Tác phẩm điện ảnh mới về King Kong không phụ lòng khán giả yêu điện ảnh khi đem đến những thước phim giải trí đỉnh cao, đủ giúp khỏa lấp một vài tồn đọng về mặt kịch bản.
Thể loại: Giả tưởng, hành động
Đạo diễn: Jordan Vogt-Roberts
Diễn viên chính: Tom Hiddleston, Brie Larson, Samuel L. Jackson, John Goodman
Năm 1973, hàng loạt hình ảnh vệ tinh gửi về cho thấy sự tồn tại của một hòn đảo bí ẩn nằm ở vùng biển Thái Bình Dương có mật danh “đảo Đầu lâu”. Chúng lập tức thu hút sự chú ý của hai thành viên thuộc tổ chức Monarch là Bill Randa (John Goodman) và Houston Brooks (Corey Hawkins).
Song, chính phủ Mỹ lúc này còn đang bận rộn lo toan cho quá trình rút quân khỏi Việt Nam sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Bằng nỗ lực đàm phán, Marlow và Brooks thuyết phục nhà cầm quyền cử một toán binh lính cùng mình đến thăm dò đảo Đầu lâu. Họ lý giải rằng nếu để phía Liên Xô phát hiện ra trước những bí mật tại đó thì hậu quả sẽ vô cùng khôn lường.
Kong: Skull Island là bom tấn mới về King Kong và từng có quãng thời gian ghi hình kéo dài hơn một tháng tại vịnh Hạ Long, tỉnh Ninh Bình và Quảng Bình hồi đầu năm 2016. |
Hai người nhanh chóng tập hợp đội ngũ bao gồm chuyên gia dẫn đường James Conrad (Tom Hiddleston), nhiếp ảnh gia chiến tranh Mason Weaver (Brie Larson), chỉ huy Preston Packard (Samuel L. Jackson) cùng binh lính của ông, và một số khoa học gia, để bay tới đảo Đầu lâu trong khoảng thời gian dự kiến rất ngắn.
Song, ngay khi tới nơi, tất cả lập tức chạm trán King Kong cùng nhiều loài sinh vật ghê rợn khác. Họ mau chóng bị tan đàn xẻ nghé. Mỗi nhóm phải tìm cách tự di chuyển tới điểm tập kết, với hy vọng mong manh có thể thoát khỏi chốn địa ngục trần gian với muôn vàn cạm bẫy. Chuyến hành trình tưởng như ngắn ngủi bỗng chốc trở nên dài như vô tận.
Một tác phẩm “kaiju” thực thụ
Quái vật King Kong lần đầu tiên ra mắt khán giả vào năm 1933 trong bộ phim cùng tên, được mệnh danh là “kỳ quan thứ tám”, và tạo ra cuộc cách mạng trong lịch sử điện ảnh.
Suốt hơn 80 năm qua, đã có thêm vô số tác phẩm khai thác nhân vật dưới nhiều góc độ khác nhau, với những trải nghiệm mãn nhãn của từng thời đại, mà gần nhất là phiên bản năm 2005 dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn kỳ tài Peter Jackson.
Kong: Skull Island của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts thực chất là tác phẩm nằm trong chuỗi phim quái vật mà Legendary Pictures và Warner Bros. đang gắng công xây dựng. Nhà làm phim trẻ tuổi chia sẻ rằng bản thân anh từng đặt ra câu hỏi “tại sao phải làm tiếp King Kong” khi ê-kíp sản xuất tiếp cận mình cho ghế chỉ đạo dự án.
Đặt bối cảnh bộ phim vào thập niên 1970, cụ thể là thời điểm cuộc chiến tranh Việt Nam chuẩn bị khép lại, là ý tưởng sáng tạo của Jordan Vogt-Roberts.
Ban đầu, tác phẩm mang dáng dấp của một bộ phim chiến tranh. Nhưng sự xuất hiện sớm của Kong đẩy câu chuyện rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. |
Do đó, tác phẩm chứa đựng nhiều hình ảnh khiến người xem liên tưởng tới sự kiện gây ảnh hưởng bậc nhất tới chính trường thế giới, đặc biệt là nước Mỹ, trong thế kỷ XX, như lúc dàn máy bay trực thăng Huey bay tới đảo Đầu lâu, ném bom xuống mặt đất nhằm thăm dò bề mặt địa danh bí ẩn…
Không chỉ dừng lại ở mặt hình ảnh, phần âm nhạc của Kong: Skull Island cũng mang đậm bầu không khí thập niên 1970, với các bản nhạc rock bất hủ như White Rabbit của Jefferson Airplane, Paranoid của Black Sabbath, Run Through the Jungle của CCR, Ziggy Stardust của David Bowie, hay thậm chí là giai điệu nổi tiếng Mặt trời đen.
Chính bởi lẽ đó, khoảng 1/4 đầu phim, có những khoảnh khắc khiến người xem cảm giác đây là một tác phẩm điện ảnh mang đề tài chiến tranh Việt Nam. Song, khác với nhiều phim quái vật Hollywood, Kong: Skull Island không giấu nhân vật chính quá lâu. King Kong sớm xuất hiện và đưa bom tấn rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.
Kong nhanh chóng phô diễn sức mạnh trước loài người bé nhỏ, và đó đồng thời là lúc sức mạnh của kỹ xảo và công nghệ vi tính lên tiếng. Hình ảnh King Kong hiện lên chân thực, sống động qua từng cử chỉ, nét mặt. Có lúc, sinh vật xuất hiện giữa ánh hoàng hôn, lúc lại thoắt ẩn thoắt hiện sau làn sương mờ khói với ánh trăng trên cao…
Quá trình tiền kỳ kéo dài hơn một năm của Jordan Vogt-Roberts tại Việt Nam, Australia và quần đảo Hawaii (Mỹ), cộng thêm sức mạnh của công nghệ, rõ ràng đã mang lại kết quả mỹ mãn.
Tạo hình và hành động của King Kong trong phim rất đáng sợ, bạo liệt và chân thực. |
Xuyên suốt Kong: Skull Island, King Kong không chỉ chiến đấu với con người, mà nó còn phải cảnh giác trước nhiều loài sinh vật trên hòn đảo huyền bí. Đó có thể là một con mực với những chiếc xúc tu khổng lồ, loài kiến to lớn với đám chân nhọn hoắt, hay nguy hiểm hơn cả là lũ sinh vật trông giống như thằn lằn, được đặt cho biệt danh “Skull Crawlers”.
Khi bộ phim dần đi đến hồi kết, khán giả có thể cảm nhận rõ rằng Kong: Skull Island thực chất là một tác phẩm thuộc dòng “kaiju” (tạm dịch: “quái vật kỳ lạ” trong tiếng Nhật Bản), chủ yếu tập trung vào các loài sinh vật kỳ quái và cuộc chiến giữa chúng.
Từng nhân vật con người cứ thế ngã xuống, theo đủ cách bi thảm khác nhau, dù cách thể hiện trên phim chỉ ở mức bạo lực vừa phải do phim nhắm tới nhãn PG-13 (hạn chế khán giả dưới 13 tuổi) tại quê hương Bắc Mỹ.
Nhưng khi nhìn lại toàn bộ tác phẩm, khán giả cũng có thể hiểu rằng Kong còn là hình ảnh ẩn dụ cho Việt Nam trong cuộc chiến mà người Mỹ đã thất bại vào thập niên 1970, với sức mạnh mà từ những người chỉ huy kỳ cựu như Packard cho tới đám binh sĩ trẻ tuổi không thể hiểu nổi, sẵn sàng chống lại kẻ thù “tự nhiên đến nhà người khác thả bom”.
Sáng tạo có lợi cho Việt Nam
Với riêng King Kong, Jordan Vogt-Roberts tỏ ra khá trung thành với các bản phim xưa cũ khi cho nhân vật đứng hẳn bằng hai chân, có những cử chỉ hệt như con người.
Được quảng cáo là phiên bản sở hữu kích thước lớn nhất trên màn ảnh Hollywood từ trước tới nay, Kong nay cao hơn 30 m. Sinh vật ban đầu đáng sợ là vậy, nhưng thực chất giống như thần hộ vệ của hòn đảo Đầu lâu và được khắc họa như một người hùng.
Đó là điểm tương đồng giữa King Kong với Godzilla trong bom tấn quái vật cùng tên năm 2014. Bởi vậy, sau khi bộ phim khép lại, người hâm mộ hẳn sẽ cảm thấy tò mò về cuộc đối đầu giữa hai “đồng nghiệp” Kong và Godzilla mà nhà sản xuất dự kiến tung ra vào năm 2020.
Khán giả Việt Nam có thể trông thấy rõ cảnh quan quê hương qua những thước phim của Kong: Skull Island. |
Có một thay đổi lớn trong cốt truyện Kong: Skull Island nếu so với các phim King Kong cũ. Đó là việc phần lớn thời lượng tác phẩm lấy bối cảnh trên đảo Đầu lâu, và sinh vật không còn bị đưa về đất liền. Điều này lý giải tại sao đoàn làm phim từng có quãng thời gian ghi hình kéo dài tới hơn một tháng ở các vùng đất hoang sơ của Việt Nam hồi đầu năm 2016.
Cảnh quan của lần lượt vịnh Hạ Long, tỉnh Ninh Bình và Quảng Bình cứ thế hiện lên trên màn ảnh, không chỉ một mà rất nhiều lần, trong cả những trường đoạn quan trọng nhất. Sáng tạo nghệ thuật về mặt kịch bản rốt cuộc trở thành điểm có lợi cho ngành du lịch Việt Nam trong tương lai, nếu như các địa phương biết cách khai thác hiệu quả, hợp lý.
Sự nhạt nhòa của con người
Là một tác phẩm “kaiju”, với trọng tâm là những trận chiến giữa các loài quái vật, Kong: Skull Island vẫn cố gắng chiêu mộ hàng loạt tên tuổi hàng đầu Hollywood cho dàn diễn viên. Song, kể từ sau khi nhóm nhân vật con người đặt chân lên đảo Đầu lâu, họ cứ thế trở nên mờ nhạt dần.
Thú vị hơn cả trong nhóm này là viên phi công Hank Marlow do danh hài John C. Reilly thể hiện. Là người lính Thế chiến thứ II bất đắc dĩ kẹt lại trên đảo, ông là nhân vật có câu chuyện nền rõ ràng nhất, đồng thời là cá nhân chủ yếu khơi nguồn cho những khoảnh khắc hài hước của tác phẩm, giúp nhịp phim căng thẳng đôi lúc được giãn ra.
Tập trung nhiều cho các loài quái vật, nhóm nhân vật con người trong phim càng về sau càng như bị “bỏ quên”, có ít cơ hội để thể hiện tính cách, tâm lý. |
Samuel L. Jackson trong vai Preston Packard cũng là một nhân vật rất thú vị khi ông không chấp nhận kết quả của cuộc chiến tranh, nhận lời tới đảo Đầu lâu như một hình thức giải tỏa và không ngờ gặp được đối thủ “xứng đáng”. Song, việc có quá nhiều nhân vật trong phim khiến Packard càng về sau càng có ít cơ hội để thể hiện xung đột nội tâm.
Tuy là nhân vật chính, nhưng cả James Conrad của Tom Hiddleston và Mason Weaver của Brie Larson đều chưa được khai thác trọn vẹn. Khán giả khó thấy được tại sao Conrad lại đặc biệt hơn những nhân vật còn lại, đặc biệt trong vai trò người dẫn đường.
Còn đóng góp của Weaver bị giảm nhẹ theo cốt truyện tác phẩm, bởi đạo diễn Jordan Vogt-Roberts không muốn lặp lại mô-típ “người đẹp và quái vật” như các phim King Kong trước đây. Tài năng của Brie Larson, điều từng được ghi nhận qua tượng vàng Oscar hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc hồi đầu năm 2016, do đó gần như bị phung phí.
Sau khi ra mắt, Kong: Skull Island chắc chắn phải đón nhận sự so sánh với King Kong (2005) của Peter Jackson. Kong trong bộ phim mới to lớn hơn, sống động hơn, nhưng dường như thiếu đi một chút cá tính riêng như ở tác phẩm cách đây 12 năm.
Có lẽ bởi Kong: Skull Island nằm trong một chuỗi phim nên đội ngũ biên kịch và nhà sản xuất chưa muốn khai thác hết tiềm năng nhân vật và để dành lại cho các bộ phim tiếp theo.
Nhìn chung, Kong: Skull Island là một tác phẩm mang đậm tính giải trí, với nhiều cảnh quay hoành tráng, mãn nhãn, đậm đặc kỹ xảo. Các fan của dòng phim quái vật chắc chắn cảm thấy phấn khích khi theo dõi bom tấn có thời lượng 120 phút.
Ảnh: Warner Bros
Theo Zing