‘Cặp đôi hoàn hảo’ gây nhàm vì lạm dụng chiêu trò

Năm nay, chương trình có nhiều cải tiến để đem lại sự mới lạ cho khán giả. Nhưng chiêu trò trong việc dàn dựng xuất hiện dày đặc khiến người xem khó tránh được cảm giác khó chịu. Chương trình Cặp đôi hoàn hảo đã bước sang mùa thứ ba với không ít thay đổi về luật chơi nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo của các đội. Với dàn thí sinh đa phần là những cái tên mới mẻ, phần kỹ xảo và thế mạnh dàn dựng sân khấu được phát huy tối đa để hút người xem. Điều này có ưu điểm là tạo nên sự đa dạng, sôi động trong mỗi tuần thi, đặc biệt là tuần đầu tiên. Tuy nhiên, qua bốn tập, những tiết mục gây ấn tượng về phần hát vẫn còn lép vế so với những “chiêu trò”. Trong đêm liveshow thứ ba với chủ đề “Hóa thân thành nhân vật nổi tiếng”, các tiết mục trở thành những màn hóa thân lộn xộn và khó hiểu. Trong đó, việc có đến 3 màn giả gái (Bùi Anh Tuấn, Minh Trung và Hà Duy) trong số 7 tiết mục khiến khán giả cảm thấy “ngợp”. Ngay cả Bùi Anh Tuấn cũng lộ rõ cảm giác không thoải mái, tự nhiên khi diễn trên sân khấu với một mái tóc giả của phụ nữ.

Khán giả không hiểu vì sao Bùi Anh Tuấn - Tú Vi phải kể lại câu chuyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa khi hát rock.

Khán giả không hiểu vì sao Bùi Anh Tuấn – Tú Vi phải kể lại câu chuyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa khi hát rock. Người mẫu Minh Trung chia sẻ về việc quyết định hóa thân thành “thiên thần nội y” Miranda Kerr ở liveshow 3: “Tôi và chị Minh Thư muốn có một tiết mục mang đậm tính giải trí, kết hợp cả thời trang, âm nhạc và vũ đạo. So về ngoại hình, tôi có nhiều lợi thế về chiều cao hơn chị Thư, nên chúng tôi quyết định đổi chỗ cho nhau. Quan trọng là tôi cảm thấy mình đã cố gắng hết sức để mang đến một màn hóa thân đúng nghĩa chứ không phải chỉ đơn giản là đội tóc giả, mặc đồ sexy để thu hút sự chú ý. Tôi nghĩ với một chương trình mang tính giải trí cao như Cặp đôi hoàn hảo, việc dung hòa được hai yếu tố này là cần thiết”. Tuy vậy, điều dễ nhận ra từ những màn biểu diễn là họ khó lòng dung hòa như mong muốn. Việc tập trung lôi kéo sự chú ý người xem vào phần diễn khiến phần hát – nội dung chính nhất của cuộc thi dường như bị bỏ quên. Ngay cả ca sĩ nổi tiếng giỏi về chuyên môn cũng bị cuốn vào vòng xoáy của việc dàn dựng và dùng kỹ xảo. Vì vậy, Đức Tuấn đã bị “đuối” trong những màn bê, đỡ Jennifer Phạm ở phần khiêu vũ (liveshow 2). Hai cô gái bước ra từ The Voice – Đinh Hương và Dương Hoàng Yến cũng thường bị các giám khảo nhận xét còn khá gồng mình trong phần diễn xuất. Lúc này, chiêu trò vô tình trở thành một cản trở không nhỏ với bản thân họ, vì nó vừa ảnh hưởng đến giọng hát, vừa bộc lộ rõ những điểm yếu khác của người ca sĩ. Chiêu trò được xem là “vũ khí” hiệu quả giúp các tiết mục trở nên vui vẻ, thú vị.  Nhưng nhìn chung, khán giả khi đã không hiểu thì sẽ khó mà vui vẻ theo ý đồ dàn dựng. Màn hóa thân thành Rùa và Thỏ hát rock trong liveshow 4 của Bùi Anh Tuấn – Tú Vi hay tiết mục kết hợp nhạc trữ tình, tân cổ và rap với Chuyện tình Lan và Điệp của Nam Cường, Quế Vân là những ví dụ điển hình. Khán giả Vân Anh (26 tuổi) nhận xét: “Tôi thấy Đoan Trang – Trấn Thành cũng sử dụng ‘chiêu trò’ tưng bừng trong mùa đầu tiên, cũng chế rap, nhảy múa đủ kiểu. Nhưng tôi cảm giác chúng rất tự nhiên và hợp lý chứ không khiên cưỡng thế này”. Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, Trấn Thành, Quán quân Cặp đôi hoàn hảo mùa 1 cho biết anh hộ các cặp thí sinh sử dụng chiêu trò trong chương trình này vì “khán giả nước mình thích chiêu trò, thích cái gì vui vui lạ lạ”. Tuy nhiên, nam MC khuyên các thí sinh nên dựng chiêu trò dựa trên nền tảng âm nhạc như cách hoà âm, mashup, đọc rap… “Khi tôi và Đoan Trang tham gia mùa 1, chúng tôi luôn đảm bảo tỷ lệ nghệ thuật – chiêu trò là 60 – 40. Vì khi chiêu trò bị ý thức sai, nó sẽ dễ trở nên phản cảm”. Trấn Thành ví dụ, nếu thí sinh diễn kịch quá nhiều, tiết mục của họ sẽ trở thành vở kịch có nhạc chứ không còn là nhạc hay nhạc kịch. Theo anh, đầu tư cho một màn bay lượn trên không hoành tráng hay biến tấu với rap là rất tốt, nhưng phải xem nó có hợp logic với tổng thể tiết mục, với ý nghĩa của bài hát hay không. Việc sử dụng nhiều hiệu ứng sân khấu một phần cũng được giải thích ở thực lực quá chênh lệch giữa ca sĩ và “đối tác” của họ. Jennifer Phạm sở hữu ngoại hình hoàn hảo, sáng sân khấu. Tuy nhiên, những bộ trang phục sexy khoe đường cong nóng bỏng hay những pha bế bổng, bay người đẹp mắt… vẫn chưa đủ để giúp người đẹp che đi khuyết điểm về giọng hát chênh, phô. Tương tự, Nhan Phúc Vinh và Đinh Hương dù đầu tư tiết mục khá kỳ công, như hóa thân thành Bi Rain, Lady Gaga,… nhưng vẫn chưa cho thấy sự hòa quyện trong giọng hát, yếu tố quan trọng nhất của cuộc chơi này. Nói về một số trường hợp phải dùng chiêu trò để vực lại giọng hát, Trấn Thành thẳng thắn: “Tôi nghĩ nếu hát quá yếu, dưới mức trung bình thì không nên tham gia chương trình này, vì dù sao đây cũng là một cuộc thi hát. Nếu có sẵn giọng hát tương đối tốt, bạn mới có thể dùng phần nhìn và diễn để tạo thêm hấp dẫn cho tiết mục”. Theo anh, khán giả khi đã “bội thực” với quá nhiều chiêu trò sẽ dễ ấn tượng với một tiết mục thuần về chuyên môn. Trường hợp của Ngọc Anh – Ngọc Ngoan ở mùa 1 là ví dụ rõ ràng nhất. Tuy nhiên, chỉ khi thực lực của hai thí sinh đều tốt thì mới có thể áp dụng phương án “mặc chỉn chu, đứng yên một chỗ và hát” này. Trong khi đó, các giám khảo cũng cho thấy sự “rộng rãi” trong cách cho điểm. Dường như điểm số được cho nghiêng về phần dàn dựng nhiều hơn là chuyên môn hát. Cặp của Jennifer Phạm – Đức Tuấn liên tục đạt điểm cao dù thiếu sự hòa quyện trong giọng hát giữa hai người. Trong đêm thi thứ tư, Jennifer Phạm – Đức Tuấn được chấm 27,5 điểm, trong khi Vân Trang – Quốc Đại có giọng hát tốt bị xếp chót với 26,5 điểm. Kể cả người khắt khe nhất là Quang Linh cũng có nhận định, tiết mục Lan và Điệp ít sức hút hơn so với màn diễn kế tiếp của Vân Trang – Quang Đại vì không được dàn dựng hoành tráng bằng.

Jennifer Phạm rất xinh đẹp.

Jennifer Phạm được khen ngợi về ngoại hình nhiều hơn là sự tiến bộ trong giọng hát. Quang Linh chỉ mới chấm cô được 5/10 điểm sau liveshow 4. Nay cả kịch bản dành cho MC cũng bị “biến tấu” quá nhiều và dài dòng so với những mùa trước. Bắt cặp cùng MC Phan Anh, diễn viên Cát Phượng hóa thân thành những nhân vật trong cổ tích như “Mã Lệ Phi Cát” – nhân vật lấy cảm hứng từ “Tiên hắc ám” Maleficent hoặc nàng Bạch Tuyết để kêu gọi bình chọn cho thí sinh. Được đánh giá cao về khả năng diễn hài, nhưng khi bước lên sân khấu với vai trò MC, Cát Phượng khiến khán giả hụt hẫng với những màn pha trò kém duyên và một vài câu nói đệm được lặp đi lặp lại một cách vô thức như “Quéo queo quèo”, “Thích thật”… Khi đứng chung một sân khấu, cô cũng thường xuyên tranh nói với MC Phan Anh, dù đã được người đồng hành nhắc nhở khéo léo. Mở đầu mỗi tập, Cát Phượng đều xây dựng màn kịch ngắn để giới thiệu về chủ đề thi thố của tuần. Những đoạn kịch làm theo phong cách cổ tích, nhưng khiên cưỡng, cùng cách nói chuyện “ê, a” ngân dài của nhân vật khiến khán giả không hứng thú. Khán giả Xuân Hương bình luận trên trang cá nhân: “Qua bốn tuần, tôi vẫn thật sự chưa hiểu vai trò chính của Cát Phượng là gì. Cách xưng hô cùng tạo hình của cô ấy làm tôi cứ nhầm tưởng mình đang xem Đồ Rê Mí”.

catphuong-9786-1417153501.jpg

Cát Phượng bị chê vì những màn tấu hài khiên cưỡng khi hóa thân thành các nhân vật cổ tích.

Nhìn các “cặp đôi hoàn hảo” của năm nay và cả năm trước, khán giả lại tiếc nuối khi nhớ về mùa giải đầu tiên. Những cặp thi hội đủ yếu tố giải trí lẫn giọng hát như Đoan Trang – Trấn Thành hay “thuần” về chất giọng đẹp như Ngọc Ngoan – Ngọc Anh có vẻ ngày càng khan hiếm. Những nhân tố có cá tính đủ đặc biệt để trở thành hiện tượng như Phạm Văn Mách, “Cù Trọng Xoay” cũng không còn nữa, khi ban tổ chức mời những cái tên ít nhiều “nhẵn mặt” trong làng giải trí như diễn viên Vân Trang, Nhan Phúc Vinh, Tú Vi, Hoa hậu Jennifer Phạm…

Tường Nhiên

Theo VnExpress