“Lệ Rơi là thảm họa mạng, còn Miu Lê và Chi Pu dù giọng hát chưa tốt nhưng vẫn là câu chuyện âm nhạc. Do vậy, không thể so sánh với nhau”, nhà phê bình Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.
Phát ngôn “Ở Việt Nam cứ cầm micro là ca sĩ” của Chi Pu trở thành tâm điểm dư luận thời gian gần đây. Nhiều nghệ sĩ cho rằng phát ngôn của Chi Pu là xúc phạm nghề hát, đồng thời không công nhận hot girl với tư cách ca sĩ.
Thu Minh, trong một cuộc trò chuyện, dù không lên án việc Chi Pu đi hát nhưng giọng ca Đường cong cũng cho rằng “Chưa thể gọi Chi Pu là ca sĩ”.
Trong một diễn biến tương tự, nhạc sĩ Dương Cầm cũng nhận định “Miu Lê chưa đủ trình để được gọi là ca sĩ”. Theo tác giả Mong anh về, “với những bài hát tầm thường và giọng hát không đạt được mức độ cơ bản”, anh chỉ ghi nhận Miu Lê ở vai trò diễn viên.
Phát ngôn thẳng thắn của Dương Cầm nhận nhiều ý kiến trái chiều. Dù khá thân thiết, Slim V không đồng tình với nhạc sĩ, còn Miu Lê đáp trả “Tôi chỉ cần khán giả nghe mình hát, chứ không nỗ lực vì danh xưng”.
Trên mạng xã hội, một khán giả bình luận “Chưa bao giờ khái niệm ca sĩ lại được quan tâm và gây tranh cãi đến vậy”.
Chi Pu liên tiếp ra sản phẩm âm nhạc dù giọng hát bị nhận xét là yếu ớt.
‘Ca sĩ là định nghĩa mở, chưa có tiêu chuẩn rõ ràng’
Nhạc sĩ – nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng “ca sĩ” là một từ mở và chưa có định nghĩa hay tiêu chuẩn rõ ràng. Do vậy, đứng ở mỗi góc độ lại có cách nhìn nhận khác nhau.
“Dương Cầm và Thu Minh không công nhận Miu Lê và Chi Pu là ca sĩ vì hai nghệ sĩ này đang đứng ở góc độ ca sĩ chuyên nghiệp. Với người chuyên nghiệp thì ca sĩ ít nhất phải đạt được tiêu chuẩn về giọng hát, hơi thở, âm thanh và không cần sự hỗ trợ của kỹ thuật”, nhà phê bình nhấn mạnh.
Thế nhưng, đại đa số công chúng hiện nay lại quan tâm đến yếu tố giải trí. Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, nếu đứng ở góc độ này, không có giọng hát vẫn có thể được gọi là ca sĩ.
“Một đứa trẻ khi cất tiếng hát, cha mẹ có thể gọi bé là ca sĩ. Những ca sĩ hát trong các chương trình quần chúng cũng có thể được giới thiệu là ca sĩ. Ca sĩ không cần phải có bằng cấp hay thẻ hành nghề như bác sĩ, nhà báo. Đôi khi, một người được gọi là ca sĩ chỉ vì họ phục vụ cho một đối tượng nào đó”, nam nhạc sĩ nhấn mạnh.
Trong các định nghĩa về từ ca sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đồng tình với lý giải “ca sĩ là người thể hiện ca khúc bằng giọng hát của mình”. Và cơ bản, người nói được là hát được, dù có thể là hay hoặc dở.
Miu Lê bị Dương Cầm nhận định là “chưa đủ trình để được gọi là ca sĩ”.
‘Chi Pu chịu khó rèn luyện sẽ đáp ứng được thị hiếu’
Với phân tích của mình, nhạc sĩ – nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết “có thể gọi Miu Lê và Chi Pu là ca sĩ”, thậm chí có thể xếp hai người này vào danh sách “ca sĩ chuyên nghiệp”.
“Các bạn ấy có chiến lược, hướng đi, kế hoạch và đầu tư bài bản cho sản phẩm âm nhạc của mình. Khách quan mà nói thì đó chính là ca sĩ chuyên nghiệp. Miu Lê, Chi Lu không đạt đến cảnh giới tài năng âm nhạc nhưng về mặt giải trí, hai bạn ấy đáp ứng được nhu cầu của công chúng. Âm nhạc giải trí là xu hướng tất yếu, do vậy, chúng ta phải ghi nhận”, Nguyễn Quang Long nêu quan điểm.
Về việc Miu Lê, Chi Pu bị cho là hát live chênh, phô, thều thào, yếu ớt, nhà phê bình Quang Long cho rằng nếu ở thời kỳ đầu của Làn sóng xanh thì hai giọng ca này không có cửa để trở thành ca sĩ.
Một thời kỳ, không có giọng không thể làm ca sĩ. Nhưng thời nay đã khác. Nhờ kỹ thuật điện tử, nhiều ca sĩ không có giọng vẫn làm ca sĩ được vì kỹ thuật phòng thu đã đạt đến mức “phù thủy”, có thể chỉnh chênh phô, cao độ.
Giọng hát chỉ cần có màu, còn các lỗi khác, kỹ thuật phòng thu có thể “cứu”.
“Về trường hợp của Chi Pu, hay hay dở thì đã rõ ràng. Nhưng giọng hát, tôi đánh giá Chi Pu là một người có giọng. Trong tương lai, nếu bạn ấy chịu khó học hỏi, rèn luyện thanh nhạc thì sẽ hát được những bài đơn giản, đáp ứng được thị hiếu nghe nhìn. Tất nhiên, Chi Pu không thể đạt đến đẳng cấp như Thanh Lam, Thu Minh, Thu Phương nhưng làm ca sĩ giải trí thì được”, nhà phê bình nhấn mạnh.
Là người có nhiều năm nghiên cứu âm nhạc, phụ trách xuất bản ấn phẩm âm nhạc tại Nhà Xuất bản Âm nhạc, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng ca sĩ càng hát, càng ra nhiều sản phẩm, giọng hát cũng sẽ tốt hơn.
“Đan Trường là ví dụ, giọng lúc đầu rất yếu, nhưng sau thời gian ra album, giọng càng ngày càng hay hơn. Hồ Ngọc Hà cũng vậy, giọng hát của hiện tại đã tốt hơn trước rất nhiều. Thế nên, quan trọng vẫn là người hát phải có cái tình ở trong đó, còn giọng hát có thể cải thiện được nếu có sự cầu tiến”, nam nhạc sĩ nói.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long là một trong những nhà phê bình âm nhạc có tiếng. Anh là dân lý luận âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từng là Phó ban biên tập Nhà Xuất bản Âm nhạc.
‘Không thể so sánh Miu Lê, Chi Pu với Lệ Rơi’
Trên mạng xã hội, nhiều người so sánh Chi Pu với thảm họa âm nhạc Lệ Rơi, nhạc sĩ – nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng không thể so sánh vì đó là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
“Lệ Rơi là hiện tượng mạng, trở thành tâm điểm nhờ chiêu trò đứng sau. Miu Lê và Chi Pu, dù giọng hát có thể chưa tốt nhưng vẫn là câu chuyện của âm nhạc giải trí. Hai câu chuyện này không thể cùng đặt lên bàn cân được”, nhà phê bình quả quyết.
Theo Nguyễn Quang Long, giọng hát của Miu Lê và Chi Pu hơn hẳn “thảm họa” Lệ Rơi. Kỹ thuật phòng thu có thể giúp sản phẩm của Miu Lê, Chi Pu hay hơn, nhưng với trường hợp của Lệ Rơi, không kỹ thuật phòng thu nào có thể “cứu vãn” được.
Kết lại vấn đề, nhà phê bình cho rằng đời sống hiện nay, ngoài thế giới thực, còn có một thế giới mạng. Thế giới mạng có thể là cơ hội để những người không có lợi thế về giọng hát vẫn ra được sản phẩm và kiếm được tiền. Nhưng nếu muốn đi được đường dài thì phải có sự quyết tâm và cải thiện giọng hát.
“Nếu Chi Pu muốn sống lâu hơn trên con đường âm nhạc, tôi cho rằng bạn ấy cần có chiến lượng tốt hơn, với giọng hát tốt hơn. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là lời khuyên, còn thành bại vẫn là sự quyết định của khán giả”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho hay.
Lê Quang Đức
Theo Zing