– Có lẽ đây là khoảng thời gian thăng hoa nhất của ca sĩ Phạm Phương Thảo khi chị liên tục trình làng với khán giả những dự án mới kỷ niệm 20 năm ca hát của mình
– Một năm với ba sự kiện lớn, MV “Chàng vinh quy” ra mắt và giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc, một tập thơ và bây giờ là một liveshow riêng mang tên “Mơ duyên” sẽ diễn ra vào ngày 3-11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Hình như có một sự dồn nén nào đó đang bung tỏa trong chị?
+ Nếu chị thấy tôi dồn nén để thời điểm này bung toả có lẽ cũng không sai. Tôi đã mong muốn làm được nhiều hơn cho mình, cho nghề nhưng vì hoàn cảnh nhiều năm tự lo toan và cân bằng cuộc sống riêng nên phải kiềm chế đam mê của mình. 20 năm là chặng đường để người nghệ sĩ đủ chín, đủ đẹp và đủ hương để khoe sắc. Tôi đang thấy mình ở giai đoạn đẹp nhất của nghề.
– Liveshow “Mơ duyên” có một điểm nhấn quan trọng là những ca khúc do chính Phương Thảo sáng tác. Có phải chị muốn xuất hiện một cách chính danh “nhạc sĩ Phương Thảo”?
+ Đêm nhạc “Mơ duyên” sẽ có ba phần: Phần đầu khắc họa Phạm Phương Thảo những ngày đầu đến với âm nhạc. Bước ra sân khấu sẽ là một cô ca sĩ mộc mạc, thôn quê.
Phần 2 là những ca khúc tôi sáng tác do các ca sĩ khách mời Thanh Lam, tam ca Việt Hoàn – Trọng Tấn – Đăng Dương… thể hiện. Phần 3 sẽ là những ca khúc quen thuộc đưa tôi đến gần hơn với công chúng như: “Quảng Bình quê ta ơi”, “Khúc tâm tình của người HàTĩnh”…
Nhưng “Mơ duyên” sẽ không na ná bất kỳ một liveshow nào khác. Nó gần như là đêm của một ca sĩ đồng tác giả. Viết ca khúc là năng khiếu trời cho, tôi muốn tận dụng nó để khắc hoạ chân dung mình khác biệt với các đồng nghiệp.
Dù những sáng tác của mình được mọi người đón nhận, song tôi vẫn chưa tự tin nhận mình là nhạc sĩ. Có thể 5 năm nữa khi nhan sắc và tiếng hát không còn được như bây giờ, tôi sẽ nghiêm túc hơn ở vai trò tác giả để xứng đáng với 2 tiếng “nhạc sĩ”.
– Hơi lạ là một cô gái thế hệ 8x lại sáng tác những bài hát mang đậm âm hưởng dân gian, giàu tính triết lý và khá sâu sắc. Nhưng đó cũng sẽ là dòng nhạc kén khán giả. Vì sao chị không chọn con đường đại chúng hơn? Những ca khúc đến với chị từ khi nào?
+ Tôi là “bà cụ non” trong vỏ bọc một bé gái từ ngày còn ở bên cha mẹ. Tính cách tôi đa chiều nên dù sâu sắc hay hời hợt thì cũng bị “bệnh triết lý lắm chuyện”. Tôi viết trước hết là để giải thoát những cảm xúc của chính mình và may mắn, nhiều ca khúc của tôi nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của khán giả, đồng nghiệp.
Làm nghề, với tôi, ngoài việc kiếm sống thì được chơi nghề cũng rất quan trọng. Vì thế tôi không nghĩ quá nhiều đến số đông. Tôi tự tin về tư duy nghệ thuật của mình nên biết giá trị làm nghề đúng nghĩa là ở đâu, bởi vậy tôi không cần khán giả náo nức chạy theo mình.
Tôi mong muốn được là giọt xuân tươi mát sâu lắng trong lòng người yêu nhạc. Mỗi ca khúc đến với tôi rất tự nhiên khi có cảm hứng, không bao giờ cố gắng để viết cả vì tôi nghĩ nó cũng là chữ duyên của mình với từng ca khúc tôi viết được.
– Tôi có cảm giác đây là khoảng thời gian nhiều năng lượng nhất của chị?
+ Ngày nhỏ tôi hát nhiều nhưng mơ ước một cuộc sống bình thường, trở thành nhà giáo và có thật nhiều con. Lớn lên, nghiệp cầm ca gõ cửa nhà đón mình đi và trải hoa cho tôi bước. Song khi gặp duyên tôi gần như bỏ sân khấu theo chồng, rồi cố gắng để có con, mong được sống giản đơn như cuộc đời của mẹ. Song có lẽ số phận tôi sinh ra để làm nghệ thuật. Mỗi khi mệt mỏi, buồn phiền muốn nghỉ ngơi thì như có ai đó càng thúc giục, kéo tôi chạm đến một sự giao thoa cảm xúc rất lạ, lúc ấy tôi càng khát khao cháy bỏng về nghề.
– Phải chăng chị đang muốn chinh phục những đỉnh cao khác?
+ Cuộc đời mỗi chúng ta ai rồi cũng đi qua những dấu mốc quan trọng. Đối với riêng nghệ sĩ thì phía trước và cả khi ngoảnh lại đều cần cảm xúc để nuôi nấng những thăng hoa.
Năm nay tôi muốn ghi dấu ấn cho chính cuộc đời mình nhân dịp tròn 20 năm ca hát. Tôi xác định đỉnh cao sự nghiệp của mình là ở đây, không tham vọng leo cao hơn nữa nhưng cũng sẽ giữ phong độ để có đủ thời gian tỏa hương cho cuộc đời và khán giả.
– Ca sĩ Việt Hoàn, người anh thân thiết của Thảo có chia sẻ về những cực nhọc, vất vả của chị ngoài đời sống. Anh cũng ghi nhận những cống hiến “cháy” hết mình vì khán giả của chị. Để tổ chức được một liveshow như thế này, chắc chị phải hy sinh nhiều thứ?
+ Có lẽ tất cả các nghệ sĩ trong cuộc đời đều ấp ủ giấc mơ có một đêm nhạc của riêng mình. Nhưng rất nhiều người đã không thực hiện được nó. Ngay cả thế hệ các chú, các bác, những giọng ca hàng đầu của nền thanh nhạc Việt Nam nhưng không phải ai cũng có một live show riêng. Bởi vấn đề quan trọng nhất là tài chính.Tôi đã phải chuẩn bị rất lâu, chính thức một năm trở lại đây tôi mới tự tin là mình đã dành dụm được một khoản để làm liveshow.
Để có một đêm ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô với đầy đủ âm thanh, ánh sáng, sân khấu rất tốn kém. Với một nghệ sĩ, nếu chỉ cần lo cho bản thân, cho gia đình có một cuộc sống đủ đầy không khó, nhưng để cống hiến cho nghệ thuật, được làm nghề một cách đúng nghĩa không đơn giản vì cần rất nhiều tiền.
– 20 năm đi hát, điều gì đáng nhớ nhất với chị?
+ Có quá nhiều điều được và mất trong 20 năm của một đời người. Tôi nhớ tất cả vì chúng góp phần làm nên một Phương Thảo trọn vẹn dù tốt hay xấu vẫn là chính tôi.
Song có lẽ điều tôi trân trọng nhất ở bản thân là dù dại dột tôi vẫn không hề hư hỏng, dù nghèo khó vẫn thơm tho, dù long đong vẫn an nhiên như thể chòng chành là bạn.
+ Tôi vẫn là Thảo chân chất mộc mạc, nhiều suy tư nhưng bộc trực, thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng từ nhỏ. Điều khác biệt lớn nhất là tôi đã bớt dại dột hơn, đằm hơn một chút và biết yêu bản thân mình.
Thỉnh thoảng tôi giận số phận bất công khi so sánh mình với những người bạn gái. Nhưng rồi càng từng trải, càng chứng kiến nỗi đau và thiệt thòi của thiên hạ, tôi nhận ra cuộc đời rất công bằng, ai cũng có những được mất của riêng mình. Tôi học cách hân hoan đón nhận cả những mất mát đến rồi đi dù đau đớn.
– Giấc mơ của chị bây giờ không dành cho gia đình và những đứa trẻ mà dành cho âm nhạc?
+ Cô đơn hay lắm đấy! Tôi luôn cảm thấy mình cô đơn trong lòng kể cả lúc đang vui, song tuyệt nhiên chưa bao giờ cô độc. Tôi vẫn dành tình yêu cho âm nhạc, cuộc sống và đại gia đình của mình. Còn tình yêu, tôi chờ đợi một người phù hợp, nếu không gặp được thì cũng chẳng sao bởi cuộc sống không phải cứ yêu mới vui.
– Chị có nghĩ, đôi khi âm nhạc vận vào cuộc đời mình?
+ Trước hết, tôi tin số phận là có thật. Thực tế cuộc sống đôi khi rất phũ phàng mà chúng ta vẫn phải đi tiếp. Tôi đã lựa chọn bỏ nghề để lấy chồng, sinh con nhưng có lẽ quá nặng nghiệp với nghề nên chữ duyên của tôi kiếp này là dành cho nghệ thuật. Tôi có cảm giác năm nay mình đã trả nghiệp nghề đến những món nợ cuối cùng. Nghề và đời sẽ không phụ tôi đâu.
– Và sau “Mơ duyên” của chị sẽ là gì?
+ Vẫn là một Phương Thảo như hôm nay, song sẽ dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân, cha mẹ và các cháu nhiều hơn.
– Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!