”. Tôi bị mang “án” con ngựa hoang từ đó.
Tác giả bài viết tương đối hiểu tôi. Nói chính xác hơn thì tôi là “con ngựa bất kham”. Hoang dã thì đương nhiên rồi nhưng mà bất kham mới khó thuần thục, khó đi vào nề nếp.
Ví dụ năm 1998 là năm tôi khá thành công với điện ảnh, tôi cảm thấy nếu tiếp tục tôi không biết làm gì nữa, tôi đi lang thang, trồng rau, làm vườn sau đó quay lại điện ảnh. Rồi tôi lại bỏ đi, tôi không kiểm soát được mình.
“Con ngựa bất kham” khi đó so với hiện tại có sự khác biệt không?
Tôi cho rằng, bây giờ còn mạnh hơn. Ý tưởng cứ chợt đến và tôi phải làm bằng được, tôi lao vào làm. Trước còn sợ hãi, ngại ngùng. Bây giờ tôi chẳng sợ gì cả.
Khái niệm về hạnh phúc của ông sau đổ vỡ có khác so với trước?
Tôi có một đặc điểm là phần con người của tôi cũng không con người cho lắm. Tôi ít nghĩ về chuyện đó. Tôi cũng chưa bao giờ tự hỏi mình có cảm thấy hạnh phúc không. Trong cuộc sống, tôi thấy mình may mắn. Nếu có kiếp sau tôi vẫn sẽ đi lại con đường đó thôi, không ân hận gì cả.
“Phụ nữ: 10 cô đẹp thì chỉ 2 cô ấm áp, 10 cô ấm áp thì chỉ 2 cô đẹp”
Nói như vậy, có nghĩa là trong sự đơn độc của ông vẫn là một cuộc sống đáng tận hưởng?
Thực ra, tôi không muốn đơn độc đâu nhưng rất khó tìm người đồng hành. Trước một đám đông, tôi cảm thấy mình bị lạc lõng, rất muốn có bạn bè nhưng đúng là để một người bạn mình thấy ân tình thực sự không dễ.
Nếu tôi “tĩnh” thì tôi dễ tìm người đồng cảm nhưng tôi “động” như thế này là cực kỳ khó. Cô độc là do hoàn cảnh của mình.
Đạo diễn trải lòng: “Cô độc là do hoàn cảnh của mình”.
Giữa một người phụ nữ có nhan sắc và một người có duyên nhưng nhan sắc không bằng, ông sẽ dễ rung động ai hơn?
Cuộc đời của tôi đúng là “va” phải phụ nữ nhan sắc quá nhiều. Bởi vì tôi làm phim, mà mỗi cuộc casting hàng trăm người đến, có quá nhiều cô gái xinh đẹp.
Sự xinh đẹp trong quan niệm của tôi đã bao hàm cả phẩm chất rồi, phải thông minh, duyên dáng. Nhưng đến lúc này, tôi cảm giác một người phụ nữ chạm được đến phần dịu dàng, ấm áp quan trọng hơn cả tri thức bên ngoài.
Người phụ nữ mà tôi cảm thấy tin cậy, nhẹ nhàng, ấm áp thì tôi thấy thú vị hơn. Mà những người như vậy lại thường không đẹp.
Có quá khắt khe không khi đạo diễn nói rằng những người ấm áp, dịu dàng thường không đẹp?
Thường là vậy, 10 cô đẹp thì chỉ có 2 cô ấm áp thôi, còn 10 cô ấm áp thì chỉ có 2 cô đẹp thôi. Những cô ấm áp thì thường có tính hướng nội, còn những người đẹp thì tính hướng ngoại cao lắm. Họ tự tin bước vào cuộc sống bên ngoài, không phát huy sự ấm áp, còn những người hướng nội thì phát huy điều đó.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phương Nhung
Ảnh: Toàn Vũ
Theo Dân Trí