Không ăn Tết ở Việt Nam nhiều năm qua, nhưng mỗi dịp xuân về, ca sĩ Thu Phương, Lê Uyên Phương, Quang Thành vẫn cố gắng giữ nếp Việt, đón thời khắc giao mùa. Ca sĩ Lê Uyên Phương: “Xuân hạnh ngộ, đất trời thăng hoa” Dù qua Mỹ được 35 năm, tôi vẫn giữ phong tục Việt Nam. Chúng tôi vẫn thích những món ăn thuần túy ngày Tết như bánh chưng, dưa món… Tôi nghĩ Tết sẽ có nhiều ý nghĩa tùy theo tâm của mỗi người, với riêng tôi Tết lúc nào cũng tuyệt vời, năm nay có lẽ tuyệt vời hơn vì những cánh lan hồ điệp, những giò lan đủ màu trong vườn nhà tôi đều nở rực rỡ, nở rộ vào ngày hôm qua. Với tôi, Tết rất huyền diệu, vì Tết đem sự sum họp đến với gia đình Tết là ngày mà mọi người đều tha thứ những lỗi lầm cho nhau, và Tết cũng là một bắt đầu mới của hy vọng cho những mong ước tốt đẹp hơn.
Ca sĩ Lê Uyên Phương đứng trong vườn lan nở rộ của mùa xuân 2015.
Tết năm nào cũng gợi cho tôi nhớ tuổi thơ của mình, từ những ngày gần Tết ngồi chờ ba mẹ đi mua áo mới, giày mới, đến những cặp dưa hấu lớn nhất chờ ba mẹ lựa hoài sao cho vừa ý để cúng giao thừa. Rồi mẹ lại giành việc xông đất để gia đình được may mắn hơn, tôi thường nằm thao thức nôn nao cả đêm đợi cho mau sáng để diện đồ mới, rồi hồi hộp đứng nghiêm trang chúc Tết ba mẹ và những người lớn trong nhà để nhận lì xì. Xin chúc độc giả nhiều sức khỏe, các bạn trẻ được nhiều hạnh phúc trong năm mới, vạn sự như ý và riêng tôi hy vọng một năm mới có thật nhiều giây phút được hạnh ngộ cùng khán giả. Thu Phương: “Luôn muốn con giữ không khí Tết Việt Nam”
Mùa xuân nay là năm thứ 12 tôi đón xuân xa quê hương. Mỗi năm những dịp tết đến xuân về tôi đều muốn dành nhiều thời gian để chuẩn bị ngày lễ theo đúng với truyền thống mà tôi vẫn giữ trong ký ức mình khi còn sống ở quê nhà. Nếu năm nào mà Tết Việt Nam rơi vào những ngày trong tuần ở Mỹ, tôi thấy hơi buồn vì các con vẫn phải đến trường, không đưa các con đi xem đốt pháo và hái lộc được.
Ca sĩ Thu Phương sắm hoa đào đón Tết ở Mỹ.
Năm nay, không khí đón xuân ở trung tâm Phước Lộc Thọ (quận Cam, California) rất rộn ràng. Ngày 28 Tết, tôi đi chợ hoa chọn đào và mai ưng ý để trưng trong nhà. Vợ chồng tôi cũng mua sắm đầy đủ bánh mứt, không thể thiếu bánh chưng, giò thủ… Cảm giác của sự chuẩn bị đón Tết thật bồi hồi làm tôi nhớ nhiều về những cái Tết khi còn thơ. Nhớ anh em quây quần xem bố gói bánh chưng, thức thâu đêm bên bếp lửa trông nồi bánh trong cái rét và mưa phùn ẩm ướt, nhớ khoảnh khắc chuyển giao của đất trời với tiếng pháo nổ đì đùng khắp nơi, với khói hương nghi ngút trên bàn thờ tổ tiên… Tất cả tạo nên một không khí thiêng liêng khó diễn tả. Càng sống xa quê hương với bộn bề của cuộc sống vội vàng trôi qua mỗi ngày, tôi càng nhắc nhở mình rằng: mỗi dịp Tết đến Xuân về là lúc mình muốn con cháu được thấy, được sống trong không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc. Tết là một giá trị văn hóa truyền thống lâu đời nên được gìn giữ cho thế hệ con cháu sau này, nhất là thế hệ người Việt trẻ sống xa quê hương. Năm nay, tôi vẫn phải bay đi biểu diễn phục vụ đồng hương mình khắp nơi trên nước Mỹ và Canada vào tất cả các cuối tuần. Một số những thành phố lớn đông người Việt sinh sống ở đây đều tổ chức Hội chợ Tết cho đồng hương tới tham dự. Sau những buổi trình diễn, tôi dành ngày mùng 2 Tết đưa các con và cả gia đình đi hội chợ Tết Sinh Viên tại miền nam California. Trước thềm năm mới, tôi xin được cầu chúc cho mọi người, mọi nhà, nhất là độc giả luôn được an lành, một năm Vạn Phước, Vạn Lộc và Vạn Thọ. Ca sĩ Quang Thành: “Chỉ bên mẹ tôi mới thấy có mùa xuân” Thắm thoát hơn 10 năm tôi đón xuân xa quê nhà. Nhớ những ngày đầu ở Mỹ, tôi ăn Tết với “những người quen xa lạ” thật sự lòng chẳng muốn tí nào. Ở bên này không thiếu thứ gì, bánh mứt, dưa hành và tiếng pháo rộn ràng hơn cả quê nhà. Nhưng “Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ” vì những năm đó, tôi còn sống xa mẹ. Vì thế, đêm giao thừa, tôi hay theo mọi người đến chùa hát hò coi như mở hàng lấy hên. Tôi luôn chọn bài Mùa xuân của mẹ làm để tìm sự đồng cảm từ đông đảo đồng hương xa xứ đổ về.
Ca sĩ Quang Thành.
Những năm gần đây, gia đình tôi sang Mỹ định cư đầy đủ các thành viên. Mùa xuân có mẹ và mọi người trong gia đình với tôi mới thật sự là mùa xuân đủ đầy, hạnh phúc như ngày còn bé ở quê nhà. Chúng tôi vẫn giữ nếp nhà đến giao thừa là đọc kinh, chúc tuổi và lì xì theo kiểu truyền thống. Mẹ tôi luôn có những nguyên tắc cho con cái vào ngày Tết, chăm sóc bàn thờ ông bà, mua quà Tết đi biếu cho dòng họ chú bác, gởi tiền dâng lễ nhà thờ. Và mẹ thật sự chỉ vui khi chuyển được tiền về Việt Nam cho những người già neo đơn, trẻ mồ côi và những người hàng xóm ngày xưa có ít gạo thịt. Ở Mỹ, những ngày cuối tuần trước và sau Tết là mùa “làm ăn” của nghệ sĩ, chúng tôi lại khăn gói lên đường. Anh em đồng nghiệp chỉ gọi điện thoại cho nhau hoặc bất ngờ hối hả chúc Tết nhau tại phi trường. Hầu như những nơi đông người Việt sinh sống đều mở hội chợ Tết. Mọi người cùng đến đây để bọn trẻ con cả Việt và Mỹ nô đùa, ẩm thực Việt, xem thi quốc phục, xem các người đẹp Việt Nam trình diễn, nghe hát nhạc việt. Có lẽ tâm trạng của mỗi người khác nhau nên cái tết của mỗi người cũng theo đó mà buồn vui khác nhau. Còn tôi, tôi luôn ngóng trong về quê nhà vì nơi ấy vẫn có bạn bè, sau Tết tôi sẽ về. Cầu chúc xuân quê hương thật thanh bình, hạnh phúc.
Thoại Hà ghi
Theo VnExpress