Chuyện cô Út và Phương Mỹ Chi: Đã có câu chuyện đẹp, xin cứ để nó mãi đẹp

Hỏi tôi có bất ngờ không vì chuyện lùm xùm một lúc nào đó xảy ra giữa cô Út và ngôi sao nhí Phương Mỹ Chi, thì tôi không bất ngờ. Tôi có lý do của mình.

Nhưng, để ngồi phân tích lý do một câu chuyện không mấy hay ho hiện tại của một cô bé nổi tiếng sớm (danh chính ngôn thuận thì vẫn là một đứa trẻ) và một người khuyết tật, để hiểu ai đúng ai sai, cũng chẳng để làm gì. Người không hiểu chuyện sẽ quay sang tấn công một đứa trẻ. Hoặc người không hiểu chuyện sẽ quay sang tấn công một người phụ nữ khiếm thị.

Cổ tích bị tổn thương

Đành rằng, câu chuyện đã vượt ra khỏi phạm vi một gia đình để thành một câu chuyện xã hội, với những mâu thuẫn muôn đời của nó: đối nhân xử thế, tình cảm và tiền bạc…, nhưng ngồi đi sâu vào những mâu thuẫn này, có phần bất nhẫn khi mà cả hai đang mất mát.

Vâng, mất mát một câu chuyện rất đẹp.

Phương Mỹ Chi và cô Út đã từng viết nên một câu chuyện như cổ tích trên sóng truyền hình. Một cô bé chân đất với giọng hát mộc mạc và truyền cảm ở nét chân đất, nét mộc mạc ấy. Một cô gái khiếm thị đã xuất hiện và truyền cảm hứng cho bao người vì chính cô là người dạy cô bé ấy những câu hát đầu tiên. Và cũng lúc này, người ta mới biết rằng, cuộc sống bất hạnh đã khiến cô gái khép lại ước mơ ca hát của mình, để rồi thành người đứng sau, giúp cháu mình viết tiếp ước mơ ấy.

Thực sự, câu chuyện ấy khiến người ta yêu giọng hát Phương Mỹ Chi hơn. Và từ Phương Mỹ Chi, giấc mơ của cô Út lại được viết tiếp, chứ không đứt gãy như những gì trước đó. Cả cô lẫn cháu đều đã tham gia rất nhiều chương trình và ở các chương trình ấy, giọng hát của họ đã lấy nước mắt của biết bao người.

Chuyện cô Út và Phương Mỹ Chi: Đã có câu chuyện đẹp, xin cứ để nó mãi đẹp - Ảnh 1.

Tại sao không cùng nhau mà viết tiếp câu chuyện cổ tích đẹp đẽ kia? Cổ tích tổn thương, cũng đồng nghĩa với việc, những khán giả đã từng yêu câu chuyện của cả hai người, cũng bị tổn thương. Mà làm tổn thương khán giả, là điều không được phép, dù đó là một đứa trẻ hay một người khuyết tật. Bởi vì đứa trẻ sẽ có người lớn đứng sau chịu trách nhiệm và người khuyết tật cũng có người lành lặn đứng sau dẫn dắt.

Chẳng ai mong muốn và cũng chẳng ai chấp nhận nổi một ngày nào đó, một trong hai người viết nên câu chuyện cổ tích ấy quay lại ném những lời lẽ tổn thương vào nhau dù sự thật là trong cuộc đời này, chuyện quái gì cũng có thể xảy ra được. Nhưng có đáng đâu những thứ lời lẽ lằng nhằng chốn showbiz phức tạp lại len lỏi vào câu chuyện đẹp này để bắt những người yêu thương họ phải chấp nhận như một thực tế của lẽ đời?

Chuyện cô Út và Phương Mỹ Chi: Đã có câu chuyện đẹp, xin cứ để nó mãi đẹp - Ảnh 2.

Và dù cổ tích bị tổn thương, thì từ giờ, đứa trẻ cần được sống trong bình yên và người phụ nữ khuyết tật cũng cần được sống trong bình yên. Mỗi người một cách, nhưng họ cần yên để viết tiếp những ước mơ của mình.

Làm đau con trẻ, tương lai sẽ trả lời

Tôi có nghe loanh quanh nhiều câu chuyện liên quan đến tuổi thơ của cô bé Phương Mỹ Chi và có đọc vài dòng cô bé từng chia sẻ trên báo chí. Thương hơn, vì tôi biết trẻ con thì không nói dối. Thương hơn, vì tôi biết, Mỹ Chi cũng như bao đứa trẻ khác trên đất nước này, từng phải mang những vết xước tuổi thơ khi chứng kiến cảnh họ hàng đối xử với người thân của mình.

Một con búp bê của một đứa trẻ con nhà giàu hơn đột nhiên biến mất và rồi cha mẹ đứa trẻ lục tung căn phòng của đứa trẻ nghèo và thậm chí tra tấn nó xem nó giấu ở đâu.

Hơn thua lời lẽ, biết cha mẹ đứa trẻ yếu thế thì kéo nhau đến đánh mẹ đứa trẻ trước mặt đứa trẻ. Rồi những lời lẽ thô tục và miệt thị giăng giăng như gai nhọn. Những cạnh khoé cục cằn hoặc văng tục chửi thề…

Đừng nghĩ rằng, những đứa trẻ ấy chỉ là những đứa trẻ và việc của chúng là không biết gì. Chúng – xin lỗi – là những chiếc gương soi chiếu hết không sai một chi tiết nào, và chụp lại cái khoảnh khắc ấy để ghi vào cuộc đời chúng.

Như thế, bạn đừng hỏi tại sao một đứa trẻ gặp mình lại không chào. Thậm chí, nó chẳng bao  giờ đến nhà bạn, nó có lý do của nó. Lý do đó có thể bạn quên, nhưng nó thì nhớ. Vì nó là những đứa trẻ – những tấm gương soi bạn một cách thầm lặng nhưng lại chụp lại những khoảnh khắc vĩnh viễn. Đừng bao giờ đòi hỏi một đứa trẻ phải biết bao dung khi chúng chưa trưởng thành, và dẫu có trưởng thành, việc có bao dung hay không, là quyền của nó.

Chuyện cô Út và Phương Mỹ Chi: Đã có câu chuyện đẹp, xin cứ để nó mãi đẹp - Ảnh 3.

Tôi cũng đã từng là một đứa trẻ rất nghèo. Tôi cũng là đứa trẻ chơi trước nhà hàng xóm và bị người ta vu oan là ăn cắp, đưa tôi ra đánh, sỉ nhục cha mẹ tôi và bắt tôi đền tiền. Những điều đó, tôi chẳng thể quên được đâu dù tôi có thể chào họ từ ngày đó đến tận bây giờ. Bố mẹ tôi đã dạy tôi gặp người lớn là phải chào dù họ là ai. Đó là lời chào, nhưng từ trong sâu thẳm, làm sao tôi có thể quên được những gì họ đã bạo hành tuổi thơ tôi?

Tôi từng là một đứa học sinh con nhà nghèo đi học trọ phải ở nhờ họ hàng và từng bị họ hàng miệt thị cái nghèo của nhà tôi. Sau bao nhiêu năm, dù ở nốt thăng hay nốt trầm cuộc đời, tôi vẫn về thăm lại họ. Thăm như người với người, nhưng hỏi tôi có quên được thái độ coi tiền bạc hơn tình thân hay không, xin lỗi, tôi chẳng bao giờ quên đâu.

Tôi, một đứa trẻ đã từng chụp lại những khoảnh khắc đời mình nghiệt ngã như thế.

Hôm nay, nói câu chuyện về bé Phương Mỹ Chi, dù người đời có nói bé thế nào, tôi vẫn nhìn bé như một tấm gương ấy. Rõ là thế, bé vẫn chưa trưởng thành. Đừng để chiếc gương ấy soi thêm những thái độ, những cách ứng xử không được đẹp từ phía những người lớn hơn.

Và việc của chúng ta, đừng để những đứa trẻ phải chụp vào tấm gương thơ ấu của mình quá nhiều những tham lam, độc ác, bất nhẫn, bất công, bất bình, coi trọng tiền bạc vật chất hơn tình thân và sẵn sàng làm tổn thương người khác bằng cái cảm tính cá nhân của bạn.

Hãy nhớ rằng, lớn lên, chúng ta sẽ học cách tha thứ. Nhưng quên thì không ai học được đâu, dù cố đến mấy!

Chuyện cô Út và Phương Mỹ Chi: Đã có câu chuyện đẹp, xin cứ để nó mãi đẹp - Ảnh 4.

Hoàng Nguyên Vũ – Design: Tuấn Maxx

Theo Trí Thức Trẻ