Ngay khi BTC X-Factor đưa ra lời xin lỗi và lý do nhầm lẫm, lời biện minh này lập tức bị phản bác. Sai sót nghiêm trọng trên sóng trực tiếp Trong đêm bán kết chương trình Nhân tố bí ẩn tuần vừa qua, tiết mục liên khúc Tây Nguyên của nhóm nhạc F Band đã gây xôn xao cư dân mạng. Bên cạnh sự tán dương dành cho các nghệ sĩ trẻ với những sáng tạo nghệ thuật đáng khích lệ thì sự cố trang phục gây phản cảm, xúc phạm văn hóa dân tộc của nhóm nhạc này đã để lại một dư âm không tốt của một chương trình giải trí truyền hình trực tiếp phát trên sóng VTV. Cụ thể, chiếc khố nhóm nhạc F Band sử dụng trong tiết mục của mình là chiếc khăn Piêu. Khăn Piêu là một trong những biểu tượng văn hóa đặc trưng của người dân tộc Thái và cũng từng được biết đến rộng rãi qua ca khúc Chiếc khăn Piêu của nhạc sĩ Doãn Nho. Việc sử dụng một biểu tượng văn hóa không đúng đã là một sự nhầm lẫn đáng trách, nhưng khi nó xuất hiện trên truyền hình trang phục trên đã vấp phải sự phản ứng giận dữ của đồng bào người Thái và những khán giả hiểu biết về văn hóa trang phục dân tộc.
Trang phục của nhóm F Band trong đêm bán kết Nhân tố bí ẩn
Ngay khi thông tin về sự cố trang phục trên được đăng tải trên báo chí, nhóm F Band đã chính thức gửi lời xin lỗi vì sự thiếu hiểu biết của mình còn BTC Nhân tố bí ẩn – Công ty Cát Tiên Sa đã gửi thông cáo đến các cơ quan báo chí để làm rõ về sự cố này. Trong thông cáo ngắn này, BTC gửi lời xin lỗi đến đồng bào dân tộc Thái vì thiếu khâu tìm hiểu, hứa sẽ rút kinh nghiệm và cẩn trọng hơn về trang phục biểu diễn của thí sinh. Nói về quá trình lựa chọn đồ diễn, BTC Nhân tố bí ẩn cho biết: “Để có trang phục trình diễn của các thí sinh trên sân khấu, trước đêm thi 2 ngày bộ phận sản xuất đã liên hệ với các đơn vị trang phục. Cụ thể với nhóm F Band, Ban tổ chức đã tìm và thuê lại đồ diễn từ Nhà sách Tuổi Trẻ, thuộc Nhà văn hóa Thanh Niên với yêu cầu muốn thuê lại trang phục của dân tộc Bana hoặc Ê Đê và Ban tổ chức đã lấy đúng set đồ đã được Nhà sách Tuổi Trẻ đưa lên website, với số lượng 4 bộ. Trong thời gian lấy đồ về cho đến khi trình diễn, Ban tổ chức đã thiếu khâu tìm hiểu về văn hóa trang phục và tin tưởng hoàn toàn với đơn vị Nhà sách Tuổi Trẻ”. Theo cách trả lời của Cát Tiên Sa, đơn vị này xin lỗi vì thiếu khâu tìm hiểu về trang phục nhưng để xảy ra sự cố về trang phục thì xuất phát điểm đầu tiên là từ phía Nhà sách Tuổi trẻ vì BTC đã tin tưởng hoàn hoàn vào Nhà sách Tuổi trẻ khi muốn thuê lại trang phục. Nhà sách có thể khởi kiện Cát Tiên Sa Trước lời bao biện của Nhà sản xuất Nhân tố bí ẩn, VietNamNet đã liên hệ với ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc Công ty Hòn Ngọc Viễn Đông (đơn vị chủ quản của Nhà sách Tuổi Trẻ) . Ông Trung cho rằng Cát Tiên Sa đổ thừa do Nhà sách Tuổi Trẻ như vậy là vu khống. Thứ nhất theo ông Trung, đơn vị của ông không hề biết người đến thuê trang phụ thuộc Cát Tiên Sa, lại càng không biết trang phục đó dùng vào mục đích gì. Người tới thuê trang phục chỉ nói rằng muốn thuê trang phục Tây Nguyên. Hôm đầu tiên người đó đến thuê, nhân viên của Nhà sách Tuổi Trẻ có mặc cho xem và mặc thử bộ trang phục Tây Nguyên, người thuê rất ưng ý nhưng ra về mà không đặt cọc. Vì là đơn vị cho thuê trang phục nên trang phục luôn được luân chuyển. Đến hôm sau người thuê quay lại thì trang phục đã lựa chọn từ trước đã bị thuê mất. Nhân viên của Nhà sách đã đưa cho người thuê bộ trang phục Tây Nguyên khác nhưng vì khố hư nên nhân viên nói là không còn khố nữa. Người thuê đã đưa ra tấm hình và nói nhân viên lấy cho chiếc khăn Piêu. “Do chiều khách, cũng không biết người thuê lấy khăn Piêu dùng mục đích gì nên nhân viên của tôi có đưa cho người thuê khăn”, ông Trung nói. Thứ hai theo ông Trung, Nhà sách đã là đơn vị có uy tín hơn 30 năm nay, lại rất chú trọng và nắm rõ trang phục của các dân tộc, nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, đủ khả năng tư vấn chuẩn nhất trang phục cho người thuê, không có lý gì mà nhân viên của Nhà sách không biết rằng trang phục của người Thái như thế nào, càng không thể không biết chiếc khăn Piêu dùng để đội đầu. “Trong hóa đơn viết cho người thuê, nhân viên của Nhà sách đã viết rõ thuê trang phục Tây Nguyên + khăn Piêu. Mà đã viết là khăn Piêu thì người sử dụng phải biết nó dùng làm gì, sao lại đổ thừa vô lý như vậy cho chúng tôi? Việc Cát Tiên Sa đổ thừa cho chúng tôi như vậy cho thấy Cát Tiên Sa không hề quan tâm tới văn hóa dân tộc, đặc biệt là trang phục truyền thống”, ông Trung bức xúc. Thứ ba, ông Trung cho rằng, việc người thuê đưa cho tấm hình mà chiếc khăn Piêu lấy làm khố là có thật nhưng hình đó là hình trôi nổi trên mạng. Thời giám đốc trước, có sự nhầm lẫn nên mới có những bức hình đó, nhưng những hình không chuẩn đã được Nhà sách gỡ xuống đã lâu, còn việc hình trôi nổi trên mạng đôi khi Nhà sách không thể kiểm soát. “Nếu Cát Tiên Sa nói rằng ảnh trên web Nhà sách Tuổi Trẻ đăng nhưng sau khi sự việc xảy ra, bên Nhà sách Tuổi Trẻ đã tháo bức ảnh này xuống”. Ông Trung cho rằng, việc Cát Tiên Sa đến mượn trang phục dùng vào việc lớn như vậy mà không có hợp đồng với đơn vị cung cấp trang phục, khi xảy ra sự việc lại đổ ngay cho đơn vị cung cấp trang phục là vô lý. Ông Trung cũng cho hay nếu cứ tiếp tục như vậy, vì uy tín của Nhà sách, Nhà sách sẽ khởi kiện Cát Tiên Sa. Với cách trả lời về vấn đề của Nhà sách Tuổi trẻ, sự cố lỗi trang phục không bắt nguồn từ đơn vị này, mà do Cát Tiên Sa đã chủ động lấy khăn Piêu để sử dụng cho thí sinh của chương trình Nhân tố bí ẩn. Tuy nhiên, cách sử dụng thiếu hiểu biết đã gây ra sự phản ứng và bức xúc của dư luận. Sự cố trang phục đã khiến cho Nhân tố bí ẩn trở nên khá hài hước trong mắt công chúng. Để xuất hiện trên sóng trực tiếp, các chương trình gameshow đều phải trải qua một chương trình tổng duyệt, vậy nên, việc 4 trang phục có thể cố tình bị sử dụng sai đã lần lượt “qua mặt” được Cát Tiên Sa, VTV, thí sinh và cả huấn luyện viên cho thấy sự thiếu hiểu biết này đã gây ra một ảnh hưởng nghiêm trọng về nhận thức của công chúng với các giá trị văn hóa từ những người làm văn hóa.
Tình Lê – Trương Công Trung
Theo VietNamNet