Chế Linh: ‘Đừng nghĩ hát Bolero dễ kiếm tiền’

Danh ca không vui khi một số nghệ sĩ trẻ cho rằng hát nhạc vàng dễ có show và tự tiện pha chế bài hát, cười nhảy tưng bừng dù thể hiện một khúc tình buồn.

Danh ca Chế Linh vừa về nước để chuẩn bị cho tour diễn tại các tỉnh miền Nam. Trong buổi họp báo diễn ra đầu tháng 3, ông có những chia sẻ sâu sắc và khá thẳng thắn về việc dòng nhạc Bolero đang bị nhiều bạn trẻ hiểu lầm là “nhạc để chạy show, kiếm tiền”.

Chế Linh: 'Đừng nghĩ hát Bolero dễ kiếm tiền'
Ở tuổi gần 75, Chế Linh vẫn còn cháy lửa nghề và nhiều tâm huyết tình cảm với dòng nhạc Bolero. Ảnh: Ái Vân

– Nổi danh từ thập niên 1960, đến nay, cái tên Chế Linh vẫn đủ sức lôi kéo khán giả mọi tầng lớp khán giả. Theo ông, điều gì tạo nên sức hút mãnh liệt này?

– Tôi nghĩ mình có may mắn khi những bài hát từng thể hiện trước đây, qua bao nhiêu năm vẫn còn đọng lại trong lòng khán giả. Có khi họ nghe đi nghe lại rất lại rất nhiều lần từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành rồi thấm lúc nào không hay.

Trong giới ca sĩ, người hát dòng nhạc Bolero trữ tình không còn nhiều nên khi nhắc đến cái tên Chế Linh, tôi tin mọi người vẫn tìm đến để mong mỏi được nghe và được khơi gợi lại những kỷ niệm. Những bài hát xa xưa đã vài lần gắn liền với họ khi đi qua yêu thương đẹp đẽ hoặc cũng có khi là đổ vỡ. Tôi hiểu rằng khán giả đến với mình không phải để mua vui, cũng không phải thưởng ngoạn riêng tư mà để tìm lại những cảm giác thân thuộc.

– Ông có nhận xét gì về những biến tấu sau này của các ca sĩ trẻ khi muốn làm mới Bolero?

– Khi hát nhạc Bolero điều tối kỵ nhất là pha chế. Có những bài hết sức bình thường, không sôi động thì nhất định không được chuyển tiết tấu để trở nên vui nhộn hơn. Nhiều trường hợp các ca khúc có nội dung chia ly, đau khổ nhưng người ca sĩ khi trình diễn lại hay cười. Hoặc có tiết mục hát nhạc buồn nhưng lại dàn dựng có cảnh vũ đoàn nhảy múa tưng bừng. Như vậy là mất chất.

Dĩ nhiên có một số biến tấu mới rất hay và đáng khuyến khích để lớp trẻ sau này có thể tiếp nhận. Nhưng biến tấu thế nào cũng nhất định không được phá tiết tấu nguyên thủy của bài hát.

Do đó tôi cũng có một số trao đổi với các em, các cháu có theo đuổi dòng nhạc này phải có ý thức và nghiên cứu kỹ từ phần lời, cách nhấn nhá của từng bài hát cũng như ý tứ của nhạc sĩ để có thể chuyên chở một cách đúng đắn. Thậm chí cần phải đặt mình vào hoàn cảnh sáng tác. Có như vậy khán giả mới chấp nhận, nếu không màn trình diễn sẽ rất khô khan.

– Một vài chương trình truyền hình thực tế được tổ chức nhằm tìm kiếm tài năng biểu diễn Bolero. Ông nhận xét thế nào về điều này?

– Tôi rất vui khi các đơn vị bắt đầu tổ chức những sân chơi nhằm tìm ra thế hệ mới nối tiếp chúng tôi, nhưng các chương trình này giúp các cháu thỏa mãn đam mê là chính.

Có một số em nghĩ đi hát Bolero sẽ dễ đi diễn, dễ kiếm tiền nhưng thật ra không phải. Đi một chặng đường đủ xa, họ sẽ cảm thấy chới với và nhận ra mình đi sai hướng, nên chọn một ngã rẽ khác. Như tôi nói ở trên, nếu chỉ vì để chiều khán giả hay phù hợp với tính chất chương trình mà biến tấu khác đi là không nên.

– Trong các chương trình truyền hình, thành phần ban giám khảo gây khá nhiều tranh cãi vì khán giả cho rằng họ không phải là ca sĩ lão làng về Bolero như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Đan Trường… Ông nghĩ sao về điều này?

– Chắc là được, nhưng có thể không chính xác lắm. Trong tương lai nếu Nhà nước cho phép, tôi ấp ủ mở một trường dạy tại Việt Nam. Tôi biết không chỉ riêng mình mà rất nhiều anh em muốn đào tạo và truyền lửa cho thế hệ sau này.

– Bản thân ông có hứng thú ngồi vào ghế giám khảo của một cuộc thi dành cho giọng ca trữ tình?

– Tôi sẵn sàng nếu có lời mời. Khi các bạn trẻ dám xuất hiện và hát Bolero trước khán giả đã là điều đáng mừng vô cùng. Được khán giả thương, họ phải trang bị thêm, tìm một người thầy để trang bị thêm, đáp ứng cho những người yêu mến.

Chế Linh: 'Đừng nghĩ hát Bolero dễ kiếm tiền'
Ngọc Sơn là một trong những giọng ca khiến Chế Linh ấn tượng. Ảnh: Khánh Vy

– Trong các lớp kế cận mình, ông ấn tượng với gương mặt nào?

– Một vài cái tên hát rất hay, trong đó đặc biệt ấn tượng với Ngọc Sơn vì có giọng vô cùng đẹp. Cậu ấy nổi lên từ khi thể hiện ca khúc Tiền khô cháy túi của tôi. Có thời điểm đáng tiếc khi Sơn chạy theo hát quá nhiều thể loại thay vì trung thành với một con đường vừa rộng vừa dài. Nhưng sau này Ngọc Sơn cũng trở về lại như ban đầu. Ngoài ra còn có Mai Quốc Huy cũng hát khá ổn.

Nếu được, tôi mong các em các cháu có đam mê với Bolero nên tìm lại những bản thu của những ca sĩ lớp đầu tiên. Nghe thật kỹ xem họ nhả chữ, phát âm, đặt để tình cảm như thế nào. Tuy nhiên, cũng không nên “lậm” vào một cá nhân nào mà hãy đi tìm con đường riêng mình. Những bài Bolero đa phần đều rất buồn, gắn liền với những kỷ niệm của tác giả chứ không phải vô thưởng, vô phạt, do đó nếu hát không ra sẽ rất uổng phí.

– Đi hát nhiều, đến nay Chế Linh vẫn chưa tìm ra một đệ tử ruột để truyền bí kiếp. Lý do là gì thưa ông?

– Từ trước đến nay, em nào muốn trao đổi, hỏi han thêm đều có thể đến gặp trực tiếp, tôi không hề ngần ngại vấn đề này. Ví dụ như Trường Vũ, khi đã nổi tiếng nhưng vẫn hay hỏi thăm. Lúc đó, tôi nhiệt tình truyền thêm kinh nghiệm cho các em. Tôi đặt vị trí của mình là người tuyên truyền văn hóa, chứ không chỉ đơn thuần là ca sĩ đi hát lấy tiền.

Còn để tìm một học trò có lẽ tôi chưa có duyên. Ngoài giọng hát và văn hóa cơ bản, tôi muốn người đó còn phải có đạo đức, bản tính hiền hòa. Không phải đi hát được nhiều người biết đến thì đặt cho mình vị trí “khán giả cần mình chứ mình không cần khán giả”.

– Có thời điểm Bolero được xem như dòng nhạc bình dân, nhạc sến. Là một trong “tứ trụ nhạc Vàng” cùng với Duy Khánh, Nhât Trường và Hùng Cường, có bao giờ ông cảm thấy chạnh lòng?

– Trong văn hóa nghệ thuật, không có khía cạnh gì là xấu hổ. Trong vườn hoa thì bông hoa nào cũng đẹp. Nhưng có nhiều ca sĩ, họ vì muốn chiều theo xu hướng mà đi theo nhiều dòng nhạc, nhưng đến giữa dòng họ chới với, không biết phải xuôi theo hướng nào. Do đó, mỗi người phải tự tìm cho mình con đường riêng biệt. Như một người muốn làm luận án tiến sĩ, muốn thành công cũng phải tự tìm cho mình chủ đề riêng chứ không thể sao chép được.

Nói thật lòng, tôi có thể hát tất cả các dòng nhạc, trong đó có nhiều dòng dễ dàng hơn Bolero rất nhiều vì chỉ cần hát bằng phổi chứ không phải bằng cảm xúc. Nhưng bao nhiêu thập kỷ qua, tôi chưa bao giờ lung lay vì lựa chọn của mình.

– Ở tuổi gần 75, vẫn đi hát đều đặn, được khán giả yêu thương, có bà xã luôn đồng hành trên mọi nẻo đường, lúc này, điều ông mong muốn nhất là gì?

– Đến thời điểm này dù không còn trẻ, nhưng tôi vẫn cho phép mình được hát để đi trả ơn những người thân yêu. Do đó, tôi chỉ mong ơn trên ban cho mình sức khỏe để có thể gặp gỡ những người dành cho mình tình cảm. Tôi biết mình vẫn chưa đi hết chặng đường để được quyền nghỉ ngơi.

Phương Giang

Theo Zing