Mỹ là quốc gia gần nhất quyết định xóa sổ cuộc thi từng rất ăn khách “American Idol”. Rất có thể, Việt Nam sẽ là nước tiếp theo nói lời tạm biệt với lò đào tạo ca sĩ này.
Tác giả Daniel D’Addario mở đầu bài viết về American Idol trên trang Salon cách đây hơn 1 năm: “Mùa cuối cùng của Idol Mỹ chứng kiến lượng người xem thảm hại, ông vua của show truyền hình thực tế đã mất hết phép thuật”.
Cuộc chơi hết thiêng
Cây viết này cũng không quên nhắc lại quá khứ huy hoàng của cuộc thi bằng một câu khá châm biếm: “Bản tình ca không còn kéo dài được nữa, dường như nó đã đến hồi chấm dứt”.
Theo Daniel D’Addario, cuộc thi Tìm kiếm thần tượng âm nhạc nước Mỹ được cho là “hết thiêng” từ đầu những năm thập niên 2010 và kết thúc vào năm 2015 là điều khá hợp lý.
American Idol chính thức lên sóng kênh Fox vào năm 2002. Sau 15 năm với nhiều biến động và thăng trầm, cuộc thi từng thu hút hơn 38 triệu người theo dõi trong một đêm này phải nói lời tạm biệt khán giả.
Một trong những lý do khiến cho Idol thất sủng tại Mỹ là bởi vị format cũ kỹ không còn hấp dẫn người xem.
American Idol chấm dứt sau 15 mùa giải. |
Bên cạnh đó, sự nổi lên của nhiều chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn và mới lạ cũng khiến cho American Idol không thể “bám sóng”. Ở cùng lĩnh vực ca hát, rõ ràng chương trình The Voice của NBC thu hút và thành công hơn nhiều về mặt hiệu ứng dư luận, lượng rating và quảng cáo.
Gary Newman, CEO kiêm chủ tịch của hãng Fox chia sẻ thêm: “Idol là chương trình từng giữ vị trí đầu bảng trong 8 mùa giải. Chúng tôi đặt dấu chấm hết vào năm nay là quyết định đúng. Mùa giải cuối cùng mang tính chất ăn mừng cho những thành tựu mà chương trình đạt được”.
Khi người hâm mộ và nhà tài trợ đều quay lưng, Idol phiên bản Mỹ không thể tồn tại là điều hiển nhiên.
Từng rất ăn khách
Tuy vậy, American Idol vẫn là phiên bản thành công và tồn tại trong một khoảng thời gian lâu nhất. Phiên bản gốc của chương trình này có tên Pop Idol, lên sóng vào đầu tháng 10/2001 tại Anh. Cuộc thi chỉ tồn tại trong vòng 2 mùa giải và nhanh chóng “giải tán”.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã mua bản quyền sản xuất và phát sóng chương trình này trong đó có Mỹ, Australia, Canada, Iceland, Thủy Điển, Đan Mạch, Hà Lan…. và một số quốc gia châu Á như Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam…
Ngoài phiên bản Idol của Mỹ, hai quốc gia khác là Australia và Canada cũng có một trong những phiên bản thành công của cuộc thi này. Chương trình ở 2 đất nước này lần lượt kéo dài trong 7 và 6 mùa giải. Trong khi đó các quốc gia còn lại đều chỉ “cầm cự” được 3 hoặc 4 mùa giải.
Adam Lambert là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng sau cuộc thi American Idol. |
Có thể nói, thập kỷ trước là “kỷ nguyên vàng” của Idol. Nhiều quốc gia mua bản quyền phát sóng, nhiều ngôi sao âm nhạc mới nhờ bệ phóng âm nhạc này mà nổi tiếng khắp toàn cầu.
Những cái tên như Kelly Clarkson, Carrie Underwood, Chris Daughtry, Jennifer Hudson, Adam Lambert, David Cook… đều thành danh từ chương trình này.
Đã đến lúc Vietnam Idol chấm dứt?
Cũng giống với phiên bản Mỹ, cuộc thi Idol diễn ra tại Việt Nam qua 2 thập kỷ với nhiều thăng trầm riêng. Hai mùa giải đầu tiên được Đông Tây Promotion thực hiện, sau đó được công ty BDH tiếp tục phát triển. Vietnam Idol trải qua 7 mùa giải và kiến tạo những ca sĩ nổi tiếng như Trọng Hiếu, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Quốc Thiên, Phương Vy…
Cùng với sự ra đời và gây chú ý của những cuộc thi ca hát khác như Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn… Vietnam Idol cũng bị đẩy vào cuộc chiến tỷ suất người xem và dần lép vế. Trong những năm gần đây, cuộc thi mất dần người xem và không còn thu hút được sự quan tâm của khán giả truyền hình so với các cuộc thi khác.
Uyên Linh là một trong những biểu tưởng âm nhạc không chỉ của Vietnam Idol mà còn của các cuộc thi ca hát trên truyền hình. |
Mùa giải gần đây, Vietnam Idol 2015 từng đứng trước nguy cơ dừng sản xuất. Bộ Thông tin – Truyền thông từng xem xét chứng nhận đăng ký chương trình liên kết trong mùa giải năm 2015.
Tuy nhiên, sau đó chương trình vẫn tiếp tục xuất hiện trên sóng truyền hình. Mùa giải năm 2016 cũng đang đi vào chặng nước rút nhưng kém thu hút khán giả quan tâm theo dõi.
Không có dấu hiệu rõ ràng thương hiệu Vietnam Idol sẽ chấm dứt nhưng với số phận của chương trình này cũng không thực sự sáng sủa trong thời gian tới.
Truyền hình thực tế tại Việt Nam đang rơi vào giai đoạn bão hòa. Vietnam Idol là một trong những chương trình kém thu hút khán giả, so với sự lên ngôi của các cuộc thi mang tính tạp kỹ, hài kịch đang “chiếm sóng”.
Liệu cuộc khủng hoảng mang tên “Idol” có đến Việt Nam và chính thức chấm dứt sản xuất sau mười năm lên sóng?