Vợ chồng Minh Vy – Cẩm Ly hỗ trợ nhau từ công việc đến cuộc sống gia đình.
– Anh dành sự chăm sóc đặc biệt nào cho Cẩm Ly mỗi khi cô ấy phải làm việc với cường độ cao? – Thời điểm trước và sau live show, chúng tôi không đi diễn trong vài tuần. Quan niệm của tôi và Ly không phải một tháng nhất định phải kiếm được 100 – 200 triệu, phải mua được cái nhà cái xe. Chỉ cần vừa đủ xài, dư chút ít là xong, hoặc có tháng không có cũng không thành vấn đề. Thỉnh thoảng vợ chồng chở nhau đi ăn uống bên ngoài. Còn chuyện chưng yến chưng sâm cho nhau chắc không có. Thậm chí là khi bệnh, tôi ít khi nào nói cho bà xã. Tương tự, Cẩm Ly nếu có vấn đề sức khỏe cũng ít khi cho chồng hay. Có lần hai vợ chồng không ai bảo ai lại cùng gặp nhau ở bệnh viện. Lúc đó chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng cả hai đều không muốn cho người còn lại phải lo lắng cho người còn lại. – Người trong giới đều quen thuộc với việc “ở đâu có Cẩm Ly, ở đó có Minh Vy”. Đây là cách anh “kiểm soát” cô ấy? – Trong 1.000 buổi diễn, tôi không đi cùng Cẩm Ly cao lắm 1 -2 buổi vì lý do chính đáng. Dù không bên cạnh nhưng tôi vẫn phải liên tục gọi điện thoại về để nhắc nhở giờ giấc, lịch làm việc. Nếu cô ấy diễn phòng trà, tôi vẫn phải lên sẵn list bài hát để Ly trình diễn. Đi cùng Ly, tôi cũng chẳng làm gì mà ngoài việc ngồi trong cánh gà, uống coffee. Nhưng sự có mặt đó lại là bức tường vững chắc củng cố niềm tin để cô ấy yên tâm trình diễn. Ở phòng trà, Cẩm Ly còn có thói quen hát xong vài bài lại lùi vài bước để nhìn vào trong, chỉ cần thấy tôi vẫn ngồi đó là được. Thậm chí tôi còn hiểu đến bài nào, cô ấy sẽ nhìn vào. – Có bao giờ anh muốn thay đổi tính cánh này của Cẩm Ly để cô ấy có thể tự chủ hơn trong công việc? – Cẩm Ly là người cần phải có sự cộng hưởng để có thể bộc phát khả năng. Ngược lại, tôi dù có mạnh mẽ cách mấy cũng cần một người hậu phương. Đôi khi, đây lại là lý do khiến tôi quý mến và yêu Cẩm Ly. Chúng tôi hợp đúng gu, đúng tính cách và quan điểm sống. Vợ chồng phải có tình và nghĩa, chúng tôi ngoài mặt không có những lời hoa mỹ, mật ngọt mà hiểu nhau qua những thứ rất mông lung. Nhưng tôi không thật sự không muốn thay đổi, trong thâm tâm Ly tôi nghĩ cô ấy cũng vậy. Nhiều năm nay, đi đâu không có Ly tôi cũng cảm thấy khó chịu vì vợ chồng vốn dĩ quen hơi rồi. Vài chục năm nữa, khi chúng tôi già đi, nếu lỡ có người đi trước, chắc hẳn người còn lại phải buồn lắm vì thiếu đi một sự chăm sóc cho nhau.
Chị Tư hạnh phúc với ông xã cùng hai cô con gái nhỏ.
– Vợ chồng anh phân chia vai trò như thế nào trong việc giáo dục con? – Trong gia đình, Ly là người chăm sóc con rất kỹ, từ nấu ăn, dạy học. Thậm chí, vợ tôi mướn người về dạy tiếng Anh cho cô ấy vì sợ một ngày nào đó không theo kịp các con. Nhưng cũng như đa số những bà mẹ khác, Ly chọn cách gào thét để răn đe, dạy dỗ con. Còn tôi, từ trước đến nay đánh con gái lớn đúng 1 lần, còn bé nhỏ thì chưa bao giờ. Đến nay, con đã 10 tuổi nhưng vẫn nhớ: “Khi 4 tuổi, ba đánh con một cây”. Mỗi khi thấy em gái làm điều gì không đúng, bé liền nhắc đến chuyện này để răn đe em. – Dù bận rộn, vì sao anh vẫn đưa đón con đi học hằng ngày trong khi có thể giao cho người giúp việc hoặc tài xế? – Rất nhiều người hỏi tôi về việc này. Tôi nghĩ mỗi người có cách sống khác nhau. Còn trong gia đình chúng tôi, việc gì tôi và Ly không làm được mới phải nhờ vả đến người khác. Bao giờ cũng vậy, con gái sẽ quý ba hơn mẹ và ngược lại. Hằng ngày, do không có nhiều thời gian cho các con, tôi muốn tranh thủ khi trên xe để được lắng nghe những tâm tư trong chuyện học tập hoặc sinh hoạt tại trường. Ví dụ như khi bé muốn uống một lon nước ngọt nhưng Ly không cho, tôi vốn chiều con nên đồng ý và hai ba con cùng “móc nghéo” không cho mẹ biết. Dù điều này không diễn ra thường xuyên nhưng đây cũng là cách giúp bé thoải mái được bày tỏ tâm tư, tình cảm ba con cũng gắn kết hơn. Hay có lần sau giờ học, bé bật khóc và xin tôi được học võ. Ban đầu tôi không đồng ý vì nghĩ môn này không hợp với con gái, nhưng sau đó nghe con tâm sự rằng trong lúc đùa giỡn thì bị một chị bắt nạt. Đó là lúc tôi phải hiểu để giải tỏa những bức xúc mà con mình gặp phải. Nhìn chung, cả Ly và tôi đều tin sự gắn kết với con cái trong việc đưa con đi học. Cả những chuyện như cách ăn nói, đi đứng chúng tôi cũng luôn để ý và nhắc nhở từng chút một. Giáo dục con cái là một việc rất quan trọng, ngoài ba mẹ ra không thể thay thế bởi bất cứ một người nào khác.