– Được mệnh danh là “Họa mi bán cổ điển” của làng nhạc Việt, sau 6 năm chính thức bước vào con đường âm nhạc với album đầu tay Classic Meets Chillout kết hợp cùng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, đến nay, Phạm Thu Hà đã có trong tay 7 đĩa nhạc cùng một giải thưởng âm nhạc Cống hiến do báo Thể thao văn hóa trao tặng.
Điểm đáng trân trọng nhất ở Phạm Thu Hà là nỗ lực tìm tòi, khai phá các hình thức thể hiện, đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng, truyền tải những giá trị nhân văn của nền âm nhạc thế giới tới khán thính giả Việt Nam cũng như làm mới các ca khúc nổi tiếng tại Việt Nam thông qua những hình thức trình diễn sang trọng, tinh tế, hiện đại.
Sau rất nhiều thử nghiệm, cùng với việc học hỏi và tích lũy kinh nghiệm ở các sân khấu, trường học trong và ngoài nước, ngày 5/10 tới đây, Phạm Thu Hà sẽ vẽ “chân dung âm nhạc” của riêng mình trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội trong chuỗi chương trình mang tên “Chân dung âm nhạc” do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thực hiện. Chương trình không chỉ khắc họa chân dung âm nhạc Phạm Thu Hà, mà còn gợi mở những màu sắc âm nhạc hoàn toàn mới mà cô chưa từng giới thiệu đến công chúng.
Cùng trò chuyện với Giọng ca bán cổ điển hàng đầu Việt Nam trước thềm liveshow để hiểu thêm về những đam mê, cũng như những băn khoăn, trăn trở trong nghề của cô.
![]() |
– Cuộc chơi với nghệ thuật là cực kỳ tốn kém. Chị đã làm thế nào để bắt đầu và xác định con đường âm nhạc ‘thênh thang và kiêu hãnh’ như hiện tại?
Từ đầu tôi không nghĩ mình sẽ trở thành một nghệ sĩ biểu diễn. Khi tốt nghiệp Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi chỉ có ước mong nhỏ bé là làm một CD gồm các ca khúc yêu thích của mình. CD Tình thu ra đời năm 2010 khép lại một chặng học tập không ngừng nghỉ tại học viện của tôi, đồng thời đã cho tôi có cơ hội được gặp nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Khi đó, anh Hùng rất khuyến khích, động viên và giới thiệu tôi với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Để rồi từ đó, con đường âm nhạc của tôi rẽ sang một ngả hoàn toàn mới.
– Như vậy, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh là người đã mở ra cánh cửa âm nhạc mới cho Phạm Thu Hà. Bằng các nào vậy?
Thú thực khi đó tôi rất rụt rè, càng tự tin vào những gì đã được học bao nhiêu thì lại càng xa lạ với đời sống giải trí bấy nhiêu. Anh Thanh động viên tôi, anh thể hiện niền tin rằng tôi sẽ tiến được xa hơn bằng con đường âm nhạc bán cổ điển. Sau đó, chúng tôi cùng làm thử một vài sản phẩm. Đĩa nhạc đầu tay Classic Meets Chillout ra đời từ đó. Thành công của album đã giúp tôi vững vàng và có niềm tin hơn vào lựa chọn của mình.
|
– Với đĩa nhạc đầu tay đó, chị đã bước chân vào đời sống giải trí nước nhà. Cảm giác khi đó thế nào, thưa chị?
Thời điểm đó tôi chỉ nghĩ mình là người đã qua đào tạo, với kiến thức được học ở nhà trường cùng lòng quyết tâm và cầu tiến thì sẽ làm được. Tôi bắt tay cùng với một ekip lớn và lập tức được khoác lên một chiếc áo rộng. Tôi áp lực mình là một người khổng lồ. Đứng trên sân khấu, đôi khi tôi cảm thấy như đánh mất chính mình, rồi tôi quay ra dằn vặt chính tôi, tại sao mình lại dở thế, rối thế, mình có thể làm tốt hơn mà. Tôi stress nặng.
Nhưng cú sốc lớn nhất với tôi là khi nhận giải thưởng Cống hiến cho album Classic Meets Chillout. Tôi nghĩ, đĩa nhạc nhận được giải thưởng là xứng đáng vì đáp ứng được các tiêu chí mới lạ, có sự tìm tòi và bổ sung được những nét tươi mới cho âm nhạc Việt Nam thời điểm đó. Nhưng chỉ vài ngày sau khi nhận giải, tin đồn Phạm Thu Hà mua giải lan nhanh làm tôi thực sự buồn và khó hiểu. Tôi tự hỏi “showbiz là gì, mà tại sao mình làm được nhưng không được thừa nhận?”. Tâm trạng tôi lúc đó cực kỳ buồn và nặng nề vì cảm thấy sự đua chen trong giới này quá khắc nghiệt.
![]() |
– Mất bao lâu để chị bình tĩnh lại?
Trong lúc đang chơi vơi nhất, tôi gặp được nhạc sĩ Đức Trí – người bạn của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh – cũng chính là người anh Thanh giới thiệu cho tôi. Với sự đồng điệu và ăn ý, chúng tôi nhanh chóng ra mắt đĩa nhạc thứ hai “Tựa như gió phiêu du”. Âm nhạc vừa vặn, đúng chất, làm cho tôi cảm thấy thật sự hòa quyện khi trình diễn. Sự thăng hoa trong âm nhạc đã giúp tôi tìm lại chính mình và thêm vững vàng hơn. Kể từ đó, tôi chọn cho mình một lối đi an yên trong đời sống âm nhạc sôi động này.
– Chính vì sợ bình thản đó, mà phải mất tới 7 năm chị mới làm một buổi biểu diễn cá nhân , đêm nhạc Chân dung âm nhạc – Phạm Thu Hà. Chị không sợ khán giả của mình sốt ruột sao?
Mỗi một thời khắc trôi đi đều là quý giá nhưng tôi không thể vì thế mà vội vàng, nhất là khi tôi theo đuổi dòng nhạc khá kén người nghe là bán cổ điển. 7 năm qua, tôi bồi đắp thêm tình yêu bán cổ điển cho khán giả cũ, thu hút thêm được nhiều khán giả mới, thử nghiệm thêm với nhiều thể loại khác nhau… Cùng với đó, tôi đã hòa mình vào cuộc sống, học hỏi để trau dồi chính tâm hồn mình. Bây giờ là lúc tôi cảm thấy mình đã chín hơn và là thời điểm phù hợp nhất để tự họa chân dung âm nhạc của chính mình.
|
– Được biết, trước khi làm chương trình này, chị còn đầu tư hẳn một khóa đào tạo âm nhạc tại Áo – cái nôi của âm nhạc cổ điển?
Đúng vậy, dù đã tốt nghiệp, ra trường và đi dạy được hai năm trước khi trở thành ca sĩ biểu diễn, tôi vẫn đặt mục tiêu mỗi năm có thể tham gia các khóa học thanh nhạc, biểu diễn trong hoặc ngoài nước. Khóa học vừa rồi ở Áo đã giúp tôi mở mang rất nhiều, cả trong kỹ thuật lẫn khả năng đứng trước khán giả. Đi một ngày đàng học một sàng khôn, tôi nghĩ đó cũng là một cách để tôi có thể giúp âm nhạc Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
– Trở lại với show Chân dung âm nhạc – Phạm Thu Hà, chị sẽ mang đến bất ngờ gì cho khán giả Hà Nội?
Trên dòng chảy của âm nhạc cổ điển, bạn sẽ được nhìn thấy Phạm Thu Hà ở những góc độ khác nhau. Đó là sự sang trọng lộng lẫy của những ca khúc kinh điển, sự mượt mà êm ái của tình ca, sự cuộn trào bùng nổ khi hát cùng ban nhạc rock, và cuối cùng là sự hào tráng trong những giai điệu đi cùng năm tháng. Tôi thật may mắn khi mời được nhạc sĩ Thanh Phương cùng ban nhạc của anh tham gia chương trình. Cùng với đó, các khách mời Quang Dũng và ban nhạc Ngũ Cung cũng sẽ mang đến những chấm phá đặc biệt cho đêm nhạc.
P.V
Ảnh: NVCC/Vnmedia