Từ chuyện tình của Hoa hậu Thu Thảo và bạn trai Trung Tín, có thể thấy không phải tất cả mối quan hệ giữa người đẹp và người giàu đều là giao dịch tình tiền.
“Khác biệt không thể hòa giải” là lý do phổ biến nhất trong đơn ly dị của các ngôi sao giải trí. Đây không hề là lý do tượng trưng, mà là quy luật cuộc sống. Để bồi đắp hạnh phúc, mỗi người đều tìm kiếm sự tương thích và phù hợp ở người bạn đời.
Không có hạnh phúc lâu bền giữa nàng Lọ Lem thua kém về mọi thứ, chỉ có nhan sắc hơn người, và hoàng tử vốn có tất cả trong tay. Tình yêu không có chỗ cho những chênh lệch quá lớn.
Đừng nói dối, ‘đẹp và giàu’ là yếu tố hàng đầu khi yêu
Trong một nghiên cứu của hai chuyên gia tâm lý David Buss và Michael Barnes năm 1986, khi đứng trước 76 yếu tố để chọn người yêu (từ điều kiện sống đến tính cách, phẩm chất), hầu hết người trả lời không ưu tiên “sức hấp dẫn ngoại hình” hay “khả năng tài chính và địa vị xã hội”.
Những yếu tố được chọn hàng đầu là “tử tế và thấu hiểu”, “tính cách sôi động” và “thông minh”.
Vấn đề là những người tham gia đã nói dối.
Beauty and The Beast cũng có thể gọi là Beauty and The Rich, đều là quy luật cuộc sống. |
Theo Atlantic, các chuyên gia đã phát hiện ra rằng người ta không trung thực khi trả lời khảo sát lý thuyết. Trên các web và ứng dụng nghiêm túc về hẹn hò (hãy gạt Tinder ra), khi buộc phải trung thực bộc lộ nhu cầu, tầm quan trọng của ngoại hình và khả năng tài chính càng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.
Còn những nghiên cứu không phụ thuộc vào người trả lời cho thấy sức hấp dẫn ngoại hình là quan trọng hàng đầu với cả nam lẫn nữ. Khả năng tài chính đi kèm địa vị xã hội (đo bằng thu nhập, học vấn chính thức, chức danh nghề nghiệp…) xếp ngay phía sau.
Nếu về tính cách, người ta tìm kiếm những người giống mình, thì với ngoại hình và thu nhập, ai cũng thiên về tìm người tốt hơn mình. Năm 2007, Telegraph viết: “Ai cũng nói muốn tìm người tri âm tri kỷ nhưng sự thực là đàn ông bị thu hút bởi nhan sắc, phụ nữ bị quyến rũ bởi khả năng tài chính. Đó là quy luật”.
Một nghiên cứu dựa trên 1.570 cặp yêu nhau trong mọi bối cảnh của nhà xã hội học Elizabeth McClintock (giảng viên Đại học Notre Dame, Mỹ) cũng đưa đến kết luận: “Hình mẫu người đẹp-người giàu, tức một người đàn ông giàu có với một người vợ xinh đẹp được coi là là rất phố biến và được chấp nhận bởi cả văn hóa đại chúng lẫn giới nghiên cứu hàn lâm”.
Người đẹp yêu người giàu – Sự ‘matching’ hoàn hảo
Hoa hậu Thu Thảo là cô gái có nét đẹp hồn hậu, nhiều người gọi là “chân quê”, xuất thân không giàu có. Trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012, cô từng có lúc khóc khi chia sẻ về gia cảnh của mình. Nhưng cũng qua cuộc thi, cô để lại ấn tượng đẹp về lối ứng xử hòa nhã.
Sau đăng quang, năm 2015, có lần cô cùng GS Ngô Bảo Châu giới thiệu sách. Đó là Oscar và bà áo hồng, một cuốn tiểu thuyết rất nhân văn nói về tình bạn giữa một cậu bé bị ung thư cùng bà y tá chăm sóc cậu.
Thu Thảo và GS Ngô Bảo Châu trong sự kiện ra mắt sách năm 2015. Ảnh: FBNV. |
Trong sự kiện đó, GS Ngô Bảo Châu khen ngợi Thu Thảo là hoa hậu rất chú trọng đọc sách và tìm tòi để trở nên hiểu biết hơn. Thu Thảo cũng chia sẻ cô được một người bạn thân thiết truyền cảm hứng đọc sách, cô rất thích dòng sách kinh doanh vì đó là lĩnh vực cô muốn tìm hiểu sâu.
Từ một hoa hậu gặp lùm xùm về bằng cấp ở Đại học Tây Đô (Cần Thơ), càng về sau, Thu Thảo càng chứng tỏ ý thức vươn lên về hiểu biết và giữ gìn danh tiếng sạch. Đó là những giá trị tích cực cô có thể “đắp” lên người chứ không chỉ là váy áo hàng hiệu.
Việc Thu Thảo có mặt bên Trung Tín, chồng sắp cưới của cô hiện tại, khi anh tổ chức sự kiện gặp gỡ nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama ở TP.HCM năm 2016 cũng là một bước tiến của chính bản thân cô.
Trở lại với giới nghiên cứu. Nhà xã hội học McClintock cũng phát hiện ra rằng trường hợp đại gia dùng tiền mua sắc theo kiểu hàng loạt, như Donald Trump, không bao giờ là dạng quan hệ lâu bền. Bản chất vấn đề không phải là giao dịch tình tiền như xã hội vẫn quy kết, mà là sự “phù hợp” (matching), điều kiện tối quan trọng cho một mối quan hệ bền vững.
Người đẹp yêu người giàu là kết quả của chuỗi yếu tố phù hợp
“Rất nhiều đàn ông thành cặp với người phụ nữ đẹp hơn họ, lý do đơn giản là trên mặt bằng chung, phụ nữ đẹp hơn đàn ông và họ cũng đầu tư cho sắc đẹp nhiều hơn đàn ông” – McClintock nói.
“Và rất nhiều phụ nữ thành cặp với người đàn ông giàu có hơn họ, lý do đơn giản là có khoảng cách về thu nhập giữa nam và nữ, trung bình nữ luôn kém hơn nam 70% trong cùng một ngành nghề” – ông nói thêm.
Những giao dịch tình tiền thực sự sẽ không lâu bền. |
“Người ta cần nhìn nhận những điều kiện tư nhiên và xã hội này trước khi kết luận mọi mối tình giữa người đẹp và người giàu là giao dịch tình tiền” – nhà xã hội học khuyến cáo.
Sự “matching” giữa sắc đẹp và địa vị cũng giống như khi chúng ta tìm kiểm sự “matching” giữa lòng tốt và độ thu hút, giữa hài hước và tận tâm, giữa bằng cấp học vấn và kinh nghiệm thực tế trên thị trường lao động.
Những người đang mỉa mai mối quan hệ “người đẹp và đại gia”, ai có thể dám chắc một cô gái không nhan sắc sẽ có hạnh phúc bên một người đàn ông giàu có, và ngược lại, một người đàn ông nghèo sẽ hạnh phúc bên cô gái quá đẹp? Chênh lệch trong tình cảm không phải chuyện đùa, nó gây ra vô số bi kịch.
Lọ Lem sẽ chỉ lâu bền bên hoàng từ khi nàng có những giá trị khác để đổi lại sự thiếu hụt về gia sản và địa vị của mình. Sắc đẹp chỉ là một yếu tố, dù rất quan trọng. Bên cạnh đó là học vấn, kỹ năng nhận thức, tính cách – những thứ sẽ giúp nàng hòa hợp với cuộc sống của người có địa vị cao.
Vấn đề là khi đề cập đến mối quan hệ người đẹp đại gia, truyền thông đôi khi lược bỏ những yếu tố đó, chỉ đề cập đến nhan sắc. Vài người đẹp cũng có xuất thân danh giá và địa vị cao sẵn, điều mà truyền thông vô tình bỏ quên khi đưa tin họ kết hôn với một người đàn ông địa vị cao khác.
Từ trước tới nay, trong các mối quan hệ tình cảm giữa người đẹp và đại gia, khi bàn luận chúng ta đều đưa tin theo kiểu “một nửa sự thật” và điều này dễ khiến công chúng suy diễn đó là giao dịch tình tiền, tạo nên định kiến khó bỏ.
Mi Ly
Theo Zing