-
Trong một số chuyến về nước biểu diễn xuyên Việt, ca sĩ Chế Linh (dân tộc Chăm, sinh năm 1942 ở Ninh Thuận) luôn luôn có sức hút kỳ lạ.
Mặc dù nay đã đến tuổi 77, anh hát liên tục mươi bài mà vẫn mùi mẫn. Âm sắc có chút khê khàn, nhưng lại thêm độ nồng nàn, như một thuở trẻ trai. Mái tóc anh đã bạc thêm với thời gian, những nếp nhăn hằn sâu, vắt lên vầng trán…
Những kỳ án mười năm khởi nghiệp
Giọng hát Chế Linh quả là thiên phú. Xem ra phần kỹ thuật thanh nhạc của anh không phô trương ồn ào, nhưng âm sắc ma mỵ hợp với những giai điệu nặng trĩu u hoài, tạo nên một phong cách Chế Linh, mở đầu cho một hình loại nhạc “sến”.
Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ca sĩ Chế Linh nổi lên như một ngôi sao mới lạ, phô bày những luyến láy làm mê mẩn lòng người. Anh sớm cho ra đời album vào năm 1964, khi mới 22 tuổi, sau 5 năm bươn chải nhọc nhằn và nỗ lực rèn luyện. Đó là đĩa nhạc “Vùng biển trời và màu áo em”. Đặc biệt, trong đó có những ca khúc anh sáng tác, như “Đêm buồn tỉnh lẻ”, “Bài ca kỷ niệm”… để chia sẻ với những nỗi đời tủi phận.
Nhưng cũng từ đây, duyên phận của anh lại lắm điều tiếng với không ít nghi vấn trong làng nghệ sĩ. Lấy vợ năm 21 tuổi, anh có liền 5 con sau bốn năm chung sống. Vì mâu thuẫn phải chia tay nhau, nhưng anh lại sớm kết hôn với chính em gái của vợ trước. Chuyện tình chị duyên em cũng không hẳn là tình cờ ở trường hợp này.
Ca sĩ Chế Linh vẫn đi hát. Không cần giải thích với ai. Đột nhiên ba năm sau, thiên hạ lại một phen đồn thổi ồn ào, bởi Chế Linh lại bỏ cô vợ thứ hai khi đã có ba mặt con. Sự cố bỏ vợ hai không có lý do thật rõ ràng thì bất ngờ Chế Linh ngả sang đối tượng khác.
Đó là Thúy Hằng, một cô gái trẻ ngưỡng mộ giọng hát của anh. Năm đó Thúy Hằng mới 17 tuổi. Cuộc tình mỗi ngày một nồng thắm. Hai người tính đến chuyện hôn nhân. Nhưng không ngờ gia đình Thúy Hằng phản đối kịch liệt. Đã ba lần Chế Linh chỉnh tề chính thức ăn hỏi mà không được. Tình càng bền chặt khó cưỡng.
Có lẽ không còn cách nào khác, Chế Linh tính chuyện “bắt cóc” con gái người ta mới xong. Làm mọi chuyện đã rồi sẽ đành phải cho cưới. Nghĩ là làm, Chế Linh cùng với một người bà con thân thuộc tìm cách dụ Thúy Hằng bỏ nhà, trốn theo mình. Kế hoạch “bắt cóc” ngỡ đã thành công, nhưng gia đình Thúy Hằng lập tức báo cảnh sát về tội bắt con gái họ đang ở tuổi vị thành niên.
Tưởng như ngôi sao nhạc vàng sẽ phải ngồi nhà đá một phen, nhưng rồi mọi chuyện được thu xếp đâu vào đấy. Không những thoát tội, Chế Linh còn được chính thức làm đám cưới với Thúy Hằng. Dư luận ngày đó rầm rộ đưa tin và đẩy câu chuyện Chế Linh “bắt cóc” trẻ vị thành niên hết sức ly kỳ.
Sự đời thật oái oăm, lại một “scandal” Chế Linh nữa nổi cộm, làm dư luận và truyền thông thổi bùng lên. Đó là chuyện cô vợ ba của Chế Linh bất ngờ tự tử tại một khách sạn. Sau ba năm chung sống, hai người đã có hai mặt con với nhau.
Mọi đồn đoán, nghi vấn treo trên đầu ngôi sao ca nhạc này. Đến khi cảnh sát khám nghiệm, may có di thư của Thúy Hằng để lại. Cô vợ trình bày về cái chết vì bệnh tật của mình để minh chứng cho Chế Linh không hề dính líu gì. Chính vì thế, giọng hát Chế Linh trong thời gian này càng ảm đạm, nặng trĩu tâm tư. Tâm hồn người nghệ sĩ u buồn với sự mất mát không thể nào quên. Anh liên tục ra đĩa và đoạt giải nhất “Kim Khánh” trong cuộc thi đơn ca, năm 1972. Nhưng kèm theo đó là nỗi đau được ca sĩ bày tỏ trong bài ca mà ai cũng biết Chế Linh đã khóc vợ bằng âm nhạc.
Những lời ca thống thiết, buồn thảm: “Em đi rồi đường em đi quá xa. Tôi đâu ngờ tình ta sẽ phôi pha. Lòng người như mây chiều thôi xa vời…” (Người về trong chiêm bao). Không ít lần, anh vừa hát, vừa rơi nước mắt, khóc thương người vợ quá cố.
Vậy mà chỉ ba năm sau, Chế Linh lại thêm một lần mắc vào lưới nhân duyên, khi nảy sinh mối tình sét đánh với một cô gái xinh đẹp hàng xóm, tên là Vương Nga (18 tuổi). Chế Linh không ngờ dung nhan của nàng có nhiều nét giống Thúy Hằng, cô vợ thứ ba, thế là say sóng. Tất nhiên Vương Nga thuận tình bởi nàng cũng là một “fan” hâm mộ chàng ca sĩ này.
Thêm một chuyện “Hẹn hò″ say đắm bất tận. Mấy tháng sau, Chế Linh cho người mai mối và xin cưới, nhưng đã bị cha mẹ Vương Nga từ chối thẳng thừng. Ắt hẳn là ai cũng sợ cái lý lịch tình ái quá rắc rối của Chế Linh. Ai dè Chế Linh lại tiếp tục chơi trò “bắt cóc” Vương Nga. Nói là vậy, nhưng chính là chàng đã dụ nàng khăn gói đi theo mình.
Vụ án “trò chơi tình ái” lại ầm ĩ giới truyền thông. Ai cũng nghĩ Chế Linh là người dân tộc Chăm nên hay có những cách tỏ tình, kiểu rất “dị” như vậy. Sau ba tháng chơi trò “cút bắt”, Chế Linh đã thành công. Gia đình Vương Nga đành phải chấp nhận quy luật “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”. Cuối năm 1975 họ cưới nhau.
Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn ca sĩ người Chăm này là sự chân thành, nồng thắm. Anh bày tỏ về tình yêu của mình với Vương Nga khi sáng tác ca khúc “Xin yêu tôi bằng cả tình người”. Anh viết riêng cho người vợ thứ tư, rằng: “Tình yêu ơi đến nữa mà chi. Tình yêu ơi đến nữa làm gì. Tôi sợ rồi một ngày nào đó. Tình đến rồi tình vụt bay đi”. Nghĩa là anh cầu mong cho Vương Nga đừng bỏ dở cuộc tình giữa chừng như người đẹp Thúy Hằng. Chớ để kiếp nạn bơ vơ khổ đau xảy ra một lần nữa.
“Kỷ lục” trong làng ca nhạc
Tính đến nay, ca sĩ Chế Linh đã định cư ở Canada được 40 năm, với người vợ thứ tư. Cuộc đồng hành trên con đường tha hương của hai người thực sự gắn bó và hạnh phúc. Trước đó, không ít người đặt dấu hỏi về chuyện tình thứ tư của Chế Linh được bao lâu sẽ chấm dứt. Nhưng con người đào hoa miên man này đã có người vợ thứ tư, một dây cương phong tỏa, anh trở nên trầm tĩnh, tập trung vào ca hát.
Vợ chồng ca sĩ Chế Linh hiện tại.
Càng ngày khán giả càng thấy giọng hát Chế Linh truyền cảm, day dứt hơn, trong âm sắc u buồn. Độ nồng nàn, trong men say tình ái càng đê mê hơn, khi hát về những nỗi cô đơn, buồn tủi. Vẫn một hình ảnh mơ mộng, trĩu nặng với sự ly tan trong giọng hát. Anh luôn luôn có vị trí trong lòng khán giả ở hải ngoại hay trong nước, mặc dù cùng thế hệ với anh đã có các ca sĩ nổi tiếng như Duy Khánh, Nhật Trường, hay Hùng Cường. Hoặc kể cả lớp sau, cũng có những nam ca sĩ hát cùng dòng nhạc với anh, rất nổi tiếng như Tuấn Vũ, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh…
Quả thế, hiện ca sĩ Chế Linh được người đời phong danh hiệu nhiều kỷ lục nhất trong làng ca nhạc. Nhiều vợ nhất (4 vợ), đông con nhất (14 con); nhiều con trai theo nghề ca hát nhất (7 người con). Và đặc biệt, anh còn là người tự viết ca khúc cho mình hát, với con số kỷ lục trên 100 tình khúc. Kèm theo đó, số lượng ca khúc của Chế Linh cũng được phát hành, hơn một ngàn bài được thu âm trong suốt nửa thế kỷ qua, tính từ album đầu tiên năm 1964. Quả là những kỷ lục khó ai địch nổi.
Giọt nước mắt thời gian
Anh thường tâm sự, khi nói về sự tồn tại của mình, chính là do khán giả ban cho. Vậy nên tấm thân này, giọng hát này đã thuộc về người nghe, cần phải chăm chút giữ gìn nó, như một báu vật của đời mình. Lần đầu tiên được phép trở về nước biểu diễn năm 2011, Chế Linh đã lặng người, nghẹn ngào đứng trước hàng ngàn khán giả.
Một cảm xúc bất ngờ vì được khán giả gọi tên. Lời ca đầu tiên, bất ngờ thảng thốt, tê tái trong giai điệu “Ai cho tôi tình yêu”. Đó được coi là đêm biểu diễn hay nhất của Chế Linh sau hơn 30 năm xa xứ. Sau đó là chuyến biểu diễn “Xuyên Việt” năm 2015, qua các tỉnh miền Bắc, càng cho thấy giọng hát Chế Linh đúng là thuộc về mọi tầng lớp khán giả.
Đặc biệt, tiếp tục chuyến biểu diễn “Xuyên Việt” hồi 2017, dường như có một Chế Linh khác biệt hẳn, tươi tắn, nồng nàn và hạnh phúc. Một chuyến du ca tới những thành phố, địa phương ở miền Nam. Đêm nào và ở đâu cũng chật kín khán giả.
Nhiều lần Chế Linh cố ghìm nỗi xúc động lặn sâu cùng lời ca, nhưng giọng anh vẫn nghẹn đi bất chợt, trong những nốt trầm xao xuyến. Khán giả đứng dậy vỗ tay cổ vũ. Chính lúc đó, những giọt nước mắt trào ra, lăn theo những vết rạn thời gian, bất tận của một đời người ca sĩ.
Theo VNCA