Cannes 2018: Nhìn lại phim đoạt Cành Cọ Vàng 2017

Đạo diễn Thuỵ Điển Ruben Östlund biến nghệ thuật sắp đặt đương đại thành một phim châm biếm hiện thực nơi những câu hỏi về sự mất niềm tin và thiếu sự quan tâm giữa các tầng lớp trong xã hội được đặt ra.

Poster phim The square

Ruben Ostlund bước ra ánh sáng như một trong những đạo diễn xuất sắc nhất châu Âu qua tác phẩm Force majeure (2014). Điều đó mang lại sự trông đợi của khán giả cho tác phẩm kế tiếp The square ra mắt vào năm 2017, phim giành được giải thưởng Cành Cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes 2017.

Nếu Force majeure mang đến cho chúng ta sự khó chịu kì lạ về cách con người hành xử với nhau khi lâm vào hoàn cảnh sống chết, thì The square cũng không hề tạo cảm giác dễ chịu vì những nghịch lý tồn tại trong xã hội hiện đại được thể hiện “luẩn quẩn” qua hành động của một người đàn ông thành đạt thuộc tầng lớp cao trong xã hội.

The square giống như một trải nghiệm, nơi một chiếc chốt được nhấc ra khỏi bản lề, mở bung cánh cửa dẫn khán giả vào một viện bảo tàng đương đại với màn trình diễn của con người qua đó phô bày sự rực rỡ của đô thị hiện đại cùng những mảng màu hài hước nhưng ẩn chứa nhiều mâu thuẫn và bất an.

Trong bảo tàng là sự trống rỗng của những thứ nhân danh nghệ thuật để khán giả phải tự hỏi, ý nghĩa của nó trong mỗi cuộc triển lãm được thực hiện đâu đó khắp thế giới này. Nhưng qua đó lại cho thấy nhân tính của con người theo cách họ phản ứng với nghệ thuật.

Cannes 2018: Nhìn lại phim đoạt Cành Cọ Vàng 2017 - Ảnh 3.

Màn hoá thân vô cùng ấn tượng của Terry Notary

Xoay quanh chiếc điện thoại bị mất cắp và một dự án nghệ thuật mới của bảo tàng X Royal, The square đẩy câu chuyện một cách tinh tế qua các vấn đề của xã hội phương Tây đương đại: nhập cư, sự mất lòng tin, thái độ cao ngạo và sự vô nghĩa của nghệ thuật.

Christian là người phụ trách bảo tàng X Royal – bảo tàng của nghệ thuật trình diễn và sắp đặt, nơi những sản phẩm nghệ thuật thường mang đến cảm giác mông lung và khó hiểu cho khách tham quan. Trẻ trung, cao lớn và lịch thiệp, Christian đại diện cho tầng lớp trí thức thành đạt, giàu có. Trong một lần giúp đỡ một người phụ nữ trên đường, anh bị cướp mất ví và điện thoại.

Cùng với một nhân viên, Christian đến toà nhà mà tín hiệu từ chiếc đoạn thoại phát ra. Anh bỏ thư vào từng căn hộ để đe doạ và mong muốn người ta trả lại điện thoại cho mình. Chiếc điện thoại được trả lại, tiền thừa trong ví anh cho người ăn xin, nhưng những rắc rối không dừng lại ở đó.

Cannes 2018: Nhìn lại phim đoạt Cành Cọ Vàng 2017 - Ảnh 4.

Nhân vật chính do Claes Bang thủ vai

Hai tuyến truyện được kể thông qua Christian với tư cách cá nhân và tư cách công việc. Những mối quan hệ xoay quanh anh, xã hội xoay quanh anh và những mối quan hệ nhân quả mà anh nhận lãnh giống như một triển lãm sắp đặt của đạo diễn Rubin Ostlund.

Ở đó là hai mảng màu tương phản, những người vô gia cư ở ven đường là vấn đề của châu Âu về khủng hoảng tị nạn, những người giàu tụ tập trong một khán phòng xem màn trình diễn tạo cho họ nỗi khiếp sợ mà họ không thể hiểu, nhưng họ là những người bỏ tiền ra để duy trì bảo tàng và tạo động lực sáng tạo cho người nghệ sĩ.

Cannes 2018: Nhìn lại phim đoạt Cành Cọ Vàng 2017 - Ảnh 5.

Một triển lãm sắp đặt “ồn ào” phía sau

Rất nhiều những thước phim khiến khán giả khó chịu, một người đàn ông mắc chứng bệnh không kiểm soát được thần kinh lâu lâu nói toáng lên 1 từ nào đó trong một cuộc phỏng vấn, tiếng động ồn ã của một hệ thống cơ khí được triển lãm trong bảo tàng khiến cuộc hội thoại liên tục bị ngắt quãng, một đứa trẻ bắt Christian phải xin lỗi vì đã bỏ bức thư đe doạ trong nhà cậu ta khiến bố mẹ cậu ta tưởng cậu ta ăn cắp…

The square đưa khán giả ra khỏi khoảng không hình vuông vốn đại diện cho nhân tính để chúng ta chiêm ngưỡng xã hội hiện đại của loài người. Những con người thiếu sự kết nối, thiếu lòng khoan dung và thiếu cả sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau.

Cannes 2018: Nhìn lại phim đoạt Cành Cọ Vàng 2017 - Ảnh 6.

Một người nghệ sĩ đóng giả là con vượn đã khiến cả khán phòng sợ hãi

“Khoảng hình vuông là nơi tôn nghiêm của niềm tin và sự quan tâm. Bên trong nó tất cả chúng ta đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng với nhau.”

Một triển lãm sắp đặt đã được Christian giới thiệu như vậy, và bộ phim chính là thế giới bên ngoài của khoảng hình vuông đó, nơi không có sự bình đẳng thực sự giữa con người và con người.

The square của đạo diễn Ruben Ostlund quả thực là một bức tranh sống động phô bày cách hành xử của con người trong xã hội hiện đại.

Cannes 2018: Nhìn lại phim đoạt Cành Cọ Vàng 2017 - Ảnh 7.

Đạo diễn Ruben Ostlund nhận giải Cành Cọ Vàng danh giá

The square – 2017 – Thuỵ Điển

Đạo diễn: Ruben Ostlund

Kịch bản: Ruben Ostlund

Diễn viên: Claes Bang, Elisabeth Moss, Dominic West.

Quay phim: Fredrik Wenzel

Phim đoạt giải thưởng cao nhất Cành Cọ Vàng tại liện hoan phim Cannes 2017.

Cannes 2018: Nhìn lại phim đoạt Cành Cọ Vàng 2017 - Ảnh 9.

NGUYỄN TUẤN

Theo Tuổi Trẻ